Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

ĐỨC GIÊSU KITÔ CÓ THẬT KHÔNG?

1. Anh em bảo Tôi là ai?
Đó chính là câu hỏi mà một ngày nọ Đức Giêsu đã đặt ra cho các Tông đồ.
Một câu hỏi sống chết có thể định đoạt ý nghĩa của cả một đời người. Nó cũng có thể được đặt ra cho bạn, những người trẻ sống vào cuối thế kỷ 20 này. Trước mắt bạn, Đức Giêsu là ai? Một nhân vật trong thần thoại, một anh hùng trong cổ tích hay là Con Thiên Chúa làm người?


Quả thật, đối với một số người, Đức Giêsu Nadarét chỉ là sản phẩm do một kẻ ảo tưởng bịa ra. Nhưng, có người lại tin vào Ngài chỉ vì những lý do hoàn toàn cá nhân: kẻ thì tỏ lòng ngưỡng mộ vì Ngài là một con người can đảm, dám liều mạng để công bố sự thật; người khác lại cảm thấy bị lôi cuốn vì cho rằng Ngài là một người có tấm lòng, yêu thương cả kẻ thù và hô hào yêu thương người lân cận, có kẻ lại thấy Ngài là một con người tự do đối với cả gia đình lẫn các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo đương thời. Đối với nhiều người trẻ, xét cho cùng Đức Giêsu Kitô chỉ là một người hùng. Về phần mình, Hội thánh Công giáo bày tỏ đức tin cố cựu của mình trong các lời này: “Đức Giêsu đã nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người”. Đức Giêsu Nadarét là Thiên Chúa thật và là người thật, là Thiên Chúa làm người.
Nhưng nếu quả là Đức Giêsu có thật, thì làm sao chúng ta biết được điều đó? Nếu Người sinh ra dưới thời hoàng đế Cesarê và đã bị đóng đinh trên thập giá theo lệnh của Philatô dưới triều hoàng đế Tibêriô, thì sử sách Rôma có ghi lại điều đó chăng? Và nếu các sách Tin mừng là công trình của những kẻ tin vào Người, thì trên bình diện lịch sử chúng có giá trị gì không?
2. Chúng ta có những tài liệu ngoài Kitô giáo viết về Đức Giêsu không? – Thưa có.
Đầu tiên là những tài liệu của người Do thái: đó là sách Talmud, sưu tập các suy tư và các truyền thống của dân Do thái, trong đó các dữ kiện xưa nhất đã có từ thế kỷ 1 và 2; sách này cho biết rằng “vào đêm vọng lễ Vượt qua, người ta đã treo ông Giêsu”. Flavius Joseph là môt sử gia quan trọng của nước Do thái, ông sống vào thế kỷ thứ 1. Trong tác phẩm “Thời cổ Hípri”, xuất hiện năm 93, ông có ghi lại cuộc tử đạo của Giacôbê, vị giám mục đầu tiên của Giêrusalem, trong đó ông cho biết ngài là “người anh em của Đức Giêsu, có biệt danh là Đấng Kitô” (chữ anh em ở đây có ý nói anh em họ hàng).
Chúng ta cũng có những tài liệu của người Rôma. Suetonê, vào cuối thế kỷ thứ 2, có nói về việc hoàng đế Clauđiô đuổi các người Do thái ra khỏi Rôma là những người “bị ông Chrestus xúi giục, đã khuấy động không ngừng”. Tacitô, một sử gia lớn của triều đình Rôma, trong cuốn “sử biên niên” thuộc thế kỷ thứ 2, kể lại chi tiết cuộc hoả hoạn xảy ra ở Rôma vào năm 64 dưới thời vua Neronê. Người ta quy trách nhiệm cho các Kitô hữu. ”Tên gọi này xuất phát từ ông Kitô là người đã bị xử khổ hình theo lệnh Tổng trấn Phongxiô Philatô, dưới triều vua Tiberiô.”
Đáng tin cậy hơn nữa là tài liệu của văn hào tên tuổi là Plinô Trẻ, sống vào thế kỷ thứ 2. Qua bức thư của ông viết vào năm 112 cho hoàng đế Trajanô, chúng ta biết được đời sống  của các Kitô hữu ở địa phương. Ông viết như sau: “Vào những ngày đã định, trước lúc mặt trời mọc, các Kitô hữu họp nhau để hát ca tán tụng ông Kitô như tán tụng một vị chúa tể vậy”.
Tất cả các tài liệu ngoài Kitô giáo này càng có nhiều giá trị bởi chúng xuất phát từ các tác giả nếu không thù nghịch thì ít là bàng quan với Đức Giêsu. Từ đó ta rút ra một kết luận chắc chắn là: ngay từ thời rất xa xưa, thiên hạ chẳng hề nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Giêsu.
Các tài liệu này quả thật ít ỏi. Vào những thế kỷ đầu tiên, Kitô giáo chưa được nổi tiếng như sau này, tức là vào thế kỷ thứ 4, khi chính hoàng đế Constantinô cũng trở lại đạo. Vả lại lúc đó ai mà để ý đến việc hành quyết một ngôn sứ chẳng có tiếng tăm gì ở một quận mất hút trong đế quốc Rôma rộng lớn như thế? Bạn có tin là các nhà báo trong thời gian xảy ra các biến cố ở Lộ Đức năm 1848 có thể ngờ trước được sau này cô gái Bernadette Soubirous tầm thường, vô học và nghèo nàn kia sẽ vang danh sáng chói và lôi kéo 5 triệu khách hành hương đến đó mỗi năm?
3. Còn các tài liệu của Kitô giáo?
Các tài liệu này được chứa đựng trong bộ sách gọi là Tân ước, gồm 4 sách Tin mừng, sách Công vụ Tông đồ, các thư của Phaolô, Phêrô, Gioan, Giacôbê, Giuđa, và sách Khải Huyền: cả thảy là 27 tác phẩm được viết bằng tiếng Hy lạp trong khoảng từ năm 50 đến 100.
Chúng ta không còn bản gốc, được ghi chép trên một thứ chất liệu dễ mục nát, cũng như chẳng giữ được một nguyên bản nào của Virgiliô hay của Platon. Lúc ấy chưa có ngành in. Thế nhưng, chỉ riêng các sách Tin mừng thôi chúng ta cũng đã giữ được 4.000 thủ bản bằng tiếng Hy lạp. Một trong những thủ bản cổ xưa nhất là một trích đoạn Tin mừng Gioan, viết vào những năm 120-130. Thủ bản này cách bản gốc đã thất lạc chừng 30 năm. So với các tác giả ngoài đời đương thời thì các tài liệu Kitô giáo trên đây cung cấp cho chúng ta chất liệu vừa nhiều vừa sát hơn với những sự kiện đã xảy ra. Hơn nữa, các thủ bản Kitô giáo hoà hợp với nhau một cách lạ lùng, và chúng chỉ khác nhau ở các chi tiết mà thôi. Không một sự kiện lịch sử quan trọng nào bị đổi khác đi, đối với mọi điểm trong sứ điệp của Đức Giêsu cũng thế.
Các sách Tin mừng chủ yếu mang lại cho ta lời chứng của các Tông đồ, là các chứng nhân đã trông thấy tận mắt. Tin mừng Máccô, được viết vào năm 65-70, được nhắm đến những Kitô hữu gốc không phải gốc Do thái. Tin mừng Mátthêu được viết cho những người Do thái đã tòng giáo, khoảng năm 80-90. Tin mừng Luca gởi đến những người Kitô hữu gốc ngoại giáo, vào năm 80-90. Cuối cùng là Tin mừng Gioan, được biên soạn vào năm 90-100, đem đến cho cộng đoàn người Hy lạp kết quả của đời sống thân mật giữa Gioan với Chúa Giêsu. Tuy vậy, Tin mừng Gioan vẫn chứa đựng các dữ kiện lịch sử có giá trị.
Các tác giả Tin mừng hoặc là những chứng nhân tận mắt – như Mátthêu và Gioan – hoặc là những người đã tiếp xúc với các chứng nhân tận mắt – như Máccô và Luca. Họ muốn viết về Đức Giêsu một cách nghiêm túc, dựa trên những thông tin đã được phối kiểm một cách thích đáng. Luca viết trong lời tựa sách Tin mừng của mình như sau: “Bởi chưng đã có nhiều người tra tay đúc kết một bản trình thuật các biến cố đã thực hiện giữa chúng tôi, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ cho Lời đã truyền dạy cho chúng tôi, thì tôi quyết tâm, sau khi đã khảo sát mọi sự một cách tường tận, cũng cứ tuần tự viết một bài trình thuật cho ngài, ngõ hầu ngài được am tường rằng giáo huấn ngài đã thụ lãnh thực là đích xác” (Lc 1,1-4).
4. Các sách Tin mừng đã được biên soạn như thế nào?
Chúng ta đã thấy rằng các tác giả Tin mừng muốn biên soạn các tài liệu một cách nghiêm túc. Nhưng họ cũng muốn đáp ứng các nhu cầu của những cộng đoàn mà họ muốn gởi gắm Tin mừng.
Họ có sẵn trong tay các kỷ niệm riêng tư của mình, nhưng đồng thời cũng có một tập hợp chất liệu truyền khẩu và thành văn đã được các cộng đoàn tiên khởi lưu giữ. Họ sử dụng các truyền thống sống động đã được bảo tồn cẩn thận, và đã có từ ban đầu. Cũng có một số lời Đức Giêsu nói, những bài tường thuật các phép lạ Người làm, một trình thuật về cuộc khổ nạn, những trình thuật về các cuộc tranh luận của Người mà người ta đã lưu giữ tuỳ theo các nhu cầu phụng vụ, giảng dạy đức tin và truyền giáo.
Để đáp ứng các vấn đề của cộng đoàn, các soạn giả Tin mừng đã sắp xếp lại cuộc đời Đức Giêsu. Qua đó, họ muốn nêu lên tính cách hiện thực của các lời nói và các việc làm của Đức Giêsu Phục sinh. Ưu tư chính của họ không phải là đưa ra một bản tiểu sử cuộc đời Đức Giêsu theo đúng nghĩa hiện đại, với một niên biểu chính xác, một địa lý chi ly. Họ nhắm đến một mục đích khác. Bằng cách dựa trên những sự kiện có thật và lịch sử xét trong nội dung căn bản, họ muốn tỏ cho các độc giả của mình thấy con người Giêsu này, mà một số người hiện còn sống đã từng ăn uống chung, chính là Đấng phải đến theo lời Kinh thánh, là Đấng Mêsia. Chữ Kitô có nghĩa là Đấng Mêsia.
Thế nhưng, con người này cũng còn hơn cả một người bình thường nữa. Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết và đã đặt Người ngồi bên hữu mình. Có những người làm chứng rằng Người đã sống lại. Như vậy, Đức Giêsu luôn sống và Người là Đức Chúa. Con loài người cũng là Con Thiên Chúa.
Điều làm họ quan tâm là ý nghĩa của các sự kiện và hành vi Đức Giêsu làm, chứ không phải là sự nối kết chặt chẽ giữa các sự kiện.
Mỗi tác giả Tin mừng đều nhìn mầu nhiệm của Đức Kitô theo một cách riêng, mỗi người giới thiệu cho ta một khía cạnh trong khuôn mặt của Đức Giêsu.
Sở dĩ có các chi tiết khác nhau trong 4 sách Tin mừng là vì độc giả đọc sách, viễn tượng nhắm tới và tư liệu dựa vào khác nhau. Một nhiếp ảnh gia muốn chụp hình nhà thờ Đức Bà ở Paris có thể hướng máy ảnh về phía tiền đường, hay về phía hông nhà thờ, nếu không muốn chụp từ trên cao. Chỉ với một ngôi nhà thờ Đức Bà duy nhất sẽ có tới 4 tấm hình. Cũng vậy, chúng ta có 4 cái nhìn về chính Đức Giêsu Kitô mà cái nào cũng đều xác thực; đó là những cái nhìn theo Máccô, Mátthêu, Luca và Gioan. Tuy nhiên, luôn có một sự liên tục giữa Đức Giêsu lịch sử và Chúa Giêsu của các sách Tin mừng.
5. Các tác giả Tin mừng có nói thật về Đức Giêsu không?
Cuộc đời của Đức Giêsu không phải là kết quả do các môn đệ tưởng tượng ra. Tuy nhiên, tôi đã từng nói với các bạn rằng, các tác giả Tin mừng trước hết không muốn làm công việc của một sử gia theo nghĩa hiện đại mà muốn làm các nhà suy tư tôn giáo, các thần học gia.
Như thế có phải là cho rằng lời chứng của họ chẳng có giá trị lịch sử tí nào? Các sách Tin mừng đánh động ta vì chúng thật giản dị: không thi vị giả tạo, cũng chẳng cảm xúc cường điệu.
Tất cả những gì mà các sách Tin mừng tường thuật về các điều kiện xã hội, tôn giáo và chính trị của thời ấy đều có thể xác minh được bằng những tài liệu khác ngoài Kitô giáo và bằng khoa khảo cổ học. Đất Palestina là một trong những vùng đất gây nhiều nghi vấn nhất trên thế giới. Các tìm tòi ở hồ tắm Bétdatha đã cho phép ta kết luận rằng 5 dãy hành lang mà thánh Gioan nói đến trong chương 5,2 chẳng phải là một con số biểu tượng, mà là một kiến trúc có thật. Cũng vậy, các thủ bản tìm được ở Qumrân thuộc vùng Biển Chết vào năm 1947 cung cấp cho ta những chỉ dẫn về cộng đoàn tu trì Étsênoi và ảnh hưởng của cộng đoàn ấy đối với Gioan Tẩy giả. Tất cả các điều trên chứng tỏ rằng các sách Tin mừng không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Các sách này cũng tường thuật những sự kiện lẽ ra phải giấu giếm đi: như trong lúc các Tông đồ rất được tôn kính, các tác giả Tin mừng lại mô tả các ông một cách không mấy thiện cảm: ngu dốt, tham vọng, lười biếng, cả tin. Chính Đức Giêsu cũng xuất thân từ Nadarét xứ Galilê, một thôn ấp bị khinh rẻ. Thế mà vào thời các tác giả Tin mừng, Đức Giêsu đang được thiên hạ tôn thờ như Thiên Chúa!
Khác nhau về chi tiết, giống nhau trong những nét cơ bản, đó là điều hậu thuẫn cho giá trị xác thực của Tin mừng. Không hề sao chép nhau, mà cũng chẳng bịa đặt ra điều gì, nhưng các lời chứng của ho đều gặp gỡ nhau.
6. Có thể kết luận gì?
Những chứng từ ngoài Kitô giáo và của Kitô giáo đáng tin cậy đều xác nhận Đức Giêsu Nadarét có thật. Các tài liệu Kitô giáo lại có rất nhiều và rất gần với các sự kiện đã xảy ra.
Trong số đó có 4 sách Tin mừng. Các sách này không phải là những cuốn tiểu sử hiện đại của Đức Giêsu, cũng chẳng phải là những cuốn sách tường thuật ghi lại các niên biểu và các địa chỉ chính xác. Được các tín hữu viết ra, các sách này muốn trở thành một Tin mừng, một lời tuyên xưng đức tin, nhưng dựa vào một biến cố có thật trong lịch sử, đó là sự hiện hữu của Đức Giêsu Nadarét.
Các tác giả Tin mừng không muốn kể lại mọi sự về Đức Giêsu, mà họ chỉ muốn thuật lại điều chắc chắn nhất mà thôi. Họ đã giải thích cuộc đời của Thầy mình tự thực tế.
Dù sao đi nữa, từ những bản văn Tin mừng này, ta thấy hiện lên một khuôn mặt đầy thú vị, một con người có lòng trìu mến lạ thường, gần gũi với những người đương thời và với những thực tại của cuộc sống hằng ngày, một ngôn sứ luôn ý thức về sứ mạng phải chu toàn – đó là loan báo Nước Thiên Chúa – một tông đồ gan dạ đến độ chấp nhận chịu tử đạo nhưng đồng thời cũng duy trì các mối tương quan mật thiết và một tình yêu với Thiên Chúa mà ta sẽ không thể giải thích được nếu Ngài chỉ là một con người thuần tuý, là Đấng Mêsia đã được Kinh thánh của người Do thái loan báo hay là Con Người, nghĩa là Con Thiên Chúa, đã chết trên thập giá nhưng đã sống lại, và đang sống mãi. Đó chính là sứ điệp của các sách Tin mừng. Đức Kitô là gương mặt nhân loại của Thiên Chúa và là diện mạo thần linh của một con người.
“Sự hiện hữu của Đức Giêsu là một sự kiện lịch sử”, David Flusser, một nhà thông thái người Israen đồng thời với ta đã khẳng định như thế.
J.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét