Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

SIDA (AIDS) CÓ ĐÁNG SỢ?

1. Báo động về SIDA
“Đứa con trai 20 tuổi của tôi mắc bệnh SIDA. Nó sắp chết. Nó mong đọc sách viết về tôn giáo”, đó là lời của một bà mẹ vừa nói với một linh mục mà tôi quen biết. Phải chăng đây là một trường hợp cá biệt?
Bệnh SIDA (Sydrome d’Immuno Déficience Acquise), tiếng Anh là AIDS (Acquired Immuno-deficiency Sydrome): hội chứng liệt kháng, đang khiến cho nhiều người băn khoăn lo lắng.


Chứng bệnh này đang phát triển mạnh mẽ và liên tục. Tổ chức Sức Khoẻ Thế giới, O.M.S (Organisation Mondiale de la santé), công bố các trường hợp đã thông báo cho mình. Trước năm 1979, có 9 trường hợp. Mười năm sau, vào năm 1989, con số đã lên đến gần 140.000! Vào năm 1990, có tới 220.000.
Hoa kỳ là nước bị căn bệnh chết người này tác hại nhiều nhất. Tại New-York, người ta ước tính có khoảng nửa triệu thanh niên sắp chết vì sida. Chính phủ Mỹ xác nhận toàn quốc có 1.500.000 người nhiễm virus Sida. Giả như các người nhiễm bệnh ấy còn sống thêm được 6 tuần lễ thôi, thì nước Mỹ sẽ làm đại tang và nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Trong vòng 10 năm, cuộc chiến tại Việt Nam đã tàn sát 50.000 lính Mỹ. Nhưng đem so với các nạn nhân của bệnh Sida thì con số này xem ra chẳng thấm thía gì.
Nước Pháp cũng không tránh được tai hoạ này. Thậm chí các trường hợp Sida được biết ở Pháp còn nhiều gấp 3 lần số ở Anh nữa: 6.409 trường hợp vào năm 1989 (O.M.S). Theo Bộ Y tế thì số người nhiễm virus sẽ còn tăng thêm rất nhiều, khoảng 200.000 người vào năm 1990. Chắc hẳn tình trạng sẽ còn tệ hơn, nếu biết rằng bệnh này được ủ trong một thời gian từ 5 đến 10 năm (1): đã có 21.000 trường hợp được dự đoán cho năm 1990. Mỗi năm, có từ 450 đến 500 trẻ sơ sinh có mẹ bị mắc bệnh và các trẻ này rất có nguy cơ nhiễm bệnh.
Châu Phi vượt kỷ lục một cách đáng sợ. Trong một vài vùng thuộc Trung Phi, dường như cứ 5 thanh niên thì đã có 1 mắc người bị nhiễm virus Sida. Tại Nairobi, thủ đô Kenya, cứ 3 gái điếm thì đã có 2 cô mắc bệnh rồi.
Người ta ước đoán rằng vào năm 2000 trên trái đất sẽ có từ 25 đến 30 triệu bệnh nhân! Thế nên không lạ gì khi Sida trở thành một đề tài không thể tránh né được tại bàn ăn cũng như trên giường ngủ.

2. Sida còn gây ra tâm bệnh nữa
Tại Paris, một bà chủ nhà yêu cầu mọi người ghi tên mình lên chiếc ly mà mình đã uống. Lý do là vì trong nhà có người mang huyết thanh dương tính (nghĩa là mang virus Sida)!
Tại Anh, để bắt một kẻ tình nghi, cảnh sát phải mang bao tay, mặt nạ và giày ủng, đề phòng người ấy bị nhiễm virus.
Ở Mỹ, các công ty bảo hiểm đòi phải có phiếu xét nghiệm mới cho đăng ký bảo hiểm sinh mạng.
Ngoài ra, nhiều nơi còn có những biểu hiện khai trừ nữa: các trẻ mắc bệnh bị đuổi khỏi trường, các phụ nữ bị nhiễm virus Sida vào bệnh viện thì chẳng ai dám đến gần, các công nhân thì bị sa thải… Bệnh Sida không chỉ cho thấy giới hạn của một nền y khoa mà xưa nay vẫn được cho là toàn năng, nhưng còn biểu hiện sự đề kháng của xã hội trước những bóng ma xa xưa chuyên gieo sợ hãi.

3. Tại sao người ta sợ Sida?
Đừng để cho cái bầu khí sợ sệt kia chế ngự mình, nhưng hãy phân tích xem tại sao căn bệnh này lại gây ra bất an và lo lắng.
Trước hết, Sida ảnh hưởng đến sự an ninh của ta. Mọi người đều cần được an ninh để đối đầu với tương lai. Thế mà những người nhiễm virus thì tựa như người đang đùa với tử thần. Tuy bị mắc phải một chứng bệnh có thể chết người, nhưng họ chẳng hề biết là mình sẽ sống chết thế nào, sẽ kéo dài được bao lâu. Vì vậy họ sống trong một tình trạng bất an đáng ngại.
Kế đó, bệnh này ảnh hưởng đến sự khác biệt về giới tính, vốn là niềm vui sống đối với người nam cũng như người nữ. Vậy mà, giữa chỗ vợ chồng với nhau, người ta lại có thể truyền virus cho chính bạn mình.
Sau cùng, Sida ảnh hưởng đến niềm vui được tồn tại trong tương lai qua việc sinh con đẻ cái. Quả thật, cứ 3 phụ nữ nhiễm Sida mà mang thai thì một người có khả năng sinh ra đứa trẻ bị bệnh. Tại Pháp, mỗi ngày có ít nhất là một “cháu bé sida” chào đời.

4. Điều cần biết
Bệnh Sida được mô tả lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1981. Tuy nhiên người ta đã lần thấy virus Sida đã có mặt tại Phi châu từ những năm 50. Đến năm 1983, nhóm làm việc của giáo sư Montaignier, nhà nghiên cứu tại viện Pasteur Paris, đã tách biệt và nhận diện được loại virus này.
Bệnh được truyền đi bởi một loại virus có tên gọi là VIH (virus de l’Immunodéficience Humaine), tiếng Anh là HIV (Human Immuno-deficiency Virus), nghĩa là virus gây liệt kháng nơi người.
Trong một thời kỳ có thể kéo dài tới 2 tháng sau khi xâm nhập, virus sẽ tạo ra trong cơ quan những kháng thể có thể phát hiện được bằng cách thử máu.
Virus là một thành phần sinh học rất nhỏ có chứa độc tố, bám vào các tế bào của cơ thể để sinh sôi nảy nở. Virus Sida có đặc điểm là có thể tấn công một số bạch huyết cầu đóng vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ cơ thể. Khi tiến sang giai đoạn hoạt động, virus sẽ huỷ diệt các bạch huyết cầu này. Lúc bấy giờ cơ thể đã suy yếu không còn tự vệ được nữa, nên mọi thứ độc tố mặc sức tràn vào, ảnh hưởng đặc biệt đến phổi, ruột, máu, não và da. Chính sự sinh sôi nảy nở của các chất truyền nhiễm này đe doạ đến sự sống của người bệnh.
Bởi thế, Sida là một căn bệnh chết người. Chưa có loại thuốc chủng ngừa nào có công hiệu chống lại loại virus vốn khó vây hãm này, bởi nó luôn thay đổi đặc điểm di truyền của nó, khiến ta khó nhận diện. Dường như sớm nhất là 10 năm, hoặc có thể lâu hơn nữa, người ta mới mong tìm ra được loại thuốc chủng ngừa quyết định để tung ra thị trường.
Không nòi giống hay chủng tộc nào thoát khỏi bệnh Sida. Tại Hoa Kỳ, 25% bệnh nhân là người da đen. Đây cũng chẳng phải là một căn bệnh chỉ có nơi người lớn mà thôi. Có rất nhiều thanh thiếu niên và thậm chí các trẻ em cũng mắc bệnh nữa.
Bệnh Sida là một tên giết người trong im lặng, vì khi ta biết mình mắc bệnh thì đã quá trễ. Ta ‘mang bệnh một cách yên hàn’ ngay từ lúc virus lây nhiễm vào cơ thể mà chưa phát hiện ra triệu chứng nào rõ rệt.
Giữa thời gian mang bệnh một cách yên hàn và mắc bệnh Sida đúng nghĩa, có tình trạng tiền-sida, gọi là ARC (Aids Related Complex) – hội chứng có liên hệ với Sida – được biểu hiện qua việc nổi hạch, sốt hoặc tiêu chảy. Không phải hễ cứ bị ARC là sẽ mắc bệnh Sida đâu. Bệnh trạng này có thể giữ nguyên không thay đổi trong nhiều tháng hoặc nhiều năm với những lúc trồi lên trụt xuống.
Than ôi, người mang bệnh một cách yên hàn vẫn có thể truyền virus cho kẻ khác. Mỗi bệnh nhân này có thể truyền bệnh sang một người khác, và cứ thế kéo dài. Chính qua trung gian của người bệnh mạnh khoẻ này mà căn bệnh lan tràn, vì người ta có thể mắc bệnh một cách yên hàn trong nhiều năm mà không hề hay biết.

5. Ta bị lây nhiễm như thế nào?
Bệnh Sida lan truyền theo đường loạn dâm đồng giới, quan hệ tính dục khác giới hoặc qua đường máu. Môi trường lây nhiễm có thể là một quán rượu, một hộp đêm, một câu lạc bộ giới trẻ, nào ai hay được?
Có một điều chắc chắn là virus truyền từ người này sang người kia qua việc tiếp xúc tính dục. Hết thảy mọi hình thức quan hệ tính dục đều có thể khiến ta bị lây nhiễm. Một vết thương, thậm chí rất nhỏ nơi cơ quan liên hệ, cũng đủ cho virus xâm nhập.
Virus cũng có thể xâm nhập qua đường máu hoặc qua các sản phẩm từ máu đã nhiễm virus. Chính vì thế, virus lây nhiễm rất nhanh chóng trong các môi trường nghiện ngập ma tuý, khi người ta dùng chung các ống chích, khiến bệnh càng dễ lây truyền hơn.
Bệnh cũng truyền qua việc mang thai. Một người đàn bà mắc bệnh có thể truyền virus cho con mình khi mang thai hoặc khi sinh nở, vì virus có thể đi qua nhau thai.
Các kẻ loạn dâm đồng giới và các người nghiện ma tuý rất dễ có nguy cơ mắc bệnh. Với việc buông lỏng phong hoá, giới trẻ cũng bị liên luỵ.
Cố nhiên ta không mắc bệnh Sida ngoài các quan hệ tính dục, như khi uống rượu khai vị với người mang máu có dương tính! Thậm chí ta còn có thể bắt tay, ôm hôn người ấy, hay dùng chung chén bát, khăn; hay nhiều vật dụng khác, ngoại trừ dao cạo và bàn chải răng.
Ta sẽ không bị lây nhiễm. Bởi thế chớ sợ dùng chung vòi tắm, nhà vệ sinh, hồ bơi hay tiếp xúc tại văn phòng, tại trường học. Bệnh Sida không lây qua các quan hệ nghề nghiệp hay xã hội.
Nguy cơ lây nhiễm virus Sida qua việc truyền máu rất ít xảy ra tại Pháp, vì từ năm 1985 người ta áp dụng phiếu xét nghiệm cho tất cả những người hiến máu.

6. Sida: độc dược hay linh dược?
Vấn đề Sida lây nhiễm có thể giúp cho giới trẻ và người lớn suy nghĩ về đời sống tính dục của mình.
Một số nữ sinh lớp 12 thuộc trường Trung học Bordeaux đã nhấn mạnh: “Giờ thì thiên hạ bớt xem thường chuyện đó rồi”. Các cô nói thêm: ”Còn hơn cả chúng tôi, cánh con trai thường có xu hướng coi đó chỉ là chuyện đùa thôi. Trước đây nhiều người hầu như rong chơi khắp nơi, nhưng từ nay họ đã tỏ ra cẩn trọng hơn. Dầu sao đi nữa, đối với đa số chúng tôi, bệnh Sida là một đề tài lớn để bàn luận.”
Giới trẻ ý thức được như thế là một điều khiến cho ta an tâm. Đó chính là phương cách tốt nhất bảo đảm cho họ thoát khỏi tai hoạ. Ta chẳng biết nói mấy cho vừa, chỉ tắt một điều: Sida là một căn bệnh có thể tránh được.
Vì bệnh Sida, người ta ít lui tới các nhà thổ hơn. Tại Hambourg, một số Trung tâm lạc thú (Eros Centers) nổi tiếng từng tuyển dụng tới 20 phụ nữ, thì nay tụt xuống chỉ còn 4,5 người thôi. Các câu lạc bộ nhỏ phải đóng cửa.
Một số người coi Sida là hàng rào chống lại lối sống phi luân. Hai bà mẹ người Anh đã thú thật rằng các cô con gái của họ đã lấy cớ Sida để từ chối làm tình với bạn trai họ.
Người dân Âu châu bắt đầu thay đổi thái độ. Các ông chồng bà vợ người Âu đắn đo hơn trước khi lừa dối nhau. Những người loạn dâm đồng giới càng ngày càng chấp nhận chế độ độc thể. Theo lời xác nhận của Otis Bowen, phụ trách các trạm y tế ở Hoa Kỳ, cần phải nhắc lại rằng một người mang virus có thể lây truyền cho những người khác trong khoảng mười năm mà không hề hay biết. Điều này đáng cho ta phải suy nghĩ lắm đấy!

7. Các Kitô hữu phải có thái độ nào đối với những người nhiễm virus?
Trước một vấn đề đang gieo rắc sợ hãi và tạo ra nhiều phản ứng cự tuyệt kịch liệt, các Kitô hữu không thể im hơi lặng tiếng.
Bệnh này phải chăng là một đòn Chúa giáng xuống để trừng phạt những môi trường đồng tính luyến ái? Một vài người nghĩ như thế. Ta cần khẳng định ngược lại. Không, bệnh tật không phải là lời chúc dữ của Chúa. Kinh thánh cho chúng ta thấy rõ rằng giữa bệnh tật và tội lỗi không hề có mối liên hệ nhất định nào (x. Ga 9,1-41).
Chúng ta phải nhất trí với nhau rằng Thiên Chúa không hề trừng phạt con người. Chính những sai quấy của con người đang phá huỷ nhân loại. Và con người càng có quyền thế bao nhiêu thì các hậu quả lại càng trầm trọng bấy nhiêu. Hẳn nhiên tạo vật là công trình của Chúa. Huỷ diệt tạo vật là xúc phạm đến Người. Thế nhưng Người không hề trả thù. Người đau khổ vì các sai phạm và bất hạnh của loài người như một người cha đau khổ khí thấy con mình bị sự dữ vùi dập. Thế nhưng Người không hề trả thù, Người yêu thương chúng ta ngay trong hiện tại của ta, thánh thiện hay tội lỗi, yêu thương vì chính bản thân ta, và Người không ngừng tỏ lòng thương xót ta.
8. Có cần phải xua đuổi những người mang virus không?
Ta có thể thông cảm với nỗi sợ hãi bị mắc bệnh, tuy nhiên nói thế không có nghĩa là phải xua đuổi và  khai trừ, nhưng thường thấy trên thế giới đối với các bệnh nhân: các bậc phụ huynh yêu cầu học sinh mang virus phải rơi khỏi trường học, các gia đình đó bị buộc ra khỏi thành phố…
Chúng ta không có quyền xét đoán ai. Vào thời trước, Đức Giêsu đã làm mọi việc để phá đổ các hàng rào ngăn cách xã hội hoặc tôn giáo. Người luôn yêu thương và chữa lành các bệnh nhân, Người chạm đến kẻ phong cùi để chữa lành anh ta. Các đức thánh cha và các đức giám mục luôn kiên quyết chống lại mọi hình thức phân cách và khai trừ người bệnh. Không một người nào, dù mắc bệnh nặng đến đâu đi nữa, phải bị đối xử như một kẻ ti tiện. Đức Gioan Phaolô II đã không ngần ngại ôm hôn một đứa trẻ mắc bệnh Sida ở Mỹ. Thậm chí một ngày nọ ngài còn tuyên bố: “Tôi luôn quan tâm đến các bệnh nhân Sida với lòng thương mến. Hội thánh đang ở với các bạn để nâng đỡ các bạn trên con đường khó khăn trắc trở này” (D.C. số 1998, tr. 57).

9. Làm sao ngừa được Sida?
Đây là một vấn đề khó khăn nhưng rất thết yếu. Vì Sida là một trong các thử thách khủng khiếp nhất của thời đại chúng ta. Giới trẻ phải làm sống lại tình yêu. Điều chính yếu là họ phải chứng tỏ rằng mình có thể sống trung thành. Trong một nền văn hoá thương mại như hiện nay, họ phải nói được rằng tình yêu không phải là sự thèm khát. Tình yêu còn mãnh liệt và lớn lao hơn cả thèm khát rất nhiều. Người ta có thể mua được những thân xác, một chàng này nàng nọ, nhưng không thể mua được con tim cũng như tình yêu của họ.
Giáo hội sẵn sàng đề nghị với mọi người đức Khiết tịnh như là một phương thế để yêu thương và là một hình thức tự trọng cũng như tôn trọng người khác. Ta có thể sống đức Khiết tịnh. Có nhiều thanh niên đang sống nhân đức này một cách hạnh phúc mà không hề có mặc cảm nào.
Nhiều người coi việc dùng bao cao su ngăn ngừa như cách “duy nhất” để giải quyết vấn đề Sida. Người ta đã quảng cáo rằng đây là “tính dục an toàn”, không hề nghĩ tới một viễn ảnh luân lý nào. Có chắc như vậy không?
Người ta ngần ngại không dám nói rằng dùng bao cao su không bảo đảm an toàn tuyệt đối với bệnh Sida.
Các bao cao su này không có hiệu quả tuyệt đối như người ta vẫn tưởng. Một vài loại còn kém phẩm chất như có lỗ, mà mắt thường không thể thấy được, hoặc các khuyết điểm khác. Theo bài báo “Năm mươi triệu người tiêu dùng”, trong số 41 nhãn hiệu được kiểm tra, đã có tới 23 loại không thể tin cậy được (“Quid” 1990, tr. 151). Người ta cũng thường sử dụng chúng cách vụng về: chúng dễ bị rách, hay bị đồ nữ trang làm cho trầy xước; chúng có thể bị tuột ra hay bị xê dịch… Các việc này thường xảy ra mà chẳng có ai trong hai người hay biết cho đến khi đã muộn màng.
Đã đành bao cao su giúp giảm nguy cơ bị lây nhiễm được khoảng 80%. Nhưng một số bác sĩ chuyên môn về Sida đã xác nhận: “Tôi sẽ không giao đời mình cho bao cao su đâu” (“Bệnh Sida và giới trẻ”, tr. 49). Bởi vì chỉ cần quan hệ một lần thôi cũng đã đủ để lây nhiễm bệnh rồi! Phải thông tin cho giới trẻ biết rằng không có quan hệ tính dục nào là tuyệt đối an toàn.
Giáo hội – được Kinh thánh, là Lời Chúa, soi sáng – luôn bênh vực những tình yêu chân chính. Trên nguyên tắc, Giáo hội chống lại các quan hệ tính dục trước hôn nhân, dù có sử dụng bao cao su hay không. Giáo hội làm thế không phải để hù doạ giới trẻ, nhưng để chỉ cho họ con đường tính dục thật sự nhân bản, và vì thế có khả năng mang lại hạnh phúc: các giới răn của Chúa luôn là những con đường dẫn đến hạnh phúc. Đối với Giáo hội, tình yêu giới tính là một ân sủng quý giá Chúa ban riêng cho những cuộc kết hợp độc chiếm giữa hai người trong hôn nhân, vì sự sống, và để trao ban sự sống. Chính vì thế, Giáo hội không muốn hạ giá tính dục, vì tính dục không phải là một sự tìm kiếm lạc thú một cách ích kỷ, nhưng là một cách bày tỏ tình yêu trung thành và là một cánh cửa mở ra sự sống. Đó là lý do tại sao Giáo hội không ủng hộ việc dùng bao cao su cả trong lẫn ngoài hôn nhân: nó tách rời sự kết hợp với sự sinh sản, và làm cho tình yêu bị nghèo đi. Bởi thế, phải đánh thẳng vào các nguyên nhân gây ra tai hoạ cũng như vào các hậu quả của nó, đồng thời chuẩn bị mình để sống một tình yêu có trách nhiệm và trung thành.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang ở trong một tình thế khẩn cấp. Không được gieo rắc cái chết. Bất cứ người nào đã nhiễm bệnh cũng đều có trách nhiệm luân lý nặng nề là không để cho một nhân vật thứ 3 phải tình cờ bị lây bệnh. Người đó phải tôn trọng mình và tha nhân bằng cách kiêng cữ việc quan hệ tính dục.
Nhưng có trường hợp vợ chồng phải bày tỏ tình yêu với nhau. Nếu một trong 2 người mang máu dương tính thì người này có bổn phận không được làm cho bạn mình bị lây nhiễm. Hồng y Decourtray tuyên bố: “Khi phải chọn lựa giữa việc gieo rắc cái chết và việc dùng một phương thế không tốt, thì nên dùng phương thế không tốt ấy hơn là gieo rắc cái chết” (D.C. số 1976, tr. 96). Ta gọi đây là sự dữ ít hơn. Tuy nhiên, đôi vợ chồng phải luôn tự vấn để kiện toàn cách bày tỏ tình yêu đối với nhau.
Thế nhưng, việc quảng cáo quá mức đối với bao cao su có thể dẫn đến nguy cơ khuyến khích người ta buông tuồng dễ dãi, đang khi chính việc này có thể khiến cho bệnh lan rộng hơn. Làm như thế chẳng khác nào để chữa cháy mà lại đổ thêm dầu vào. Giáo hội ủng hộ việc giáo dục cho có tinh thần trách nhiệm chứ không tán đồng việc sử dụng biện pháp ngăn ngừa một cách ích kỷ.
Hạnh phúc của con người là khám phá lại ý nghĩa của tình yêu nhân loại và của hôn nhân theo đúng ý định của Đấng Tạo Hoá. Ta không còn có thể nào chấp nhận ý kiến cho rằng giới trẻ chỉ có thể chọn lựa hoặc dùng bao cao su hoặc chịu bị lây bệnh mà thôi. Còn có một giải pháp thứ ba nữa: giải pháp này thật bảo đảm, tấn công vào tận gốc rễ của sự dữ. Đó là khước từ mọi quan hệ tính dục trước hôn nhân, còn trong hôn nhân thì luôn trung thành, đồng thời cũng không chích ma tuý theo đường mạch máu. Đây quả là một lý tưởng cao vượt, nhưng là một lý tưởng xây dựng và có thể thực hiện được… với sự trợ giúp của Chúa.
Giải pháp của Giáo hội nhân bản hơn ta tưởng, dù đúng là đòi hỏi. Giải pháp này vận dụng phần cao quý nhất nơi con người, tức là cảm thức về tình yêu, là sự tự chủ.
Cơn khủng hoảng do bệnh Sida gây ra đang đưa xã hội hiện nay vào một khúc quanh, đang thách đố các giá trị đích thật. Điều chính yếu là lo dạy dỗ người ta tăng thêm lòng kính trọng và tăng thêm tình yêu trong các hành vi tính dục.

(1)     Thời gian cần thiết để ta biến thành bệnh nhân. Việc nghiên cứu hiện nay đang tiến triển rất nhanh. Theo các tin mới nhất, người ta hy vọng sẽ tìm ra được một loại thuốc chủng ngừa trước năm 2000.
J.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét