1. Nạn đói
Lớp
trẻ ngày nay ý thức rất rõ về nạn đói đang xảy ra trên thế giới, và họ
coi đó là xìcăngđan. Họ tự hỏi làm thế nào để giải cứu sự nghèo túng của
Thế giới thứ ba.
Trong
chuyến công du tại Pháp vào tháng 10.1986, Đức thánh cha Gioan Phaolô
II đã nhiều lần nói về người nghèo và về bổn phận do tình liên đới đặt
ra cho mọi người, trước hết là cho các Kitô hữu. “Bên ngoài thành phố
của các con, bên ngoài đất nước của các con, vốn được trời phú cho rất
nhiều tài nguyên, có rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới đang đau
khổ vì nạn đói, vì không cửa không nhà và không được chăm sóc. Đó có khi
là tình trạng của cả nước hay của cả lục địa. Các dân tộc này rất khó
vươn tới mức phát triển cần thiết để sống còn và triển nở, đang khẩn
thiết kêu cứu với các dân tộc may mắn có được dồi dào của cải vật chất
và các khả năng kỹ thuật. Đây là tất cả vấn đề của mối quan hệ giữa hai
miền Nam-Bắc.”
Vị
Thủ lãnh Giáo hội nghĩ rằng chúng ta phải trở nên người lân cận với các
dân tộc anh em này. Họ không xin ta bố thí, nhưng do yêu cầu ta xem xét
các vấn đề của họ, lo sao cho có sự công bình trong khi trao đổi mua
bán, liên đới với nhau trong các tình huống khẩn cấp, tương trợ lâu dài
để họ có thể thực hiện sự phát triển của mình, kính trọng nhân phẩm của
họ. Vì tuy nghèo, nhưng họ có nhiều vốn liếng nhân bản và tâm linh để
chia sẻ với các nước giàu khác. Quả thật, nhiều quốc gia tuy nghèo về
của cải vật chất nhưng lại giàu về lãnh vực khôn ngoan minh triết.
2. Những con số và những sự kiện…
Tình
trạng nghèo khổ cùng cực đang không ngừng tăng lên, đào sâu thêm khoảng
cách giữa các nước đã phát triển và các nước đang trên đường phát
triển. Các dân tộc nghèo đói đang kêu cứu các dân tộc giàu có. Các số
liệu thật đáng sửng sốt.
Các
bản nghiên cứu nghiêm túc đã khẳng định rằng, trên toàn thế giới, có
500 triệu người sắp chết đói, nghĩa là lương thực họ tiêu thụ không đủ
bù lại số năng lượng mà họ đã tiêu hao chỉ nguyên để sống. Thực tế mà
nói, hầu như họ không thể cử động. Họ chỉ còn đường là chết một cách
nhanh chóng.
Số
khác, đông hơn, có thể ăn uống chút đỉnh, nhưng cũng chẳng đủ để sống
và làm lụng bình thường như những người khác. Họ sống sót lâu hơn hạng
người kia một tí, nhưng cũng trực tiếp bị đe doạ phải chết đói. Hằng
năm, có ít nhất là 15 triệu trẻ em chết đói, mỗi ngày có 40.000 trẻ em
chết vì suy dinh dưỡng và bênh truyền nhiễm. Tuy nhiên, theo lời các nhà
chuyên môn, trái đất có thừa khả năng để nuôi sống một lượng người đông
gấp 2 lần dân số hiện nay.
Một
con số khác cũng làm ta phải kinh hoàng: 600 triệu người không có nước
uống. Việc này gây ra nhiều thiệt hại lớn tại các quốc gia thuộc Thế
giới thứ ba.
Ở vùng Đông bắc Braxin, cứ 10 trẻ sơ sinh thì có 3 em chết ngay những tuần mới chào đời.
Có 1 tỉ người sống trong những điều kiện cư trú tệ hại. 100 triệu lâm cảnh màn trời chiếu đất.
Toàn
thế giới còn có 1 tỉ người mù chữ. Người ta tính được khoảng 120 triệu
trẻ em từ 6-11 tuổi ở các vùng Nam Mỹ, châu Phi hoặc châu Á hiện không
thể đến trường.
Trong
khi có vô số người thiếu các điều kiện cần thiết để sống, thì một số
khác, thậm chí ở trong các nước đang trên đường phát triển, lại đang
sống thừa mứa vung vãi. Nên chẳng lạ gì khi giữa các quốc gia kém mở
mang về kinh tế và các quốc gia khác có một sự đối kháng mỗi lúc một gay
gắt có thể đe doạ nền hoà bình của thế giới.
Ở
đây chúng ta phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo khổ
trầm trọng này. Các nguyên nhân ấy rất đa dạng và phức tạp: số sinh tăng
cao, xuất khẩu nông sản để cân bằng cán cân chi tiêu cũng như tình
trạng công nghiệp hoá bị giới hạn, mức thu nhập quốc dân thấp, nền kinh
tế bị đình đốn và lệ thuộc nợ nần, bất bình đẳng trong việc trao đổi,
các nước nghèo bán rẻ sản phẩm của mình, còn các nước giàu lại bán đắt,
v.v…
3. Tuy vậy các nước đói kém đang nuôi sống chúng ta
Hãy
nhớ câu chuyện một miếng thịt sườn. Bạn có biết rằng lượng thịt mà mỗi
người chúng ta tiêu thụ hằng năm lên đến 107 kilô không? Bạn có biết câu
chuyện về một miếng sườn heo khoái khẩu mà bạn ăn ở tiệm chăng?
Ông
X là người nuôi lợn ở miền Bretagne. Chính quyền vào những năm 1950 đã
thúc ông sản xuất ở mức tối đa. Để xí nghiệp có lời, ông đã tìm cách
giảm bớt chi phí chăn nuôi. Ông đã dùng các thức ăn chế biến từ củ khoai
mì, là loại sản phẩm miễn thuế trong Cộng đồng kinh tế châu Âu, có giá
thành rẽ hơn lúa mạch. Vậy mà loại thực phẩm này được trồng mãi tận Thái
lan, cách đó 13.000 cây số. Đất nước này cung cấp 95% thị trường khoai
mì trên thế giới và diện tích trồng trọt không ngừng tăng lên theo lượng
thịt được tiêu thụ ở Tây phương. Trong lúc đó sản lượng lúa gạo, là
thức ăn chính của dân chúng trong nước Thái lan, lại bị giảm sút. Kết
quả là có hành ngàn trẻ em chết đói. Việc này chỉ vỗ béo các hãng buôn
quốc tế đang độc chiếm đất đai và các tay đầu nậu trung gian. Trước hết
là các tay môi giới ở Bangkok.
Nhưng
bạn sẽ nói rằng châu Âu đang giúp đỡ Thế giới thứ ba kia mà. Chẳng hạn
như châu Âu đang gởi sữa bột qua đó, mà sữa thì vốn thặng dư trong thị
trường chung châu Âu. Người ta gởi 8.000 tấn sữa sang Bengladesh. Thế
nhưng, chính mớ sữa này đang tác hại đến nghề chăn nuôi tại địa phương.
Vả lại các bà mẹ, chịu ảnh hưởng của quảng cáo đã mua sữa bột nhập khẩu
và bỏ bê việc cho con bú. Mà nước họ dùng để chế biến đâu phải lúc nào
cũng sạch. Và vì sữa này vốn đắt tiền, nên họ thường pha loãng ra cho
lợi hoặc hạn chế thức ăn khác của trẻ. Rốt cuộc thì loại “thực phẩm cứu
trợ” này, trong cụ thể, càng đẩy dân chúng vào cảnh túng thiếu cùng cực.
Thiên
hạ có biết rằng cứ một kilô thịt bò phải tốn hết 14 kilô thức ăn gia
súc không? Thức ăn chính là đậu nành. Ở Braxin, các tay địa chủ cỡ lớn
hoặc các hãng buôn đa quốc gia dành rất nhiều diện tích để trồng đậu
nành. Số đất đai này họ tậu được hoặc chiếm lấy từ các mảnh đất nhỏ của
nông dân và, bởi đó khiến những người này phải bỏ xứ để sống chen chúc
trong các khu ổ chuột ở thành phố.
Đàn
gia súc ở các nước giàu ăn bằng 2 tỉ dân thuộc Thế giới thứ ba! Người
ta phải chi tiêu cho một con chó Mỹ hoặc Âu tốn kém hơn sức mua sắm của
một người dân ở Burkina Faso hoặc Ấn độ! Mọi chuyện xảy ra y như người
ta cướp lấy bánh mì khỏi miệng của những kẻ nghèo túng nhất!
Phải
làm gì đây? Chúng ta có thể thay đổi thói quen ăn uống của mình không?
Hãy giúp các nông dân ở Thế giới thứ ba bảo vệ hoặc sử dụng lại đất đai
của họ. Những hiệp hội như “Frères des Hommes” (“Anh em của mọi người”)
đang tranh đấu trong chiều hướng này.
Cách
đây vài năm, các phóng viên của đài Antenne 2 đã kín đáo quay một đoạn
phim về bữa ăn trưa của các học sinh lớp 6 của một trung tâm giáo dục
cấp hai tại Pháp. Một số em thấy mình được dọn cho một bữa ăn bình
thường, số khác chỉ có một dĩa cơm. Các em nhìn nhau bối rối. Rồi các em
giàu đã tự ý chia phần thịt của mình để vào dĩa cơm của các em nghèo.
Đây
là một cử chỉ biểu tượng cho thái độ mà con người phải có nếu sống liên
đới với nhau: thay vì một nền văn minh phung phí, ta phải xây dựng một
nền văn minh chia sẻ.
4. Sự giúp đỡ hiện nay có đủ không?
Hẳn
nhiên người ta đang giúp đỡ nhiều cho Thế giới thứ ba, đặc biệt qua
trung gian của các cơ quan quốc tế như Liên hiệp quốc ở New York. Cũng
có những quốc gia trợ giúp như nước Pháp chẳng hạn. Nhưng sự trợ giúp
này chưa được thực hiện quy củ. Nước nào muốn cho gì thì cho, tuỳ theo
sở thích riêng của mình chứ không vì lợi ích của các nước đang cần được
cứu tế. Đến độ mỗi vị nguyên thủ quốc gia thuộc Thế giới thứ ba phải nài
xin được cứu trợ hằng năm, không biết rồi các năm tới mình có được cứu
trợ chăng, dù đang có khoảng 20 nước giúp đỡ cho các nước nghèo.
Sự
trợ giúp cũng không đủ. Nó cũng không được phân phối và sử dụng đúng
đắn. Người ta không chịu thay đổi cơ cấu, là điều cần thiết để bắt đầu
công cuộc phát triển, như các cải cách ruộng đất chẳng hạn. Ở Braxin, có
500 triệu mẫu đất trồng trọt được vẫn bị bỏ hoang, trong lúc nhiều gia
đình lại bỏ miền quê để đến chen chúc ở các khu ổ chuột của thành phố!
Hơn
nữa, người ta lại không được đào tạo tốt để làm các công việc của
chương trình phát triển. Không có một tiến bộ kỹ nghệ nào ở Thế giới thứ
ba mà không nhờ đến các công nghệ nước ngoài: chỉ có các nền công nghệ
này mới có đủ kỹ thuật, óc tổ chức và sức năng động cần thiết.
5. Ta phải làm gì?
Giải quyết nạn đói nghèo là một việc rất khó khăn, và phần lớn phát xuất từ lãnh vực chính trị. Sau đây là một vài đề nghị:
Cần
có một sự cộng tác quốc tế chặt chẽ hơn trong lãnh vực kinh tế. Cũng
cần đến sự giúp đỡ của các chuyên viên nước ngoài. Các chuyên viên này
không đóng vai trò thầy dạy, nhưng là các trợ tá và các cộng tác viên.
Riêng
về việc trợ giúp vật chất cho các quốc gia đang phát triển, ta sẽ không
thể nào cung cấp cho họ nếu không chấp nhận nhiều thay đổi sâu xa trong
cung cách mua bán hiện nay trên thế giới. Để kiến tạo một trật tự kinh
tế đích thật, cần phải chấm dứt sự ham muốn lợi lộc thái quá, các tham
vọng của riêng quốc gia mình hay ước muốn thống trị về mặt chính trị,
cùng với các thủ đoạn nhằm áp đặt một ý thức hệ lên kẻ khác.
Các
quóc gia đang phát triển cũng sẽ cố phát triển dựa trên việc khai thác
các nguồn tài nguyên, dựa trên văn hoá và các truyền thống riêng của
mình.
Các
nước giàu khi giúp đỡ về kỹ thuật, văn hoá và tài chánh cho các nước
nghèo phải cung ứng cho họ các phương tiện cần thiết để họ có thể theo
đuổi sự phát triển kinh tế nước nhà một cách hài hoà. Nhưng cần tránh
những giải pháp kỹ thuật tuy giúp cho người ta những lợi lộc vật chất,
nhưng lại cản trở họ triển nở về mặt tinh thần, chẳng hạn như dùng kỹ
thuật ngăn ngừa sinh đẻ để ngăn chận tình trạng gia tăng dân số.
6. Đâu là vai trò của các Kitô hữu trước vấn nạn này?
Các
Kitô hữu cũng có một vai trò trong việc tương thân tương trợ giữa các
quốc gia trên thế giới. Giới trẻ phải chuẩn bị bản thân và phải nhạy cảm
với các vấn đề của Thế giới thứ ba.
Mục
tiêu của các thế hệ sắp đến phải làm sao giải quyết nạn đói. Trong
trường hợp nào đi nữa, do niềm tin vào Đức Kitô là Đấng đã nói: “Khi Tôi
đói, anh em đã cho Tôi ăn”, các Kitô hữu phải cộng tác vào việc xây
dựng một trật tự quốc tế công bằng hơn. Thậm chí họ còn tự nguyên hiến
thân để cứu trợ các dân tộc bất hạnh hơn mình. Họ dùng các phương tiện
tài chánh của mình để xoa dịu các thống khổ đang xảy ra bằng cách không
chỉ lấy từ những gì mình có dư thừa, mà thậm chí ngay cả trong những nhu
cầu của mình nữa.
Vào
năm 1967, trong Thông điệp “Populorum Progressio” (“Phát triển các dân
tộc”). Đức thánh cha Phaolô VI đã nhắc lại cho thế giới về bổn phận phải
thực hiện công bình đối với những người nghèo khổ trên hành tinh. Giáo
hội muốn phát động một kế hoạch cộng tác và viện trợ qui mô của các nước
đã kỹ nghệ hoá nhằm giúp ích cho các nước đang phát triển. Phần thặng
dư của các nước giàu phải được dành để phục vụ các nước nghèo. Chỉ trong
3 tiếng đồng hồ thôi, máy bay đã đưa ta tới tận châu Phi rồi. Thế nên
giờ đây châu Phi đã trở thành người ở gần chúng ta.
Đã
có nhiều tấm lòng hào hiệp phục vụ kẻ cùng khổ như mẹ Têrêxa ở Ấn độ,
Đức cha Helder Camara ở Braxin, dì Emmanuen ở Ai cập. Những giám mục,
linh mục, giáo dân, thanh niên đem hết sức mình tham gia vào công cuộc
phát triển trên khắp thế giới.
Một
vài cơ quan của Giáo hội đặc biệt hướng đến việc đấu tranh chống lại
nghèo đói. Chúng tôi xin nêu ra 2 cơ quan trong số các tổ chức trên. Tổ
chức C.C.F.D., tức “Hiệp hội Công giáo chống đói và giúp phát triển”
(Comité Catholique contre la Faim et pour le Développement), tìm cách
nâng đỡ các nước nghèo trong những dự án giúp dân chúng địa phương tự
bảo đảm, ngắn hạn hay dài hạn, các nhu cầu của đời sống như: lương thực,
sức khoẻ, trường học, huấn nghệ, đào tạo nhân viên điều hành, cung cấp
vật liệu v.v… Mỗi năm tổ chức C.C.F.D. hỗ trợ khoảng 90 nước thuộc nhiều
thể chế chính trị khác nhau.
Tổ
chức cứu trợ Công giáo (Secours Catholiques), liên kết với tổ chức
Caritas quốc tế, ngoài những hoạt động khác, còn nhằm đáp ứng các nhu
cầu cụ thể của dân chúng qua việc thực hiện các công trình nhỏ như đào
giếng, trợ giúp vật liệu để làm thuỷ lợi hay canh tác. Tổ chức này cũng
tỏ ra rất hữu hiệu trong việc cứu trợ khẩn cấp khi có thiên tai như:
động đất, sóng thần, bão tố, hạn hán, lụt lội, v.v.…
Ngoài
ra, còn có các tổ chức khác: “Huynh đệ Hy vọng” (“Frères d’Espérance”),
Kỵ sĩ Malta (Chevaliers de Malte), các cơ sở chống phong cùi của R.
Follereau…
7. Và Thế giới thứ tư?
Các
vấn đề của Thế giới thứ ba không được làm chúng ta quên đi những người
bị chính xã hội tiêu thụ bỏ rơi, hiện đang sống cực kỳ nghèo khổ ngay
trong đất nước chúng ta. Tại Pháp có hơn 2 triệu người. Họ tạo thành lớp
người gọi là “Thế giới thứ tư”, gồm các gia đình không tiền, không việc
làm, không học vấn. Chính quyền của các nước phải thực hiện một nền
chính trị có tính kinh tế và xã hội triệt để hơn để chiến thắng sự nghèo
nàn.
Trong
khoảng 3 năm nay, một linh mục, cha Joseph, qua phong trào ATD – tức là
“Trợ giúp mọi tai hoạ” (Aide à Toute Détresse) – đã cố gắng giúp đỡ và
phục hồi phẩm giá cho những người bất hạnh. Linh mục Pierre và các cộng
đoàn Emmau do ngài thành lập, các nhóm “Tiểu đệ của người nghèo” chuyên
thăm viếng những người lớn tuổi tại nhà, các hội thánh Vinhsơn-Phaolô,
tổ chức Cứu trợ Công giáo cũng đi tiên phong trong cuộc chiến đấu chống
lại cảnh nghèo khó về vật chất, luân lý và tinh thần này.
Tất
cả các hoạt động bác ái này của Giáo hội đều bắt nguồn và được thúc đẩy
bởi tình yêu thương vốn là lề luật chính của Đức Kitô, một Đức Kitô đã
tình nguyện liên đới với những kẻ bị bóc lột và bị khinh rẻ nhất, như
lời Tin mừng luôn nhắc nhở (x. Mt 25).
Giúp
đỡ những người cùng khổ nhất là giúp đỡ chính Đức Giêsu. Đức cha
Romero, Tổng giám mục San Salvador, bị ám sát năm 1980, đã nói: “Một Hội
thánh không liên kết với người nghèo và không đứng về phía người nghèo
để tố giác các bất công mà người ta đã phạm tới họ, không phải là Hội
thánh chân chính của Đức Giêsu Kitô.”
Đạo
binh của ơn Cứu độ (L’Armée du Salut) thuộc giáo phái Tin lành Giám lý;
tổ chức Cimade, là tổ chức tương trợ đại kết, xuất phát từ Tin lành;
các Ngân hàng thực phẩm, được thành lập năm 1984 cũng xác nhận rằng dù
có thể làm được nhiều việc đến đâu chăng nữa, xã hội vẫn không thay thế
được các hoạt động từ thiện.
Tôi
không thể không nói đến 2 tổ chức tại Pháp, dù không phải của tôn giáo,
nhưng cũng chống lại nghèo khổ hữu hiệu không kém: đó là các tổ chức
Cứu trợ nhân dân và Các nhà hàng tình thương.
Giới
trẻ được mời gọi đem lòng quảng đại của mình đóng góp vào việc xây dựng
một nền văn minh của lòng yêu thương, của tình liên đới và của sự chia
sẻ.
Tác giả: Jacques Lacourt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét