Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

THIÊN CHÚA CÓ HIỆN HỮU KHÔNG?

1. Lần theo dấu vết Thiên Chúa
Sẽ có một lúc nào đó trong tuổi thanh niên và thành niên, vấn đề ý nghĩa cuộc đời được đặt ra một cách cá nhân hơn, và từ đó kéo theo câu hỏi về niềm tin vào Thiên Chúa. Có hay không có một Thiên Chúa ngã vị mà chúng ta là hình ảnh của Người, Đấng hằng biết rõ và yêu thương chúng ta? Ngày nay tin vào Người có phải là khôn ngoan chăng?


Chúng ta không thấy Chúa; nếu không, ta đã chẳng cần tin vào Người. Thế nhưng, trí khôn của chúng ta có thể nhận ra các dấu vết của Người. Quả thật, có một cách nhận thức mà chúng ta vẫn dùng trong suốt ngày sống của mình: đó là nhận thức qua các dấu chỉ. Một bó hoa được đặt trên bàn của tôi. Nếu lơ đễnh, có thể tôi chẳng thấy. Nếu dửng dưng, tôi sẽ không thấy nó có ý nghĩa gì. Nhưng nếu chú ý, tôi sẽ nhận ra đó là những bông hoa uất kim hương. Nhưng tôi còn có thể thấy nhiều điều hơn nữa. Xuyên qua bó hoa đặt trên bàn, tôi có thể đọc ra một tình yêu: một bàn tay yêu thương đã đặt những cánh hoa vàng ấy – những bông hoa được tôi ưa thích – để chúc mừng sinh nhật của tôi. Thế nên, nếu Thiên Chúa hiện hữu lẽ nào Người sẽ chẳng tìm cách ra dấu cho tôi, tuy rất thật, nhưng cũng kín đáo để khỏi cưỡng ép tự do của tôi?
Vậy thì ta phải lên đường làm một chuyến mạo hiểm trong khiêm nhượng, gan dạ, cởi mở, ước mong đón nhận chân lý cho dầu có phải vì thế mà đảo lộn cuộc sống của mình.
Chúng ta hãy bắt đầu cuộc thám hiểm của mình bằng một khám phá mới mẻ về vũ trụ mà ta đang sống.
2. Vũ trụ kỳ diệu
Cuộc sống thật là một cuộc mạo hiểm lạ lùng! Tôi được đặt vào cỗ máy tròn trịa, là trái đất này, mà chẳng cần được hỏi xem có bằng lòng hay không. Tôi bám vào trái đất như một con ruồi đậu trên một quả cầu. Tại xích đạo, trái đất quay quanh mình mỗi ngày một vòng lớn với tốc độ 1.000 km.giờ và quay quanh mặt trời theo một quỹ đạo hình bầu dục với vận tốc 108.000 km.giờ.
Thật ra, toàn thể thế giới là một phòng khiêu vũ rộng mênh mông trong đó các vũ nữ hiếu động, là các ngôi sao và các hành tinh, đang quay tít chẳng hề ngơi nghỉ. Mặt trời cùng với trái đất và các hành tinh trong hệ của nó chỉ là một thiên thể trong số hằng tỉ thiên thể khác. Nó là thành phần của một thiên hà vĩ đại có tên là Galaxie. Thiên hà này là một màn vũ quy tụ 100 tỉ vũ nữ, là 100 tỉ ngôi sao! Ấy vậy mà qua các nhà chiêm tinh học, tôi biết được rằng dải Galaxie chẳng đáng là gì trong vũ trụ cả, bởi chưng có khoảng nửa tỉ thiên hà tương tự như thế nữa, hay 500 triệu thành đô tinh tú mà mỗi thành đô có đến 100 tỉ cửa sổ. Thật là một vũ trụ kỳ diệu!
Thế nhưng, có một câu hỏi được đặt ra. Vũ trụ được cấu tạo như thế nào, làm sao vũ trụ lại là một thực tại có thể hiểu được, vì những nhà thông thái như Newton đã khám phá ra những định luật trong vũ trụ ấy?  Tại sao ta có thể đoán trước được lúc xảy ra nhật thực hay nguyệt thực, tính toán được một cách chính xác quỹ đạo của một thiên thể? Ai sắp đặt màn vũ của các ngôi sao ấy? Ai là tác giả của dữ kiện khoa học này? Nếu quả có những quy luật, đó là do ai vậy?
Một số người đã trả lời các câu hỏi này. Tổng thống Hoa Kỳ, ông Abraham Lincoln, đã nói: “Tôi có thể hiểu được nếu chỉ nhìn mặt đất mà vẫn sống vô thần; thế nhưng tôi không tài nào hiểu được làm sao đêm đêm khi ngước mắt nhìn trời mà lại nói rằng chẳng có Thiên Chúa”.
Các kỳ quan của thiên nhiên cũng gây rất nhiều ấn tượng đối với tôi. Thế giới thảo mộc, động vật luôn làm ta ngỡ ngàng, khi ta chịu khó đi vào các bí ẩn của chúng.
Cái gì thúc đẩy loài cá hồi sau nhiều năm sống ngoài biển, quay về đúng dòng sông mà nó đã từng được sinh ra để lội ngược dòng, dù gặp biết bao trở ngại, và chết đi sau khi đã đẻ trứng ngay nơi mà trước đây nó đã được chào đời?
Việc di trú của loài chim cũng hấp dẫn không kém. Giống chim óc cau ở Thái bình dương bay một mạch 4.000 km không nghỉ từ Alaska tới Hawaii, với một độ an toàn đáng ngạc nhiên ở trên mặt biển, không cần phải có các cột mốc ở dưới đất.
Quả thế, càng quan sát thực tế - bầu trời đầy sao, cách ứng phó của loài cá hay của thú vật, một nắm tuyết, một cành hoa – tôi càng thấy ở đó có một sự tổ chức, một sự tuân hành các quy luật. Làm thế nào giải thích được những điều này?
Ai chịu trách nhiệm về những sự tổ chức đó? Thiên nhiên ư? hay là ngẫu nhiên? hay là một Trí Tuệ tổ chức? Không hề có luật nào mà chẳng có người làm luật, không hề có trật tự nào mà chẳng có người quy định trật tự, không hề có tổ chức nào mà chẳng có người thiết lập tổ chức.
Này bạn, bạn đọc được điều gì sau “mầu nhiệm của vạn vật” này?
Có một dữ kiện khoa học đã đành. Nhưng cái làm cho ta thắc mắc chính là tại sao có dữ kiện này cùng với cách tổ chức của nó. Tại sao có một sự gì đó thay vì không có gì cả? Dữ kiện này có cần thiết không? Nó có thể không hiện hữu được không? Vậy nếu nó hiện hữu, thì ai làm cho nó hiện hữu và ai đã tổ chức xếp đặt nó? Voltaire, chẳng phải là một người nhẹ dạ dễ tin, cũng đã trả lời như sau: “Về phần tôi, càng suy nghĩ, tôi càng khó có thể nghĩ rằng cái đồng hồ này chạy mà không có thợ làm ra nó.”
3. Con người, một kẻ xa lạ
Đối với tôi, còn có một dấu chỉ của Thiên Chúa nữa, đó là con người với thân xác, tinh thần và tâm hồn.
Chẳng hạn, ta biết nói gì về cách tổ chức của con mắt, một ống kính truyền hình tuyệt diệu, có nhiệm vụ chuyển về não các hình ảnh mà nó ghi được. Trong một võng mạc của con người, ta đếm được 4 triệu que hình nón tiếp nhận ánh sáng, mỗi que nối liền với một tế bào não mà thôi và trong việc nhìn xem, ban ngày chúng có nhiệm vụ chính là phân biệt các hình thể và màu sắc.
Hay bộ não con người, chỉ với 1.400 gam thôi, mà có khả năng suy tư về cả vũ trụ.
Chính nhờ có tinh thần mà con người là một hữu thể hoàn toàn đặc biệt trong thế giới các sinh vật. Trí tuệ con người khao khát lĩnh hội, mong muốn hiểu biết các nguyên nhân của các hiện tượng.
Trí tuệ ấy đã đặt ra vấn đề vị trí của con ngươi trong vũ trụ và trong lịch sử nhân loại. Tôi là ai? Tôi đi đâu? Tôi làm gì trong thế giới? Chẳng có sinh vật nào khác có khả năng tự vấn về cái lẽ tại sao của đời mình như thế.
Tâm trí sắc bén ấy của con người biết phân tích các cảm giác, so sánh, phán đoán, rút ra từ đó những ý tưởng trừu tượng, tổng quát, và ngay cả ý niệm về một Hữu thể thượng đẳng, linh thiêng, toàn hảo,  vô cùng, toàn năng, là nguyên nhân đầu tiên của mọi sự, quen gọi là Thiên Chúa.
Phải chăng não tiết ra tư tưởng như gan tiết ra mật? Dĩ nhiên, não cần thiết để làm phát sinh tư tưởng, nhưng nó chẳng phải là tác giả của tư tưởng, mà chỉ là điều kiện, là dụng cụ thôi.
Vậy thì do đâu mà có cái nguyên lý tinh thần định tính, làm linh hoạt thân xác, thậm chí đấu tranh với thân xác, làm chủ nó, bắt nó khuất phục mà vẫn luôn hiệp nhất sâu xa với nó? Đối với người có suy nghĩ, không thể giải thích nguồn gốc tinh thần con người mà không nhờ đến sự can thiệp của một Trí Tuệ thượng đẳng, mà trí khôn con người chỉ là một phản ảnh.
Trái tim con người cũng là một dấu chỉ cho tôi thấy sự hiện hữu của một Đấng Tuyệt đối. Đối với tôi, những ước vọng, tình trạng bất mãn cơ bản của tâm hồn con người cũng lạ lùng như việc con người hiện hữu vậy. Nghệ nhân không bao giờ thỏa mãn về tác phẩm của mình, cũng tương tự như nhà bác học đối với các phát minh, và nhà điền kinh đối với các cuộc biểu diễn của mình vậy. Ta luôn luôn muốn tiến xa hơn, nhanh hơn, cao hơn.
Đối với tôi, cái trống vắng mà không gì có thể lấp đầy được, cái tiếng gọi hướng về cõi vô cùng này, là một tín hiệu, một dấu lõm cho biết về Đấng Tạo Hoá. Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên con cho Ngài, và tâm hồn con chẳng hề ngơi nghỉ bao lâu chưa được yên nghỉ trong Ngài”.
Vâng, tôi tin rằng con người là hình ảnh gần cận nhất của Thiên Chúa, là dấu chỉ toàn vẹn trong số các dấu chỉ  về Người. Qua thân xác mình, con người nói lên sự hoàn hảo của Thiên Chúa, qua sự hiện hữu của mình, nó nói lên sự hiện hữu tròn đầy của Đấng Tạo Hoá; qua tâm trí mình, nó tỏ lộ một Trí Tuệ vô bờ; qua con tim luôn khao khát cái vô cùng, nó nói lên sự vô cùng của Thiên Chúa. Ta không thể giản lược con người bằng cách coi nó chỉ là một sản phẩm của ngẫu nhiên và tất yếu, nếu không muốn làm què cụt con người.
4. Ngẫu nhiên, vật chất hay là một trí tuệ tổ chức?
Ta hãy nói về ngẫu nhiên! Có thể dùng ngẫu nhiên để giải thích con người và vũ trụ không? Nhưng như thế thì làm sao nói được rằng vũ trụ là một thực tại có thể hiểu được, vì các nhà bác học đã khám phá ra trong đó có các quy luật, và bởi vậy phải có tổ chức. Trong cuộc sống hằng ngày, ngẫu nhiên thường chỉ sản sinh ra sự lộn xộn, vô trật tự thôi. Nếu tôi ném lên không 4 chữ ARSPI, thì tôi phải mất rất nhiều thời gian để có được một chữ PARIS được xếp theo đúng thứ tự. Điều gay cấn nhất là làm sao sau mỗi lần tung lên ta đều có được chữ ấy. Đang khi đó, một hạt dẻ luôn sinh ra một cây dẻ và chẳng bao giờ người ta thấy một hạt hoa kim liên lại sinh ra một chú voi con cả! Vấn đề là ở chỗ, trong vũ trụ, trật tự ấy luôn luôn có.
Có người lại quả quyết rằng chỉ nguyên vật chất thôi, tự sức riêng của nó đã đẻ ra sự sống, tư tưởng và ý thức ở trong vũ trụ này; tuy vậy, nguyời ta chỉ quả quyết chứ chưa hề chứng minh. Nếu vậy vật chất này chính là Sinh vật vĩ đại, vĩnh cửu, không do ai tạo thành, là Tạo hoá của tất cả mọi sự được khai sinh trong suốt quá trình tiến hoá của vũ trụ.
Ai lại chẳng thấy rằng vật chất ấy có đủ mọi thuộc tính mà các nhà thần học thường gán cho Thiên Chúa: vật chất ấy có tính tất yếu, không thể không hiện hữu, tự mình hiện hữu và hiện hữu cho chính mình, thông minh và thậm chí còn biết yêu nữa, vì trong vũ trụ đã có nhiều dấu chỉ tình yêu. Than ôi, đó lại không phải là những đặc tính mà các nhà vật lý hiện nay thấy được nơi vật chất, trái lại, họ chỉ thấy vật chất thay đổi, không có trí tuệ, cũng chẳng có tình yêu.
Đối với tôi, vũ trụ như đang hiện hữu đây không nhất thiết phải có, không tất yếu phải có; vả lại cách đây chừng vài tỉ năm đâu thấy có sự sống. Rồi ai sẽ xếp đặt vật chất này để nó có thể phát triển thành con người có não bộ hẳn hoi? Theo tôi, vật chất không thể là kẻ đầu tiên ban tặng hữu thể và sự sống. Vũ trụ cùng với sự tiến hoá của nó giả thiết phải có một Trí Tuệ sáng tạo và tổ chức.
Voltaire đã từng nói: “Thế giới được tạo thành cách khôn ngoan. Vậy thì nó phải được tạo ra bởi một Trí Khôn đã tạo ra nó”. Thế mà, đã là trí khôn thì hẳn không thể là một sự vật, mà phải là một Ai đó. Dù gọi vị này là Đức Allah, là Đức Thích Ca, Đức Giêsu hay là Cha trên trời, tạm thời lúc này điều ấy không quan trọng. Quan trọng là Hữu Thể ấy phải là một Hữu Thể sống động, thông minh và yêu thương, một Hữu Thể mà nếu không có thì vũ trụ này sẽ thật phi lý.
Hữu Thể ấy đã lưu dấu lại trên bước đường Người đi qua. Chẳng hạn như vẻ đẹp đối với tôi cũng là một dấu chỉ của Thiên Chúa. Một cánh bướm nhìn qua kính hiển vi, một cảnh mặt trời lặn, vẻ mênh mông của biển cả, những sắc độ của mùa thu, vẻ duyên dáng của người vũ nữ trượt băng, cơ thể cuồn cuộn bắp thịt của người lực sĩ, một ánh mắt ngơ ngác của trẻ thơ, một áng thơ hay tuyệt vời, một tấu khúc hài hoà…, tất cả đều nói cho tôi biết về Thiên Chúa, và một khía cạnh của Thiên Chúa. Vẻ đẹp là chữ ký của một vị Nghệ sĩ vô biên đang mặc cho các đoá huệ ngoài đồng một vẻ huy hoàng lộng lẫy mà Đức Giêsu đã từng thán phục.
5. Dấu chỉ trên hết mọi dấu chỉ
Vâng, với trí khôn của mình, con người có thể lui về tận Thiên Chúa, là nguyên nhân đầu tiên của mọi sự. Nhưng chẳng phải là có một dấu chỉ trổi vượt hơn mọi dấu chỉ mà ta vừa khám phá ra đó sao? Vâng; quả là có như thế. Đó là một con người như chúng ta, nhưng là một con người có nhân tính ở mức độ cao đến nỗi, đối với tôi và với hàng triệu người khác, đó chính là một dấu chỉ hoàn hảo nhất về Thiên Chúa. Đó chính là Đức Giêsu, người thợ mộc xứ Palestina, bị xử tử ở Giuđê năm 30.
Mọi sử gia đều đồng ý Ngài là một con người có thật. Mọi nhà tư tưởng đều coi Ngài là một trong số các bậc hiền nhân khôn ngoan nhất . Còn mọi Kitô hữu đều bảo rằng các chứng nhân đáng tin cậy đã nhìn thấy Ngài còn sống sau khi đã chết. Đối  với tôi, Ngài là con người thành đạt nhất , là kiểu mẫu của loài người, là đỉnh cao của nhân loại, đồng thời cũng là khuôn mặt và là nụ cười của Thiên Chúa, là Thiên Chúa mặc lấy một ngã vị. Ngài đã đến nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là ai đối với con người và con người là ai đối  với Thiên Chúa. Theo thiển ý của tôi, trong Ngài ta tìm được lời giải đáp cho mọi vấn nạn của mình, tìm được chìa khoá mở ra ý nghĩa cho cuộc đời, bằng không cuộc đời sẽ chẳng có một ý nghĩa nào ráo trọi.
J.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét