Trong đời sống
đức tin, người Kitô hữu có một tổ chức vừa có tính trần thế vừa có tính mầu nhiệm,
đó là cộng đoàn phụng vụ gồm những người con của Giáo Hội Chúa Kitô. Qua phụng
vụ, người Kitô hữu cùng nhau găp gỡ, ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa. Đây là một
cuộc gặp gỡ sống động gồm những hữu thể sống với nhau. Vì thế, phụng vụ không
phải là một sự hiện diện của một ai riêng tư nào, hoặc là mang tính chất khô cứng
nhưng là diễn tả sự hợp nhất giữa những con người cùng một sống trong một đức
tin, cùng nhau hướng về một đời sống vĩnh hằng trên trời.
Toàn thể cộng đồng
dân Chúa được Lời Chúa triệu tập, thể hiện tình hiệp nhất trong đức tin, trong
nguồn ân sủng của các bí tích, đồng thời còn hiệp nhất trong tình yêu thương, cảm
thông và tha thứ cho nhau trên cơ sở tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho
nhân loại. Mặt khác, phụng vụ là hành vi mà toàn thể Giáo Hội cùng với Chúa
Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha để ca ngợi, tung hô và cầu xin. Khi cử hành phụng
vụ là nói lên hành vi của toàn thể Giáo Hội. Vì thế, chúng ta nó rằng phụng vụ
là một hành vi mang tính cộng đoàn.
1. Phụng vụ
tự bản chất là hành vi mang tính xã hội
Cũng như các tổ
chức của xã hội, cộng đoàn phụng vụ không phải là một nhóm người ô hợp và ngẫu
nhiên, nhưng là một đoàn thể có tổ chức. Họ có một chung một mục đích, một hướng
đi, một định mệnh và đòi hỏi sự hợp nhất.
Là hành vi tuyệt
hảo của Giáo Hội, Phụng vụ thiết yếu là một hành vi xã hội. Đây là một hành vi
dân Thiên Chúa đến tìm gặp Chúa của mình và hiện diên trước nhan Người. Do đó,
khi cử hành, phụng vụ đòi hỏi phải có ba yếu tố: một cộng đoàn, có tổ chức và
chung một tâm tình. Nếu xét như thế, về mặt nguyên tắc, không có dân thì không
thể có phụng vụ. Dân này phải được triệu tập lại và để hoạt động theo nguyên tắc
phụng vụ. Đức Kitô là Đấng sẽ triệu tập dân Ngài theo từng phẩm trật để hoạt động.
Do đó, khi cử hành phụng vụ, không phải chỉ do Giám mục hay linh mục cử hành,
nhưng là do mọi thành phần dân Chúa. Vai trò của các thừa tác chỉ là đại diện
Chúa Kitô ở giữa cộng đoàn. Thừa tác viên này có trách nhiệm qui tụ mọi thành
phần trong cộng đoàn mình, đồng thời hiệp thông với toàn thể Giáo Hội. Mọi
thành phần đó phải có trách nhiệm thi hành chức năng của mình. Tất nhiên, chúng
ta phải hiểu rằng có sự phân chia như thế trong phụng vụ không phải là phân
chia công việc cho đồng đều, cho dân chủ, để phát huy những tài năng riêng, nhưng
là biểu lộ tính cộng đoàn của phụng vụ. Có phần việc người có chức thánh mới được
thi hành, có phần việc thì mỗi tín hữu đều được phép thực thi. Do đó, trong phụng
vụ mỗi người có phận việc riêng, nhưng tất cả chỉ phục vụ lợi ích chung của
toàn thể Giáo Hội[1]. Như vậy,
phụng vụ không thể nào là một hoạt động khép kín nhưng mang tính phổ quát. Mặt
khác, phụng vụ không chỉ là những hành động bên ngoài, nhưng sâu xa hơn đó là sự
biểu lộ nội tâm sâu thẳm của con người với Thiên Chúa. Do đó, khi cử hành phụng
vụ, mọi người đi tới sự hiệp thông với nhau, cùng nhau góp tiếng ca ngợi Thiên
Chúa[2].
Khi nói đến phụng
vụ là nói về các nghi lễ của Kitô giáo. Các nghi lễ không thể nào chỉ cử hành
cách riêng lẻ, nhưng phải có sự hiệp thông của người khác. Chính vì thế, Giáo Hội
luôn kêu gọi con cái mình ý thức rằng cần có tính cộng đoàn trong phụng vụ hơn
là tính cách riêng tư[3]. Như
vậy, cộng đoàn phụng vụ được mở ra cho tất cả mọi người đã tin Chúa, đã hoặc đang
chuẩn bị lĩnh nhận bí tích Thánh Tẩy.
Có thể nói rằng,
tự bản chất, phụng vụ luôn đòi hỏi phải mang tính cộng đoàn. Cộng đoàn này
không chỉ dành riêng cho một hạng người thánh thiện nào, nhưng bao gồm mọi hạng
người, và có sứ mạng vươn tới tầm vóc một Giáo Hội phổ quát.
2. Cộng đoàn
phụng vụ là ý định của Thiên Chúa
Ngay từ thuở
ban đầu, Thiên Chúa đã có sáng kiến triệu tập một dân và lập giao ước với dân
này. Bởi vì là dân của Thiên Chúa nên Người mới có quyền để tụ họp và hướng dẫn
họ. Dân này chính là dân giao ước, là cộng đoàn Giáo Hội mà trong đó mọi người đều
được mời gọi để đón nhận ơn cứu độ.
Giáo Hội là
dân Thiên Chúa, chỉ có Người mới có quyền tập họp dân lại trong Cộng đoàn phụng
vụ. Ngay từ trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tập họp dân của Người thành một nhóm
người được tuyển chọn một cách đặc biệt. Chính Thiên Chúa là Đấng đã khởi xướng
và quyết định chọn dân riêng của Người[4], đó
là “cộng đoàn Xinai”. Cuộc triệu tập ở núi Xinai làm nên một cuộc liên kết các
bộ lạc du mục thành một cộng Đoàn, một dân thánh, xứng đáng được gặp gỡ sự
thánh thiện và oai nghiêm của Thiên Chúa. Dân này được thánh hiến nhờ rảy máu
các lễ vật để làm thành dân tư tế. Môisê với cương vị là một thừa tác viên của
Thiên Chúa để qua ông Thiên Chúa thiết lập một ao ước với dân Người, và toàn
dân đã đồng thanh đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Từ đó, dân Israel ý thức rằng
mình là dân riêng của Thiên Chúa[5].
Đến thời kỳ
Tân Ước, Tin Mừng giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa ủy thác để rao
giảng và thực hiện nhiệm vụ tập họp dân mới đúng như lời Cựu Ước đã loan báo.
Chính Ngài công bố thiết lập vương quốc Israel mới là Giáo Hội[6]. Cộng
đoàn này ngay từ đầu đã ý thức rằng mình là dân Israel mới, đó là dân xuất phát từ
cạnh sườn Đức Giêsu và đã được ký kết bằng của Ngài. Ngài đưa một số nét mới
vào trong “cộng đoàn Xinai”. Ngài muốn tập hợp dân Chúa như gà mẹ ấp ủ con cái
mình[7].
Trong khi cộng đoàn Dothái đang mang trong mình những kỳ thị giữa nhóm này với
nhóm kia thì Ngài đến mở cửa đón nhận mọi hạng dân, kể cả người thu thuế và tội
lỗi[8],
và còn đi đến tầm mức lớn hơn đó là toàn thể nhân loại.
Cộng đoàn Giáo
Hội được thực sự hoàn thành khi Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Ngày lễ Ngũ Tuần,
Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân giống như ngày xưa trên núi Xinai. Đây là là một
cộng đoàn được xây dựng và hoạt động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Sách Công Vụ Tông Đồ nói về cộng đoàn Giáo Hội trong những ngày khai sinh thật
cảm động với một tinh thần đầy sự hợp nhất vì mọi người chuyên cần lắng nghe
các tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu
cầu nguyên không ngừng, họ “chỉ có một trái tim và một tâm hồn”[9]. Đó
chính là hình ảnh Giáo Hội Chúa Kitô trong những ngày tháng đầu tiên.
Ngày nay cũng
thế, dù con người có cố bao nhiêu thì việc tập họp con cái Chúa là nhờ sức mạnh,
sự thúc đẩy và lôi kéo của Lời Chúa. Khi công đoàn được triệu tập qui tụ quanh
vị giám mục hay linh mục đó là sự triệu tập nhân danh Chúa Kitô. Các ngài nói
và làm không phải vì chính mình nhưng là nhân danh Chúa Kitô để cùng với mọi
con cái của Giáo Hội làm cho Lời Chúa vang lên trong toàn thể Giáo Hội, cho dù
tham dự thánh lễ hay bất cứ một bí tích nào. Như vậy, tất cả mọi người tham dự đều
được Lời Thiên Chúa triệu tập. Một khi nghe Lời Chúa, mọi thứ hỗn độn, xô bồ của
những người tham dự phụng vụ đều trở nên ổn định và có trật tự để ai nay đều ý
thức ơn gọi của mình và chu toàn phận vụ của mình. Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, mọi
người đều đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Lời Chúa mở ra đời sống cộng đoàn,
tạo nên mối tình hiệp thông giữa các nhân vị, đồng thời khám phá tính cộng đoàn
khi mọi người cùng đọc, cùng hát, cùng cầu nguyện[10].
Như vậy, cộng đoàn
phụng vụ không giống bất cứ nhóm hội nào ở trần gian. Bởi vì sự tụ họp này
không phải là tùy ý của các Kitô hữu nhưng là chính Thiên Chúa qui tụ, bởi vì ở
đâu có hai ba người họp nhau nhân danh Đức Kitô thì có Ngài ở giữa họ[11].
3. Giáo Hội
là một cộng đoàn phụng vụ
Giáo Hội không
phải chỉ là một người nào đó đứng ra làm đầu rồi hô hào và tự mình hoạt động.
Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ ràng rằng Giáo Hội là Nhiệm thể Chúa Kitô, gồm Đức
Kitô là đầu liên kết với toàn thể Giáo Hội là thân mình mầu nhiệm của Người dưới
sự hướng dẫn và ban ơn của Chúa Thánh Thần.
Mầu nhiệm cứu độ
trong Đức Kitô chính là Thiên Chúa đã tụ họp một dân mới, đó là Giáo Hội. Giáo
Hội được gọi là thân thể, là đền thờ, là hiền thê của Chúa Kitô. Dân mới này được
ký kết với Thiên Chúa bằng máu hy lễ độc nhất là chính Đức Kitô, được tụ họp dưới
chân cây thập giá. Để diễn tả mầu nhiệm này của Giáo Hội, Đức Giêsu đã dùng
hình ảnh cây Nho. Ngài là cây nho, mọi tín hữu là cành nho. Cây nho luôn thông
truyền nhựa sống cho cành nho để chúng tồn tại, sinh hoa kết trái. Ngài đã tự đồng
hóa mình với con cái của Giáo Hội chỉ là một, không thể tách rời hoặc chia lìa
nhau: “Sự gì các người làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta đây là các
người đã làm cho chính Ta vậy”[12].
Khi Saolê đang hăng say với những cuộc bách hại những Kitô của Chúa, Đức Kitô đã
trách ông rằng đó chính là lúc ông đang bắt bớ chính Ngài[13].
Sau khi trở lại với Kitô giáo, chính thánh thân đã khẳng định chân lý về cộng đoàn
Giáo Hội chính là Nhiệm thể Chúa Kitô. Các phần tử trong Giáo Hội liên kết với
nhau như các phần tử trong mình ta. Giáo Hội là thân thể, Đức Kitô là đầu[14].
Chính Ngài liên các phần tử thành một thân thể hoàn toàn, hướng dẫn và thông
ban sự sống là đức tin, đức mến và ân sủng. Sinh lực của thân thể đó chính là
Chúa Thánh Thần chảy từ đầu xuống các chi thể, nối kết các chi thể thành một
thân thể duy nhất. Ngay từ những ngày đầu, các môn đệ cũng không muốn chi rẽ đoàn
chiên của Chúa thành phe này hay phe khác, nhưng muốn chỉ là một cộng đoàn hợp
nhất[15].
Phụng vụ là
công việc của tất cả nhiệm thể Chúa Kitô, gồm đầu và chi thể. Đức Giêsu luôn
luôn hiện diện trong phụng vụ qua các thừa tác viên để ban ơn cho toàn thể Giáo
Hội. Vì thế, khi cử hành phụng vụ, các chi thể trong thân thể không thể tách rời
nhau, nhưng phải liên kết trong tinh thần của tình huynh đệ trong cùng một
Thiên Chúa là Cha, một đức tin, một nguồn ân sủng từ các bí tích. Các cử hành
phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư của một ai đó, của một nhóm người
nào riêng lẻ. Đó là những hành vi của một cộng đoàn đồng thời là cử hành của
Giáo Hội. Nói khác đi, các hoạt động đó thuộc về thuộc về toàn thể Giáo Hội, diễn
tả và ảnh hưởng trên Giáo Hội[16].
Công Đồng Vatican II khẳng định rằng: “Phụng
vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô;
trong đó, công cuộc thánh hoá con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả
giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc
phụng tự công cộng vẹn toàn được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm
cả Đầu cùng các chi thể của Người”[17]. Theo chiều kích Giáo
Hội học, ơn cứu độ của Thiên Chúa phải mang tính chất xã hội bởi vì Thiên Chúa
không muốn cứu rỗi từng người cách riêng rẽ, nhưng muốn qui tụ họ thành một dân
tộc[18]. Ơn
cứu độ này kết tinh trong một cơ chế cộng đoàn với tinh thần hiệp nhất. Mỗi người
chịu trách nhiệm không những chỉ riêng cho bản thân mà mang chiều kích tương
quan với hết mọi người. Những điều tốt xấu của mình đều ảnh hưởng đến những anh
chị em khác.
Khi cử hành phụng
vụ chúng ta hiệp thông với toàn thể Giáo Hội để ca ngợi Thiên Chúa, đồng thời
Giáo Hội là Mẹ các tín hữu cũng hiệp thông với Đầu của mình là Đức Kitô. Trong
tinh thần đó, mọi người được mời gọi để xây dựng tình hiệp nhất trong Giáo Hội.
4. Phụng vụ
làm nên tính huynh đệ
Như chúng ta đã
biết, một trong những giá trị của phụng vụ là sự tụ họp thành cộng đoàn để tạo
nên sự hiệp thông huynh đệ. Trong phụng vụ, con cái của Giáo Hội thể hiện mầu
nhiệm hiệp thông của Giáo Hội và nói lên sự hiệp nhất của dân Giao Ước.
Theo từ
nguyên, “communion”, nghĩa của Latinh là sự liên kết bền vững giữa nhiều người
lại với nhau. Đó là cộng đoàn hiệp thông với nhau, chia sẻ với nhau trong tinh
thần bác ái huynh đệ. Theo nghĩa đó, trong phụng vụ, cộng đoàn có chức năng đón
nhận hồng ân bác ái đích thực do Đức Kitô ban cho chúng ta qua Giáo Hội và các
Bí tích. Đồng thời, cộng đoàn này còn có trách nhiệm dẫn đưa những anh em còn ở
xa hay đã bỏ Giáo Hội trở về với tình thương của Chúa. Vì thế, cộng đoàn phụng
vụ không phải là một tập hợp tự nhiên gồm những con người không có liên hệ gì với
nhau, nhưng đây là một Mầu Nhiệm và là dấu chỉ của dân Giao Ước. Cộng đoàn này bày
tỏ cách hữu hình và thể hiện trong lịch sử việc quy tụ những người đã được cứu
qua bí tích Thánh Tẩy. Nó biểu lộ chính Giáo Hội của Chúa Kitô. Cộng đoàn được
Lời Chúa triệu tập để nghe lời giáo huấn, cầu nguyện và cử hành giao ước mới.
Trong phụng vụ,
mỗi cử hành đều mang chiều kích cộng đoàn của đời sống đức tin. Mỗi bí tích đều
nói lên mối liên hệ khăng khít giữa chính bản thân mình và Chúa Kitô. Vì thế,
chúng ta luôn gặp thấy mối quan hệ “tôi và anh”, “cha và con” trong các nghi thức
để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, đồng thời nói lên lời đáp
trả của con người với Thiên Chúa. Những công thức “tôi Thánh Tẩy cho anh ….”, “cha
tha tội cho con …”, “con hãy nhận lấy ấn tín …” làm cho người tham dự vào phụng
vụ nhận ra rằng mình không phải là một kẻ vô danh. Người đó biết mình là dân của
Chúa, là chi thể của Đức Kitô[19].
Ngoài ra, phụng
vụ muốn tập họp con cái mình lại để bày tỏ tính chất hữu hình của Giáo Hội. Nếu
không có cộng đoàn phụng vụ thì không ai biết thế nào là Giáo Hội của Chúa.
Theo ý định của Thiên Chúa là mọi người đều nhận biết Thiên Chúa và đạt tới ơn
cứu độ của Người. Cho nên, phụng vụ không chỉ làm cho con cái Thiên Chúa hiệp
nhất với nhau, nhưng còn có trách nhiệm chứng tỏ và lôi kéo mọi người đến với
Thiên Chúa. Chính vì thế, Hiến Chế phụng vụ khẳng định rằng phụng vụ bày tỏ cho
những kẻ bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ nêu cao trước mặt các dân nước
để con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một cho tới khi thành một đoàn
chiên theo một Đấng chăn[20].
Vì là dấu chỉ
của Giáo Hội, cộng đoàn phụng vụ là mầu nhiệm hiệp nhất các tín hữu với nhau. Đây
là một sự hiệp thông trong đức tin giữa các chi thể của Giáo Hội với nhau, giữa
các chi thể và đầu của Giáo Hội. Sự hiệp thông này nói rằng trong cộng đoàn, mọi
người đều bình đẳng vì đã được thanh tẩy cùng một Thần Khí, đồng thời mọi người
có cùng một ơn gọi của những con người đang trên đường lữ hành với cộng đoàn phụng
vụ trên thiên quốc. Mặt khác, cộng đoàn phụng vụ luôn có được sự hiệp nhất vì
có sự hướng dẫn và liên kết từ Chúa Thánh Thần. Ngài chính là nguyên lý qui tụ
và hợp nhất mọi con cái của Thiên Chúa trong thân thể duy nhất là Đức Kitô.
Thánh Phaolô đã
nói lên tính hiệp thông huynh đệ này: Đức Kitô đã liên kết dân Dothái và dân
ngoại thành một, bằng cách Ngài phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét. Bởi
vì tất cả đều được thánh tẩy trong Đức Kitô là Chúa của mọi người, tất cả trong
mọi người, để rồi chỉ có một đức tin, một Phép Rửa, một tấm bánh được chia sẻ,
một chén duy nhất là máu Đức Kitô để mời gọi mọi người đến chia sẻ trong một
tình hiệp thông huynh đệ[21]
Tác
giả J. Gélineau khẳng định rằng cộng đoàn phụng vụ được mở ra cho tất cả những
ai đã tin Chúa, đã lĩnh nhận bí tích Thánh Tẩy, hoặc đang chuẩn bị để lĩnh nhận
bí tích này. Vì thế, cộng đoàn này gồm một số người què tay cụt chân, nhưng họ
có sứ mạng cao cả là phải vươn tới tình trạng toàn hảo với sự sung mãn trong Đức
Kitô[22].
5. Phụng vụ
là hành vi của một dân cử hành
Như đã trình
bày ở trên, mọi người tín hữu đều đã được tháp nhập vào Giáo Hội Chúa nhờ bí
tích Thánh Tẩy, họ được quyền gia nhập vào cộng đoàn phụng vụ. Cho nên khi cử
hành phụng vụ, không phải chỉ những người giám mục, linh mục hay phó tế mới có
trách nhiệm, mọi người đều được thông phần mình vào.
Theo niềm tin
Kitô giáo, phụng vụ là việc lành thành mà Giáo Hội thực hiện để dâng lên Thiên
Chúa qua Đức Kitô. Như vậy, chủ thể của phụng vụ chính là Đức Kitô, đầu của
Giáo Hội, còn dân Thiên Chúa là chi thể của Ngài phải kết hợp với thân mình mầu
nhiệm của Giáo Hội. Cho nên khi chúng ta nói giám mục này hay cha kia cử hành
thánh lễ hay ban bí tích nào đó thì không đúng. Các ngài chỉ nhân danh Giáo Hội
và đại diện Chúa Chúa Kitô để thực thi chức vụ tư tế của mình. Họ có nhiệm vụ tụ
họp dân Chúa để cùng nhau cử hành phụng vụ. Chính vì thế, Công Đồng Vatiacan II
khẳng định rằng: “Phụng vụ thánh là sự thờ phượng công chúng mà Chúa Cứu Thế
dâng lên Chúa Cha với danh nghĩa là thủ lãnh Giáo Hội. Đó cũng là sự thờ kính
mà cộng đoàn các tín hữu dâng lên Chúa Kitô là thủ lãnh của mình, và nhờ Ngài
mà dâng lên Thiên Chúa Cha hằng hữu”[23]
Cử hành phụng
vụ là tiếp tục chức vụ tư tế của Đức Kitô. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mọi tín hữu đều
được tham dự vào chức vụ tư tế của Ngài. Cho nên khi cử hành phụng vụ, không phải
là do một thành phần nào đó được ưu tiên mà là mọi thành phần dân chúa. Tất cả
làm nên cộng đoàn phụng vụ “mục đích là để những người đã trở thành con cái
Chúa nhờ đức tin và phép Thánh Tẩy tập họp nhau lại để ca tụng Thiên Chúa giữa
lòng Giáo Hội, cùng nhau tham dự hy lễ và ngồi ăn tại tại bàn tiệc Chúa”[24].
Một sự cử hành như thế là điều Giáo Hội ước mong và do chính bản chất phụng vụ
yêu cầu. Đó cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của những người đã lĩnh nhận bí tích
Thánh Tẩy.
Vì thế, mọi
tín hữu phải có ý thức và tham dự phụng vụ một cách tích cực, không chỉ hình thức
bề ngoài nhưng quan trọng hơn chính là tâm lòng sâu thẳm của mình với Thiên Chúa.
Ân huệ mà tín hữu kín múc từ nguồn phụng vụ không chỉ có riêng mình nhưng là
trong tình huynh đệ và liên đới với những chi thể khác.
KẾT LUẬN
Chúng ta biết
rằng sự họp nhau của các tín hữu luôn có giữ một vị trí quan trọng trong chương
trình của Thiên Chúa. Chính Người đã triệu tập dân của Người trong Đức Giêsu
Kitô. Như vậy, cộng đoàn phụng vụ vừa là thực tại hữu hình gồm những con người
cụ thể, đồng thời cũng là thực tại vô hình bởi vì tại đó, mầu nhiệm Giáo Hội của
Chúa Kitô được thể hiện. Giáo Hội chính là nhiệm thể Chúa Kitô, bởi vì qua bí
tích Thánh Tẩy mọi tín hữu đã được trở
thành con Thiên Chúa. Khi cử hành phụng vụ, mọi con cái Thiên Chúa đều hiệp
thông với nhau dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Do tính liên đới như thế,
cho nên khi cử hành phụng vụ, không phải chi có một người làm nhưng là cả một
dân cùng chung một tâm lòng và một niềm tin để dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ,
tri ân và xin ơn. Trong cộng đoàn này, mọi người thể hiện mình là anh em con
cùng một Cha chung, chia sẻ một nguồn ân sủng, một đức tin, đồng thời hy vọng
ngày sau được họp cùng các thánh trên trời để tận hưởng niềm hạnh phúc của phụng
vụ Thiên Quốc.
NGO VAN HA, SVD
[1] Xem Nguyễn
Thế Thủ, Phụng vụ tổng quát, (TPHCM: ?, 2001), trang 12.
[2] Xem Dẫn
vào phụng vụ, trang 11.
[3] Xem
Vatican II, Hiến Chế PV, số 27.
[4] Xem Xh
19,5-6.
[5] Xem Ed
1.
[6] Xem Mt
16,18.
[7] Xem Mt
23,37.
[8] Xem MC
16,17.
[9] Cv 1,14;
2,42-46.
[10] Xem Dẫn
vào phụng vụ, trang 83.
[11] Xem Mt
18,20.
[12] Mt
25,40.
[13] Xem Cv
9,4.
[14] Xem 1Cr
12,27.
[15] Xem 1Cr
1,12-13.
[16] Xem
Vatican II, Hiến chế PV, số 26.
[17] Vatican
II, Hiến Chế PV, số 7.
[18] Xem
Vatican II, LG 9.
[19] Xem
Jean Louis Angué, Khi cử họp nhau cử hành phụng vụ, tập I &II, 1991,
trang 26-27,
[20] Xem
Vatican II, Hiến Chế PV, số 2.
[21] Xem Ep
2,11-16.
[22] Xem J.
Gélineau, Họp nhau cử hành phụng vụ, tập II, 1992, trang 17.
[23] Thông Điệp
Mediator Dei, số 20.
[24] Vatican
II, Hiến Chế PV, số 10.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét