Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

"TRỜI" TRONG TÍN NGƯỠNG VIỆT NAM


Dẫn Nhập

Những phong tục, tập quán, niềm tin là những nét đẹp của người Việt Nam được các thế hệ cha ông truyền lại cho con cháu. Họ đã sống tốt với cuộc sống làm người và họ muốn con cháu họ sống làm sao cho tốt. Những tâm tình được họ gửi gắm rất nhiều nơi những lời hay ý đẹp và đặc biệt là những ngôn ngữ thông thường bằng ca dao, tục ngữ hoặc những áng văn chương bất hủ được lưu giữ muôn đời. Nhưng dường như con người ngày nay đang dần đánh mất đi những gì là phong tục, tập quán và truyền thống của cha ông ta để lại, đánh mất đi những gì là tinh tuý cao quí của con người vốn mang trong mình niềm tin khát khao trở về nguồn cội đích thực.
Tuy nhiên, niềm tin vẫn không thể nào bị bỏ ra khỏi cuộc sống vì con người cho dù có giỏi, có giàu tới đâu cũng có những khiếm khuyết, bất toàn, trống vắng trong thâm sâu cõi lòng. Do đó, tín ngưỡng dân gian vẫn tồn tại ít nhất là trong lời nói hay trong suy nghĩ của mỗi người. Niềm tin vào một Ông Trời vẫn mãi đi theo mỗi người và từng thế hệ đã thể hiện niềm tin này. Vậy phải chăng tín ngưỡng thờ Trời của người dân Việt Nam đã có từ xa xưa? Qua mọi thời, người Việt đã thể hiện niềm tin đó với những suy nghĩ riêng của mình nơi truyền khẩu, nơi văn chương... Trời là Đấng mà từ xa xưa, người dân Việt Nam cũng như người Trung Hoa đều tin Ngài là Đấng rất linh diệu, rất thông minh, công bằng vô cùng, rất dễ yêu và hay tha thứ mỗi khi con ngươi xúc phạm đến Ông. Đặc biệt, Ông là Đấng quyền phép vô cùng không một ai có thể sánh ví như được.
Để hiểu rõ tín ngưỡng thờ Trời ở Việt Nam, chúng ta đi tìm hiểu nguồn gốc, các cách thế mà người Việt đã thể hiện. Bài viết tìm hiểu Trời trong tín ngưỡng Việt Nam sau đây sẽ được trình bày qua các mục sau:
1/ Từ Ngữ “Trời”
2/ Chức Năng Của Trời
3/ Trời Trong Văn Hóa Người Việt
4/ Trời Trong Văn Chương Thi Ca
5/ Trời Trong Tín Ngưỡng Dân Gian
6/ Nghi Thức Thờ Trời
7/ Nhận Định

1/ TỪ NGỮ
Với niềm tin trong tín ngưỡng dân gian từ xưa cho đến nay, dường như tất cả mọi người, đều tin Ông Trời là Đấng cao cả và vĩ đại. Ngài là Đấng vĩ đại vượt trổi hơn hết. Không một vị thần thánh nào sánh được như Ngài và không một quyền lực nào ví được như Ngài. Vì thế, ngay cách viết chữ Trời bằng Hán Nôm người xưa đã ngụ ý tôn vinh Trời:
1.1/ Chữ Hán- Việt: Trời là Thiên. Trước kia người ta phân tích chữ Thiên làm hai phần: nét nhất là một, nét đại là lơn, ngụ ý chỉ Thiên là một Đấng Vĩ Đại, trổi vượt trên tất cả mọi loài. Không một sự gì, hoặc bất cứ ai sánh được và ví được như Ngài.
Nhưng theo cách giải thích của linh mục Wieger, ngày nay được nhiều nhà khảo cổ công nhận. Chữ Thiên theo nguyên tự, nét (-) chỉ không trung bao la và hình chữ Đại chỉ hình người giang hai tay, hai chân: hội ý có ý chỉ Thiên là Một Vị Duy Nhất, ở trên hết mọi người, vị Thiên ở trên cai quản mọi người ở dưới[1]..
1.2  Chữ Hán Nôm: Trời ghép bởi chữ Thiên ở trên chữ Thượng. Điều này ngụ ý Ngài cao cả hơn trời đất, hơn suy tưởng của muôn vật. Từ đó người ta tâm niệm rằng:
Đi đâu cho khỏi lưới Trời,
Ở đâu cho hạp mệnh Trời thì êm.[2]
1.3/ Trời theo Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông: Chữ trời có năm nghĩa; 1/ trời là một khoảng không gian vô tận ta nhìn thấy như một hình vòm úp trên mặt đất, 2/ trạng thái của khí quyển, của khoảng không gian bao quanh con người ở một nơi, vào một lúc nào đó, 3/ thiên nhiên, về mặt đối lập với con người, 4/ hoang dại, có sẵn trong tự nhiên, không phải do người nuôi trồng, 5/ lực lượng siêu tự nhiên, coi như ở trên cao, sáng tạo và quyết định số phận muôn loài trên mặt đất, theo tôn giáo, tín ngưỡng dân gian.[3]

2/ Ý NGHĨA CỦA “TRỜI”
Có thể nói khái niệm Trời rất thông dụng và phổ biến đã ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt. Khái niệm này đã ăn sâu vào trong huyết mạch mọi người dân không bất kể người đã có tôn giáo hay chưa. Điều này nói lên một sự gắn bó giữa một bên là thụ tạo bất toàn, một bên là Đấng nào đó sáng tạo và quan phòng, mà con người chỉ biết một cách loại suy và gọi là Trời. Tuy nhiên, tùy theo bối cảnh mà người ta có thể dùng từ này trong những bối cảnh khác nhau và ý nghĩa cũng khác nhau. Chúng ta nhận thấy có ba ý nghĩa chính của Trời sau đây:
2.1 Vật lý: Trời theo nghĩa này chỉ những sự vật, hiện tượng thiên nhiên cụ thể. Những hiện tượng này chúng ta có thể quan sát được bằng mắt thường và người ta thường dùng chữ trời để làm chủ từ khi trong câu khi nói về những hiện tượng đó.
2.2 Theo nghĩa tâm lý: Người ta thường chỉ “Trời” như một ngôi vị, là một Đấng toàn năng, có ý chí thưởng phạt, hoặc như một thế lực thiện. Trời che chở, bảo vệ chúng sinh, nuôi dưỡng vạn vật, để nhân loại nhờ vào đó mà tồn tại. Trời là Đấng mọi người kính sợ, để người ta làm lành lánh dữ hay kêu cầu khi gặp cùng cực, đau khổ.
2.3 Trời theo nghĩa khách quan: Trời là tiếng nói của lẽ phải như một đạo lý đại đồng, bảo tồn trật tự nhân sinh và vũ trụ. Đạo Trời đồng nhất với tính chất sinh lý hay tâm lý di truyền huyết thống: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tánh”. Đây là quan niệm về Trời vừa hữu hình vừa siêu hình luân lý đã có sẵn trong ca dao tục ngữ từ ngàn xưa.[4] Và trong lời tựa về Tế Nam Giao, linh mục Léopold Cadière nhận xét:
Cảm thức về quyền năng tối thượng của Trời đã ấn dấu sâu xa trong tâm thức tôn giáo người Việt. Ngôn ngữ bình dân không thiếu những dẫn chứng bày tỏ niềm tin vào quyền lực của Trời: người ta viện dẫn Trời như một nhân chứng, kêu đến Trời như một quan án, cầu Trời như một vị cứu tinh. Trời thấu suốt mọi chuyện, Trời phán xét và trừng phạt, Trời nhân từ, Trời yêu thương, Trời tác sinh, Trời bảo vệ: Trời làm chủ vận mạng nhân sinh.[5]
Và “Trời” theo sự diễn giải của cha Léopold Cadière có hai nghĩa: Một là nghĩa thiên nhiên như bầu trời, trời đất..., trời như nguồn năng lực; trời sấm, trời sét... Hai là “Trời” được nhân cách hóa: Ong Trời, vv.
3/ TRỜI TRONG VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT
Ý  niệm “Trời” vốn đã hiện  hữu  trong  tâm  thức  của người Việt  xưa  từ  thuở nguyên sơ, trước khi những tôn giáo khác du nhập vào Việt Nam. Người Việt nhân cách hóa vị  thần không biết ấy và xưng gọi là: “Ông Trời”. Trong tâm thức người Việt, từ ngữ “Trời” là một từ rất thông dụng. Từ ngữ này có thể là một khoảng không gian bao phủ trên trên không, thiên nhiên, thời tiết. Trời là sức mạnh thiên nhiên, sáng tạo và quyết định mọi sự. Những vật hoang dại người ta cũng quy về cho trời vun trồng hay nuôi dưỡng: rau diếp trời, vịt trời, của trời… Trời cũng dùng cho thời gian: ba năm trời xa cách… Hay khi con người gặp chuyện không may, luyến tiếc, con người thốt lên: trời ơi! Trời như là Đấng Thần linh có quyền phép và là chỗ dựa cho muôn loài và con người. Tiếng “Trời” là tiếng mà người Việt, bất kể thuộc tầng lớp nào trong xã hội, có tín ngưỡng hay không, vẫn thường thốt lên trong bất kỳ tình huống nào, dù vui sướng hay đau buồn, than trách hay cầu cứu. “Ông Trời” là ông thần không biết, không thấy được của người Việt, nhưng vẫn luôn hiện hữu cùng dân tộc Việt qua ngôn ngữ phổ thông của người bình dân Việt Nam, được truyền tụng rộng khắp trong dân gian và vẫn trường tồn trải qua bao nhiêu cuộc đổi thay.
Đời sống của người Việt luôn gắn liền với niềm tin vào “Ông Trời”. Người Việt không biết Ông Trời một cách cụ thể, nhưng cảm nhận được Ông Trời khi  quan sát những cảnh vật chung quanh mình như núi cao vời vợi, sông sâu thăm thẳm, biển rộng mênh mông, cùng với quy luật sinh tồn của chúng. Người Việt ý thức được điều này do ai đó đã dựng nên:
Núi kia ai đắp nên cao
Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?
Gai trên rừng ai bứt mà nhọn
Trái trên cây ai vo mà tròn?[6]

4/ TRỜI TRONG VĂN CHƯƠNG, THI CA

4.1/ Ông Trời Trong Ca Dao Tục Ngữ
Rất nhiều những câu ca dao, tục ngữ lưu truyền trong văn hóa dân tộc Việt Nam đã nói đến Ông Trời. Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống người ta luôn nhắc đến Ông Trời và được lưu truyền qua ngôn ngữ bình dân có vần điệu. Điều này đã để lại một kho tàng quý báu mà từ thế hệ này tới thế hệ khác đã góp phần làm phong phú cho văn chương dân gian Việt Nam. Trời thường là hậu cảnh, làm tăng lời hay ý đẹp, cho cảnh thêm tình.
                   Trời mưa cho lúa chín vàng
                   Cho anh đi gặt, cho nàng đem cơm.[7]
Với cuộc sống nông nghiệp, người Việt quen xem Trời để biết thời tiết cho mùa màng hay chăn nuôi gia cầm, gia súc.
                  Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa.
Hay:          Trời đang nắng có gà trắng thì mưa.[8]

4.2/ Trời Trong Truyện Cổ Tích
Người Việt tin vào Ông Trời còn thể hiện trong các truyện cổ tích hay truyện ngụ ngôn. Những câu truyện có vẻ ly kỳ, hoang đường, nhưng thật ra chứa đựng niềm tin sâu xa của người Việt mang triết lý nhân sinh. Và qua đó, các câu truyện cũng dạy con người về lối sống cho phù hợp luân thường đạo lý, dạy con người phải đối xử tốt với nhau. Có những truyện cổ tích được truyền khẩu, từ xa xưa tới ngày nay, như truyện Tấm cám, Trầu cau... Và truyện “Mai An Tiêm và Quả Dưa Hấu” nói lên tín ngưỡng con người đối với Đấng làm phát sinh vạn vật và luôn phù hộ, nuôi dưỡng chúng ta như câu tục ngữ: “Trời sinh, Trời dưỡng”. Câu truyện này nói tới một bé trai tài giỏi, siêng năng, con vua Hùng Vương thứ 18, tên là An Tiêm. Nhưng An Tiêm thích sống tự lập không cậy nhờ ai, chỉ cậy nhờ và tin ở ông trời, anh thường nói cho bạn bè biết rằng “Sự thành công của anh là nhờ Trời ban và công lao khó nhọc, tần tiện của vợ chồng anh, chứ anh chẳng cậy nhờ ai, không nhờ vả ơn vua ban lợi lộc”. Vua Hùng biết An Tiêm đã nói như thế, nên nhà vua nổi giận, bắt vợ chồng và đứa con trai đầy ra đảo Nga Sơn. Ở ngoài đảo hiu quạnh, An Tiêm vẫn an ủi vợ con, hãy can đảm lên và tin tưởng vào Ông Trời: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”. Sống chết do Trời và cũng tại ta. Một hôm đi dạo trên đảo, An Tiêm thấy con bạch hạc nhả hột xuống đất, và một loại cây giây leo mọc lên, tàu lá xanh tươi, xum xuê lạ thường, lại có trái thơm ngon, lắm nước ngọt ngào và rất sai trái. An Tiêm bảo vợ con:” Không trồng mà được ăn, đó là Trời cho ta đấy”[9].

4.3/ Trời Trong Văn Chương
Nhiều tác phẩm văn chương nhìn theo phương diện tín ngưỡng, ta có thể quả quyết: niềm tin cổ truyền vào Ông Trời rất sâu xa và mãnh liệt, vì các tác giả đã hấp thụ được các quan niệm triết lý về Thiên Mệnh của Khổng giáo. Các văn thi sĩ cũng như giới bình dân Việt nam cho rằng vũ trụ nhân sinh được điều khiển do một Vị Chủ Tể càn khôn mà họ gọi là Thiên.
Dưới đây là vài thơ văn tiêu biểu cho niềm tin cổ truyền vào Ông Trời, là Vị Hóa Công tạo thành vũ trụ. Ông Trời đã định đoạt cuộc sống cũng như số mệnh cho dân tộc.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. (Lý thường Kiệt)
Hoặc:
Trời sinh, Trời ắt đã dành phần
Tu hãy cho bền, dạ có nhân.
Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ,
Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần.
Bạo hung chỉn đã gươm mài đá,
Phúc Đức rành hay cỏ đượm xuân
Chớ có hại nhân mà ích kỉ,
Giấu người, khôn dấu được Linh-Thần. (Nguyễn Bỉnh Khiêm)[10]

Đây là một áng thơ đượm tính chất triết lý tôn giáo về nhân sinh, về đạo lý làm người, về mối liên hệ giữa Ông Trời và phận sự con người sống trên đời này, và phần phúc về đời sau. Cũng như nhiều tác giả đã đưa Ông Trời vào văn chương, thi ca của mình để làm nổi bật cuộc sống nhân sinh của mình đối với sự tín thác vào Ông Trời trong các tác phẩm như: Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du...


5/ TRỜI TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, có thể nói được rằng; niềm tin vào Ông Trời, Đấng Cao Cả là điều không thể thiếu được. Bởi vì chỉ có Ông Trời mới thực là Đấng cao cả và vĩ đại, Đấng sáng tạo và quan phòng, Đấng công minh và thông hiểu…
Đứng trước vũ trụ bao la, bát ngát, đầy những huyền bí, mầu nhiệm, con người tự cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ, yếu đuối. Có biết bao nhiêu sự lạ lùng, ngoài trí tưởng tượng con người đã, đang và sẽ xảy ra. Tất cả đều ở nằm ngoài con người, ta không có một quyền lực gì trên chúng cả. Ta còn hay mất thì chúng vẫn tồn tại như thường. Đứng trước những huyền bí của vũ trụ bao la đó, con người biết suy nghĩ và đặt niềm tin về một Đấng Tạo Hóa có quyền năng giải đáp mọi thắc mắc ưu tư của đời sống. Niềm tin về một Đấng cao cả đó, từ ngàn xưa, người Việt gọi là “Ông Trời"[11]!

5.1/ Ông Trời
Ông trời là từ ngữ thông dụng nhất đối với mọi người, ngoài ra người Việt còn dùng nhiều từ khác nữa để chỉ ông trời như: Tạo Hóa, Hóa Công, Hóa Nhi. Và còn nhiều từ nữa mà mọi người cũng quen thuộc với các danh xưng như: Ngọc Hoàng, Hoàng Thiên, Thượng Đế, Thiên Chúa, Chúa Trời…
Mọi người nhìn lên vòm trời bao la làm gợi cho mình một Ông Trời: Ai làm nên trời xanh lạ lùng như thế? Chắc hẳn, phải có một vị làm Chủ đã tạo dựng nên những sự vật hùng vĩ đó. Do đó, con người hướng niềm tin vào một Chủ Tể muôn loài. Vì thế, người ta đã gọi “Đấng ấy” là“Ông” như một Ngôi vị toàn năng, uy quyền, thương xót và có thể lắng nghe, ban ơn phúc cho mình:
Lạy Trời  mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày...[12] (Ca dao)
Ông Trời đã tài tình tạo dựng muôn vật muôn loài, quan tâm, điều khiển, dưỡng dục, nuôi nấng và bảo vệ cho vũ trụ và con người được tồn tại, cho hòa điệu trong trời đất; “Trời sinh, Trời dưỡng”, hay “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”...

5.2/ Bà Trời
            Tác giả Phan Ngọc có nhận đinh về sự xuất hiện Bà Trời như sau:
Trong tín ngưỡng xa xưa, văn hóa nông nghiệp phát sinh tín ngưỡng phồn thực và phụ nữ sẽ là chủ chốt. Nền văn hóa nông nghiệp thường gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên, liên quan tới con người như là máu thịt. Có hai hiện tượng quyết định cuộc sống là nắng và mưa. Ơ phương Nam, việc thờ trời là chung cho toàn dân. Xưa gọi là Bà Trời (“Ông trăng mà lấy Bà trời”), sau này chịu ảnh hưởng Trung Quốc mới đổi thành Ông trời.[13]
Nền văn hóa nông nghiệp từ xa xưa luôn phụ thuộc vào môi trường tự nhiên nên con người thường thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên làm phát sinh tục thờ đa thần. Dần dần phát sinh tín ngưỡng thờ Mẫu vốn mang gốc từ tín ngưỡng phồn thực, là sự cầu mong sinh sôi nẩy nở của tự nhiên và con người. Lối sống của cư dân trồng lúa, phụ thuộc môi trường tự nhiên, dẫn đến tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, thần hóa các hiện tượng: Đất, nước, lửa, cây, mây, mưa, sấm, chớp… thành những vị thần, mà nữ thần chiếm địa vị áp đảo. Và các thần phải là các Bà Mẹ, các Mẫu. Sau đó, từ tên cổ: Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước, Bà Lửa, do ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, mà có tên: Bà Thiên, Bà Địa, Bà Thuỷ, Bà Hoả. Có ba Bà quản ba vùng; Trời - Đất - Nước, người ta gọi là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Thuỷ)… Ngày nay vẫn còn một số dân tộc tồn tại chế độ mẫu hệ như dân tộc Chăm, C’Hoh... Các dân tộc này vẫn còn giữ được tín ngưỡng cổ xưa.
Theo nguyên lý âm dương, đã có Ông Trời thì phải có Bà Trời.  Trong các dân tộc, huyền thoại và truyền thuyết dành cho nữ thần phần đáng kể. Để tạo lập vũ trụ có công của Nữ thần Mặt Trời, Mặt Trăng, các Bà đã soi sáng và sưởi ấm cho mặt đất thuở chỉ có bùn, nước và bóng tối. Huyền thoại Bà Nữ Oa cùng Ông Tứ tượng đội đá vá trời, xây núi khơi sông, mà trong cuộc thi tài Bà Nữ Oa đã chứng tỏ được sức mạnh của mình nên đã giành chiến thắng. Rõ ràng người xưa đã khoác cho tự nhiên, vũ trụ thuộc tính nữ, mang tính sinh sản, tồn trữ và che chở. Do ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc dạng thờ Tiên, tín ngưỡng Mẫu Thần dân gian phát triển thành Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.[14]

5.3/  Trời Sinh Trời Dưỡng
Từ thuở còn nằm nôi cho đến khi khôn lớn, con người luôn được các bậc cha mẹ, anh chị đi trước bảo ban dạy dỗ, qua nhiều cách thức khác nhau như; truyền khẩu, hát ru… để dạy cho con cháu thế hệ đi sau nhận biết vũ trụ bao la do Trời tạo dựng nên, và lại dùng các ông thần để tiếp tục công trình sáng tạo của mình là sáng tạo muôn loài như bài “Ông Đếm”:
Ông tát bể.
Ông kể sao.
Ông đào sông...
Từ những chân lý này, dân gian nghiệm thấy rằng; vũ trụ vạn vật này có được là do chính Ông Trời làm ra. Nếu không có Ngài thì làm sao vũ trụ vạn vật này có đó và tồn tại: 
Non kia ai đắp mà cao,
Sông kia ai bới, ai đào mà sâu.[15] (Ca dao)
Một khi đã tạo dựng vũ trụ vạn vật rồi thì cũng chính Ông Trời sẽ xếp đặt cho chúng có thứ tự ngăn nắp đâu vào đó, và cũng chính Ngài đã an bài và quan phòng tất cả mọi sự để cho chúng được hiện hữu và sinh sôi nảy nở ra nhiều trên mặt đất luôn mãi:
Trời sinh, Trời dưỡng.
Hoặc:        Trời sinh voi, Trời sinh cỏ.[16] (Ca dao)
Như vậy, Ông Trời đã tài tình tạo dựng muôn vật muôn loài và sắp đặt an bài mọi sự cho chúng hiện hữu, đồng thời “Ông” quan phòng, điều khiển, bảo vệ và dưỡng nuôi chúng. Sống hay chết đều ở trong quyền hạn của Ông Trời, kể cả tình yêu và duyên phận.
   Vì Trời là sinh ra vạn vật, nên tất cả được Ông quan phòng và đều phải lệ thuộc vào, đều phải qui hướng về Ông. Ông “cai quản như một vị Chủ Tể Tối Cao và không một điều gì thoát khỏi vòng ảnh hưởng huyền diệu của Ngài. Ngài là nguyên nhân nội tại của tất cả những sự việc xảy ra trên trần gian này. Vận mạng của con người cũng hoàn toàn lệ thuộc quyền năng của Ngài. Không một sự việc gì xảy ra trong đời sống của con người mà lại có thể nằm bên ngoài sự xếp đặt của Ông Trời”[17].
Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn vất vả của cuộc sống và của xã hội, con người khó lòng mà giữ được sự bình thản để không bộc lộ những tâm tình buồn chán, thất vọng và phẫn nộ. Vì thế, đôi khi họ có những cử chỉ, hành động đỗ lỗi cho Trời.
Trời sao Trời ở chẳng cân
Người ăn không hết người lần không ra. (Ca dao)
Hoặc: 
Lá vàng còn ở trên cây,
         Lá xanh rụng xuống Trời chăng hỡi Trời.  (Ca dao)
Với những lời than thân trách phận và oán Trời như trên, một cách gián tiếp, họ đã công nhận quyền năng phép tắc quản cai của Trời. Vì thế nếu con người có than thân trách phận, phản đối hay lăng mạ cả đến Ông Trời thì cũng uổng lời, cũng sẽ chẳng thay đổi được gì nếu không đặt niềm tin vào Trời. Vậy phải bằng lòng với số phận là hơn cả, vì hạnh phúc hay đau khổ của ta đều tuỳ thuộc vào ý Trời, Trời định:
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
                  Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa.
Thiên căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. (Truyện Kiều)

            5.4/ Trời - Đấng Giáng Phúc
   Yêu thương là bản tính của Ông Trời, nên Ông Trời đã tạo dựng vũ trụ vạn vật cho con người tận hưởng. Ngài hằng phù giúp những ai thành tâm, thiện chí và can đảm chấp nhận, chiến đấu với những nghịch cảnh, những bất trắc của xã hội. Với người hiền hoà nhân hậu, ăn ở nết na, có tình có nghĩa giữa người với người thì làm sao họ lại không gặp được điều lành, điều may, điều phước…, làm sao Trời lại không ban ơn giáng phúc cho người ấy:
Ở  hiền gặp lành                               
           Những người nhân đức Trời dành phúc cho.  (Ca dao)

            5.5/ Trời - Đấng Công Minh
Người Việt tin Ông Trời là Đấng có uy quyền tuyệt đối, soi thấu được vạn vật, kể cả những gì thầm kín nhất ẩn dấu sâu tận đáy lòng con người. Đối diện với những điều bí mật nhất mà con người vô phương phát hiện thì người ta thường nói: “Chỉ có Trời mới biết”. Người Việt tin Ông Trời nhìn thấy tất cả những sự việc xảy ra trên đời. Niềm tin này nói lên Trời là Đấng công bằng, thưởng phạt công minh.
Đi đâu cho khỏi lưới Trời
Ở đâu cho hạp mệnh trời thì êm. (Ca dao)
Trời là Đấng cầm cân nảy mực phân xử mọi vấn đề trong cuộc sống nhân sinh. Không một sự việc gì ta làm mà Ông không biết và cũng không một hành vi, cử chỉ nào của ta mà lọt được mắt Ngài: “Ai bảo Trời không có mắt”. (tục ngữ)
Trời không bao giờ đối xử bất công với những con người thành tâm thiện chí, với những con người vô tội: “Trời nào có dong kẻ gian, có oán người ngay”. (Ca dao)


5.6/ Trời - Cứu Cánh Của Con Người.
   Nếu như Phật giáo coi cái chết là bị Nghiệp cuốn vào luân hồi, là đầu thai tiếp sang kiếp khác, thì người Việt Nam luôn quan niệm Trời là nguyên nhân và là mục đích tối hậu, mục đích cuối cùng của con người. Bởi thế đối với họ, cái chết không phải là hết, là hư vô, là sự tiêu diệt hoàn toàn, mà cái chết là giải thoát cuộc đời tạm bợ này để trở về với Trời, về với Đấng Cội nguồn mọi thụ tạo: “Sống gửi thác về”. Trong tiếng Việt “Chết” hay “qua đời” dân gian thường dùng những kiểu nói như: “về Trời”, “quy Tiên”, “về chầu Trời”...
Bao giờ ông lão chầu Trời. (Ca dao)
Hoặc:        Sinh ký tử qui.
   Tóm lại, trên đây ta chỉ sơ lược về ưu phẩm, đặc tính của Trời và vài ý nghĩa của tiếng Trời, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều những vấn đề chưa tìm hiểu hết. Và trong bài viết này chỉ nêu ra một cách tổng quát về niềm tin ở Ông Trời.


6/ NGHI THỨC THỜ TRỜI
Trải qua năm tháng, tín ngưỡng thờ Trời đã để lại nhiều chứng tích ở miền Nam hơn ở miền Bắc. Phải chăng miền Bắc chịu nhiều ảnh hưởng của người Trung Hoa hơn miền Nam bởi những ảnh hưởng của các đạo: Lão, Nho, Phật giáo đã làm cho tâm thức người Việt Nam phần nào cũng bị thay đổi. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Trời vẫn là điểm nòng cốt, vẫn là điều không thể thiếu đối với người dân Việt Nam. Và người Việt có tin Ông Trời nhưng cũng ít ai làm lễ thờ Trời. Sau đây là một vài kiểu thờ Trời của người Việt.

6.1 Bàn  thờ Trời.
Nếu những ai không theo một tôn giáo đặc thù nào thì người ta thường làm một bàn thờ ngay trước sân, bàn thờ đó được gọi là“bàn thờ Ông Thiên” hay “bàn thờ Thông Thiên”, “bàn thờ Bà Thiên”, “bàn thờ Bà Thiên Đài”. Nếu gia đình nào không có sân thì bàn thờ này được đặt ngay trước hiên nhà hay bất cứ nơi nào tiện cho việc tôn kính Trời. Bàn thờ này rất đơn giản, chỉ có một tấm ván trên một trụ gỗ, hoặc một tấm đan trên một cột đúc... Tấm ván đó chính là “Bàn Thờ Trời”.
Lễ dâng cúng Ông Trời thật là đơn giản: chỉ một bình bông hoa tươi, một bát nhang thơm với một chén nước lã tinh khiết là đủ lễ vật để dâng kính Trời. Với những lễ vật như thế thì đối với một gia đình nông dân, dù có nghèo đến mấy đi chăng nữa hàng ngày cũng có thể  kiếm được những lễ vật như thế để dâng kính Ông Trời. Mỗi sáng chiều, ít nhất là người gia trưởng ra đứng trước bàn thờ tay cầm nhang vái lạy bốn phương, miệng lâm râm với những lời khấn cho gia đình an vui hạnh phúc, làm ăn tấn tới, cho mưa thuận gió đều…
Lạy Trời mưa thuận gió hoà,
Để cho chiêm tốt mùa tươi em mừng.
Ngô khoai chẳng tươi thì đừng,
Có nếp có tẻ trông chừng có ăn. (Ca dao)
Và:
Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con. (Ca dao)
Với bàn thờ, lễ vật và cung cách tế Trời như thế nói lên một niềm tin, tín ngưỡng rất thâm sâu của dân gian vào Đấng có toàn quyền trên con người. Chính nơi đây họ luôn ý thức về mối liên hệ giữa Trời và Đất, giữa người với người trong tâm tình tương thân tương ái.

6.2/ Lễ Tế Nam Giao.
Ở trong cấp độ gia đình, nếu người gia trưởng là người xứng hợp và là người đại diện gia đình để tế Trời thì trong cấp độ quốc gia, Vua chính là người xứng hợp nhất và là người đại diện toàn dân để tế Trời.
Học giả Đào Duy Anh có viết:
Trong loài người, gần với thiên lý nhất là thánh nhân, rồi đến quân tử. Cho nên thánh nhân là người được trời uỷ cho cái thiên chức thống trị nhân dân, tức là thiên tử, còn quân tử là những người giúp vua mà cai trị nhân dân, tức là các quan. Theo học thuyết ấy thì quan lại chỉ biết mệnh vua, mà vua chỉ biết mệnh Trời. Cho nên chỉ vua và các quan được tế Trời, còn nhân dân chỉ được thờ tổ tiên và quỉ thần. Mỗi năm vua phải ngự đến đàn Nam Giao, là tế đàn hình tròn xây ở phía nam cung thành để tế Trời là gốc sinh thành của vạn vật[18].
Linh mục Léopold Cadière một nhà truyền giáo rất am tường về văn hoá, về tín ngưỡng của người Việt cũng nhận xét:
Có lẽ việc thờ Trời được tập trung nhiều nhất trong việc Tế Nam Giao. Trong nghi lễ này, việc tế tự mang sắc thái hoành tráng uy nghi tương xứng với sự cao cả của đấng tôn thờ, thể hiện sự tinh tuyền của niềm tin vào Trời, phản ánh những tâm tình sâu lắng mà Trời khơi dậy trong tâm hồn họ. Hoàng đế được xem như là vị thừa ủy, đại diện của toàn dân: Nhân danh hết thảy thần dân, ông ta phủ phục, dâng tế, tạ ơn và cầu khẩn. Nếu như niềm tin vào quyền năng cao cả của Trời là cao quý nhất, thuần khiết nhất của toàn bộ tín ngưỡng người Việt, thì việc Tế Nam Giao thể hiện một cách trang trọng tín ngưỡng ấy cũng là hành vi cao cả nhất của việc sùng bái tôn thờ của họ.[19]
Một vài nhận xét trên, ta cũng thấy tục lệ Tế Nam Giao ở chế độ quân chủ trước đây là một việc tốt và rất cần thiết trong niềm tin, tín ngưỡng của người Việt.
Với hoàn cảnh và thời đại hôm nay, ở nước ta, tục lệ tế đàn Nam Giao không còn nữa nhưng nó vẫn in sâu vào trong văn hoá của người Việt. Đây là một việc mang đầy ý nghĩa linh thiêng, đậm mầu sắc văn hoá tín ngưỡng của người Việt với tâm tình kính thờ Trời. Mục đích của việc làm này là để Trời ban phước, cho dân an nước mạnh. Đàn Nam Giao là nơi giao hoà giữa Trời và Đất, là nơi nối kết tình Trời, tình người.

6.3/ Thờ Trời trong các Lễ cổ truyền
          Trong các ngày lễ tết cổ truyền của người Việt, người ta nghĩ tới cội nguồn đích thực của mình mà họ nghĩ là Ông Trời. Ngày tết, người ta nhớ đến Trời và họ tâm niệm những lời cám ơn, cử chỉ tế Trời, vái Trời với những cây nhang và khấn xin cho gia đình sang năm mới được an khang, thịnh vượng và mọi người được sống trong mạnh khoẻ, an vui, hạnh phúc. Như thế Ông Trời luôn được người Việt Nam nhớ đến đầu tiên của những ngày lễ, ngày tết cổ truyền. Tín ngưỡng này có lẽ xuất phát từ lối sống nông nghiệp và tập trung theo làng xã, cho nên trời đất và con người luôn luôn gắn kết với nhau. Họ sống trong sự liên kết, đùm bọc nhau và họ biết sống, biết suy xét, biết suy nghĩ có trước có sau, có trên có dưới, có cao có thấp. Họ chỉ mơ hồ biết Ông Trời và coi đó là nguyên lý phát sinh mọi loài và do đó, trong các nghi lễ cổ truyền, họ nhớ đến Ông Trời đầu tiên. Trời như là Đấng thưởng phạt cuộc sống con người và do đó họ phải biết cách xử sự với nhau cho phải lẽ, biết sống cho tròn bổn phận và trách nhiệm hầu sinh nhiều hữu ích cho cuộc sống. Nhờ biết sống tình nghĩa với Ông Trời và với người, người việt cũng mong mai này sẽ được hưởng phần phúc Trời ban. Lễ vật tế Trời cổ truyền mà người Việt hầu như ai cũng tự làm được đó là Bánh Chưng, Bánh Dày (còn gọi là bánh Tét, chữ tét có lẽ là đọc trệch của chữ tết). Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dày tượng trưng cho Trời. Hai thứ bánh này làm lễ vật như là một sự kết giao giữa Trời với đất, là nơi phát sinh, sinh sống và trở về của con người.[20]

7/ NHẬN ĐỊNH.
Sau khi tìm hiểu sơ lược mấy điểm trong quan niệm về Trời nơi tín ngưỡng dân gian Việt Nam, một vấn đề được đặt ra: phải chăng Ông Trời mà bao người Việt Nam minh nhiên nhìn nhận thật sự có hiện hữu không? Và sao lại gán cho Ngài quá nhiều những ưu phẩm như vậy?
Để trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng nếu ai đó trả lời có hoặc không có ngay lập tức, e rằng hơi vội vàng và nếu quả quyết rõ ràng Trời đó đích thực là Đấng Tối Cao, Duy nhất, có bản vị, ngôi vị như Thiên Chúa trong Kitô giáo thì sợ rằng lại quá bạo dạn và thái quá. Đành rằng niềm tin của người dân tin tưởng vào Ông Trời là có thực. Nhưng Ông Trời đó hẳn thật có Ngôi vị, có nhân tính và thiên tính như Thiên Chúa trong Kitô giáo hay không lại là một chuyện, thực tế như ta đã tìm hiểu ở trên thì niềm tin vào Ông Trời trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam còn chung chung, mơ hồ và khác rất nhiều với niềm tin đích thực vào Một Thiên Chúa của mặc khải. Vả lại việc thờ trời trước đây cũng như bây giờ được biểu lộ rất ít, có những vùng không thấy có tục tế tự này.

Kết Luận
Tín ngưỡng thờ Trời trong dân gian Việt Nam là một tín ngưỡng tự nhiên đã có từ rất lâu. Vì là tín ngưỡng tự nhiên nên mọi cung cách thờ tự trông có vẻ như đơn sơ mộc mạc, có vẻ như mông lung mơ hồ… nhưng đây là một tín ngưỡng rất đáng trân trọng trong kho tàng văn hoá Việt Nam. Tuy tín ngưỡng này vẫn còn mang màu sắc bình dân nhưng không thể thiếu đối với người dân Việt Nam.
Vì thế cho dù bất cứ ở thời đại nào, phương trời nào, người Việt Nam trong mọi tầng lớp từ vua quan, sĩ phu đến dân thường vẫn luôn tôn thờ Trời là Đấng Cao Cả vĩ đại. Ngài là Đấng có toàn quyền trên vũ trụ, trên sinh mạng con người. Ngài là Đấng công minh chính trực, khoan dung nhân hậu và giầu lòng thương xót đối với mọi người không phân biệt địa vị giai cấp, không phân biệt mầu da sắc tộc. Và cho dù gia đình nào có nghèo khổ đến đâu đi chăng nữa thì việc sắm lễ vật dâng kính Trời cũng không phải là chuyện khó khăn vượt sức họ.
Khái niệm về Ong Trời của tín ngưỡng người Việt được thể như một Đấng tối cao, Siêu Việt. Trời sinh ra vạn vật, Trời quan tâm nuôi dưỡng, nên mọi người đến với Trời hằng ngày trong ngôn ngữ thông thường, được thể hiện rất nhiều trong ca dao, tục ngữ, văn chương.
 NVT.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét