Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

TẠI SAO LẠI ĐI LỄ CHÚA NHẬT?

1. Ngày của Chúa
Chúa nhật có phải là một ngày như bao ngày khác? Thưa không. Đã hẳn là mọi ngày đều thuộc về Chúa. Trong đời ta, đã có hàng ngàn chúa nhật, và kể từ khi thế giới được tạo dựng, đã có hàng tỉ chúa nhật.
Tuy nhiên giữa hàng ngàn và hàng tỉ chúa nhật này, xét cho cùng chỉ có một ngày đáng kể: đó là ngày Đức Kitô Phục sinh, một ngày của lễ hội và vui mừng. Thế nhưng, chúng ta đã làm mất đi ý nghĩa của chúa nhật.


Từ thời đầu tiên của Kitô giáo, sau ngày lễ Ngũ tuần, các Kitô hữu có thói quen hội họp nhau lại vào ngày đầu tuần, tức là ngày chúa nhật, để tưởng nhớ Đấng đã sống lại. Ngày đó, hơn mọi ngày khác, họ đặc biệt nhớ lại việc Đức Kitô chiến thắng tử thần và Người đang sống vĩnh viễn với các Kitô hữu. Họ cho đó là một việc sinh tử đối với đời sống thiêng liêng của mình, đến độ ngưng hết mọi hoạt động để gặp gỡ nhau như anh em trong đức tin. Và họ sẽ thực sự gặp Đức Kitô hằng sống ở đâu, nếu không phải trong phép Thánh Thể?
Trong lúc quy tụ nhau lại như thế, họ luôn ý thức rằng mình đang xây dựng Hội thánh, là Dân mới của Thiên Chúa, là cộng đoàn của Chúa Kitô – chữ Hội thánh muốn nói đến một tập thể quy tụ lại – gồm nhiều người khác nhau về tuổi tác, văn hoá, nghề nghiệp, giai cấp xã hội. Và tại các buổi họp chúa nhật này, họ cũng thường dẫn theo các Kitô hữu trẻ tuổi.

2 . Ý nghĩa của chúa nhật
Giáo hội lấy chúa nhật làm ngày nghỉ ngơi. Đó là 24 giờ để sống vô cầu. Lúc đó, nếu có làm việc thì không phải để kiếm tiền, mà là để tiêu khiển, để tìm được niềm vui khi sáng tạo một cái gì đó. Chúa nhật là ngày ta dành thờ giờ để sống và để nghỉ ngơi. Đa số trong chúng ta đều có nhu cầu cần được giải phóng trong một vài tiếng đồng hồ khỏi những điều cưỡng chế để có thể thoát khỏi những lo âu và bận rộn của mình.
Chúa nhật cũng là ngày chia sẻ niềm vui. Một niềm vui xuất phát từ sự xác tín rằng Đức Kitô đã sống lại và chúng ta cũng sẽ sống lại. Chia sẻ niềm vui; dành thời giờ để sống, nghĩa là gặp gỡ tha nhân, lối xóm và bạn bè. Đó là dịp để vợ chồng chuyện trò với nhau thân mật hơn, để các thành phần trong gia đình lắng nghe nhau một cách chăm chú hơn. Đó là ngày để ta thăm viếng những người đang đau khổ vì cô đơn: những ông bà lớn tuổi, những bạn bè đau ốm…
Trên hết, chúa nhật là một ngày ta được tự do để dâng hiến một khoảng thời gian cho Chúa. Ta dành ra một lúc dài hơn để cầu nguyện và suy gẫm. Giáo hội mãi mãi không quên ngày chúa nhật đầu tiên, ngày Đấng sáng lập Giáo hội đã sống lại, và vì thế Giáo hội đã lấy ngày chúa nhật làm ngày quy tụ tất cả mọi người lại chung quanh Đức Kitô hằng sống qua việc cử hành Thánh Thể. Trong ngày đó mọi người ra khỏi nhà để đến gặp các bạn đồng đạo khác và cùng cử hành việc Đức Giêsu sống lại. Không chỉ là một giờ đơn giản trong 168 giờ của tuần lễ, đây là một giờ để sống với Đức Kitô nhằm củng cố đức tin của ta: nhờ đó ta thêm xác tin rằng Đức Giêsu Kitô đã đem lại cho cuộc đời một ý nghĩa, cái chết là một ngưỡng cửa phải đi qua, sống là khám phá ra khả năng yêu thương của mình.
Sau hết, chúa nhật là một trạm tiếp sức cho ta trên đường hy vọng, là một sự nếm trước cuộc sống tương lai, ở đó Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ trong mắt mọi người, sẽ không còn than van, cũng chẳng còn khóc lóc nữa, Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự. Chúa nhật là ngày thực hiện trước ngày lễ vĩnh cửu trong Nước Trời (x. Cv 21,4).
Trên đây là giá trị nhân bản và giá trị Kitô giáo của chúa nhật trong cái nhìn đức tin. Quả thật, ngày hôm ấy phải trở thành một thời gian rạng rỡ vui mừng, giúp ta phát triển toàn vẹn thân xác, tâm trí và linh hồn. Chúng ta đã sống ngày đó như thế nào? Như một ngày mệt mỏi và trì trệ.

3. Thánh lễ có cần thiết không?
Xưa kia người ta đi lễ vì đó là luật lệ của xóm làng. Ngày nay, đi lễ hay không càng lúc càng trở thành một quyết định, một sự lựa chọn, một sự tham gia, một dấn thân.
Dĩ nhiên Giáo hội luôn duy trì luật buộc mọi Kitô hữu phải tham dự thánh lễ chúa nhật – hoặc thánh lễ cử hành sớm lên, vào chiều thứ bảy trước đó. Đây vẫn là một bổn phận quan trọng của người Kitô hữu.
Thế nhưng điều thiết yếu, nhất là đối với giới trẻ, là hiểu được tầm quan trọng căn bản của phép Thánh Thể. Nếu người ta chỉ thấy đó là một nghi thức thêm vào trong cuộc sống mà không khám phá ra ý nghĩa sâu xa của nó, nếu người ta dừng lại ở khía cạnh bên ngoài của luật buộc, lúc bấy giờ thánh lễ trở thành một gánh nặng vô nghĩa. Người ta không còn nhận ra thánh lễ có một vai trò không thể thay thế được để sống một đức tin chân chính vào Đức Giêsu Kitô trong Giáo hội. Chẳng phải vì buộc đi lễ nên thánh lễ có tầm quan trọng đến thế. Nhưng chính vì nó có tầm quan trọng sinh tử mà nó trở nên cần thiết, không thể thiếu được đối với người Kitô hữu, tựa như ta cần lương thực để sống, cần hiện diện để yêu thương vậy.
Sau đây là câu hỏi đích thật mà ta cần đặt ra cho mình: Đức Kitô vẫn luôn luôn sống phải không? Ta có đáng bỏ công đến gặp các tín hữu để cùng nhau tìm gặp Người chăng? Tóm lại, vấn đề là biết mình có muốn sống như một Kitô hữu hay không.

4. Ngày hội họp
Giáo hội không bao giờ quên được ngày chúa nhật đầu tiên, ngày Chúa Phục sinh. Hôm đó là ngày đầu tiên các môn đệ gọi Đức Kitô là “Chúa”.
Chúa nhật là ngày của Chúa. Bởi đó Giáo hội luôn luôn giữ thói quen quy tụ lại vào mỗi chúa nhật, dù cho việc này có khiến họ gặp phải nguy hiểm như ta đã thấy trong lịch sử Giáo hội.
Chúa nhật là một ngày được dùng để làm mốc. Đó là ngày mà các Kitô hữu nhận ra nhau, và cũng là ngày người ta nhận ra ai là Kitô hữu. Nhưng muốn vậy, họ phải quy tụ lại chung quanh Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Từ 20 thế kỷ nay, Giáo hội luôn cần đến chúa nhật và bí tích Thánh Thể để sống còn. Chính Thánh Thể làm nên cộng đoàn Kitô hữu. Không có Thánh Thể thì chẳng có cộng đoàn quy tụ họp, mà không có tụ họp thì cũng chẳng có Hội thánh. Nếu như các Kitô hữu không cử hành Thánh Thể thì làm sao Hội thánh có thể hiện hữu được?
Chính trong Thánh Thể mà Hội thánh xuất đầu lộ diện. Cộng đoàn quy tụ lại là một dấu chỉ cho mọi người thấy sự hiện hữu của Hội thánh Công giáo, Dân Thiên Chúa.
Bạn phải tham dự vào cộng đoàn đang họp nhau đó. Nếu không, Hội thánh sẽ què quặt vì thiếu bạn. Bạn phải đón nhận từ nơi những người khác cũng như đóng góp cho họ. Sự hiện diện của mỗi người đều quan trọng. Sự vắng mặt của bạn sẽ khiến cộng đoàn bị nghèo đi. Nếu ai cũng ở nhà như bạn thì Giáo hội sẽ chẳng còn tồn tại nữa.

5. Một câu hỏi của đức tin
Có khi bạn nói rằng tất cả những điều này chẳng có ý nghĩa gì hết. Nhưng thử hỏi bạn đã cố gắng chưa để tìm ra ý nghĩa của việc Chúa hiện diện, một điều đã được bảo đảm chắc chắn với ta dù ta không cảm nghiệm được? Đức tin không thuộc về trật tự khả giác.
Trong cuộc sống, có rất nhiều điều cần phải lựa chọn. Quả thật ta phải lựa chọn ở khắp nơi, tại trường học, trong gia đình. Đối với cuộc sống thiêng liêng cũng thế. Đi lễ hay không trước hết là một câu hỏi của đức tin. Ta có muốn đến gặp Đức Kitô đang sống, là Đấng chiến thắng sự dữ, đau khổ và sự chết, là Đấng đang có mặt giữa lòng Dân Người hôm nay hay không? Ta có tin rằng việc Người hiến dâng cuộc sống nhân loại của mình để mưu ích cho ta trong thánh lễ như Người đã dâng trên thập giá là một ơn ban cho để cứu rỗi nhân loại không?
Thánh lễ là nguồn mạch làm cho đức tin được phong phú dù ta không cảm thấy gì. Ta cũng ít để ý tới duỡng khí mà mình đang hít thở dù nó đang nuôi sống ta.

6. Kitô hữu, một tập thể
Ta không thể làm người Kitô hữu đơn độc. Trong cuộc sống chẳng có điều gì xảy ra riêng lẻ cả. Một học sinh lớp 9 đã nói: “Khi tôi cảm thấy mình hiệp thông với các người khác, là tôi đang sẵn sàng hiệp thông với Đức Kitô.” Chẳng hạn như khi người ta dự thánh lễ để tạ ơn Chúa. Chữ Thánh Thể muốn nói đến việc cám ơn, tạ ơn. Chiều thứ Sáu tuần Thánh, Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ.
Cử hành Thánh Thể chính là nói lên lời cám ơn Chúa. Có nhiều lý do để ta cám ơn Chúa: thế giới được Người dựng nên cách khôn ngoan và đầy tình yêu, con người được tạo nên theo hình ảnh Người, được cứu khỏi tội, được nhận lại làm con Chúa, các ngày trong tuần lần lượt trôi qua, ta được mạnh khoẻ, được học hành, được an vui, được ban các ơn thiêng. Ngoại trừ Đức Kitô, không ai có thể cám ơn Chúa cho xứng. Đức Giêsu đã cám ơn Thiên Chúa bằng cách dâng trọn cuộc sống làm người của mình, đặc biệt trên thập giá. Cứ mỗi lần cử hành Thánh Thể là chúng ta dâng lên Thiên Chúa chính lễ vật của Đức Giêsu Kitô “hằng sống và thánh thiện” để cám ơn Ngài. Đây chính là món quà đẹp nhất mà ta có thể dâng lên Thiên Chúa. Các kinh nguyện trong thánh lễ đều xưng hô ở số nhiều: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.” Ta cũng phải có mặt ở đó nữa. Không ai có thể tự cứu lấy mình một cách đơn độc.

7. Dân tộc của những người được mời
Trước khi rước lễ, linh mục nói: “Phúc cho những ai được mời tới dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Chúng ta được mời tới dùng bữa với Chúa. Chúng ta có thể từ chối lời mời này. Trong Tin mừng có những dụ ngôn nói về việc từ chối này (x. Lc 14, 16-24).
Đức Kitô mời ta, hay đúng hơn Người mời Nhiệm thể của chính mình đến ăn và Người mang tới mọi điiều cần thiết cho yến tiệc này. Thiên Chúa luôn đến gặp gỡ con người. Chỉ cần ta tiếp nhận Người là đủ.
Giáo hội bảo các Kitô hữu đi lễ mọi ngày chúa nhật (hay chiều thứ bảy). Nhiều người trả lời: “Tôi không muốn đi lễ… Tôi chẳng thấy nó mang lại cho mình cái gì cả.” Thật khó mà giải thích cho họ vì đây là một cậu hỏi của đức tin và tình yêu. Sáng ngày Phục sinh, chẳng cần ai giải thích cho các phụ nữ, cho Phêrô và Gioan biết tại sao phải đi ra mộ.
Đức Kitô mời ta ít nhất mỗi tuần một lần. Tốt lắm. Tuy nhiên, đó chỉ là mức tối thiểu nếu như chúng ta hiểu rằng Thánh Thể là một lương thực không thể thiếu được. Mẹ Têrêsa đã tâm sự như sau: “Thánh Thể là của ăn thiêng liêng nuôi sống tôi, và không có Thánh Thể thì tôi sẽ chẳng sống lấy được một ngày, một giờ nào trong đời.” Bà không thoả mãn với việc chỉ đi lễ chúa nhật thôi.
Quả thế, đi lễ là niềm vui của chúng ta. Niềm vui được gặp lại nhau trong tình anh em. Niềm vui được tuyên xưng đức tin cùng với các người khác. Niềm vui được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và bằng Bánh thánh. Nhất là niềm vui được gặp lại Đức Kitô, được Người hiện diện, kết bạn và ban cho ta sức sống. Niềm vui được Người sai đi xây dựng một thế giới mới, bởi chưng việc rước lấy bánh của Thiên Chúa thúc đẩy ta dấn thân làm việc để mang lại cơm bánh cho loài người.
Phép Thánh Thể là một cuộc gặp gỡ biến đổi đời ta. Thiên Chúa đưa chúng ta lại gần nhau trong một cộng đoàn huynh đệ, nhờ có Đức Kitô thâm nhập vào cuộc sống của mỗi người.
Thánh lễ trước hết là một cuộc hẹn hò yêu thương. Các bạn hãy nhìn xem các cặp mới đính hôn: khi đã hẹn nhau, họ không hề dám trễ hẹn. Đối với họ, chẳng có việc nào khẩn trương hơn, ích lợi hơn, thích thú hơn là được gặp nhau. Người ta không bao giờ bỏ qua một cuộc hẹn hò yêu thương. Đi lễ phải là một việc mà ta yêu thích nhất. Đó chính là đáp lại một lời mời gọi yêu thương của Đức Kitô Phục sinh đang kêu mời ta đến quây quần quanh Người. Ta phải đi lễ như đi tới điểm hẹn của tình yêu.

8. Thánh lễ, một nhu cầu
Tại Pháp và nhiều nước Âu châu, người ta thấy việc tham dự thánh lễ chúa nhật đang xuống dốc rõ rệt, đặc biệt nơi giới trẻ. Đang lúc đó, tham dự đều đặn vào việc cử hành thánh lễ là một đòi hỏi sống chết đối với các Kitô hữu. Việc này phải trở nên một nhu cầu của đức tin hơn là một luật buộc. Ta không giữ đạo một mình và cũng không làm chứng cho đạo cách đơn độc. Ta cử hành đức tin cùng với những người khác, đặc biệt là trong buổi cầu nguyện này, ở đó ta cùng nhau hiệp thông vào Mình và Máu Đức Giêsu Kitô. Thánh lễ là nơi ta múc được nhiều ơn ích thiêng liêng nhất. Đó cũng chính là nơi hình thành một cộng đoàn Kitô hữu huynh đệ, tốt hơn ở bất cứ nơi gặp gỡ nào.
Bầu khí duy vật thực tế của xã hội kỹ nghệ tiên tiến tại Tây phương là lý do chính giải thích tại sao việc đạo đức ấy (tham dự thánh lễ chúa nhật) bị sa sút trầm trọng như thế. Người ta không nhất thiết phải chối bỏ Chúa, nhưng chẳng hề lưu tâm đến Người. Chỉ có tiền bạc, tiện nghi, lợi thú mới đáng kể thôi. Rất nhiều Kitô hữu bị bầu khí này thấm nhiễm thay vì phải biến đổi nó. Họ quên rằng mình đã được Đức Kitô kêu gọi để làm muối đất. Tình trạng thiếu hấp dẫn của một vài buổi lễ, thiếu hấp dẫn trong những động tác phụng vụ cũng như trong bài ca và bầu khí, cũng là nguyên nhân khiến một số người trẻ không muốn đi lễ.
Nhiều người nói rằng: “Tôi tin, nhưng tôi không hành đạo.” Chẳng thể có chuyện tin mà không thực hành. Ít nữa là không thể tin lâu dài được. Người ta có thể tin, vâng, nhưng là tin vào vị chúa nào, một vị chúa mà người ta chế ra theo trí tưởng tượng của mình. Thế nhưng, Thiên Chúa hằng sống và chân thật là Đấng mà ta phải cùng nhau khám phá không ngừng trong Lời Người và trong Bánh Người ban, nghĩa là qua Thánh Thể. Hoặc giả ta phải nhìn nhận rằng thiên hạ có thể sống mà chẳng cần ăn uống gì ráo.
Như vậy ta phải hiểu giới luật của Hội thánh đề cập đến thánh lễ chúa nhật như một lời khích lệ, một lời nhắc nhở cấp bách về nhu cầu sinh tử của thánh lễ. Nếu Đức Kitô quả thật đã sống lại, nếu Người là một ai đó vẫn đang sống trong ngày hôm nay, thì đây là điều đáng kể trong cuộc đời.
Một nữ công nhân trẻ đã nói với tôi: “Nếu tôi bị ngăn trở không dự lễ chúa nhật được, thì trong tuần ấy tôi thấy mình như thiếu một điều gì đó.”
Khi cảm nhận Thánh Thể trở thành một nhu cầu sinh tử là ta đã tiến một bước lớn trong đức tin. Điều quan trọng chính là vào ngày chúa nhật, cần tạo ra những cộng đoàn Kitô hữu sống động, cầu nguyện, hiếu khách để ở đó giới trẻ cảm  thấy thoải mái, những cộng đoàn tín hữu nghiêm chỉnh thực hiện câu nói lừng danh sau đây của Đức Giêsu: “Hãy tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính của Người trước đã, rồi mọi điều khác sẽ được ban dư dật cho các ngươi sau” (Mt 6,33).
J.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét