Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

VĂN HÓA CHỬI

Chửi, nói nhăng nói cuội, tất nhiên không phải là một hành vi văn hóa. Nhưng lại có một thú văn hóa...gọi là văn hóa chửi.

Cuộc sống phức tạp thường dễ va chạm, xung đột.

Mà có xung đột thì có cách giải quyết.

Mà muốn giải quyết thì có nhiều cách: "đối thoại", hoặc "đối đầu".

Mà đối đầu "hiền lành" nhất có lẽ là "đấu võ mồm", tức là chửi nhau.


Mà trong việc chửi nhau người Việt chửi rất cân đối, nhịp nhàng, đầy chất thơ, không chỉ là chửi mà cả cách thức chửi, dáng điệu chửi, cũng mang tính nhịp điệu. Với lối chửi có vần điệu, cấu trúc chặt chẽ, người Việt có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không nhàm chán. Đó là một nghệ thuật độc đáo mà có không dân tộc nào trên thế giới có được - Văn hóa chửi!!!

Tình huống 1: Lời chửi của một người đàn bà mất gà trong tiểu thuyết Bước đường cùng của Nguyễn Công hoan:

''''Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con bà mái xám mới ghẹ ổ, nó lạc ban sáng mà thằng nào con nào , đứa ở gần mà qua , đứa ở xa mà lại , nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha thả nó ra , không thì tôi chửi cho đấy!

Chém cha đứa bắt gà nhà bà, chiều hôm qua bà cho nó ăn nó vẵn còn .Sáng hôm nay con bà gọi nó nó vẫn còn , mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả nó ra cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm , thì bà đào mã thằng tam tứ đại nhà mày ra , bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà. nó về nhà mày , nó biến thành cú thành cóc, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng, mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem.

Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia. Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết ha, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh rút ruột ra... ???

 HIỆN TƯỢNG CHỬI CỦA NGƯỜI VIỆT
TỪ THỰC TẾ ĐẾN NGÔN NGỮ VĂN HỌC

 Kho tàng ca dao Việt Nam đã đúc kết rất nhiều đặc điểm, cách thức và kinh nghiệm giao tiếp của người Việt. Những câu ca dao như Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; Đất xấu trồng cây khẳng khiu, những người thô tục nói điều phàm phu. Đất tốt trồng cây rườm rà, những người thanh lịch nói ra dịu dàng…Trong cuộc sống hàng ngày, các bà mẹ Việt vẫn thường răn dạy con cái: Thép vàng ai nỡ uốn câu, người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời…Ấy thế nhưng, trên thực tế có một hiện tượng giao tiếp lời nói khá độc đáo, đấy là hiện tượng chửi. Ở một góc nhìn nào đó ta có thể thấy đó không phải là thứ ngôn ngữ điêu toa, chợ búa, một hiện tượng phi ngôn ngữ…Từ trong cuộc sống và qua việc tìm hiểu bằng tác phẩm văn học thì đây là một hiện tượng ngôn ngữ vừa thể hiện sử vận dụng linh hoạt ngôn ngữ dân tộc vừa thể hiện một nét tính cách của người Việt bên cạnh việc sống trọng tình thiên về hòa hợp là thái độ quyết liệt trước cái xấu của họ.

Nét riêng trong nghệ thuật ngôn từ Việt Nam nhìn từ góc nhìn văn hóa.

Ngôn ngữ không chỉ là một hiện tượng giao tiếp, lưu truyền kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngôn ngữ là biểu hiện rõ nhất của diện mạo, cốt cách, linh hồn của một dân tộc. Nét riêng của nghệ thuật ngôn từ Việt Nam theo Trần Ngọc Thêm là mang tính biểu trưng; giàu chất biểu cảm và tính động, linh hoạt. Tính biểu trưng, tính chất này biểu hiện rõ ở xu hướng khái quát hóa, ước lệ hóa, công thức hóa với những cấu trúc cân đối mang tính hài hòa. Xu hướng ước lệ hóa bộc lộ rõ ở chỗ tiếng Việt thích những cách diễn đạt bằng các con số biểu trưng, các từ chỉ số lượng mang tính chất ước lệ Ba hoa chích chòe; ba bè một mối..

       Điều này ít nhiều chi phối đến văn hóa giao tiếp của người Việt, đặc biệt là trong nghi thức lời nói. Đó là sự phong phú trong hệ thống xưng hô, biểu hiện trong các tính chất: thân mật hóa, cụ thể hóa, xã hội hóa, tính đa nghĩa và tính tôn ti với tâm lý nhường nhịn, hòa thuận… Sự thống nhất các tính chất trên làm cho hệ thống ngôn ngữ xưng hô của người Việt hết sức tinh tế và linh hoạt. Đây là một điều hiếm gặp trong ngôn ngữ thế giới. Điều này được thể hiện trong hiện tượng Người Việt chửi phổ biến trong đời sống, và cũng không phải là không xuất hiện trong văn học

Hiện tượng người Việt chửi trong thực tế đời sống

Nhắc đến chửi, người ta nghĩ ngay đến một hiện tượng ngôn ngữ, lời nói của cá nhân được phát ra trong trạng thái tức giận, oan ức hay trong một tình trạng mâu thuẫn xung đột gay gắt nào đó v..v…chửi có thể là từ hai người, hai đối thủ, người này chửi, người kia đáp trả lại. Hay cũng có thể chỉ một người chửi để nhằm hạ nhục một đối tượng nào đó giấu mặt đã gây ra nông nỗi khiến người chửi phải chịu đựng, cho kẻ giấu mặt bị đay nghiến, xỉ vả mà đau âm đau thầm. Còn người chửi vì thế mà cũng nhẹ lòng, nhẹ dạ!

      Độc đáo là ở chỗ trong khi người Việt chửi nhau, họ luôn lựa chọn “phương pháp” chửi hết sức bài bản, các câu chửi nghe ra rất trôi chảy, cân đối, nhịp nhàng mà cũng rất đỗi thơ văn! ra ngành ra ngọn, vừa đủ “nói quá” để hả lòng mà cũng đủ sức hạ nhục người nghe. Không phải ngẫu nhiên mà ngôn ngữ dân gian Việt Nam vẫn gọi đùa việc chửi bằng các từ chỉ các loại hình nghệ thuật diễn xướng như “ca”, “tế”, “hát”. Đây là câu mà ta vẫn thường hay nghe trong cuộc sống hàng ngày: “Mày nói xấu mụ ấy không sợ mụ ấy tế cho một trận à?; Hôm qua về trễ bị mẹ tao ca cho một trận”. Ai đã từng chứng kiến bài chửi của các bà, các cô ở nông thôn vì bị mất một con gà (một của cải vật chất gì đó), hoặc bị một điều uất ức nào đó, sẽ thấy kho từ vựng của họ mới thật là phong phú, dồi dào biết bao. Với những giọng bổng, giọng trầm lên lên xuống xuống nhịp nhàng, hai bàn tay với ra đưa vào như thể chực dúi đối thủ xuống đất, hai chân ống quần xắn cao, váy vén lên. Họ như thể là một diễn viên thực thụ đang diễn xướng cả âm thanh và nhịp điệu vậy.

      Cuộc sống không đơn giản với những mối quan hệ bình lặng. Những xung đột mâu thuẫn luôn diễn ra. Đàn ông thì có thể xông vào đánh nhau một trận cho nó ra sao thì ra, dù phải sứt đầu mẻ trán. Còn đàn bà “chân yếu tay mềm” chỉ có thể tung một thứ “võ mồm” là chửi mà thôi.

      Nội dung chửi của người Việt xem ra rất phong phú. Với mục đích là hạ nhục đối phương; làm đau đối phương thì trong mỗi lời chửi thường gắn đối tượng bị chửi vào hàng độc ác, ghê tởm như: yêu ma, quỷ quái. Hay các con vật: chó, mèo, lợn. Bởi đương nhiên là trong mắt họ, đối tượng xấu xa không thể ngang hàng với con người được. Và cả việc réo gọi tổ tiên, cụ kỵ của đối phương lên cũng được người chửi “sử dụng” nốt!. Nguyền cho đối phương gặp những điều không may mắn, sao cho chúng “chết bất đắc kỳ tử” thì thôi! Có một nội dung chửi nữa là bới móc những chuyện xấu xa của đối phương để phơi ra cho bàn dân thiên hạ thấy (đây là lý do tại sao người chửi lại chọn những vị trí như cổng làng, ngã năm, ngã bảy, chợ… để chửi, hòng cho nhiều người nghe được). Nhổ toẹt vào đó sự khinh bỉ trên cương vị các giá trị đạo đức xã hội. Nói tóm lại là có hằng hà sa số những điều xấu xa để có thể bôi nhọ, để người chửi có thể mặc sức tuôn những bài chửi của mình dài dài, đến khi nào mệt thì thôi!

      Có người băn khoăn vì sao dân tộc Việt Nam là một dân tộc sống trọng tình thiên về hòa hợp, người phụ nữ truyền thống Việt Nam là người vốn mang bản chất hiền thục nết na, vậy tại sao lại kết tinh những bài chửi đáo để thế kia. Thật ra, người Việt hết sức trọng danh dự và uy tín, trọng tình cũng là một yếu tố dẫn đến việc họ không thể chấp nhận việc những kẻ xấu bất chấp danh dự và tình cảm để làm những công việc xấu xa. Chửi cũng là một “phương thức” dằn mặt thâm thúy nhất cho những kẻ mang thói hư tật xấu trước cộng đồng. “Hiền với bụt nhưng không hiền với ma”, ấy cũng là thái độ quyết liệt trước cái xấu của người Việt. Người phụ nữ Việt dịu dàng là thế nhưng khi gặp phải những chuyện không mong muốn do người khác đưa lại họ cũng ra điều đáo để khác thường. Những bài chửi ấy có lẽ là tuyệt chiêu của họ!

     Đến ngôn ngữ văn học

Trong tác phẩm Quê người, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả nhân vật bà Ba, em ông  Nhiêu, cô của cô Ngây. Mọi chuyện bắt đầu từ khi Ngây và các bạn sang làng bên xem hát hội. Thằng Khói chọc ghẹo Ngây nhưng không được Ngây cởi mở vì cô đã đem lòng yêu người khác. Tức mình anh chàng bèn thuê người viết cáo thị dán ngay cổng làng, đặt điều bôi nhọ Ngây: Làng ta lắm chuyện nực cười/ Cái ông Nhiêu Thục mặt thời đỏ gay/ Được cô con gái gớm thay/ Mười chin tuổi rày tính đã giăng hoa/ Làng Thượng cho chí làng Nha…      Rồi còn đệm thêm một câu vừa răn vừa chửi Đứa nào mà bóc của ông cái giấy này thì chết một đời cha, ba đời con đấy!

      Rõ ràng đây là một điều vu cáo trắng trợn của kẻ ném đá giấu tay, gắp lửa bỏ tay người, lén lút làm hại người khác theo kiểu “không ăn được thì đạp đổ”. Tờ cáo thị trên quả là tro trấu mà kẻ xấu bôi trát vào mặt người ngay, khiến họ phải chịu sự hiểu nhầm, dè bỉu của bàn dân thiên hạ, rồi ra mặt mũi nào mà nhìn người khác nữa. Nhất là con gái, ai người ta cưới, ai người ta hỏi “nhân vật” bị sỉ nhục kia? Cô Ngây (nhân vật trong truyện) chỉ biết cúi mặt đau đớn vì lời vu khống. Bố cô, ông Nhiêu chỉ biết giận. Bởi họ đâu có bằng chứng gì về kẻ gieo rắc điều xấu xa tai quái kia. Còn bà Ba- em gái ông Nhiêu, cô ruột Ngây, một người từng có lịch sử về những cuộc chửi nhau thì không đời nào chịu yên. Bà phải phát huy thế mạnh món võ mồm của mình ngay tức khắc, để bảo vệ sự trong sạch cho đứa cháu, để dằn mặt thằng mất dạy nào đó và để hả giận, thỏa nỗi oan ức cho cháu bà. Đấy là nguồn cơn của bài chửi đặc sắc sau đây. Nhà văn viết:

      Buổi trưa hôm ấy, văng vẳng có tiếng mõ cốc. người ta thấy bà Ba đi giữa đường, một tay cầm ống tre, một tay cầm cái dùi. Đằng sau bọn trẻ đi theo. Áo bà thắt lưng bó que. Hai bên thành váy xắn cao gọn gàng. Mỗi khi đi đến một ngã ba là đứng dựng lại. Bà gõ một hồi mõ rồi chắp tay ra sau lưng, cất cao tiếng làm một bài vừa chửi, vừa rủa.

      Hóa ra, tư thế của bà Ba cũng hết sức đường hoàng, trịnh trọng. Quần áo chỉnh tề khác nào “Hiệp sĩ đi đòi công lý”! điều làm ta ngạc nhiên hơn nữa là trong tiếng chửi của bà còn đệm thêm tiếng mõ cốc văng vẳng. Những tiếng chửi kia mới thật là điệu nghệ khi có sự hỗ trợ của nhạc điệu là tiếng mõ cốc chăng? Và đây mới là bài chửi của bà:

 Ới thằng liền ông, ới con liền bà! Ới đứa già! ới đứa trẻ! ới đứa nào đêm hôm qua xỏ xiên gì nhà tao thì nó dỏng mái tai, gài mái tóc, gọi ông bà vải cụ kị nó lên để nghe bà chửi để bà ể vào đầu lâu hoa cái nhà nó..ó..ó..ó. Nó đi đằng xuôi, nó chết đằng xuôi; Nó đi đằng ngược, chết đằng ngược; đi tàu đắm tàu, đi ô tô chẹt ô tô. Nhà nó đương đông đàn dài lũ thì lăn đùng thổ tả cả ra…

      Trong “liên khúc” chửi trên của bà Ba. Có cả việc réo gọi đối tượng mang tính chất phiếm chỉ: Thằng liền ông, con liền bà, đứa già, đứa trẻ, đứa nào… Nghĩa là đứa nào gây ra điều xỏ xiên cho gia đình nhà bà, cháu bà dù ở đối tượng nào cũng phải nhận lấy hậu quả này. Đối tượng bị chửi trong danh sách liệt kê của bà hầu khó thoát được. Màn mở đầu là nêu nguyên nhân của việc chửi, rồi thì chửi thật bằng việc réo gọi ba đời Ông vải cụ kị rồi nguyền rủa bằng những tai ương ghê gớm: Chết vì chẹt ô tô, vì đắm tàu đến cả việc bị bệnh cả nhà.

      Ngay đến nhịp điệu lời chửi cũng hết sức trôi chảy, vần điệu đối xứng như một bài thơ. Với các vế đối nhau chan chát, này nhé: Thằng/ con; liền ông/ liền bà; già/ trẻ; dỏng mái tai/ gài mái tóc; xuôi/ ngược…

      Qua lời chửi trên, tôi cam đoan bà Ba thực sự không thua một nhà sáng tạo ngôn từ nào. Hình dung trước trận đòn mồm này của bà, kẻ xấu chỉ biết lắc đầu mà than trời cho cái sự “trót dại” của mình, chừa nhé cái tội vu khống người khác!

      Nhà văn Tô Hoài còn cho biết thêm về khả năng của bà Ba:

 Đã lâu lắm bây giờ mới được nghe bà Ba chửi rủa con cà con kê, có ngành có ngọn. Bởi vì bà tức quá. Đứa nào vô phúc dán cái giấy kia. Nó quên tài chửi của bà rồi hay sao?Bà có thể trồng cây chuối ngược mà chửi suốt tháng. Bà có thể chửi cho đứa nào đứa ấy và cơm vào miệng rồi mà phải nôn tháo cả ra. Bà đi chửi từ đầu làng đến cuối làng, từ xóng Giếng đến xóm Đình ra xóm Mới vào xóm Lẻ, khắp ngã ba, ngã tư. Đến tận chiều xẩm khản cẩ tiếng, bà mới chịu vác mõ trở về nhà. Bà đe rằng ngày mai bà còn chửi nữa. Bà còn chửi đến khi động đến mồ mả nhà đứa nào ấy. Khiến nó ăn uống, ngồi đứng không yên, phải đến nhà bà mà lạy, bà mới chịu thôi.

       Quả là một khả năng phi thường khiến người ta “choáng” đến nỗi nhà văn Tô Hoài cũng không giấu được cái nhìn chủ quan của mình : Kể bà chửi cũng hay thực.

Hiện tượng chửi của người Việt từ thực tế đời sống đến ngôn ngữ văn học thật phong phú. Đó là một biến tấu độc đáo trong cách vận dụng ngôn từ của người Việt. Thật không công bằng nếu quy kết hiện tượng chửi vào hàng chuẩn mực của đời sống chính trị. Bởi tiếng chửi đã tồn tại trong cuộc sống của người Việt như một cách thức giao tiếp độc đáo linh hoạt trong ngôn ngữ, đồng thời là biểu hiện một phần của tính cách người Việt: không bao giờ khoan nhượng trước cái xấu./.
Ngàn Lâm

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét