Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

ĐIỀU GÌ XẢY RA SAU KHI CHẾT?

1. Bên kia bờ sự sống
“Má ơi, bây giờ ba ở đâu? Ba có thấy má con mình không? Ba có biết người ta đang nghĩ tới ba không?”

Bé Lực Giang đặt ra câu hỏi này một cách rất tự nhiên, nó tròn xoe đôi mắt ngây thơ chờ đợi được trả lời, rồi cuối cùng đâm ra bối rối và hơi ngập ngừng. Tuy nhiên, người ta có thể đọc thấy trên bia mộ của ba nó trong nghĩa trang câu sau đây: “Tôi chờ ngày phục sinh”.

Ai lại không lúng túng khi phải nói về những điều sẽ xảy ra sau khi chết?

Chúng ta gớm ghét, sợ sệt và coi cái chết là một xìcăngđan. Chính vì vậy, khi đứng trước cái chết ta lập tức tỏ thái độ phản kháng và chống đối. Tuy nhiên, con người làm một hữu thể phải chết: trong bản chất con người vốn đã bao hàm sự chết rồi.

Con người thời nay bị cái chết khó hiểu kia làm cho rối rắm. Bởi vậy, họ cố tránh để khỏi nghĩ đến nó nữa. Trong nền văn minh hiện nay, người ta tìm mọi cách để che giấu cái thực tế khủng khiếp ấy. Dù vậy, cái chết vẫn không ngừng tấn công chúng ta qua các tin tức mà chúng ta thâu lượm hằng ngày trong báo chí hay trên truyền hình: các tai nạn xe cộ hay máy bay, tai nạn sau cuộc vui, các tội ác dâm đãng, các cuộc đánh bom khủng bố, hoả hoạn, tự tử, mưu sát, và nhiều việc khác nữa.

Chết là kết liễu hay là khởi đầu tuỳ theo quan điểm của mỗi người. Đối với một số người, chết là đi vào hư vô. Nhưng nếu thế thì tại sao chúng ta lại mang lấy ước vọng vô biên trong mình? Tại sao chúng ta cứ mãi khao khát tình yêu? Tại sao ta lại phản kháng khi có người nói rằng cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì? Nếu quả đúng chết là hết, thì chúng ta là những con người bất hạnh nhất.

Trái lại, đối với người Kitô hữu, cái chết không phải là một lỗ hổng đen ngòm nuốt chửng các hy vọng của chúng ta, nhưng nó là một lối đi đến sự sống, một đường hầm dẫn tới vùng ánh sáng, là cuộc hạnh ngộ vĩnh viễn với những người mà ta từng yêu dấu và đã đi trước chúng ta trong đức tin, là hạnh phúc không cùng với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương ta.

Quả thế, phần hồn không thể bị tan rã như thể xác. Hồn thống trị thời gian. Nếu trong ta có một thực tại vượt lên trên thời gian và bá chủ nó, thì khi chúng ta chết, làm sao thời gian có thể thống trị và đẩy ta vào hư vô được? Đây chính là điều mà những người sơ khai đã linh cảm thấy khi chôn cất người chết với các nghi lễ an táng hẳn hoi.

Chúng ta được dựng nên để sống và để vui. Đó chính là điều mà mùa xuân nhắc nhở ta khi nó khiến đất đâm chồi nở hoa sau mùa đông chết chóc.



2. Sự sống đã chiến thắng cái chết

Vâng, điều này đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại. Sau khi trải qua nỗi lo âu và sợ sệt, Người đã nhận lấy cái chết như chúng ta. Cái chết của Đức Kitô có rất nhiều chi tiết giống với cái chết của mọi người. Đó là một cái chết từ ngoài ập đến, như một tai nạn: Người bị kết án như những người khác, và chết khi đang ở tuổi sung sức. Là người công chính, nhưng phải chết treo trên giá treo của kẻ sát nhân. Sau khi đã rao giảng đức hiền hoà, sự bình an, sự công chính, Người lại phải chết vì bạo lực, bất công. Người bị phản bội, bắt giữ, xét xử, bỏ rơi, đánh đòn, chế nhạo, và đóng đinh trên thập giá.

Tuy nhiên, cái chết của Người là cái chết tự nguyện. Chính Người thí mạng mình chứ không ai cướp được nó. Người đã quyết định hiến mạng cho các bạn hữu. Khi làm thế, Người đã vượt lên trên cái chết. Đức Giêsu đã chiến thắng cái chết bằng cách ban cho nó một ý nghĩa, đó là biểu hiện của một tình yêu lớn lao hơn.

Nhưng Đức Kitô Phục sinh đã chiến thắng tử thần, đó chính là nền tảng đức tin của chúng ta. Đó là một sự kiện có thật mà các Tông đồ quả quyết  và đã công bố, và các ngài sẽ không ngừng làm chứng cho dù phải vong mạng. Các ngài đã thấy lại Đức Kitô đang sống, đã đến với Người và ăn uống với Người. Người cũng chính là Đức Giêsu trước kia, dù nay đã đổi khác, không còn lệ thuộc vào những điều kiện không gian và thời gian nữa.

Sự Phục sinh của Đức Giêsu là một kinh nghiệm có một không hai trong lịch sử nhân loại. Nó chứng thực cho sứ mạng và giáo huấn của Người. Trước đó, không hề có người nào chết đi mà sống lại. Ladarô đã được Đức Giêsu làm cho sống lại, nhưng sau đó đã chết. Đức Kitô sống lại không giống như một tử thi hồi sinh. Đức Giêsu đã tiến vào một cuộc sống mới mà chúng ta chẳng hề có kinh nghiệm nào. Đức Kitô Phục sinh không còn chết nữa.

Như thế, có một con người, là Đức Kitô Con Thiên Chúa, đã trải qua kinh nghiệm: sự sống mạnh hơn cái chết. Đức Giêsu chiến thắng tử thần đã mở ra cho toàn nhân loại cảnh cửa hy vọng bao la. Chiến thắng của Người cũng là chiến thắng của chúng ta. Sự Phục sinh của Người là bảo chứng cho sự sống lại của ta vào thời sau hết. “Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người (Đức Giêsu) sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng làm cho chúng ta sống lại” (1 Cr 6,14). Ấy là một tin tốt lành, là trọng tâm của Tin mừng, là nền tảng cho ta hy vọng.



3. Điều gì xảy ra sau khi chết?

Mọi linh hồn nghĩa thiết với Chúa đều được tiền định sẽ diện kiến Người trên trời. Nhưng để có thể mặt đối mặt với Thiên Chúa, ít hay nhiều ta cũng thấy mình phải được thanh tẩy đến tận gốc rễ cho hết mọi ích kỷ xấu xa. Ở thế giới bên kia cần có một sự công bằng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm.

Khi chết, linh hồn lìa khỏi xác – Linh hồn sẽ đi đâu trước khi kết hợp lại với thân xác trong ngày mọi người sống lại? Nếu linh hồn tuyệt đối trong sạch, nó được trực tiếp hưởng kiến Chúa. Nếu nó chưa được thanh tẩy hoàn toàn trên trần gian – trần gian là nơi để ta lập công trạng – thì nhờ tình yêu với Chúa và tha nhân, nhờ tự nguyện hy sinh, lấy tinh thần Kitô hữu mà đón nhận các thử thách, lãnh các bí tích của Hội thánh và nếu đã được tha các tội nặng, linh hồn ấy sẽ vào luyện ngục, theo cách diễn tả thông thường. Thật ra, luyện ngục không phải là một thời gian, mà cũng chẳng phải là một nơi chốn. Đó là một trạng thái trong đó tình yêu của Chúa sẽ thiêu huỷ hết thảy những gì cản trở không cho linh hồn được hạnh phúc viên mãn khi hưởng kiến Thiên Chúa.

Quả thật, có một cuộc phán xét riêng. Khi chết, linh hồn trình diện Đức Giêsu Phục sinh. Choáng ngợp trước ánh sáng của tình yêu Người, linh hồn sẽ ý thức thực trạng của mình: đã yếu đuối mà lại còn bị trĩu nặng bởi đủ điều ô uế.

Không cần Chúa chí công đứng ra cáo tội ta một cách lạnh lùng, mà chính ta sẽ trở thành quan toà để kết án mình khi đánh giá lại toàn bộ đời mình dưới ánh sáng của Chúa. Nếu ở dưới thế này chúng ta đã không chụp lấy các cơ hội để sửa đổi lỗi lầm thì lúc bấy giờ, chúng ta cần được thanh tẩy. Luyện ngục chính là tiến trình giải độc này – cũng là một hậu quả của lòng Chúa nhân từ.

Luyện ngục bao hàm sự đau khổ phát sinh từ tình yêu, một sự đau khổ nhưng lạc quan vì biết rằng mình đã được cứu độ một cách vĩnh viễn. Các linh hồn này được tình yêu của Chúa làm cho tan chảy ra như vàng trong lò luyện kim. Không còn có thể tự mình lập công đuợc nữa, các linh hồn ấy cậy dựa vào sự liên đới của chúng ta – dựa vào kinh nguyện, thánh lễ, hy sinh, ân xá của chúng ta – để chúng hoàn tất cuộc thay hình đổi dạng dẫn đến tự do kia. 

4. Phải tin vào hoả ngục không?

Tin mừng nhiều lần nêu ra tình trạng bi đát của người đã quyết định đi vào chỗ hư mất này. Thiên Chúa là Tình yêu. Ngài không ngừng đề nghị với mọi người tình yêu của Ngài. Thế nhưng, con người có tự do: con người có thể khước từ tình yêu Chúa ban tặng. Hoả ngục chính là chủ ý và ngoan cố từ chối tình yêu của Thiên Chúa. Khi một người tự ý khai trừ mình khỏi lòng thương xót của Chúa thì kẻ đó rơi vào hoả ngục. Kẻ này dùng tội trọng mà mình đã phạm một cách ý thức để cắt đứt với Đấng đã tạo ra mình. Như vậy, hoả ngục đã khởi sự ngay dưới thế này.

Không phải Chúa ưa trả thù sẽ kết án ta. Chính con người, do tội mình tự khai trừ và kết án mình phải sống xa Cứu Chúa của mình. Chẳng ai sa hoả ngục nếu họ không muốn.

Khi con người vĩnh viễn lấy mình làm trung tâm và qua đó lao vào sự cô đơn và thù nghịch, bất hạnh kia, ấy chính là hoả ngục. Ngày nay, ta không còn dùng những cách diễn tả của thời Trung cổ, mô tả hoả ngục với những con quỷ có sừng cầm chỉa đứng quanh hoả lò!

Có nhiều linh hồn sa hoả ngục chăng? Hội thánh không bao giờ nói người này, người kia phải sa hoả ngục nhưng Hội thánh cầu nguyện cho “nhiều linh hồn”.

Ta có nên để cho hoả ngục “ám ảnh” mình chăng? Thưa: chẳng nên tí nào! Đang trên đường đến gặp người yêu mà được giục giã tiến bước, là do cuộc hẹn hò yêu đương kia, chứ không phải vì lo sợ những hầm hố ven hai bên đường.



5. Ta có thể liên lạc với người chết không?

Các người quá cố vẫn đang sống. Điều mà Đức Giêsu đã hứa với người trộm lành: “Anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng”, Người cũng lặp lại với những ai chết trong lúc vẫn khẩn cầu Người thứ tha. Những người quá cố này đang sống với Đức Kitô.

Ta có thể liên lạc với họ chăng? Dù đã khuất nhưng họ vẫn đang hiện diện: tôi có ý nói đến những ai đã được hội ngộ với Chúa trong Nhà Người. Họ đang tiếp xúc một cách thiêng liêng với ta. Họ đang nhìn thấy ta, biết ta lo lắng và buồn sầu. Trong ánh sáng của Chúa, họ biết rõ điều gì cần cho ta. Khi đã biết các khó khăn của ta, họ càng có khả năng để cầu bầu với Chúa cho ta hơn nữa. Nhưng họ tôn trọng tự do của ta. Họ chờ đợi phút giây hạnh ngộ.

Họ vẫn giữ nguyên nhân cách và tính tình của mình. Họ vẫn yêu thương ta hết lòng. Bí tích Thánh Thể là nơi họ gần gũi ta hơn hết.

Chúng ta có thể chuyện trò với họ khi cầu nguyện. Như đã thấy, những người quá cố chẳng phải là các vong linh lang thang, đi tìm một kẻ trung gian để mọi người được nghe tiếng. Giáo hội lên án thuyết thần thông, tìm cách chiêu hồn và dùng các bàn cơ, các quả cầu thuỷ tinh hay phương pháp bút ký tự động để làm cho các vong linh lên tiếng. Trong lãnh vực này, có những sự kiện khó giải thích, đôi khi là do gian trá, nếu khôn phải là do tên ranh mãnh tức là Xatan, can thiệp vào.

Chúng ta không liên lạc về mặt thể lý, nhưng liên lạc về mặt thiêng liêng với những người quá cố. Chúng ta cầu nguyện cho họ, cầu nguyện với họ và họ cầu cho ta. Đối với các Kitô hữu, người sống và kẻ chết liên đới với nhau.



6. Nghĩ sao về sự luân hồi?

Thuyết luân hồi, đang phổ biến trong thời đại chúng ta – có 22% người Âu châu tin vào thuyết này – không chỉ quả quyết rằng khi chết linh hồn người quá cố lại nhập vào trong một hữu thể sống động khác, nhưng còn đề ra một cái nhìn toàn bộ về cuộc đời.

Công việc của mỗi người được đặt lên bàn cân. Chính các việc lành hoặc dữ ấy sẽ định đoạt sự nhập xác trong tương lai của ta: nếu cân nghiêng về bên tốt, ta sẽ được nhập vào một hữu thể cao hơn, còn nếu cân nghiêng về bên xấu, ta sẽ nhập vào môt cuộc đời trắc trở hơn hay thậm chí nhập vào một con vật. Khi linh hồn thanh tẩy xong, vòng luân hồi mới chấm dứt. Thuyết này làm cho một số người cảm thấy được an ủi khi đứng trước cái chết. Tuy nhiên, nếu suy xét một chút ta sẽ thấy sự an ủi này thật vắn vỏi. Trước hết, vì khoa học bảo đảm rằng sẽ có ngày không còn sự sống nào có thể tồn tại trên mặt đất nữa; lúc bấy giờ ta sẽ ra sao? Tiếp nữa, có ích gì để trở thành một nhân vật mới lạ mà không còn ý thức được rõ ràng về bản thân ta cùng với những quan hệ yêu thương của ta trước kia?

Ta không thể dung hoà niềm tin này với đức tin Kitô giáo. Các môn đệ của Đức Kitô tin chắc rằng đến ngày phục sinh, họ sẽ trở thành những con người mới. Sức mạnh của Thánh Linh sẽ biến đổi thân xác họ. Nhưng cái thân xác mới thiêng liêng và không thể hư hoại này cũng sẽ chính là thân xác của chúng ta chứ không phải của một ai khác. Thân xác chỉ phục sinh một lần duy nhất mà thôi. Thiên Chúa yêu thương ta và Người đã cứu độ xong mỗi người chúng ta. Giáo lý này sẽ an ủi ta nhiều hơn thuyết luân hồi.

7. Có cần tin vào sự phục sinh của thân xác không?

Trong kinh Tin kính, ta luôn xác quyết điều đó. Không có xác, con người không còn là người nữa. Thân xác được sống lại là một điều hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người vừa có xác vừa có hồn.

Thánh Phaolô khẳng định sự kiện thân xác chúng ta sẽ sống lại. Ngài mô tả đôi điều về tình trạng này. Sự phục sinh của chúng ta không phải là một sự nhập trở lại vào một cái xác trên đất này, cũng không phải là sự hồi sinh của một tử thi, như trường hợp Ladarô, cũng chẳng phải là sự tái tạo thân xác đã bị hoả thiêu như Giáo hội hiện nay cho phép.

Không, thân xác phục sinh là một cử chỉ yêu thương mà Thiên Chúa toàn năng tặng không cho ta. Người sẽ hoàn tất nơi ta điều Người đã hoàn tất nơi Đức Giêsu khi cho Đức Giêsu sống lại. Chắc chắn chúng ta sẽ có thân xác của mình, nhưng đó là một thân xác hoàn toàn mới, một thân xác không chịu ảnh hưởng của trọng lực, không bị đói rét, mệt nhọc hay bệnh tật. Một thân xác đã được giải thoát, có khả năng thông hiệp trọn vẹn với những người khác, một thân xác thiêng liêng – nhưng không phải “bằng hơi”, một thân xác hoàn toàn vâng phục Thần Khí của Chúa đang ngự trong mình.

Thiên nhiên đã giúp ta linh cảm được sự biến đổi của thân xác con người qua một vài ví dụ: con sâu lê lết lại sinh ra con bướm nhẹ nhàng bay bổng, hạt lúa mục nát trong lòng đất lại phục sinh trong bông lúa đẹp đẽ mùa hè!

Khi nào những người chết sống lại? Vào thời cuối cùng, lúc Đức Kitô Phục sinh trở lại trong vinh quang để xét xử lần sau hết. Còn về ngày giờ thì chẳng ai biết được. Trong cõi đời đời, sẽ không còn thời gian nữa, đó chính là bí mật của Thiên Chúa – đó sẽ là chặng cuối cùng của lịch sử cứu độ.



8. Cuộc chung thẩm

Mọi người đều biết cảnh phán xét cuối cùng được mô tả trong Tin mừng Mátthêu chương 25: “Ta đói… các người đã cho ăn.”

Kinh thánh đặt cuộc chung thẩm vào lúc thời gian kết liễu. Đó sẽ là lúc toàn thể nhân loại chạm trán với vẻ chói ngời rực rỡ của tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện nơi Đức Giêsu Kitô.

Lúc bấy giờ, thiên hạ sẽ biết ai là người thuộc về Đức Giêsu và ai là kẻ chống lại Ngài. Đức Kitô sẽ cho thấy những gì đang chất chứa trong lòng mỗi người, mỗi dân tộc, bất luận họ thuộc chủng tộc, văn hoá, tôn giáo, văn minh nào.

Lúc ấy, mọi người sẽ tự xét xử mình trong tương quan với Chúa. Một số người sẽ tiếp tục khẳng định họ khước từ sự sống vĩnh cửu và do đó, sẽ xa cách Chúa mãi mãi; một số khác vẫn khẩn cầu Chúa thương xót và sẽ được tham dự bữa tiệc vĩ đại của thời tận thế, nơi đó chính Đức Giêsu sẽ đích thân phục vụ họ.

Rồi sẽ có Trời mới Đất mới, ngay cả vũ trụ cũng được dự phần vào vinh quang của Thiên Chúa và của những kẻ Người tuyển chọn.

Giáo lý Kitô giáo khác xa với những phong trào được gọi là “Thiên niên kỷ”, loan báo một triều đại hạnh phúc ngàn năm sẽ đến sau khi hệ thống xưa này sụp đổ tan tành, hay học thuyết của một số giáo phái, một số lời sấm loan báo rằng ngày tận thế sắp đến nơi rồi.

9. Ở trên trời sẽ chán lắm?

Không can gì. Khi nói đến việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa một cách vĩnh viễn, ta không có ý nói rằng mình sẽ cứ ngắm đi ngắm lại mãi. Chúng ta sẽ không ngừng sững sốt ngạc nhiên trước một Thiên Chúa đẹp đẽ và yêu thương ta như biển cả bao la. Chúng ta sẽ khám phá ra tôn nhan Người mỗi lúc một hơn, không hề mỏi mệt. Mỗi người sẽ tuỳ theo sự thánh thiện của mình mà được hưởng chân phúc tương xứng, không ghen tị với người khác. Khi vùi sâu trong Chúa, chúng ta sẽ nên giống Người, tương tự như thép cháy sáng lên khi được vùi trong lửa vậy.

Sẽ chẳng còn chết chóc, khóc than, đau khổ nữa, và Chúa sẽ lau khô nước mắt ta (x. Kh 21,1-4).

Vả lại, chúng ta sẽ tham gia vào một dân tộc mừng lễ hội. Ta sẽ tiếp tục sống với những người khác, đặc biệt với các thành viên trong gia đình của ta.

Chúng ta sẽ yêu thương và sẽ được yêu thương. Chúng ta sẽ hiểu biết và sẽ được hiểu biết. Mọi ước vọng của chúng ta sẽ được đáp ứng tràn trề.

Nhiều người thích tác phẩm”Sự sống sau cuộc sống” (“La Vie après la vie”) của học giả Moody, trong đó ông phân tích một cách khoa học các cuộc “hồi sinh” của các bệnh nhân sau một cơn mê trầm trọng, sau một cái chết lâm sàng. Thân chủ nhớ lại một khoảng khắc cực kỳ bình yên, sáng láng, khoan khoái và tự do. Trong một vài trường hợp, người bệnh nhớ lại họ đã có một thị kiến từ bên ngoài thân xác của mình như thể họ đã có lúc bước ra khỏi bản thân mình vậy. Hồi sinh thường có vẻ lâm ly bi đát và đau đớn. Các bệnh nhân thường nói rằng: ”Đã thấy dễ chịu rồi, xin hãy để tôi yên”.

Sự kiện trên đây chẳng ăn nhập gì với sự sống vĩnh cửu, nơi ta được thấy Chúa và từ đó được hạnh phúc không bút nào tả được..

Nước Trời đang khỏi sự từ dưới thế gian này, ngay trong chính lịch sử. Tin mừng không xúi ta đào tẩu. Khi xây dựng một thế giới công bằng và nhân bản hơn là ta đang chuẩn bị cho Nước Trời đến, Nước Trời này sẽ vượt quá nhiều điều ta hy vọng. Tạm thời lúc này, Đức Giêsu Phục sinh sẽ đồng hành với ta trên những nẻo đường nhân loại. Chết chẳng qua chỉ là được gặp gỡ trọn vẹn với Đấng lúc này đang bước đi bên ta. Giây phút hiện tại chuẩn bị cho cuộc sống sắp tới của ta.

Như vậy, đức tin là nguồn Hy vọng đẹp đẽ nhất. Có một sự sống sau cuộc đời này. Chết không phỉ là đi vào hư vô. Đức Giêsu Kitô là tương lai của chúng ta. Một nữ sinh lớp 12 đã hiểu được điều này. Cô viết như sau: “Tôi không buồn vì ông tôi đã chết, bởi tôi biết rằng ông đang sống bên Chúa. Và ở đó, chắc chắn ông hạnh phúc hơn khi ở đây với chúng tôi. Quả thật, đó là điều an ủi tôi nhiều nhất trong lúc ưu phiền này.”

Tác giả: Jacques Lacourt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét