1. Báo động về ma tuý
“Một
đường dây ma tuý đã bị phá vỡ tại Tây nam nước Pháp”, đó là tựa đề một
bài báo mà tôi vừa đọc sáng nay. Hiện nay, không có tuần nào mà không có
những tay buôn bán ma tuý bị kết án ở chỗ này chỗ nọ. Và đó quả là một
điều đáng mừng!
Con
số những kẻ nghiện ngập đang tăng lên không ngừng. Chúng ta đang chứng
kiến một tai hoạ có tầm mức toàn cầu. Vào năm 1990, người ta ước tính có
khoảng 12 triệu người Mỹ nghiện côcain. Một loại ma tuý khác là “Crack”
đang tàn phá nước Mỹ. Tại New York, có thể nói ma tuý được bày bán công
khai, đã kéo theo mức gia tăng các tội phạm lên đến 33% chỉ trong vòng 3
năm: hơn 700.000 kẻ nghiện ngập, trong số đó từ 10 đến 20% là trẻ con,
19.000 trường hợp Sida. Chính vì thế ta mới hiểu tại sao chính phủ Mỹ
đang lao vào một cuộc chiến không khoan nhượng chống lại các tay trùm ma
tuý người Colombia.
Hỡi
ôi, nước Pháp cũng chẳng thoát khỏi tai hoạ này. Hai triệu người Pháp
đã lâm cảnh nghiện ngập. Số thanh niên dùng ma tuý đã tăng lên gấp 3 lần
so với 10 năm trước đây. Ma tuý len vào mọi môi trường xã hội. Và nếu
Paris vẫn giữ nguyên vị trí là một trung tâm phân phối, thì hiện tượng
này cũng đang lan tràn xuống các tỉnh lẻ.
Trong
các cơ sở giáo dục, các sinh viên là những người dùng ma tuý trước hết,
kế đó là các học sinh trung học, sau cùng là các học sinh tiểu học. Các
em thường được mời mua thuốc haschich này khi vừa bước ra khỏi lớp!
Người
trẻ nghiện ngập hầu chắc sẽ đi đến chỗ buôn bán ma tuý để kiếm tiền mua
thuốc. Hiện tượng nghiện ngập lan tràn với một tốc độ đáng sợ. Chỉ
trong vòng 1 năm, một kẻ nghiện sẽ đầu độc thêm ít nhất 10 người nữa!
Khốn
thay ma tuý là một chất độc giết người. Tại Pháp, vào năm 1983, có 190
người chết do nguyên nhân trực tiếp là xài ma tuý quá liều lượng. Vào
năm 1987, có 230 trường hợp tử vong, năm 1988 là 236, năm 1989 là 318.
Chính phủ thật sự lo lắng trước mức phát triển mạnh mẽ và liên tục này.
Một vị Bộ trưởng đã không ngần ngại tuyên bố rằng: “Cuộc chiến tranh
chống lại ma tuý cũng quan trọng không kém gì cuộc đấu tranh cho hoà
bình”.
Như
vậy, ta đang đứng trước một hiện tượng có liên quan đến toàn thế giới.
Hiện tượng này đang tiếp diễn. Ta chỉ có thể giải quyết nó một cách hữu
hiệu trên tầm mức quốc tế. Vì ma tuý mang lại lợi nhuận, các tay buôn
cái chết dần chết mòn ấy vớ được 3.000 tỷ quan. Vào năm 1989, chỉ riêng
số dịch vụ của các tay buôn bán người Colombia thôi cũng đã được ước
lượng tới 43 tỷ quan rồi. Tại Hoa Kỳ, thị trường ma tuý lên tới khoảng
220 triệu Mỹ kim mỗi ngày. Tại Pháp, giá một lạng hêrôin đã là 1.400
quan Pháp.
Những
kẻ làm giàu trên cái chết của người khác đã không ngần ngại rửa sạch
những đồng tiền dơ bẩn của mình trong những ngân hàng ở Caribê hay ở
Thuỵ sĩ, nơi mà hệ thống ngân hàng bí mật vẫn đang hoạt động mạnh.
2. Cũng là ma tuý
Có
nhiều cách phân loại các chất ma tuý. Dưới đây chúng tôi xin phân chia
theo các hậu quả mà chúng gây ra cho cách cư xử của kẻ dùng chúng.
* Các chất gây rối loạn: marijuana, haschich
Đây
là hai chất được rút ra từ cùng một loại cây gai ở Ấn độ có tên là
cannabis. Chất marijuana được gọi là Thảo (Herbe) hay Maria Gioanna
(Marie-Jeanne) ở miền Bắc Mỹ (Chú thích của người dịch: ở Việt Nam gọi
là cần sa). Thuốc này chỉ dùng để hút chứ không được chích.
Chất
haschich được gọi là H hoặc Shit. Các bợm hút trộn chất haschich hoặc
marijuana vào thuốc lá và cuốn thành một điếu lớn để hút đi hút lại.
Chất
cannabis có hại không? Một số người xem nó là vô hại và yêu cầu bày bán
tự do. Một số khác dựa trên các kết quả mà các nhà nghiên cứu mới đạt
được để cho rằng đây là một sản phẩm nguy hiểm phải cấm tiêu thụ.
Hiển
nhiên chất cannabis mang lại một cảm giác sảng khoái. Nó không dẫn đến
tình trạng lệ thuộc về mặt thể lý, nhưng gây ra tình trạng lệ thuộc về
mặt tâm lý: cần phải can đảm lắm mới bỏ được khi đã quen dùng nó rồi.
Chất ma tuý này không làm tổn hại sự quân bình của những ai mạnh và dễ
thích ứng, nhưng đối với những người dễ bị tổn thương thì có thể gây ra
những chứng bệnh về tâm lý không thể chữa được. Khi được dùng với liều
cao, chất cannabis có thể tạo ra những rối loạn về trí nhớ và một sự
biến thái rõ rệt về tri giác. Cần lưu ý khi cầm lái! Về lâu về dài, phổi
người hút bị tổn hại, trí khôn bị giảm sút. (1)
Tuy
việc sử dụng chất cannabis không hề làm chết người, nhưng nó khiến
người ta xa rời thực tế, điều này càng tai hại hơn vì nó xảy ra lúc
người thanh niên cần tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài để xây
dựng nhân cách của mình. Các người cung cấp những thứ ma tuý, dù là
“nhẹ” đi nữa, cho các trẻ vị thành niên, đều là những kẻ tội phạm!
* Các chất tạo ảo giác
Các
loại ma tuý này tạo ra những ảo giác. Chúng làm cho người sử dụng có
cảm giác như được thoát khỏi thế giới khả giác và trọng lực, giúp họ bay
bổng và khám phá ra những cảm giác mới lạ.
Chất
L.S.D., được giới híppi (hippies) sử dụng vào những năm 1966, là một
thứ axít được chiết ra từ một loại nấm mọc trên lúa mạch. Đây là một
trong những loại ma tuý nguy hiểm nhất: chẳng ai biết điều gì sẽ vọt ra
từ vô thức của người sử dụng; đương sự rất dễ rơi vào tình trạng điên
loạn suốt đời.
Chất
L.S.D. không gây lệ thuộc về mặt thể lý, nhưng gây tác hại về mặt tâm
lý. Các hậu quả của nó có thể đột ngột xảy ra dù đương sự đã ngưng sử
dụng nó từ lâu: đây là hiện tượng “flash-back” (phản hồi). Chất L.S.D.
tạo ra “trip” (“đi mây về gió”), dễ chịu hoặc khó chịu, kéo dài từ 7-8
giờ đồng hồ, trong một trạng thái mơ màng, thường gần với tình trạng say
khướt, đầu óc đầy những hình ảnh méo mó dị dạng và những ảo ảnh.
Về lâu về dài, những kẻ xài chất này có thể bị bệnh tâm thần nặng không thể chữa được.
Chất
“mescaline”, được trích ra từ một loại xương rồng ở Mêhicô, tạo nên một
tình trạng “đi mây về gió’ kéo dài, trong đó đương sự thấy các sự vật
thay đổi rất nhiều. Chất này gây lệ thuộc về tâm lý rất nặng.
* Các chất gây trầm uất
Các
chất nha phiến này có công hiệu làm giảm đau về mặt thể lý, làm vơi các
cảm thức lo âu sợ sệt, làm ta cảm thấy thoả mãn, an nhàn, sung sướng,
như vào cõi niết bàn.
Thuốc
phiện đen được rút ra từ hạt cây anh túc và chế thành các bánh màu nâu
sẫm hơi đỏ. Người ta thường hút thuốc phiện trong những ống điếu đặc
biệt. Nó khiến người hút lệ thuộc trầm trọng về cả 2 mặt thể lý và tâm
lý. Về lâu về dài, nó huỷ hoại cơ thể nạn nhân.
Chất
“morphine”, được chiết ra từ thuốc phiện, ít được sử dụng ở Pháp, ngoại
trừ với mục đích y học là để làm dịu cơn đau. Chất này gây ra các hiệu
quả tương tự như thuốc phiện, nhưng mạnh hơn nhiều.
Chất
“héroin”, chế ra từ morphine, là bà chúa các loại ma tuý. Nó là một thứ
bột màu trắng và được gọi với các tên khác là Blanche (bạch phiến),
Poudre, Cheval. Bạch phiến thường được chích (shoot) và tạo ra một cảm
giác mạnh (flash). Cảm giác này khiến đương sự như bay bổng lên mây, và
sau đó rơi vào trang thái lâng lâng. Người chích bạch phiến phải trả giá
rất đắt để có được khoái cảm ấy. Với thời gian, các cảm giác khoan
khoái về thể lý phai nhạt dần, khiến đương sự phải gia tăng số lần chích
và liều lượng sử dụng. Rồi một ngày kia, họ khám phá ra mình đã nghiện
ngập. Thân xác bị lệ thuộc vào bạch phiến.
Họ
chích – không phải để tìm khoái cảm, vì nó đang tan dần – nhưng là để
trì hoãn các cơn thèm thuốc. Kể từ đó, người nghiện hoàn toàn bị lệ
thuộc vào bạch phiến.
Việc dùng quá liều lượng (overdose) gây nên một cơn hôn mê nặng trước khi chết.
* Các chất kích thích
Các chất này kích thích hệ thống thần kinh, tạo ra một trạng thái hưng phấn, làm thôi đói mệt.
Chất
côcain (“ken”), xuất phát từ Nam Mỹ, có dạng bột màu trắng, được trích
ra từ lá cây côca. Ngay từ thời xa xưa, những người Indiens sống tại Nam
Mỹ đã nhai loại lá này để đỡ đói và để có thêm sức mạnh. Vả lại, các
nông dân vùng Andes vốn sống bằng nghề trồng cây côca.
Dù
giá cao nhưng chất côcain đang có xu hướng lan tràn trên khắp đất nước
Pháp. Có thể dùng nó bằng cách hít hoặc chích vào mạch máu. Dường như
chất côcain không gây lệ thuộc về mặt thể lý. Với liều mạnh, chất này có
thể gây ra ảo giác và mê sảng. Sử dụng quá liều lượng có thể gây ra
chết người.
“Crack”
là một loại ma tuý làm cho điên loạn, đang thông dụng ở Mỹ. Đây là một
loại ma tuý mạnh được rút ra từ chất côcain và được bán với giá rẻ.
Người ta dùng nó để hút.
Crack
có tác dụng mau chóng. Chỉ cần xài một vài lần là đủ để bị lệ thuộc
rồi. Chất này mạnh đến nỗi, nếu mới “phi” lần đầu, đôi khi có thể làm
cho đứng tim, nghẽn hệ thống thần kinh hoặc làm tê liệt một phần não bộ.
* Các chất làm cho say hoặc các dung môi dễ bay hơi.
Các
chất này được sử dụng rộng rãi trong những năm gần đây. Chủ yếu là chất
keo, nhưng cũng có cả chất éther (ête), trichloréthylène và essence
(tinh dầu). Dù không gây lệ thuộc về mặt thể lý, nhưng các dung môi này
hết sức nguy hiểm. Nếu hít vào, chúng có thể làm chết ngay vì phổi bị
phù thũng nặng. Có nhiều thanh niên đã trả giá bằng mạng sống của mình!
* Các tân dược
Khi bị lạm dụng ngoài vòng kiểm soát của y học, các loại thuốc này có thể trở thành những chất ma tuý có tác dụng mạnh.
Các
loại thuốc Amphéthamines dùng để làm cho hết mệt, đói và buồn ngủ.
Chúng không gây lệ thuộc về thể lý nhưng có thể tạo ra những xáo trộn
tâm lý nặng nề.
Các
loại thuốc Barbituriques gây ra một trạng thái giống như say rượu. Khi
đói thuốc, các tay nghiện thường trộn các loại này chung với cồn để dùng
thay cho các chất ma tuý thông thường. Rất dễ bị lạm thuốc. Các loại
tân dược này làm cho nghiền, và về lâu về dài sẽ làm cho trí khôn thiếu
sáng suốt, tâm tình và tình cảm bị xáo trộn.
3. Ma tuý “nặng” và ma túy “nhẹ”
Đây
là một lập luận giả tạo: trước tiên vì không có loại ma tuý nào là vô
hại cả. Kế đến vì người xài các chất rút ra từ ma tuý dễ có nguy cơ tiến
tới chỗ dùng ma tuý.
Cannabis,
đặc biệt là haschich mà thanh niên thường hút phải chăng là bước đầu
dẫn đến các loại ma túy nặng khác? Về lý thuyết thì một thanh niên vững
chãi có thể không bị nghiện thuốc. Nhưng trong thực tế, ta chỉ cần nhắc
lại rằng đa số dân xài ma tuý mạnh đều đã khởi sự bằng việc hút thuốc H
(haschich).
Cũng
như mọi tân dược khác, hậu quả của các loại ma tuý gọi là “nhẹ” tuỳ
thuộc chủ yếu vào việc dùng thường xuyên hay không. Như thế, một thanh
niên “chắc cú” hút mỗi năm một điếu “thuốc” có trộn haschich hoặc
marijuana sẽ không gặp hậu quả trầm trọng nào. Ngược lại, một bợm hút cứ
liên tục xài haschich, là một chất tạo ảo giác nhẹ, sẽ rất dễ bị đẩy
tới chỗ xài một loại ma tuý tạo ảo giác thứ thiệt.
Mọi
sự tuỳ thuộc ở chỗ người xài ma tuý có dễ bị thương tổn hay không. Ở
lứa tuổi 14 hoặc 16, người thiếu niên gặp nhiều vấn nạn rất đa dạng và
khó làm chủ các xung động của mình: họ dễ gia tăng việc sử dụng ma tuý:
để thử cho biết, rồi để tìm khoái cảm, rồi vì thói quen, và cuối cùng là
vì nghiện ngập. Ta phải biết rằng chỉ cần hút môt điếu thuốc có trộn ma
tuý thôi cũng lưu lại vết tích trong cơ thể đến gần 20 ngày sau. Bởi
thế, chất cannabis rất nguy hiểm với một thanh niên yếu ớt hay đang gặp
khó khăn. Đó là chưa kẻ đến việc có thể bị ngộ độc đột ngột nữa.
Một
số khác lại nghiện rượu, vốn cũng là một thứ ma tuý: đây là nguyên nhân
thứ 3 gây tử vong ở Pháp. Nhưng trong khi người uống rượu mắc bệnh
ghiền sau khoảng 10 năm chè chén, thì người xài ma tuý chỉ cần 3 tuần
thôi là đủ rơi vào nghiện ngập rồi.
4. Tại sao dùng ma tuý?
Tại
sao giới trẻ chơi ma tuý? Vấn đề khá phức tạp và ta có thể nêu ra nhiều
nguyên nhân. Một người quyết định đến với ma tuý khi người đó gặp được
thuốc trong một mối trường nhất định.
Ma
tuý là một sự đào ngũ, thường xảy ra sau khi đương sự đã thử tìm quên
lãng trong những thời gian ngắn ngủi. Ma tuý chực chờ người thanh niên
nào cảm thấy mình đang bứt rứt : gặp thất bại ở trường học, vướng các
vấn nạn về tình dục, và thông thường là những người có cha mẹ bất hoà
hay đã ly hôn, hoặc không tiếp xúc với ai. Vào tuổi thành niên, tuổi đa
cảm, người trẻ dễ cảm thấy thiếu tình thương, thiếu thông cảm. Lại thêm
viễn ảnh của một tương lai mờ mịt: phân nửa thanh niên xài ma tuý là
người thất nghiệp.
Người
trẻ tìm quên trong ma tuý. Kỳ thực đó là một điều hoàn toàn hảo huyền!
Ma tuý chẳng những không giải quyết được các vấn đề mà còn làm cho chúng
trầm trọng thêm. Bản thân đương sự thì rơi vào vòng luẩn quẩn, càng lúc
càng bị thúc đẩy tìm đến với bạch phiến hoặc haschich.
Người
ta thường bắt đầu chơi ma tuý vì tò mò, như lời chứng của một thiếu nữ
nghiện thuốc: “Nhất định tôi phải thử hút thuốc, chỉ một lần duy nhất
thôi, rồi tôi sẽ về nhà ngay và sẽ quên đi cái nơi nghiện ngập ấy, nhưng
quả là thích thú khi được ở trong cuộc và biết đích xác chích choác là
gì”.
Có
khi do người khác rủ rê. Thường là hành động do dại dột: trước thì chơi
ma tuý do bị rủ rê, nhưng sau đó sẽ thành thói quen: “Tôi đã muốn tiến
xa hơn và đã thử chơi ở mức tối đa… để xem liệu mình có thể dứt ngang
khi mình muốn bỏ không. Và tôi bị “kẹt số” ở đó. Tôi chẳng phải là một
kẻ ngon lành nhất, tôi quả là đã quá tự phụ về mình, rốt cuộc tôi phải
chịu trận và hết ngóc đầu lên nổi”.
Cũng
còn những động lực khác thúc đẩy người ta xài ma tuý: thích những gì xa
lạ, tìm kiếm khoái lạc và trốn tránh không gian và thời gian, ước ao
được có thêm kinh nghiệm, đi tìm một trạng thái xuất thần bay bổng,
khước từ xã hội, chối bỏ một hệ thống giá trị, hay muốn đồng hoá mình
với một nhóm người sống ngoài lề xã hội.
Ta có thể cưỡng lại ma tuý được không? Xin các bạn hãy nghe lời chứng sau đây:
“Hẳn
nhiên là trong trạng thái bình thường, với sức lực và ý chí bình
thường, tôi sẽ có thể kiếm lại được thế thượng phong. Thế nhưng, đừng
quên rằng, ngoài việc làm suy nhược cơ thể, ma tuý còn đánh vào ý chí,
vào sức mạnh của tính khí, khiến cho các sự việc thêm bi thảm và làm cho
ta phản ứng một cách lộn xộn. Chính điều đó đã dẫn tới việc xài
morphine và amphétamines. Kể từ lúc ấy, cái vòng lẩn quẩn tệ hại này
càng lúc càng quay mòng mòng lên: quen thuốc, mệt mỏi, chích choác để
gượng dậy… tinh thần sa sút, thể xác rã rời, đạo hạnh sụp đổ…”.
“Bỏ
rồi chơi, chơi rồi bỏ”, một tay ghiền khác nói, “và tôi đã chơi lại.
Tôi không còn biết mình phải cười vui hay phải xấu hổ nữa. Những người
nào nghĩ rằng mình sẽ xài ma tuý hay rượu mà không bị quen hơi thì thật
là ngu xuẩn. Tất cả những tay khờ khạo tưởng mình chỉ chơi để giải trí
thôi, nhưng trong thực tế, cứ phải chơi liền tù tì. Khi đã lỡ chơi ma
tuý rồi, ta không thể sống thiếu nó, và đó quả là một cuộc sống nô lệ
bẩn thỉu”.
Chính
điều này đã khiến cho bác sĩ Oliverstein, một nhà chuyên môn về ma tuý
phải thốt lên: “Chẳng có người nghiện ma tuý nào là sung sướng cả”.
5. Đâu là những phương thuốc để chữa trị bệnh nghiện ma tuý?
Đầu
tiên phải đưa ra các thông tin trước khi tình thế trở nên quá muộn
màng. Cần nhấn mạnh đến vai trò làm cha mẹ bởi đôi khi họ muốn trốn
tránh trách nhiệm của mình, trong lúc họ chính là những người đầu tiên
có trách nhiệm giáo dục con cái.
Nhưng
ma tuý là một đề tài khiến thiên hạ hoảng sợ. Họ thường tự nhủ rằng:
mấy đứa nhỏ của mình sẽ không xài ma tuý đâu. Hoặc họ sẽ trút nỗi lo âu
lên con cái bằng cách đe doạ chúng trước: “Chớ hề rớ tới cái thứ đó,
bằng không tao sẽ tống mày ra khỏi cửa.” Làm như thế là khoác cho ma tuý
cái nét hấp dẫn của trái cấm.
Và điều quan trọng là đừng để kẻ nghiện ngập phải cô đơn.
Ở
trong lãnh vực này cũng như trong lãnh vực giáo dục giới tính, thay vì
im lặng hoặc làm cho vấn đề trở nên nặng nề, ta cần đưa ra lời ngăn ngừa
một cách bình tĩnh nhẹ nhàng.
Sớm
hay muộn thanh niên cũng sẽ gặp ma tuý, nên tốt nhất là nên nói với họ
ngay từ khi chúng được khoảng 10-11 tuổi. Chẳng hạn khi có một sự kiện
gì đó xảy ra hay nhân một chương trình phát trên truyền hình.
Xin
có một lời khuyên cụ thể với các bậc cha mẹ: hãy lưu ý đến thuốc tây!
Có rất nhiều thanh niên đã bắt đầu từ các loại thuốc ngủ, thuốc giải
độc, thuốc làm giảm cân xếp thành hàng trong các tủ thuốc gia đình.
Có
những khoá học dành cho các bậc cha mẹ và người giảng dạy để giúp họ
hiểu được người thanh niên đang gặp khó khăn, thậm chí có thể tổ chức
một buổi hội thảo trong lớp học.
Ngoài ra, còn có việc cai nghiện ma tuý đúng nghĩa:
Giai
đoạn đầu tiên là giải độc cho người nghiện. Về mặt thể lý thì tương đối
đơn giản: chỉ cần ở 8 ngày trong một trung tâm tiếp nhận là đủ. Đó là
việc cắt cơn ghiền. Về mặt tâm lý thì khó khăn hơn nhiều, vì não bộ của
người nghiện vẫn còn bị thương tổn, người ấy phải có đủ sức mạnh vượt
qua được tiếng gọi của cơn “đói thuốc”. Bởi thế việc điều trị sẽ chẳng
có kết quả nếu con bệnh không thật sự muốn thoát cảnh nghiện ngập.
Những
bệnh nhân được gởi vào trung tâm hậu trị liệu cũng cần phải có ý chí
mạnh mẽ. Đây là một công đoàn nhỏ, trong đó các thanh niên cố gắng tìm
lại sự độc lập với ma tuý. Phương pháp trị liệu ở đây rất ít dùng tân
dược, chỉ chủ yếu dựa trên công việc tay chân, như nghề mộc chẳng hạn.
Thời gian điều trị này càng lúc càng phải kéo dài ra vì các sản phẩm ma
tuý mỗi lúc được bày bán một nhiều hơn và tai hại hơn.
Tuy
nhiên, có một vài người khó sống chung với những tay đã có một thời
nghiện ngập, vốn thích nhắc lại các kinh nghiệm hút sách trong quá khứ.
Những người này dễ hội nhập hơn vào một gia đình, đặc biệt là ở miền
quê, với những công việc đồng áng nhẹ nhàng. Để làm được việc này, cần
tổ chức một mạng lưới các gia đình sẵn lòng tiếp nhận người nghiện trong
một thời gian, để giúp đỡ và yêu thương người ấy.
Sau
thời gian hậu trị liệu, người cai nghiện cần có công ăn việc làm. Phải
kêu gọi những ai có khả năng cung ứng cho những người mới bình phục này
một công việc nhẹ nhàng như, làm thợ sơn, thợ hồ, hay bảo vệ chẳng hạn,
để giúp họ quên đi cái nhãn hiệu nghiện ngập từng đeo đẳng họ, nhất là
khi họ đã có hồ sơ ở toà án.
Tóm
lại, cần đưa ra cho các người trẻ đang gặp khó khăn này những lý do để
vui sống. Các kẻ nghiện ngập, các kẻ “bị vết thương lòng” này rất thèm
khát một lý tưởng, yêu chuộng công bình và nhất là tình thương đích
thật.
Một
linh mục lo cho giới nghiện ngập nói rằng: “Lễ Phục sinh vừa rồi, tôi
đưa những người nghiện ma tuý đến Lộ đức. Họ đã thấy các thanh niên khác
sống đức tin, đã tìm được bình an và niềm vui. Họ đã đổi đời”.
Quả
thế, rất nhiều người trẻ đã thoát nạn ma tuý nhờ tin vào Đức Giêsu
Kitô. Trong cảnh cô đơn, họ đã khám phá ra một người bạn. Trong cơn hỗn
loạn, họ tìm được sự dịu dàng. Trong chốn địa ngục, họ tìm được ơn cứu
độ. Trong nỗi đớn đau họ hân hoan vì đời sống mới.
Ta
hãy nghe lời chứng thành thật của cậu René, 28 tuổi, nghiện ma tuý đã
từ lâu: “Một chiều nọ, hoàn toàn tuyệt vọng, sau khi đã nốc rượu
mescaline, tôi đi vào rừng và bắt đầu gào lên điên loạn.
“Phải
thay đổi một cái gì đó, tôi hết chịu nổi lối sống như thế này rồi. Tôi
đã hét lên, tôi đã nói với Chúa: ‘Nếu quả thật Người hiện hữu, xin hãy
làm cho con một điều gì đó, con không chịu nổi nữa rồi. Con sắp điên
khùng tới nơi!’.
“Chính trong lúc bước đi trên đường rừng trong màn đêm như thế, tôi đã tới được một ngã tư có Chúa đứng ở đó chờ đợi tôi.
“Điều
ấy đã xảy ra trong tâm hồn tôi, Người đã nói với tôi như sau: ‘Con ơi,
con hãy nhìn xem, đã nhiều năm rồi, con bước đi trên một con đường mà
bây giờ con không thể chịu nổi nữa, con sắp gãy đổ tới nơi rồi, Ta chỉ
cho con một con đường khác, con có đón nhận con đường của Ta không?’
“Ngay
lập tức tôi hiểu ra rằng Thiên Chúa hiện hữu thật sự, và buổi chiều hôm
đó tôi đã đổ hết nước mắt để hối tiếc vì các điều dại dột mình đã phạm.
Ngay lúc đó, tất cả nỗi lo âu mà tôi đã từng phải chịu mấy năm nay và
trọn cái gánh nặng xưa nay từng đè bẹp tôi bỗng chốc biến mất. Tôi cảm
thấy Người đang yêu mình một cách không thể ngờ được. Tôi bắt đầu nhìn
đời với cặp mắt hoàn toàn mới, và cuộc đời thật là đẹp làm sao.
“Kể
từ hôm đó, không còn ma tuý, cũng chẳng còn tình dục nữa, nhưng chỉ còn
mối tình khôn tả mà Chúa đã đổ đầy trong tôi để giúp tôi thoát khỏi cái
địa ngục của mình… Lúc bấy giờ tôi được 21 tuổi, tôi đã trở lại với
Giáo hội, sau đó tôi đã tham gia vào nhiều nhóm đoàn sủng cầu nguyện”
(“Say mê sống”, “Ivre de Vie”), tr. 115).
Hiện giờ, người thanh niên ấy đang nghĩ đến việc làm linh mục!
Ta phải tin vào sức mạnh biến đổi của việc cầu nguyện.
Henri
Tisot, nhà diễn kịch loan báo Tin mừng trên một sân khấu ở Paris, nói
như sau: “Thuốc phiện của tôi chính là Đức Giêsu Kitô. Người không những
là sự sống của tôi, mà Người còn giúp tôi làm những kẻ khác sống nữa”.
Quả
thế, hỡi người bạn trẻ, Đức Giêsu có thể giúp bạn chữa lành thứ ma tuý
đích thật của mình, tức là thứ ma tuý huỷ hoại con tim.
Bạn
hãy lắng nghe tiếng Người. Hỡi bạn là kẻ đang ngã lòng, đang thất vọng,
Đức Kitô cũng đang nói với bạn như sau: “Hỡi người bạn trẻ, Ta bảo anh
chỗi dậy” (Lc 7,14).
Tóm
lại, ma tuý là một vấn đề của hết mọi người và hết thảy công chúng phải
cảm thấy mình bị liên luỵ, mình không còn phản ứng trước hiện tượng này
như trước một đối tượng gây khiếp hãi và mê muội.
“Nhưng
phải chăng, người nghiện ngập là một tội phạm, phải bị quan toà chế
tài, hay là một bệnh nhân phải được thầy thuốc xoa dịu, an ủi, nếu là
thầy thuốc chữa bệnh tâm lý thì càng hay?
“Cả
hai đều sai tuốt. Đó trước hết là một người không thích ứng được với xã
hội và cần có một nhà giáo dục quan tâm lo lắng” (Le Figaro).
J.L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét