Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

CÓ CÁCH NÀO CHỮA TRỊ NẠN BẠO LỰC?


1. Một thế giới bạo lực

Bạo lực có mặt khắp nơi trong thời đại chúng ta. Một trong các nguồn gốc của bạo lực là hận thù. Qua phương tiện truyền hình, bạo lực ùa vào mọi gia đình. Trong đa số phim ảnh, người bạo lực là người luôn gây ra chết chóc. Bạo lực ảnh hưởng đến các quan hệ gia đình, xã hội, chính trị, quốc tế: tạo hố ngăn cách giữa các thế hệ, tội phạm, bắt người làm con tin, tra tấn, xô xát trong xã hội, khủng bố, dùng quân sự lấn chiếm lãnh thổ, các thảm kịch xảy ra do tự vệ, các tội ác do phân biệt chủng tộc, thêm vào đó còn có nạn phá thai và làm chết người cách êm ái nữa.

2. Bi kịch của chiến tranh
Chiến tranh là cao điểm của bạo lực. Đã có thời gian, người ta đề cao chiến tranh như một thành tựu ưu việt của nhân loại, một phương thế để lao tới đài vinh quang và đoạt được những chiến thắng hấp dẫn. Chiến tranh được xem như một phương tiện hợp pháp để dàn xếp các xung đột.

Kỳ thực, chiến tranh vẫn luôn là nỗi bất hạnh lớn cho con người. Qua nhiều thời đại, Giáo hội đã nhiều lần cố gắng ngăn chận chiến tranh hay ít nữa làm giảm bớt sự khốc liệt của chiến tranh như hô hào đình chiến nhân danh Chúa, lập đội kỵ sĩ. Rất nhiều Đức thánh cha đã can thiệp vào lịch sử để tìm cách hoà giải các ông hoàng hoặc các dân tộc thù nghịch nhau.

3. Chiến tranh có hợp pháp không?
Giáo hội cũng đã thử xây dựng một nền thần học về chiến tranh. Hẳn Giáo hội đã sớm nhận ra rằng có những cuộc chiến được kể là chính đáng sau khi đã tìm hết mọi cách để hoà giải mà không được, và phải tự  vệ chống lại sự tấn công bất chính của đối phương, đồng thời cũng có những cuộc chiến bất chính. Quyền tự vệ chính đáng vốn có giá trị đối với các cá nhân cũng phải được áp dụng đối với các quốc gia bị xâm lược một cách bất chính, với điều kiện là chỉ được phép giao tranh trong giới hạn các đội binh mà thôi, nghĩa là không được xâm phạm đến tính mạng của người dân – là người vô tội, đàn bà, trẻ em, người già – và phải luôn luôn nuôi hy vọng điều đình ổn thoả trong tương lai.

Nhưng trong kỳ họp Công đồng Vatican II, trước một lượng vũ khí tân thời quá nhiều và quá mạnh – gồm vũ khí nguyên tử, vũ khí vi trùng và vũ khí hoá học – các quan niệm xưa kia về chiến tranh xem ra đã lỗi thời. Đức thánh cha Gioan XXIII trong Thông điệp “Pacem in terris” và Công đồng đã phải xác định lại học thuyết của Giáo hội về chiến tranh.

Ngày nay, tầm vóc lớn lao và khủng khiếp của chiến tranh hiện đại – dù có sử dụng hạt nhân hay không – khiến ta không thể chấp nhận lấy chiến tranh làm giải pháp để dàn xếp các xung đột giữa các quốc gia. Thậm chí, Đức Gioan Phaolô II còn phát biểu rằng chiến tranh là “một phương thế mọi rợ nhất và vô hiệu nhất trong việc giải quyết các xung đột”. Một cuộc thương thảo trong hoà bình là đường lối duy nhất  xứng hợp với con người.

Giáo hội cũng lên án và xem các hành động nhằm tiêu diệt một dân tộc, một quốc gia, hay một nhóm người thiểu số là những tội ác đáng kinh tởm. “Mọi hành vi chiến tranh nhằm huỷ diệt không phân biệt hết các thành phố hay các miền rộng lớn cùng với cư dân ở đó đều là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại chính con người nữa.” (Công đồng Vatican II). Tuy nhiên, Giáo hội không thể phủ nhận rằng các chính phủ có quyền tự vệ một cách hợp pháp, chống lại sự xâm lược bất chính, bao lâu chưa có tổ chức quốc tế thẩm quyền nào có đủ lực để thiết lập hoà bình trên thế giới. Nhưng cho phép chiến đấu để tự vệ không có nghĩa là cũng cho phép sử dụng các phương tiện có sức huỷ hoại tuyệt đối. Không ai được tiến tới mức chiến tranh toàn diện, một điều bị lên án một cách tuyệt đối.

4. Giải trừ vũ khí hạt nhân
Giáo hội Công giáo cho rằng không buộc phải huỷ bỏ vũ khí hạt nhân, ít nữa là trong hoàn cảnh hiện nay. Thật ra theo lập trường của Giáo hội, có khả năng phục thù một cách kinh khủng có thể được dùng để buộc kẻ thù phải từ bỏ ý định tấn công, dù điều này có vẻ hơi nghịch lý. Giáo hội đồng ý cho phép lấy vũ khí hạt nhân để ngăm đe, nhưng không đồng ý với việc sử dụng nó. Người ta cho rằng sử dụng một hình thức ngăm đe tương xứng để buộc kẻ xâm lược phải chùn chân và suy tính hơn thiệt trước khi gây chiến cũng là một cách để phụng sự hoà bình.

Đây không phải là một điều lý tưởng mà chỉ là một giải pháp tạm thời, một trường hợp chẳng đặng đừng trong lúc chờ đợi một giải pháp khác tốt hơn. Giải pháp tốt nhất là hạn chế vũ khí, nhất là vũ khí hạt nhân, dần dần, đồng loạt, có chỉ đạo, và tiến tới chỗ tiết giảm toàn bộ vũ khí càng sớm càng tốt.

Giáo hội chống lại cơn lốc chạy đua vũ trang – một vết thương cho nhân loại. Các chi tiêu vô ích về vũ trang đang làm cho người nghèo càng trở nên nghèo hơn, dù đó chỉ là ngăn cản không đem chia sẻ các tài nguyên đã đổ vào vũ khí. Giáo hội rất cương quyết về điểm này. Đức Phaolo VI đã từng nói: “Mọi cuộc chạy đua vũ trang tốn kém đều thành một ‘xìcăngđan’ không thể chịu đựng nổi.” Phải chính thức cấm sử dụng vũ khí nguyên tử vì nó sẽ gây ra nhiều thiệt hại về nhân mạng. Ta có biết các lực lượng ở phía Đông có đủ sức để huỷ diệt toàn thể trái đất một lần. Còn phương Tây thì có đủ lực lượng để huỷ diệt trái đất ba lần…Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã gây tử vong cho 50 triệu người. Nguồn vũ khí dự trữ trên thế giới hiện nay là 15 tấn chất nổ trên mỗi đầu người, trong lúc mỗi người chỉ được 300 ký bánh mì hoặc gạo cho một năm!

5. Xây dựng hoà bình
Như vậy, rõ ràng là ta phải cố gắng hết sức để tiến tới thời điểm mọi cuộc chiến đều được các quốc gia nhất trí là tuyệt đối chấm dứt. Nếu muốn sống còn, nhân loại ngày nay buộc phải xây dựng hoà bình.

Để thực hiện được điều này, nhất thiết phải có – và Giáo hội luôn công nhận như thế - một cơ quan quyền lực chung cho toàn thế giới, được mọi người nhìn nhận có đủ sức mạnh hữu hiệu khả dĩ bảo đảm cho mọi người được an ninh, công bằng  và hưởng các quyền lợi.

Trong số các nguyên nhân sâu xa nhất gây ra những cuộc chiến hiện nay, có một lý do được đặt lên hàng đầu: đó là sự cách biệt giàu nghèo giữa các quốc gia kỹ nghệ hiện đại với các nước thuộc Thế giới thứ ba. Bạn có muốn là trong tương lai sẽ không còn chiến tranh nữa không? Nếu vậy, phải chiến thắng nghèo đói.

Không thể bảo đảm cho thế giới được hoà bình nếu giới giàu và giới nghèo trên mặt đất này không liên đới với nhau. Những người giàu phải giúp cho những người nghèo đấu tranh chống lại sự cùng quẫn về kinh tế. Làm như thế tức là đã công nhận các quyền của con người. Như là Đức Phaolô VI nói trong Tông huấn năm 1967: “Phát triển các dân tộc là tên gọi mới của hoà bình” (“Populorum Progressio”).

Sự hoà bình cũng khởi sự từ trong gia đình. Thật là vô ích nếu mơ tới một thế giới hoà bình mà lại không có khả năng thiết lập hoà bình trong các quan hệ gia đình và nghề nghiệp giữa vợ-chồng, cha mẹ-con cái, và chủ nhân-công nhân. Sự hoà bình thường được tạo nên từ các bước nhỏ: cố nén một lời cãi cọ độc địa, ngăn ngừa các thành kiến đối với một giai cấp xã hội, với bạn bè, lối xóm, với người di trú, vui vẻ chịu đựng các thói tật của những kẻ khác, tôn trọng sự lựa chọn tự do của họ, và không bao giờ dùng các phương thế bạo lực. Phải tín nhiệm lẫn nhau và đoàn kết với nhau thay vì thống trị và hiềm thù nhau. Hoà bình khởi sự từ tình yêu và lòng kính trọng đối với người khác.

Tại diễn đàn Liên hiệp quốc ở New York vào năm 1965, Đức Phaolô VI đã phát biểu: “Phe này hãy thôi chống lại phe kia… Hãy thôi đừng gây chiến nữa… Xin các bạn hãy buông vũ khí… Hoà bình sẽ không chỉ được xây dựng bằng chính trị và thế quân bình giữa các lực lượng và các quyền lợi mà thôi đâu. Hoà bình được kiến tạo là nhờ tinh thần, các quan niệm và các việc làm xây dựng hoà bình.”

Tổng thống Kennedy đã xác tín rằng cần phải đạt tới hoà bình: Nhân loại sẽ phải chấm dứt chiến tranh, hoặc chính chiến tranh sẽ kết liễu nhân loại.

6. Theo cách của Đức Kitô
Giáo hội không chỉ lên án chiến tranh, mà còn chẳng ngần ngại tìm tòi các phương thế cụ thể khả dĩ huỷ bỏ chiến tranh. Qua việc làm này, Giáo hội chứng tỏ mình đang trung thành với sứ mạng mà Đức Kitô đã trao phó:

Đức Giêsu đã có thể yêu thương một cách sung mãn, vì con tim Người không hề biết đến hận thù, cũng chẳng hề biết đến bạo lực. Sứ điệp của Người luôn nói về tình yêu, công bằng, hoà giải, tha thứ. Người đã tuyên bố: “Phúc cho những kẻ hiền lành”.

Đức Giêsu không lấy sức mạnh của Thiên Chúa mà Người đang có để phục vụ mình. Người không đè bẹp các đối thủ mình, nhưng luôn tôn trọng họ. Người không có tinh thần báo thù. Người gạt phăng chước cám dỗ đòi thiết lập Nước Chúa bằng những phương tiện bạo lực.

Tuy nhiên, hiền lành không phải là yếu mềm nhu nhược, và Tin mừng không hề bắt ta “giải giáp” khi đứng trước các bất công do tội lỗi của loài người, do con người vì không yêu thương nhau mà đã gây ra. Cuộc đời của Đức Giêsu là một cuộc đấu tranh vĩ đại chống lại các thế lưc, của sự dữ. Nhưng đây là cuộc đấu tranh bất bạo động và chẳng có hận thù.

Nét độc đáo của Kitô giáo là tha thứ những gì xúc phạm đến mình. Đó không phải là hèn nhát cũng chẳng phải là ngây ngô, nhưng chính là một phương thế để bẻ gãy cơn lốc bạo lực sẽ đẻ ra bạo động. Trong sứ điệp Kitô giáo, chỉ có duy nhất một điều là yêu thương người lân cận một cách hữu hiệu, kể cả đối thủ của mình: “Anh em hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ ghét mình” (Lc 6,27).

Hoà bình là một ân huệ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là một nỗ lực của con người. Đức Kitô đã nói: “Phúc cho những ai kiến tạo hoà bình”. Đức Giêsu đã có thể trao ban đời mình một cách hoàn toàn tự nguyện vì Người luôn tự do với mọi hờn oán, mọi hận thù, mọi ước muốn trả thù. Di chúc thiêng liêng của Người là: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ”.

Theo chân Đức Giêsu, Kitô hữu là một con người hoà bình.
7. Ta nghĩ thế nào về người chống đối vì lý do lương tâm?

Ta phải tôn trọng quyết đinh trong lương tâm của một thanh niên từ chối không thi hành nghĩa vụ quân sự trong thời hoà bình, vì anh chống lại mọi sự sử dụng bạo lực và mọi việc ngăm đe bằng bạo lực giữa các dân tộc. Ta cũng phải tôn trọng một người từ chối cầm súng trong trường hợp có chiến tranh. Nhưng người chống đối vì lý do lương tâm như thế cũng không được quyền kết án người chấp nhận cầm súng, bởi người này xét rằng mình phải tự vệ khi bị tấn công một cách bất chính.

Thế nhưng, giả như Nhà nước có phải bảo đảm về mặt pháp luật cho những người không chịu thi hành nghĩa vụ quân sự vì lý do lương tâm, thì để bù lại, Nhà nước có quyền đòi hỏi những người này thi hành nghĩa vụ xã hội nào đó tương ứng.


8. Bất bạo động
Đức Giêsu đã đem mạng sống mình trả giá cho hoà bình. Hoà bình không được tạo lập bằng vũ khí. Tinh thần bất bạo động, được Tin mừng gợi hứng, là một tác nhân chính của hoà bình.

Để đáp lại bạo lực, người môn đệ của Đức Giêsu dùng sức mạnh của đức hiền hoà theo Tin mừng. Hiền hoà không phải là thụ động, cũng chẳng phải là dửng dưng hay đầu hàng trước uy lực của sự dữ. Đức hiền hoà được xây dựng từ lòng kiên nhẫn, quảng đại, cố gắng thông cảm và đối thoại với tha nhân. Vấn đề là dùng một bánh xe hoàn toàn khác để chận đứng các bánh xe bạo lực đang không ngớt quay cuồng: đấy chính là bánh xe của tình thương cụ thể và sáng tạo. Đấy chính là điều mà thánh Gandhi vĩ đại, và sau đó là các vị khác như Martin Luther King, Helder Camara, Lech Walesa đã hiểu ra.

Nói như thế phải chăng là ta không nên tự vệ khi bị người lân cận tấn công một cách bất chính? Thưa không phải thế, tình yêu đối với tha nhân đòi ta phải tự vệ, nhưng là tự vệ với những phương thế bất bạo động kéo dài bao lâu còn thấy đủ hiệu lực. Như vậy, ta phải nhìn đối phương không phải như trong thực trạng hiện nay của họ, nhưng như trong viễn tượng mà ngày mai họ có thể trở thành. Nếu ta dùng những phương thế như họ - cũng dối trá, lọc lừa, bạo lực, sức mạnh – là ta đã tước mất khỏi họ mọi khả năng giúp họ đổi đời. Phải tin vào tình yêu và khả năng của ơn Chúa đang tác đông trong lòng con người.

Trên bình diện các quốc gia, tất cả điều gì đóng góp vào việc duy trì và thiết lập đối thoại giữa các bên trong thế giới đều đã là những hành vi bất bạo động, ngay cả khi hai bên vẫn còn giữ nguyên quân đội và ngay cả khi trong một thế giới như thế giới ngày nay, phải duy trì quyền tự vệ hợp pháp của cá nhân và tập thể. Việc giải trừ vũ khí về mặt vật chất chỉ có thể là hậu quả của việc giải trừ vũ khí trong tinh thần. Dù sao, cũng phải lưu tâm ghi nhận phần chân lý trong các yêu sách do các phong trào bất bạo động đương thời đưa ra.

Sau đây là một thí dụ về hành vi bất bạo động: Trong chiến tranh, trong một trại tù… Mỗi một buổi chiều, viên cai ngục người Đức tìm lý do này hay lý do nọ để tóm lấy một tù nhân. Hắn đánh đập người tù cho đến khi thần kinh hắn dịu lại. Nêu chọn giải pháp trừ khử tên cai tù hay nên chịu đựng hắn với lòng hận thù?

Một ngày nọ, tên cai ngục bỗng trở nên dữ dằn hơn thường lệ. Một tù nhân đã quyết định yêu thương tên cai ngục một cách thật lòng và quyết định đánh thức lương tâm y dậy. Người tù đến gặp y và điềm tĩnh nói với y rằng: “Vì chiều nào anh cũng đánh đập một người trong chúng tôi, nên chiều nay tôi xin anh hãy đánh tôi và tha cho các bạn khác.”

Quá sững sờ, tay cai ngục chần chừ, sau đó hắn tuyên bố: “Tốt lắm, mày muốn ăn bao nhiêu đòn thì hãy chọn đi.”

“Không”, người tù đáp lại, “Tôi để việc đó cho lương tâm của anh”.

Bấy giờ tên cai ngục gầm lên: ”Tao chẳng có lương tâm lương tiếc gì hết, tao là một tên súc sinh mà.” Người tù nói thêm: “Có chứ, anh có lương tâm đấy. Hơn nữa, anh là người anh em của tôi và tôi yêu thương anh.” Rồi anh ta thảng thốt bước ra. Tay canh tù còn bối rối gấp bội. Buổi chiều, khi các tù nhân về trại, tay cai ngục chẳng đánh đập người nào.

Hiển nhiên là giải pháp bất bạo động này đòi ta phải can đảm, có ý chí, bỏ mình và hết lòng tin tưởng vào Chúa  và vào con người.


9. Chủ trương khủng bố
Chủ trương khủng bố tìm cách phá hoại hoặc huỷ diệt con người và tổ chức xã hội bằng những hành vi mang nặng tính bạo động như: xâm phạm các giá trị nhân bản đã được luật lệ bảo đảm, cũng như xâm phạm nhân phẩm và mạng sống con người.

Điều gì đã khiến cho chủ trương khủng bố ngày nay có thêm sức mạnh?

Trước tiên, các tay khủng bố có sẵn những vũ khí đáng sợ mà họ có thể tự trang bị một cách rất dễ dàng. Họ cũng lợi dụng những điều mà các phương tiện truyền thông đại chúng nói về họ như một thứ vũ khí tâm lý rất hữu hiệu.

Tại sao người ta nại đến phương thế đáng nguyền rủa này?

Trong mỗi người đều có những xung lực bạo động ngủ yên bên cạnh các xung lực yêu thương. Ý thức về một sự bất công cũng là một trong các nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Các ý thức hệ về bạo lực và về đấu tranh thù hận càng lan rộng càng làm cho lương tâm của nhiều người trở nên đen tối hơn. Một số người không hề được dạy cho biết phân biệt thiện ác. Vậy thì tại sao không cứ thẳng tay chém giết? Sau hết, còn có sự đồng loã của cả một mạng lưới khủng bố quốc tế đang dựa dẫm vào một thứ quyền lực nào đó.

Phải chăng có nhiều hình thức khủng bố khác nhau?

Đúng thế, một số người khủng bố để đòi hỏi công bằng cho một lý do mà họ đã từng lên tiếng kêu gọi một cách ôn hoà mà không có kết quả. Một số khác nhắc lại quyền lợi của những dân tộc đã bị xâm phạm nặng nề. Những người này thường nhắm vào những nhân vật hoặc những tổ chức đại diện ở nước ngoài. Chủ trương khủng bố của Thế giới thứ ba là tiếng kêu gào điên dại của những người bị bỏ rơi. Sau cùng, có một số người muốn tạo ra tình trạng hoảng sợ để phá đổ các nền móng của một xã hội mà họ cho là bất công.

Có thể biện minh cho chủ trương khủng bố không?

Cứu cánh không biện minh cho các phương tiện. Chủ trương khủng bố chẳng hề được biện minh trong một xã hội dân sự. Đó là một hình thức quay trở lại với tình trạng mọi rợ. Khủng bố luôn luôn là một cách biểu lộ lòng thù hận, nhằm gieo rắc sự bất ổn, sự xáo trộn trong đời sống quốc gia và quốc tế. Khủng bố là xâm phạm đến lợi ích của tha nhân và nhất là – điều này thì không thể chống chế được – dùng các hình thức bắt cóc hay giết hại hầu đánh vào tự do và tính mạng của những người vô tội không hề tự vệ và cũng chẳng có liên can gì với nguyên nhân gây hấn, hay của những người biểu tượng cho cái quyền lực bị chống đối kia.

Ta phải làm gì để chống lại nạn khủng bố? Ta chẳng thể than vãn xuông, mà còn phải phản ứng lại một cách hữu hiệu, loại trừ đi sự thách thức ấy.

Trên cấp độ quốc tế, các nước phải đoàn kết với nhau trong việc tố giác, kết án và chế tài chủ trương khủng bố! Quốc gia nào cũng đều có bổn phận tìm kiếm các phương thế để chống lại nạn khủng bố.

Trên cấp độ của từng xã hội, cần đưa ra những biện pháp thích ưng sau khi đã phân tích rõ ràng các nguyên nhân gây ra nạn khủng bố, bảo vệ mạng sống và quyền lợi của những cá nhân vô tội, để nhờ đó vô hiệu hoá các tay khủng bố.

Trên cấp độ dư luận, đặc biệt đối với các nhà giáo dục, các giáo viên, các nhà báo, cần tạo ra một bầu khí sao cho người ta thôi không nuôi hận thù, không trình bày bạo lực như một yếu tố tích cực để xây dựng một xã hội nhân bản hơn.

Tóm lại, giải pháp tốt nhất cho vấn đề bạo động chính trị là phải xây dựng ở mọi thời và mọi nơi một kiểu mẫu xã hội trong đó các luật lệ phải thật đúng đắn, chính phủ nỗ lực tối đa để thoả mãn các nhu cầu hợp pháp của dân chúng và người công dân có thể chung sống trong an ninh và hoà bình, cùng nhau xây dựng tương lai cho mình và cho đồng bào.

Công bằng là giải pháp xoá bỏ nạn khủng bố.

Tác giả: Jacques Lacourt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét