Trong trường hợp thứ nhất, người
ta không muốn có con. Còn trong trường hợp thứ hai, người ta lại muốn có con
với bất cứ giá nào.
1. Quyền được sống
Tháng 9.1981, tại Quốc hội Pháp,
án tử hình được huỷ bỏ. Bộ trưởng tư pháp đã đắc thắng công bố: “Trên đất nước
chúng ta, máu người Pháp sẽ không còn đổ nữa!” Thật là mỉa mai. Chỉ mới trước
đó ít lâu, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu tán thành việc phá thai.
Giáo sư Grasse, chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học, viết cho Tổng thống nước Cộng hoà Pháp như sau: “Trong đất nước chúng ta, án tử hình sẽ chỉ được huỷ bỏ ngày nào người ta mạnh mẽ cấm đoán việc tự ý phá thai… Xin các ngài hãy để cho các tạo vật vô tội ấy được sống, như các ngài đang để cho các tên giết người tệ hại nhất được sống vậy !” Quyền đầu tiên của con người là quyền sống. Và lúc sự sống bắt đầu xuất hiện cũng là lúc bắt đầu có hết mọi quyền. Phút bắt đầu ấy khởi sự từ khi con người được thụ thai. Nền tảng để ta dựa vào mà tranh đấu cho sự công bằng là đó.
Giáo sư Grasse, chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học, viết cho Tổng thống nước Cộng hoà Pháp như sau: “Trong đất nước chúng ta, án tử hình sẽ chỉ được huỷ bỏ ngày nào người ta mạnh mẽ cấm đoán việc tự ý phá thai… Xin các ngài hãy để cho các tạo vật vô tội ấy được sống, như các ngài đang để cho các tên giết người tệ hại nhất được sống vậy !” Quyền đầu tiên của con người là quyền sống. Và lúc sự sống bắt đầu xuất hiện cũng là lúc bắt đầu có hết mọi quyền. Phút bắt đầu ấy khởi sự từ khi con người được thụ thai. Nền tảng để ta dựa vào mà tranh đấu cho sự công bằng là đó.
Giáo hội luôn tin tưởng rằng sự
sống con người, cho dù yếu ớt và đau khổ, vốn là quà tặng vĩ đại của Thiên Chúa
nhân từ. Giáo hội nhất quyết đứng về phía sự sống.
Ngay từ đầu, cộng đoàn Kitô hữu,
noi theo gương của Đức Kitô và của tình yêu mà Người dành cho các trẻ nhỏ, luôn
can đảm đối đầu với thế giới ngoại giáo bằng cách bênh vực giá trị của sự sống
con người, dù nó chưa được sinh ra. Giáo hội luôn mạnh mẽ phản đối việc phá
thai cũng như giết các hài nhi. Cũng chính vì nhân danh các quyền con người mà
Giáo hội ngày nay vẫn không ngừng tranh đấu. Công đồng Vatican II đã nói:
“Người ta phải hết sức chăm chú gìn giữ sự sống ngay từ lúc thụ thai: phá thai
và giết hài nhi là những tội ác ghê tởm”.
2. Những kiệt tác đang bị lâm nguy
Chính lúc thụ thai là lúc một sự
sống mới bắt đầu. Khoa học hiện đại nói với chúng ta rằng, ngay từ khi tế bào
đầu tiên xuất hiện, đứa trẻ đã được hoạch đinh với mọi tiềm thể của nó. Nhà
sinh học lừng danh Jean Rostand luôn nhắc nhở: “Con người bắt đầu có mặt từ khi
trứng thụ tinh”.
Trứng đã thụ tinh là một kiệt tác
của trời đất. Ngay từ lúc trứng ấy hình thành, một con người mới, tách biệt
khỏi người mẹ, bắt đầu cuộc sống riêng của mình. Ngay từ lúc thụ thai, con
người đã được hoạch định một cách đầy đủ, được hưởng toàn bộ các yếu tố di
truyền, không chỉ ở phần chính yếu để trở thành một con người, mà còn ở các đặc
tính phụ thuộc nữa, như màu tóc, màu mắt chẳng hạn.
Hẳn nhiên là con người bé bỏng
này không sống độc lập: nó cần chất dinh dưỡng nơi mẹ mình. Nhưng cả khi đã
chào đời, có đứa trẻ thơ nào độc lập đâu? Tuy nhiên, trứng đã thụ tinh tự lập
đến nỗi người ta có thể ghép nó vào tử cung của một người khác không phải là mẹ
nó, nó vẫn lớn lên mà không hề bị thay đổi các yếu tố di truyền đã có ngay từ
phút đầu. Ngay từ phút đầu tiên ấy quả đã có một sinh vật thuộc giống người,
rất biệt lập. Thật vậy, không phải người mẹ tạo nên đứa con, mà đứa con tự tạo nên
nó, trong và cùng với mẹ mình.
Phôi thai càng không phải là một
phần nối dài của thân thể người mẹ, một sự phát triển quá mức từ thân xác người
mẹ, như kiểu một thứ ung bướu vậy. Người mẹ không thể nói: cái bụng tôi đang
mang đây là của tôi. Người ta đã có thể chứng minh rằng không chỉ có sự trao
đổi dưỡng chất giữa người mẹ cho thai nhim, mà cũng còn có sự trao đổi ngược
lại từ thai nhi sang mẹ mình. Vậy là có hai con người. Thậm chí những yếu tố
ngoại lai không thích hợp có thể bị đào thải một cách thẳng thắn. Đây quả là
một cơ thể khác lạ với cơ thể của người mẹ.
3. Mỗi người là một hữu thể độc nhất và linh thiêng
Mỗi sự sống mới được hình thành
“trong lòng mẹ” như thế không phải là sự sống của một hữu thể nhân linh còn ở
trong tiềm thể, mà là một hữu thể nhân linh thực sự với các tiềm năng của nó.
Các tiềm thể này phát triển tạo
nên một tiến trình rất liên tục. Sự sống con người là một đơn vị thống nhất.
Không ai có thể phân biệt cái thai ở tuần thứ tư, thứ tám, thứ mười một, thứ
hai mươi và nói rằng: “Chính lúc này tôi mới khởi sự là mình”.
Hẳn nhiên việc chào đời là một
biến cố quan trọng trong lịch sử đời ta. Nhưng để mở đầu trang sử này, ta phải
quay trở về lúc mình được thụ thai. Con người hiện hữu, như một hữu thể có một
không hai trong loài người ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai. Cho dù cực
kỳ bé nhỏ, nhưng không vì thế mà nó bớt được tự lập đi, có một hướng đi rõ rệt
mà hệ di truyền đã vạch ra cho nó. Không có gì sẽ làm thay đổi hệ di truyền này
được, vì chẳng có gì sau này được thêm vào di sản đầu tiên của thai nhi.
Một bà mẹ có 6 đứa con đã đưa ra
một bằng chứng rất xúc động: “Khi người ta hỏi tôi: ‘Bà chẳng bao giờ nghĩ đến
chuyện phá thai ư?’ Tôi đưa cho họ xem tấm hình của nửa tá con và trả lời:
‘Theo quý vị thì tôi nên giết đứa nào trong mấy đứa này?” Một bác sĩ phụ khoa
đã có một phương pháp riêng để khuyên can người phụ nữ khỏi phá thai. Ông cho
phụ nữ ấy nghe qua ống nghe nhịp tim của thai nhi. (Quả tim đã thành hình từ
ngày thứ 26), rồi nói với bà: ‘Bà có muốn làm cho quả tim này ngưng đập không?”.
4. Phá thai, một sự phân biệt đối xử bất công
Những gì hợp pháp chưa hẳn là
những gì hợp với luân thường đạo lý.
Cách đây 150 năm, ở nước Mỹ,
người da trắng có quyền mua bán các nô lệ da đen như mua bán súc vật… Đó là
điều hợp pháp. Nhưng thử hỏi điều ấy có xứng với con người không? Ngày nay,
trên thế giới thiên hạ đang tống giam nhiều người vì các quan điểm tôn giáo hay
chính trị của họ… Đó là điều hợp pháp. Nhưng phải chăng đó cũng là điều hợp
luân thường đạo lý?
Phá thai chắc chắn là một trong
những điều bất công triệt để nhất mà người ta có thể phạm đối với con người. Đó
là chà đạp quyền hiện hữu, là cái quyền tiên quyết và không thể thu hồi, mà mọi
người đều được hưởng. Phá thai còn trở nên một điều bất công trầm trọng hơn, vì
con người đang nằm trong lòng mẹ kia là một kẻ vô tội không có khả năng tự vệ,
và vì nó bị trừ khử bởi chính những người đã làm cho nó xuất hiện trên đời, và bởi
những người có sứ mạng bảo toàn sự sống, như các nhân viên y tế chẳng hạn.
Phá thai là một sự xúc phạm nhân
phẩm của một con người đã có đầy đủ mọi quyền lợi, dù chưa thể hành xử các quyền
lợi ấy. Luật lệ nước Pháp xem đứa bé sắp sinh ra như một pháp nhân ở dạng tiềm
thể, vì nó có thể thừa kế cha mình, nếu ông chết đi trước khi nó được sinh ra.
Điều 725 trong bộ Dân luật nói rằng đứa bé ấy chỉ cần “đậu thai” là đủ để thừa
kế rồi.
Phá thai là một sự dữ cho xã hội.
Không thể có chuyện châm chước đối với nguyên tắc tôn trọng sự sống con người.
Nếu không, ta đã phân chia ra 2 loại người: một loại đang sống, một loại có thể
trừ khử, Nếu theo quan điểm này, thì tại sao ta không khai trừ luôn cả
những người lớn bị tật nguyền? Đời họ có đáng sống chăng? Khoa học không thể
giải đáp được. Chỉ có tình thương của cha mẹ mới có thể đưa ra câu trả lời mà
thôi. Ai cũng biết rằng đứa trẻ yếu nhược hay dị dạng vẫn cảm thấy hạnh phúc
nếu được ta yêu thương. Chỉ gọi là đã tự trọng khi mình cũng biết tôn trọng kẻ
khác.
Hơn nữa, phá thai là hoàn toàn
không tốt cho người mẹ, vì nó thường gây chấn thương di hại suốt đời bà. Một
nhà khoa sản tuyên bố: “Việc đoạn thai một cách hợp pháp thường tác hại đến
người phụ nữ hơn là giúp ích cho mẹ tròn con vuông, dù đứa con này được sinh ra
ngoài ý muốn và trong những điều kiện thường khắc nghiệt.”
Câu hỏi đích thật phải nêu ra
không phải là “Sự sống con người bắt đầu ở đâu và lúc nào?” mà chính là “Tôi
nhân danh điều gì hoặc nhân danh ai để định đoạt cho kẻ khác được sống hay phải
chết?”.
Đối với người tín hữu, việc từ
chối phá thai còn mang một chiều kích tôn giáo: nó nói lên rằng sự sống con
người, suy cho cùng là một ân huệ của Đấng Tạo nên sự sống, là một sự sống mà
ta phải đón nhận và kính trọng. Đối với người Công giáo, phá thai chính là trừ
khử một con người, là một hành vi giết chóc, một tội nặng chống lại Thiên Chúa
và con người. Thai nhi đã là một tạo vật của Chúa. Nó có một ơn gọi thần linh.
5. Giúp đỡ người khốn cùng
Thế nhưng, nếu như Hội thánh luôn
tỏ ra không khoan nhượng về nguyên tắc khi đấu tranh để bảo vệ sự sống, thì mặt
khác Hội thánh lại muốn tôn trọng tự do con người. Cũng như Đấng Sáng lập nên
mình, Hội thánh không đến để kết án thế giới, nhưng là để cứu độ nó.
Lý do khiến những thiếu nữ hay
phụ nữ muốn phá thai có rất nhiều và rất riêng tư. Người này đã có 2 con và vì
lý do tài chánh không muốn có thêm đứa nữa, người khác đã quên uống thuốc ngừa
và phải đi thực tập ở nước ngoài, một thiếu nữ kia đã có những quan hệ yêu
đương với một chàng trai, nhưng rồi bị anh ta bỏ rơi, một cô khác bị cưỡng dâm.
Thậm chí có những cô sinh viên trẻ còn dám tuyên bố rằng: “Tớ chẳng đếm xỉa đến
thuốc ngừa thai, tớ khoái phá thai vì nó đơn giản hơn… “(Quả thật, đối với một
số người, phá thai ít có tính cách cưỡng ép hơn ngừa thai).
Hẳn nhiên có nhiều tình huống
thật là khốn khổ. Nhưng cũng có những trường hợp phá thai chỉ để cho tiện lợi.
Phá thai đã chẳng là một phương cách để điều hoà sinh sản đó sao? Thật đáng
tiếc!
Giáo hội thông cảm các khốn khổ
thật sự của các thiếu nữ và các phụ nữ, dù Giáo hội không chấp thuận cách xử sự
của họ. Đặc biệt, Giáo hội còn thúc con cái mình vào đời để loại trừ các điều kiện
văn hoá, kinh tế và xã hội có thể dẫn đến tình trạng vô phương cứu vãn ấy.
Cần nhanh chóng phát minh ra
những hình thức hữu hiệu để giúp các phụ nữ đang lâm vào tình thế khó khăn đặc
biệt. Tại Pháp, mỗi năm người ta ghi nhận có khoảng 200.000 trường hợp tự ý
đoạn thai. Một số cơ quan giúp phụ nữ mang thai đang gặp khó khăn khỏi phá
thai, thay vì chấp nhận điều đó như một việc không thể tránh được. Đó là các cơ
quan: SOS các bà mẹ tương lai, Cứu trợ thai nhi, Mẹ từ bi. (1).
Phải làm sao cho mọi trẻ con sắp
được sinh ra đều có thể tìm thấy nơi lòng mẹ mình một chiếc nôi êm ấm, chứ
không phải là một nấm mồ chôn nó.
6. Các phương cách sinh đẻ mới
Số báo tôi đọc sáng nay có tựa đề
là “Cái chai tệ hại”. Năm 1986, tại một nơi nào đó ở bang New York, một phụ nữ da trắng đã sinh ra một
bé gái da đen. Năm 1990, bà này vừa khiếu nại một ngân hàng tinh trùng và một công
ty chuyên môn thực hiện việc thụ tinh nhân tạo, vì họ đã lẫn lộn tinh trùng của
người chồng sắp chết của bà với tình trùng của một người đàn ông khác. Cô bé
kia đã phản ứng như thế nào khi biết đươc sự thật? Với một vài kỹ thuật hiện
đại, con cái không còn là một quà tặng mà chỉ còn là một sản phẩm mà thôi.
Người ta đã chuẩn bị gánh lấy những thất vọng nếu đứa trẻ không đạt yêu của của
họ! Khoa học hay làm ta chưng hửng. Nó tạo ra những thành quả kỹ thuật oanh
liệt để có được vài ngàn trẻ em trong ống nghiệm và đồng thời mỗi năm cũng trừ
khử bốn mươi triệu con người đang nằm trong lòng mẹ mà không đặt ra vấn đề
lương tâm nào (“Quid” 1990, tr.1580).
Danh sách các kỹ thuật sinh sản
mới đang tăng lên không ngừng. Chúng ta chỉ có thể nhắc sơ qua trong chương này
thôi. Hiện có nhiều tác phẩm về đạo đức sinh học đào sâu các vấn đề luân lý
phát sinh từ các phương pháp mới mẻ trên đây. Thụ tinh nhân tạo có lúc là với
tinh trùng của người chồng, có lúc là với tinh trùng của một người xa lạ hiến
tặng. Phôi thai đã được thụ thai trong ống nghiệm ấy được tạo thành với
các mầm sống của cả hai vợ chồng hoặc của tinh trùng của người chồng với trứng của
một người đàn bà khác (cho trứng), hoặc với các mầm sống của hai người xa lạ
(cho thai).
Những việc can thiệp nhân tạo vào
sự sống sơ sinh và vào tiến trình sinh sản đặt ra những vấn đề luân lý trầm
trọng. Về mặt kỹ thuật mà nói, người ta có thể tạo ra một đứa trẻ: tại sao lại
không phục vụ ước vọng của các bậc cha mẹ chứ?
Hội thánh tôn trọng ước muốn có
con của vài cặp vợ chồng son sẻ. Hội thánh nhìn nhận sự khốn khổ mà đôi khi các
đôi vợ chồng này phải gánh chịu trong cuộc sống, cũng như niềm hy vọng lớn lao
mà các kỹ thuật mới mẻ này đã mở ra. Nhưng phải chăng những gì có thể thực hiện
về mặt kỹ thuật cũng là những điều được phép về mặt luân lý?
Mới đây, Giáo hội có lên tiếng
bày tỏ lập trường của mình. Huấn thị “Hồng ân sự sống” do Thánh bộ Giáo lý đức
tin công bố ngày 22.2.1987.
Ngay cả trong phạm vi này, sự can
thiệp của Hội thánh cũng xuất phát từ tình yêu mà Hội thánh phải có đối với con
người. Hội thánh luôn lo sao cho sự sống sơ sinh và phẩm giá của việc sinh đẻ
được người ta tôn trọng.
7. Một vài nguyên tắc
Đối với Giáo hội, hồng ân sự sống
con người phải được thực hiện trong hôn nhân nhờ các hành vi đặc biệt và độc
chiếm của đôi vợ chồng, dựa theo các luật đã được ghi khắc trong con người họ
và trong sự phối hợp giữa họ với nhau. Điểm cơ bản của tình yêu và của sự sống
là trao ban, nhận lãnh, hiệp thông, vô vị lợi. Khi tách rời các dữ kiện cơ bản
này là ta phá hỏng tính cách trọn vẹn của nhân vị và của xã hội con người, khởi
đầu là gia đình. Khi tách rời tình yêu khỏi sự sống là lập tức ta tạo ra một
cuộc sống không có tình yêu. Bởi thế, cần phải bảo toàn mối liên hệ giữa hành
vi vợ chồng trong hôn nhân với việc sinh sản.
Hơn nữa, ta phải tuyệt đối tôn
trọng sự sống con người ngay lúc nó vừa thụ thai. Con người xuất hiện trên mặt
đất như một tạo vật có một không hai mà Thiên Chúa đã muốn dành riêng cho mình,
và linh hồn của mỗi người đều là do Chúa dựng nên, toàn thể con người mang lấy
hình ảnh của Đấng Hoá Công. Chỉ một mình Chúa mới là chủ tể sự sống, từ lúc
khởi sự tới khi hoàn thành, không ai được đòi cho mình cái quyền trực tiếp huỷ
diệt một hữu thể nhân linh vô tội. Bởi thế, thai nhi có quyền được tôn trọng tuyệt
đối.
Sau cùng, vì thân xác con người
kết hợp sâu xa tự bản chất với một linh hồn thiêng liêng, nên ta không thể xem
thân xác chỉ là một tập hợp các mô tế bào cơ quan và chức năng, ta không thể
đánh giá thân xác con người ngang hàng với thân xác con vật vì nơi con người,
thân xác là thành phần tạo nên nhân vị và nhân vị được bày tỏ là qua thân xác.
Trong thân xác và qua thân xác, ta đụng chạm đến chính nhân vị.
8. Thụ tinh nhân tạo
Về mặt luân lý, ta có thể chấp
nhận việc thụ tinh nhân tạo không?
Trước hết là việc thụ tinh nhân
tạo với người phối ngẫu (IAC: Insémination artificielle par le conjoint). Chủ
yếu là nhận tinh trùng của người chồng, sau khi ông này thủ dâm, và đưa nó vào
tử cung của bà vợ để làm cho bà thụ thai.
Trên bình diện luân lý, ta không
thể chấp nhận việc này vì việc sinh con phải là hoa trái của một sự trao ban
tình yêu giữa hai người được thực hiện trong hành vi vợ chồng, cả hai cùng cộng
tác như những tôi trung chứ không như những chủ nhân vào công trình yêu thương
của Đấng Tạo Hoá. Thiên Chúa muốn giữa hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng – là
kết hợp và sinh sản – có một sự liên hệ chặt chẽ mà loài người không được quyền
phá vỡ. Thế mà việc thụ tinh nhân tạo cắt đứt mối liên hệ ấy.
Phương pháp này cũng đặt ra nhiều
thắc mắc. Ta đã chẳng đi ngược lại với tính người khi phân cách tính dục với
tình cảm đó ư? Phải chăng tinh trùng chỉ là một thứ hàng hoá, một thứ tư bản mà
người ta ký gởi vào ngân hàng? Tính dục sẽ chỉ còn là một sự việc hết sức đơn
giản thôi ư? Và sinh sản phải chăng là chế tạo? Người ta có quyền gì trên con
cái chăng? Con cái sẽ được xem như một hữu thể tự do hay như một ai đó mà ta có
quyền định đoạt sống chết?
Còn một phương pháp nữa là thụ
tinh nhân tạo với người ngoài (IAD: Insémination artificielle avec donneur
externe). Chủ yếu là người đàn bà có chồng vô sinh được làm cho thụ thai với
tinh trùng của một người đàn ông khác. Phương pháp này đi ngược với tính duy
nhất của hôn nhân: đây là một sự vi phạm khế ước hỗ tương của hai vợ chồng.
Phương pháp này cũng đụng tới nhân phẩm của họ: hôn nhân cho họ quyền độc chiếm
là cả hai người chỉ làm cha làm mẹ với sự cộng tác của người kia mà thôi.
Sau hết, phương pháp này làm
thiệt hại tới quyền lợi của đứa trẻ, tách rời nó khỏi mối quan hệ con cái đối
với cha mẹ ruột của mình, và có thể gây trở ngại cho sự trưởng thành nhân cách
của nó sau này. Nó sẽ chẳng bị rối loạn trầm trọng khi biết rằng người mà nó
gọi là cha kỳ thực chẳng phải là cha nó ư? Nó sẽ chẳng ước ao đuợc gặp kẻ sinh
thành ra nó sao?
Lại còn có sự phân cách giữa việc
phối hợp với việc sinh sản nữa. Tất cả những lý do trên đây khiến ta phải phê
phán tiêu cực về phương pháp thụ tinh nhân tạo với người ngoài. Nhất là trong
việc thụ tinh nhân tạo, người nam phải thủ dâm, và đây là điều không thể chấp
nhận được về mặt luân lý.
9. Thụ thai trong ống nghiệm (Fivete: fécondation in vitro et
transfert d’embryon)
Việc này liên hệ trước hết với
các phụ nữ mắc chứng vô sinh do bị bệnh ở các vòi tử cung. Do trứng không thể
thụ tinh bên trong cơ thể của người phụ nữ, nên người ta thực hiện quá trình ấy
trong ống nghiệm (in vitro). Việc này đặt ra những vấn đề đạo đức nghiêm trọng.
Để cho việc đậu thai có nhiều cơ may thành công hơn, người y sĩ sẽ cấy cùng một
lúc 3 phôi thai vào tử cung người mẹ. Như vậy là có một vài phôi thai sẽ phải
chết. Mà như ta đã thấy ở trên, các phôi này là những hữu thể nhân linh ta phải
tôn trọng. “Hữu thể nhân linh phải được tôn trọng và đối xử như một ngôi vị
ngay từ lúc thụ thai, bởi vậy ngay từ lúc đó, người ta phải nhìn nhận các quyền
của ngôi vị ấy, trong số đó quyền sống là quyền hàng đầu và bất khả xâm phạm
của mọi hữu thể nhân linh vô tội” (“Donum vitae”).
Hơn nữa, các y sĩ sẽ sắp xếp để
làm cho nhiều trứng cần thụ tinh được chín. Phôi thai nào không cấy vào tử cung
thì được cho đông lạnh. Người ta gọi chúng là các phôi dự bị. Sau đó, nếu việc
cấy thai thành công, chúng không còn cần thiết nữa và có thể bị phá huỷ. Đây là
một sự xúc phạm đến thai nhi, đi ngược lại với phẩm giá con người. Khi làm thế,
người ta đã tự đặt mình làm kẻ định đoạt sống chết cho kẻ khác. Hoặc lúc bấy
giờ các phôi thai này sẽ được cấy vào tử cung của một người phụ nữ khác không
phải là mẹ nó. Đây là một điều không thể chấp nhận xét theo khía cạnh luân lý.
Làm như thế là xem hữu thể nhân linh tựa như một đồ vật đã được hoạch định sẵn
theo một chương trình, được định đoạt phẩm chất, được chế tạo và đối xử y như
một đồ vật.
Trái lại, người ta có thể can
thiệp vào các thai nhi để trị liệu với điều kiện phải tôn trọng sự sống và phẩm
giá của chúng. Việc thụ thai trong ống nghiệm, dù không huỷ hoại các phôi, đều
cắt đứt mối dây ràng buộc giữa việc kết hợp vợ chồng với việc sinh sản, mà
trong giáo huấn xưa nay của Giáo hội, hành vi vợ chồng luôn được xem là môi trường
duy nhất xứng hợp với việc sinh sản này. Khi thụ tinh trong ống nghiệm, hành vi
tính dục không còn là hành vi nền tảng nữa. Mà khi một hữu thể thiếu mất hành
vi nền tảng này, chẳng phải là đã bị thiếu mất một quyền lợi đó ư? Khi biết
được điều này, tình trạng quan bình tâm lý của đứa trẻ sẽ ra sao? Lại nữa, khoa
học rất dễ có nguy cơ lạc lối. Liệu rồi các bậc làm cha làm mẹ có sẽ yêu cầu
các nhà bác học chế tạo cho họ một đứa trẻ hoàn hảo: lúc ấy người ta sẽ hoạch
định màu mắt, phái tính cho thai nhi, và có thể cả đến chỉ số thông minh của nó
nữa! Nếu thai nhi không đáp ứng các khát vọng của cha mẹ, liệu rồi người ta sẽ
đón nhận hay trừ khử nó? Việc thụ thai trong ống nghiệm tự nó đã là bất chính
rồi, dù cho người ta có sắp xếp mọi sự để tránh giết hại các phôi thai.
10. Các bà mẹ mang thai giùm
Một vài phụ nữ mắc bệnh vô sinh
không thể chữa được và cũng không thể áp dụng phương pháp thụ thai trong ống
nghiệm được. Họ quyết định tìm một người đàn bà có thể sinh sản, bà này sẽ chấp
nhận để cho mình thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người chồng các bà vô
sinh kia mang nặng để đau rồi giao đứa bé sơ sinh lại cho các đôi vợ chồng ấy.
Ngay cả trong trường hợp này,
phán quyết luân lý cũng chỉ có thể phản đối thôi, vì mối ràng buộc giữa việc
kết hợp vợ chồng và việc sinh sản đã không được tôn trọng. Hơn nữa, việc làm
này chẳng đặt ra nhiều vấn đề luân lý đó sao?
Đâu là ích lợi của đứa trẻ? Nó sẽ
chẳng bị dao động nặng nề khi biết rằng người mà nó gọi là mẹ kỳ thực chẳng
phải là mẹ nó ư? Liệu rồi bà mẹ mang thai giùm có thể bụng mang dạ chửa mà
chẳng hề có một ràng buộc gì với đứa trẻ chăng? Nếu bà từ chối giao con thì
sao? Làm thế nào bà tách rời với nó được? Việc bà mẹ mang thai giùm bỏ rơi đứa
trẻ có gây những hậu quả tai hại cho sự quân bình của nó không?
11. Tình trạng không con cái
Trong thực tế, không thể có sự
tiến bộ khoa học lâu bền trong lãnh vực nhân văn nếu không tôn trọng con người,
cả những người mỏng dòn yếu ớt nhất. Trẻ con không phải là một đồ vật để ta chế
tạo, nhưng là một ngôi vị mà ta phải kính trọng. Giáo hội hiểu nỗi khổ của các
đôi vợ chồng hiếm muộn. Thế nhưng, hôn nhân không trao cho đôi bạn quyền phải
có con cái: con cái không phải là một điều phải có mà là quà tặng của Đấng Tạo
Hoá.
Các đôi vợ chồng không con cái
không được quên rằng ngay cả khi không thể sinh sản được, đời sống lứa đôi cũng
chẳng vì thế mà mất giá trị của nó. Sự hiếm muộn về mặt thể lý có thể là dịp để
ta sinh sôi nẩy nở về mặt thiêng liêng qua viêc nhận con nuôi, bảo trợ cho các
gia đình khác, giúp đỡ các trẻ nghèo khó hoặc tật nguyền. Các nhà khoa học được
khích lệ để tiếp tục nghiên cứu hầu chữa lành chứng vô sinh, sao cho các đôi
bạn hiếm muộn có thể sinh sản được mà vẫn tồn trọng phẩm giá riêng của họ cũng
như của đứa trẻ sơ sinh.
(1) Hai tổ chức đầu
không phải là tổ chức của tôn giáo, nhưng do những Kitô hữu điều động; tổ chức
thú 3 do công đoàn Lion de Juda sáng lập. Ngoài ra, còn có tổ chức Magnificat,
chuyên tìm kiếm những gia đình có thể nhận con nuôi sau khi các bà mẹ sinh ra
mà không thể hặoc không muốn giữ các trẻ này.
J.L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét