Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

CẦU NGUYỆN CÓ ÍCH GÌ KHÔNG?

1. Điều gì đang xảy ra đối với việc cầu nguyện?
Cầu nguyện có thể bị coi là một việc rất lạ đối với thế giới hiện nay. Một vài người cho rằng đó là một việc đã lỗi thời. Họ coi đây là một hình thức hồi sinh của những thời đại lúc con người còn yếu ớt, cứ phóng lên trời mọi lo lắng, mọi chờ mong và mọi khát vọng của mình. Có người thì cho rằng đây là việc đáng ngờ: cầu nguyện chẳng phải là một sự chạy trốn trách nhiệm nặng nề hoặc tránh né số phận cay nghiệt sao? Và rồi cầu nguyện để làm gì kia chứ? Bất hạnh, chiến tranh, bệnh tật có biến mất đi khi cầu nguyện không?


Tuy thế, các tu viện sống đời chiêm niệm vẫn có người đến xin gia nhập. Cộng đoàn Taizé yết thị là đã đủ chỗ, các nhóm cầu nguyện vẫn lôi kéo sự chú ý của những người trẻ, các chiến sĩ Kitô giáo tỏ ra rất quan tâm đến việc làm sao cho sự dấn thân của mình bắt rễ sâu trong đời sống cầu nguyên đậm đặc; tạp chí “Cầu nguyện” vẫn nhận được thêm nhiều phiếu đăng ký mua.
Một điều gì đó đang xảy ra với việc cầu nguyện!
  2. Nếu vậy cầu nguyện là gì?
Cầu nguyện không phải là cứ mở môi đọc, cũng chẳng phải là cúi gằm mặt xuống hay chắp tay lại. Cầu nguyện không phải là viếng nhiều đền thánh, cũng chẳng phải là mải miết lần một cỗ tràng hạt dài có đeo đầy ảnh tượng.
Cầu nguyện nằm trong lòng cuộc sống Kitô hữu. Không thể có đời sống tôn giáo đúng nghĩa nếu không cầu nguyện. Cầu nguyện chính là thưa chuyện với Thiên Chúa là Cha chúng ta; chính là ngỏ lời với Đức Giêsu Kitô, người anh của chúng ta trong nhân tính; chính là cầu khẩn Chúa Thánh Thần, chủ nhân của linh hồn ta.
Cầu nguyện là một cuộc đối thoại, một sự trao đổi với Đấng mà ta biết là đang yêu thương ta. Cầu nguyện là nói với Chúa như con nói với Cha. Là nói với Người về niềm vui của ta vì được nhận biết và yêu mến Người. Là giải thích cho Người biết những khó khăn và những cố gắng của ta. Là kêu xin Người giúp đỡ và nài nỉ Người tha thứ. Cầu nguyện cũng là thưa chuyện với Chúa về những người anh em của ta. Cuộc đối thoại đơn sơ và thân tình này được diễn ra trong khiêm nhượng và tin tưởng, là bản chất của việc cầu nguyện đích thật.
  3. Tại sao phải cầu nguyện? Ta có thể nêu ra 3 lý do
Để yêu thương một người, cần phải nhận biết người đó, để nhận biết một người, cần phải năng lui tới với người đó, sự giao thiệp bao hàm việc nói năng, đối thoại. Cầu nguyện chính là sự đối thoại với Thiên Chúa để nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Người hơn.
Một cuộc sống Kitô hữu đích thật thế nào là tuỳ ta đã dành cho cầu nguyện một vị trí nào. Ai cầu nguyện nhiều thì yêu mến nhiều. Ai cầu nguyện ít thì yêu mến ít. Thậm chí trọn đời ta có thể trở nên lời cầu nguyện nếu nó được dâng cho Chúa.
Cầu nguyện là gián tiếp có một ý tưởng nào đó về Đấng Tối cao: Người không phải là một người Cha thích trừng phạt hoặc một cảnh binh chuyên rình bắt các sự vi phạm của ta, cũng chẳng phải là một vị Chúa “xơ-cua” sẵn sàng thay ta làm việc. Cầu nguyện giúp ta khám phá ra gương mặt thật của Thiên Chúa. Người là một người Cha rất đỗi ân cần, đã mạc khải Đức Giêsu cho ta. Ta phải cầu xin để biết rõ Ngài đang mong đợi điều gì nơi ta. Nhờ cầu nguyện, người Kitô hữu lấy ý muốn, tư tưởng và ước vọng của Chúa đối với mình làm ý muốn, tư tưởng và ước vọng của mình. Người ấy sống trong mối thâm giao với Ba Ngôi Thiên Chúa, cố gắng yêu mến mỗi lúc một hơn. Như vậy, ta phải năng lui tới với Chúa để cả hai cùng nhận biết và yêu mến nhau.
Một lý do khác khiến ta phải cầu nguyện là vì Đức Giêsu đã nói: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh quả nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không luôn liên kết hợp với Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai luôn kết hợp với Thầy và Thầy luôn kết hợp với người ấy thì người ấy sinh hoa kết quả dồi dào, vì không có Thầy, anh em không làm gì được” (Ga 15,4-5).
Đời sống Kitô hữu trước tiên là sự sống của Chúa trong ta. Sự sống này, đã nhận được ngày chịu phép Rửa tội, tăng triển nhờ các bí tích và cầu nguyện. Cầu nguyện, chính là ý thức rằng Chúa Ba Ngôi, đặc biệt là Chúa Kitô, đang hiện diện trong linh hồn ta. Thánh Phaolô nói: “Giờ đây không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Không cầu nguyện, người Kitô hữu chẳng thể làm được gì  trên bình diện đức tin. Nhờ cầu nguyện, sức sống Thần Linh luân lưu một cách mãnh liệt trong chúng ta, tựa như nhựa lưu thông trong cành cây. Cầu nguyện chính là làm cho mình được dồi dào Chúa hơn.
Còn một lý do cuối cùng khiến ta phải cầu nguyện. Đó chính là mẫu gương của Đức Kitô. thánh Luca nói rằng: “Ngài thức suốt đêm để cầu nguyện” (6,12). Người đã cầu nguyện rất nhiều, dù rất bề bộn công việc. Những đám đông kéo đến để nghe Người nói và xin Người chữa bệnh. Nhưng Người thường lui về những nơi cô tịch và cầu nguyện (Lc 5,15). Trước khi chịu khổ nạn và chịu chết, Đức Giêsu leo lên núi Cây Dầu và thúc giục các môn đệ cầu nguyện với Người, nhưng họ chẳng nghe theo, chính Người thường quỳ gối để cầu nguyện. Trong cơn hấp hối, Người đã khấn nguyện với Cha mình thống thiết nhiều hơn nữa. Trên thập giá, Người cũng không ngừng nguyện xin.
Như ta thấy, cầu nguyện thấm nhập toàn bộ đời sống của Đức Giêsu Kitô. Vì thế, sốg đời Kitô hữu, theo guơng Đức Giêsu, là không thể bỏ qua việc cầu nguyện, một sự cầu nguyện thống thiết và liên lỉ. Người cũng đã kể cho họ một dụ ngôn nói về việc tại sao phải luôn luôn cầu nguyện, không bao giờ bỏ (x. Lc 18,1). Người môn đệ không hơn được Thầy mình. Đức Giêsu vốn là một nhà cầu nguyện vĩ đại. Theo gương Đức Giêsu, người Kitô hữu cũng phải liên lỉ đặt mình trước mặt Chúa qua việc cầu nguyện.
  4. Cầu nguyện có ích gì không?
Thế nhưng có người sẽ nói rằng những giờ phút và những cuộc đời hiến dâng cho Chúa để cầu nguyện như thế có ích lợi gì, khi mà trên khắp thế giới có biết bao khốn khổ, đói kém, giặc giã? Vào thời buổi chủ trương lợi nhuận và hiệu năng này thì nêu lên câu hỏi trên đây cũng là thường thôi.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã từng cảnh giác: “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà thôi” (x. Mt 4,4). Nói như thế không có nghĩa là chia sẻ cơm bánh với anh em là một việc vô ích. Nhưng thứ cơm bánh mà người ta cần, là tình bạn, là sự gặp gỡ, là tình yêu thương nữa chứ?
Cứu người cho khỏi đói, làm cho thiên hạ phải tôn trọng các quyền lao động và quyền sống xứng đáng, loan báo cho mọi người biết Tin mừng giải thoát, đó hẳn là một bổn phận của ta, các Kitô hữu. Nhưng làm sao mang lại cho tất cả những điều ấy một ý nghĩa, ban phát tình thương cùng với cơm bánh, chẳng phải là một điều khẩn thiết không kém hay sao?
Cầu nguyện không tách ra khỏi cuộc sống, nhưng là một sự dấn thân để phục vụ tha nhân tốt hơn. Cầu nguyện mở lòng ta ra với Chúa  và với người lân cận. Khinh miệt kẻ khác, dửng dưng với các vấn đề của họ là những thái độ hoàn toàn đi ngược với sự cầu nguyện của Kitô giáo. Ta không cầu nguyện để trút bỏ gánh nặng của ta cho Chúa, mà là để xin Người ban ơn cho ta đủ sức thi hành các trách nhiệm của mình. Để giúp đỡ tha nhân, cần phải, cần phải yêu thương họ. Nhờ cầu nguyện, ta múc được tình yêu đối với tha nhân ngay trong con tim của Chúa. Các Kitô hữu vĩ đại đang phục vụ nhân loại đều là các nhà chiêm niệm tầm cỡ. Nếu không những thời gian kéo dài kề cận với Chúa trong kinh nguyện thì thử hỏi mẹ Têrêsa Calcutta có đủ sức để chiến đấu với sự khốn khổ không? Ta phải cầu nguyện để phục vụ nhân loại tốt hơn.
Các nhà chiêm niệm, trong các đan viện hay các tu viện, qua bậc sống của mình đã khẳng định rằng Thiên Chúa là gia tài tuyệt đối của con người; rằng không có gì có thể so sánh với Người được, và đối với họ, kinh nghiệm về Thiên Chúa chính là sự sống đích thực. Sự hiện diện của họ nhắc ta nhớ tới ích lợi căn bản của việc cầu nguyện. Nhân loại đang cần đến những người tìm kiếm Thiên Chúa. Các nhà chiêm niệm mở rộng chân trời của chúng ta, là những kẻ thường chỉ biết sống sà sà mặt đất mà thôi. Họ khiến ta hy vọng nhiều hơn, và vì thế thêm can đảm và vui sống.
5. Cầu nguyện có hiệu quả không?
Đức Giêsu đã nói: “Hãy xin và anh em sẽ được”. Thế nhưng, rất nhiều người có thể làm chứng rằng họ đã cầu nguyện mà chẳng được gì. Những bà mẹ đã nài đi khẩn lại để xin Chúa gìn giữ những con cái mình khỏi sự dữ, chữa đứa này sắp chết  vì bệnh ung thư, giải thoát đứa kia đang bị bắt làm con tin, mà chẳng được nhận lời. Chính Đức Giêsu đã xin Chúa Cha cứu Người khỏi cuộc khổ nạn sắp đến. Và cứ bên ngoài mà xét thì Chúa Cha đã giả điếc làm ngơ không nghe lời Người cầu xin.
Chúng ta vốn có ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa. Ta thường tin vào một vị Chúa hay làm phép lạ, luôn can thiệp vào đời ta để giải quyết các vấn đề của ta và giải thoát ta khỏi những thập giá mà chúng ta thường chất lên vai nhau khi không thực hiện yêu thương.
Nhưng vị Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta lại trao cho mỗi cá nhân cũng như tập thể trách nhiệm kiến tạo nhân loại, đưa vũ trụ tới chỗ thành toàn bằng cách biến đổi và dùng nó để phục vụ anh em mình. Người sẽ không làm thay cho ta đâu, cho dù chúng ta có chém giết lẫn nhau đi nữa, Người cũng sẽ chẳng trực tiếp nhúng tay vào đâu. Bởi chưng, Người tôn trọng sự tự do của ta, Người đặt tin tưởng nơi ta và đấy chính là bằng chứng tuyệt vời nói lên sự vĩ đại của con người chúng ta và sự vô biên của tình yêu Chúa Cha.
Chính ta có nhiệm vụ thu hoạch mùa màng và chia sẻ cơm bánh với hết thảy các anh em của ta, chính ta có nhiệm vụ xây dựng nhà cửa, phố xá, cơ xưởng và tạo công ăn việc làm cho mọi người, chính ta có nhiệm vụ tranh đấu cật lực chống lại bệnh tật và đau khổ, chính ta có nhiệm vụ xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ. Chúng ta đừng yêu cầu Chúa làm thay công việc của ta. Người sẽ chẳng nhận lời cầu nguyện ấy đâu.
Đã hẳn là Chúa có thể làm phép lạ. Nhưng đó chỉ là luật trừ thôi. Thông thường thì Chúa không bắt các định luật thiên nhiên ngừng hoạt động. Người nhận lời cầu nguyện của ta ở một mức độ khác.
Nếu chúng ta tin vào Người, Người sẽ ban cho ta quyền năng vô hạn của tình yêu Người, và chính nhờ tin vào tình yêu này mà ta có đủ sức chuyển núi dời non như lời Đức Giêsu đã nói, nghĩa là đủ sức chiến đấu chống lại sự dữ và đau khổ, đủ sức mang lấy sự đau khổ này với Người để cứu độ thế giới.
Chính vì vậy mà mọi kinh nghiệm được dâng lên với lòng khiêm nhượng, tin tưởng và kiên trì đều mang lại hiệu quả. Toàn bộ Tin mừng được kết thành bởi các kinh nguyện đã được Chúa nhận lời. Thiên Chúa không luôn nhận lời ta như ta hằng mong muốn, nhưng Người luôn lưu tâm đến toàn bộ đời ta. Người luôn đáp ứng các nhu cầu thích đáng của ta. Dầu sao đi nữa, Người cũng không thể từ khước tình yêu với kẻ cầu xin Người.
Và nếu đôi khi Người để ta chờ đợi, ấy là để cho ta được đầy tràn hơn sau đó.
Và đấy là điều cần thiết, bởi chưng cầu nguyện không hệ tại ở việc cầu xin Chúa làm theo ý ta, nhưng là theo ý Người. Đó là xích gần lại với Chúa và mở lòng ra, đón nhận dự phóng của Người vạch ra cho ta. Thế mà, ý của Chúa là ta hãy kiến tạo con người, nhân loại và thế giới bằng các phương tiện và các cuộc đấu tranh tuy của con người nhưng đã chứa đựng một sức mạnh vô hạn do tình yêu cứu độ của Chúa đem đến. Bởi chưng ta không thể chiến thắng nếu đó không phải là một cuộc chiến đấu vì tình yêu cùng với Đức Giêsu Kitô.
6. Cầu nguyện như thế nào?
Về việc này, chẳng có gì hơn kinh nghiệm: chính trong khi cầu nguyện, ta học được phải cầu nguyện làm sao.
Thế nhưng có nhiều phương thế có thể khơi dậy trong ta sự thích thú cầu nguyện.
Đối với đa số người trẻ, chiêm ngắm thiên nhiên và những điều ký diệu của nó chính là tia lửa làm bừng lên ngọn lửa cầu nguyện.
Một nữ sinh trung học nói: “Các nét đẹp của thiên nhiên, âm nhạc, các điều đẹp đẽ, đó là những cái thúc đẩy tôi nhiều nhất để cầu nguyện.” Vẻ đẹp là dấu chỉ của Chúa.
Đối  với một số người khác, việc quy tụ lại thành nhóm nhỏ để cầu nguyện là yếu tố kích thích ta cầu nguyện.
Một thiếu niên 16 tuổi nói: “Mỗi khi thấy người ta tụ họp với nhau để cầu nguyện, chính lúc đó tôi cảm thấy muốn cầu nguyện hơn bao giờ hết”.
Nhưng cũng có người cho rằng sự cô tịcn sẽ giúp ta dễ hồi tâm hơn. Như lời Tin mừng nói, ta chỉ cần vào phòng đóng kín cửa là có thể cầu nguyện được rồi (x. Mt 6,6).
“Để cầu nguyện, tôi cần được ở một mình, tốt nhất là được yên tĩnh. Lúc ấy tôi sẽ nói với Chúa tất cả những điều mình đang ấp ủ trong lòng” (một thanh niên 20 tuổi).
Khung cảnh bên ngoài cũng không kém phần quan trọng. Nếu một số người trẻ có thể cầu nguyện khắp nơi – trên xe buýt, trên xe gắn máy – thì ngược lại, một số khác lại lưu ý quan tâm đến tầm quan trọng của nơi mình đang có mặt. “Riêng tôi thì cầu nguyện tốt nhất là khi ở trong phòng riêng hoặc trong một nhà nguyện hay một nhà thờ mà tôi yêu thích” (một thanh niên).
Cầu nguyện là nói lên thành lời và là im lặng. Ta cần dùng từ ngữ để diễn ta tâm trạng của mình: đó là cầu nguyện thành tiếng. Ta cũng không quên các công thức có sẵn như kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu đã dạy, hay kinh Kính mừng chẳng hạn. Đối với việc cầu nguyện, các kinh ấy đóng một vai trò tương tự như các chiếc đinh đối với người leo núi đang trèo lên một mỏn đá hiểm trở.
Có người nói với Chúa bằng những lời bộc phát tự nhiên tự trong lòng mình. Một người mẹ gia đình nói: “Tôi không có những từ ngữ đặc biệt để thưa chuyện với Chúa: tôi nói với Người một cách đơn sơ như nói với mình”. “Cảm tạ Chúa, con yêu mến Ngài: đó là những lời lẽ mà tôi thường hay lập đi lập lại mỗi khi cầu nguyện” (một nữ sinh).
Cầu nguyện cũng có thể là suy niệm trong thinh lặng: đó là cầu nguyện trong lòng, hay là nguyện gẫm. Lúc ấy ta sẽ nuôi dưỡng việc cầu nguyện này bằng cách đọc một đoạn Kinh thánh hay một cuốn sách tôn giáo nào đó.
Cầu nguyện là để cho mình được biến đổi dưới ánh sáng Tin mừng.
Cầu nguyện đạt tới đỉnh cao khi nó trở thành sự hiệp thông thuần khiết với Chúa trong thinh lặng. Quả vậy không phải chỉ nói với Chúa mà thôi là đủ, nhưng còn phải lắng nghe Người nói nữa. Một bác nông dân đã nói với cha sở họ Ars về việc viếng Thánh Thể như sau: “Con trông thấy Người và Người trông thấy con”. Nói cách khác: con nói với Người về cuộc sống của con và Người nói với con về cuộc sống của Người. Càng thinh lặng bao nhiêu thì càng cầu nguyện có chất lượng bấy nhiêu. Ta lặng im trước mặt Chúa. Muốn vậy, ta phải bỏ ra một ít thời giờ, phải tin tưởng và can đảm. Cầu nguyện là ngồi đó để nhìn Chúa đang nhìn ta, là để Chúa yêu ta trong hiện trạng của ta.
Ta cầu nguyện bằng tâm trí mà cũng bằng cả thân xác nữa: đứng, ngồi, quỳ, chắp tay bày tỏ sự hồi tâm hoặc giang tay bày tỏ sự dâng hiến. Cử chỉ của ta có một tầm quan trọng lớn lao.
Cầu nguyện là một cuộc chiến đấu mà ta phải lâm trận mọi ngày bởi chưng đức tin không phải tự nhiên mà có. Cầu nguyện đòi hỏi ta phải rất kiên nhẫn, phải tập tành. Cầu nguyện giả thiết phải có các điều kiện.
Tuy nhiên, xét cho cùng, cầu nguyện là một ơn của Chúa Thánh Thần ban cho. Chính Ngài đang ở trong ta mà cầu nguyện với Chúa Cha. “Thiên Chúa đã sai Thánh Linh Con Ngài đến trong lòng chúng ta mà kêu lên Ápba, Cha ơi” (Gl 4,6). Trước khi cầu nguyện, ta nên cầu xin Chúa Thánh Thần ban ánh sáng và sức mạnh của Người.
Sau hết, lời cầu nguyện được liên kết chặt chẽ với cuộc sống hằng ngày. Đối với một số người, các biến cố xảy ra mỗi ngày chính là chất liệu để cầu nguyện. Ta phải đem kinh nguyện vào trog cuộc sống, cũng như phải đem cuộc sống vào trong kinh nguyện.
“Mỗi khi nhìn thấy những người hạnh phúc hay bất hạnh ở quanh tôi, hoặc khi nghe đài phát thanh loan báo tin này hay một biến cố nọ vừa xảy ra trên thế giới, dù là tai hoạ hay một phát minh kỹ thuật mới, lòng tôi lại trào lên ước muốn cầu nguyện” (một thanh niên).
Kinh nguyện đẹp nhất chính là của lễ mà Đức Kitô dâng lên Cha trong phép Thánh Thể.
  7. Đức Maria, mẫu gương cầu nguyện
Cuộc đời của Đức Trinh Nữ thật là đơn sơ giản dị, các công việc trong gia đình không cản trở Mẹ hiện diện với Chúa và dâng trọn đời mình cho Người. Chính trong công việc hằng ngày, Mẹ tìm được dịp để đối thoại với Đấng Tối cao. Đời sống cầu nguyện giúp Mẹ mở lòng ra với các nhu cầu của tha nhân. Ở tiệc cưới Cana, Mẹ là người đầu tiên lưu ý đến việc thiếu rượu (x. Ga 2).
Đời cầu nguyện của Đức Maria có những chặng mốc như sau: Vào ngày Truyền tin, dựa trên Lời Chúa, Mẹ đã hát bài kinh Ngợi khen để tạ ơn Đấng Hằng hữu. Ỏ tiệc cưới Cana, Mẹ đã kín đáo và tin tưởng cầu xin Con mình. Trên thập giá, Mẹ hợp làm một với lễ dâng của Đức Giêsu. Trong phòng hội họp, Mẹ đã cùng cầu nguyện với các Tông đồ, trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần đến. Hôm nay, trên Nước Trời, Mẹ là đấng có sức chuyển cầu rất mạnh mẽ.
Hội thánh đang cầu nguyện theo con đường mà Đức Maria đã mở ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét