Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

NGUYÊN TẮC QUY ĐỊNH TÍNH LUÂN LÝ CỦA HÀNH VI NHÂN LINH



Theo truyền thống, thần học luân lý đề ra 3 yếu tố để xác định tính luân lý của hành vi nhân linh : đối tượng, hoàn cảnh, mục đích hay ý hướng. Một hành vi nhân linh được coi là tốt khi cả 3 yếu tố ấy phù hợp với tiêu chuẩn luân lý và ngược lại.

1. Đối tượng
- Đối tượng của hành vi nhân linh là hậu quả do hành vi trực tiếp gây ra. Đây là kết quả tất yếu phải xảy ra của một hành vi, bất kể hoàn cảnh hay ý hướng của người thực hiện hành vi ấy. Từ chuyên môn người ta gọi là Finis operis (mục đích của công việc). Đây là đặc tính trước tiên và chủ yếu, nên tính luân lý của hành vi nhân linh trước hết phải phát xuất từ chính đối tượng. Do vậy, có những hành vi tự bản chất là chính đáng hay bất chính. Thí dụ: trộm cắp là xấu, giúp đỡ người khác là tốt. 
- Ngoài ra còn xét đến ảnh hưởng của hành vi đó gây ra cho đương sự hay cho người khác. Trong trường hợp đối tượng của hành vi là xấu tự bản chất như hiếp dâm, giết người vô tội, thì cho dù ta có ý hướng tốt đến đâu đi chăng nữa cũng không được phép làm. Nhưng ngày nay người ta có khuynh hướng yêu cầu xét đến ý hướng và hoàn cảnh của người làm hành vi ấy cùng một lúc với đối tượng, thì mới có thể đưa ra lời thẩm định dứt khoát về tính luân lí của hành vi nhân linh.
2. Hoàn cảnh
- Hoàn cảnh là những chi tiết cụ thể trong đó hành vi nhân linh được thực hiện. Hoàn cảnh chỉ có tính chất luân lý khi góp phần làm tăng thêm hay giảm bớt những hậu quả tốt hoặc xấu. Thần học luân lý thường nêu ra 7 hoàn cảnh khác nhau : người nào (who), việc nào (which), ở đâu (where), dùng cách nào (phương thế), tại sao (why), thế nào (how), khi nào (when).
- Hoàn cảnh có thể làm gia tăng hay làm giảm đi tính luân lý của hành vi nhân linh theo 2 hướng đối nghịch nhau : (1) Theo chiều hướng tích cực, hoàn cảnh có thể làm cho hành vi vốn tốt trở nên tốt hơn, có thể làm cho hành vi vốn xấu trở nên bớt xấu đi hay làm cho một hành vi không tốt không xấu (trung lập), trở nên tốt hơn. (2) Theo chiều hướng tiêu cực, hoàn cảnh có thể làm cho một hành vi vốn xấu trở nên xấu hơn, hay làm cho hành vi vốn tốt trở nên bớt tốt đi hay xấu hơn, hay làm cho hành vi trung lập bị trở nên xấu hơn.
3. Mục đích hay ý hướng
- Đây là lý do hay ý định mà đương sự muốn nhắm tới khi hành động. Từ chuyên môn gọi là Finis operantis (mục đích của người làm). Trong cùng một loại công việc nhưng mục đích hay ý hướng của người làm có thể khác nhau.
Cũng giống như hoàn cảnh, mục đích hay ý hướng có thể làm thay đổi tính luân lý của hành vi. Mục đích tốt hay ý hướng tốt có thể làm cho một hành vi tốt trở nên tốt hơn, hay làm cho một hành vi trung lập trở nên tốt hơn, hay có thể làm cho hành vi xấu trở nên bớt xấu đi. Còn mục đích xấu hay ý hướng xấu có thể làm cho một hành vi xấu trở nên xấu hơn, hay làm cho một hành vi trung lập trở nên xấu, hay có thể làm cho một hành vi tốt trở nên bớt tốt đi hay thậm chí xấu đi. Nhưng có điều cần lưu ý là một hành vi xấu tự bản chất là xấu thì không bao giờ ta có thể làm cho nó trở nên tốt được.
- Như vậy khi đánh giá một hành vi nhân linh về mặt luân lý, thì mục đích hay ý hướng giữ một vai trò quan trọng. Nhưng ta cần lưu ý rằng ý hướng tốt không thể biện minh cho bất cứ loại phương tiên nào, nói rõ hơn là ý hướng tốt không thể biện minh cho phương tiện xấu. Một động lực tốt mà thôi chưa đủ đảm bảo cho một hành vi xuất phát từ đó trở nên tốt về mặt luân lý.
- Ngoài ra cần lưu ý đến hai điểm sau đây : (1) Có trường hợp mục đích của công việc (finis operis) và mục đích của người làm (finis operantis) chỉ là một. (2) Thông thường mục đích đi liền với phương tiện, như ngạn ngữ La tinh vẫn thường nói : “Ai muốn mục đích, tất nhiên cũng muốn phương tiện, ai muốn phương tiện theo đúng nghĩa, tất nhiên cũng muốn mục đích”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét