Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Gioan 13,1-32

Đoạn văn Goan 13,1-32 là chương chuyển tiếp từ cuối giai đoạn rao giảng công khai của Đức Giê-su sang giai đoạn mới là Diễn từ từ biệt của Đức Giê-su với các môn đệ trước khi Người về cùng Chúa Cha (từ chương 13 – đến chương 17).
Ở đoạn văn này ta thấy được tình hình của thầy trò Đức Giê-su trước “giờ” của Người. Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ (13,5). Việc Ngài “rửa chân” làm Phê-rô ngạc nhiên và không thể tin nổi: “không đời nào Thầy lại rửa chân cho con”(13,8). Đức Giê-su tiên báo về một kẻ trong Nhóm Mười Hai sẽ nộp người: “Một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (13, 21b). Có thể nói, việc tiên báo của Đức Giê-su đã làm cho bầu khí của bữa tiệc hôm đó trở nên nặng nề, ai nấy đều phân vân không biết Người nói về ai (13,25). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu xem người thuật truyện đã đề cao cái “biết” của Đức Giê-su về kẻ nộp người thế nào? Phê-rô có hiểu việc “rửa chân” của Thầy mình không? Tình hình cộng đoàn các môn đệ ra sao khi nghe Đức Giê-su tiên báo kẻ nộp Người? Liệu Giu-đa có biết Đức Giê-su ám chỉ ông là kẻ sẽ nộp Người không?

I.       GIỚI HẠN, BỐI CẢNH VĂN CHƯƠNG VÀ CẤU TRÚC ĐOẠN VĂN

1.      Giới hạn đoạn văn Ga 13,1-32
Trước khi tìm hiểu chính đoạn văn 13,1- 32, cần tìm hiểu tại sao lại giới hạn đoạn văn từ câu 1 và kết thúc ở câu 32? Những dấu hiệu văn chương cho phép chia đoạn văn như vậy?
Đọc Tin Mừng thứ tư ta thấy, từ chương 1-12, trình thuật về cuộc đời công khai của Đức Giê-su. Với chương 13 trở đi, tường thuật hai sự kiện vĩ đại Thương khó – Phục sinh.
Về giới hạn đoạn văn 13,1-32 là hợp lý. Bởi vì, cuối chương 12 là kết thúc việc Đức Giê-su rao giảng công khai đối với mọi người. Trong khi từ chương 13 trở đi, người thuật chuyện đã thay đổi đề tài đó là “những lời từ biệt” cho các môn đệ. Diễn từ từ biệt của Đức Giê-su với các môn đệ, trước khi Ngài về với Chúa Cha.
Đầu đoạn văn 13,1-32, người thuật chuyện cho người đọc biết có sự thay đổi về thời gian và ý nghĩa ở câu 13,1-2: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết rằng giờ của Người đã đến để ra khỏi thế gian này mà về với Cha. Đã yêu mến những kẻ thuộc về mình ở trong thế gian, Người đã yêu mến họ đến cùng. Trong bữa ăn, quỷ đã gieo và lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Người”. Thời gian ở đây là trước lễ Vượt Qua, và trong bữa ăn với các môn đệ. Ý nghĩa của đoạn văn này nói riêng về các môn đệ mà thôi.
Đoạn văn 13,1-32 kết thúc ở câu 13,31-32 là hợp lý vì đề cập đến “Giờ đây Con Người được tôn vinh” (c.31). Qua c. 33 trở đi nói về ý nghĩa khác. Người thuật chuyện nói đến việc diễn từ từ biệt của Đức Giêsu với các môn đệ trước khi Người về cùng Chúa Cha: “Hỡi các con bé nhỏ, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi...”(13,33)
2.      Bối cảnh văn chương.
Đoạn văn 13,1-32 là một phần trình thuật về diễn từ từ biệt của Chúa Giê-su (Ga13-17). Trong đoạn văn này kể lại việc Chúa Giê-su ăn bữa cơm cuối cùng và rửa chân cho các môn đệ (Ga13,1-20); Đức Giê-su báo trước Giu-đa phản bội (Ga13,21-32). Trong đoạn văn này, nói về trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su và các môn đệ dùng bữa ăn tối với nhau. Sự khiêm nhường và yêu thương của Đức Giê-su được làm nổi bật qua hành động rửa chân cho các môn đệ. Vì ngày xưa, rửa chân là việc của người nô lệ (1Sm25,41; Lv25,39).
Trong đoạn Tin Mừng Ga 13,1-32 này, ngoài Đức Giê-su nhân vật chính được mạc khải, thì nhân vật Giu-đa và Phê-rô được nhắc lại và làm nổi bật. Trong đó Giu-đa được nói đến như là kẻ nộp Đức Giê-su (13,2), và Phê-rô là môn đệ thắc mắc về hành động rửa chân của Đức Giê-su, vì đối với ông việc làm này là không thể được. (13,8).
Trong đoạn văn này, Đức Giê-su hoàn toàn ý thức về sự việc sắp xảy đến với mình “Giờ đã đến”(13,1) và những biến cố đang xảy đến có một tầm quan trọng: Đức Giê-su hoàn toàn ý thức. Vì vậy, Người đón nhận tất cả một cách tự do, tự nguyện. Điều này được nhắc đến trong (Ga10,18; 18,4; 19,28).
Chính vì Đức Giê-su hoàn toàn ý thức về những điều sắp xảy đến nên Ngài cũng biết rõ ai là người sẽ nộp mình. Việc Giu-đa nộp Đức Giê-su có liên hệ với Ga 6,70-71 khi Người tiên báo cho môn đệ biết: “Một người trong anh em là quỷ. Người nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt; vì ông ấy sẽ nộp Người.” Nhưng khi đó các môn đệ không biết người đó là ai, phải đợi đến đoạn 13,1-32 thì điều đó đã được tỏ tường.
Trong đoạn văn này, trình thuật cho ta thấy điểm nổi bật đó là tấm lòng khiêm nhường và thái độ phục vụ của Đức Giê-su qua việc rửa chân. “Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ”(13,5). Như thế, hành động rửa chân thể hiện một gương khiêm nhường, lại còn là một tấm gương có giá trị của một di chúc: trong anh em, ai là người lớn nhất, thì phải phục vụ.
Tóm lại, đoạn văn 13,1-32 là một đoạn văn đặc biệt, vì nó đánh dấu một sự kiện quan trọng trong toàn bộ Tin Mừng Ga. Sở dĩ đặc biệt là vì kết thúc phần rao giảng công khai của Đức Giê-su, và mở đầu cho diễn từ từ biệt của Đức Giê-su khi Ngài sắp về cùng Chúa Cha, qua hai sự kiện vĩ đại là Thương khó và Phục Sinh.
3.      Cấu Trúc Đoạn Văn
Dựa vào các yếu tố nhân vật và diễn tiến hành động theo thời gian của nhân vật trong khung cảnh bửa tiệc ly. Đoạn văn 13,1-32 có thể được cấu trúc đồng tâm A, B, C, C’, B’, A’ như sau:



 A. 13,1: Dẫn nhập: Giờ đã đến, giờ yêu thương
B.  13,2: Bữa ăn, quỷ thuyết phục Giu-đa nộp Đức Giê-su
C.  13,3-5: Rửa chân cho các môn đệ
D.  13,6-20: Ý nghĩa của việc rửa chân của Chúa Giê-su,
               Không phải anh em đều sạch, ám chỉ Giu-đa
C’. 13,21-26: Đức Giêsu nói về kẻ sẽ nộp thầy                                          
   B’. 13,27-30: Sa-tan nhập vào Giu-đa, Giu-đa đi trong đêm tối 
A’. 13,31-32: Kết: Giờ tôn vinh




Từ phần cấu trúc đoạn văn ta thấy: Phần A:13,1 là phần dẫn nhập long trọng, cho biết giờ đã đến. Giờ mà Đức Giê-su ra khỏi thế gian này mà về với Cha. Và đó là giờ mà Đức Giê-su đã yêu thương những kẻ thuộc về mình đến cùng. Phần A này đặt song song với phần kết thúc A’ 13,31-32, trình thuật cũng nhắc đến “Giờ”, nhưng lúc này là giờ được tôn vinh.
Qua phần B:13,2 trình thuật giới thiệu khung cảnh trong bữa ăn: “ Trong bữa ăn, quỷ đã gieo vào Giu-đa ý định nộp Đức Giê-su”. Song song với phần B’: 13,27-30 nói với việc Giuđa nộp thầy. “Khi nhận miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào ông ấy” (13,27).
Đến phần C trình bày hành động rửa chân của Đức Giê-su cho các môn đệ. Song song với phần C là phần C’ trình bày việc Đức Giê-su cho biết kẻ sẽ nộp Người. Trong đoạn C và đoạn C’ có liên quan đến nhau qua hai động từ “trao”. Trong đoạn C trình thuật việc “Thiên Chúa Cha trao ban mọi sự trong tay Người” (13,3), còn trong đoạn C’ nói đến việc “Đức Giêsu chấm miếng bánh và trao cho Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt” (13,26).
Phần D (13,6-20) là trọng tâm cấu trúc. Không phải ngẫu nhiên trình thuật nhắc đến việc Chúa Giê-su đến chỗ Phê-rô rửa chân và ông đã thắc mắc. Nhưng đó là dụng ý của tác giả muốn đề cao một tình yêu nhưng không, một tình yêu trái với quy luật của con người trong tự nhiên. Đó là “Thầy” lại đi rửa chân cho trò, chủ rửa chân cho đầy tớ. Qua đó Đức Giê-su cũng tiên báo về sự phản bội của Giu-đa khi Ngài nói: “Người biết kẻ nộp Người, vì điều này Người nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch”.(13,11)
Những quan sát, phân đoạn, bối cảnh, nhân vật và cấu trúc của đoạn văn 13,1-32 ở trên làm nổi bật lên những tình tiết về việc Đức Giê-su báo trước về kẻ nộp Người, sự bỡ ngỡ của Phê-rô và các môn đệ trước cử chỉ “rửa chân” của Đức Giê-su và liệu Giu-đa có biết mình chính là tên nộp thầy mình hay không? Chúng ta cùng phân tích đoạn văn để thấy rõ thêm những vấn đề trên.

I.       Phân tích đoạn văn Ga 13, 1-32

1.      Đức Giê-su biết -  báo trước kẻ nộp Người
Nếu đọc kỹ bản văn ta thấy, người thuật truyện đề cao cái “biết” của Chúa Giê-su ngay từ đầu: “Đức Giê-su biết rằng giờ của Người đã đến...” (13,1). Những hành động và việc làm của Đức Giê-su trong bữa tiệc ly hôm ấy đều có ý muốn báo trước việc gì sẽ đến, và ai là người trở thành kẻ nộp Người trong chốc lát nữa. Để trả lời cho lời đề nghị của Phê-rô: “Thưa Thầy, không chỉ rửa chân con, nhưng cả tay và đầu”(13,9), Đức Giê-su nói: “Ai đã tắm rồi thì không cần nữa – ngoại trừ rửa chân -, toàn thân người ấy đã sạch. Phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả” (13,10). Sở dĩ Người nói như vậy vì Người biết trước kẻ sẽ nộp mình, và tiếp theo ở câu 13,19: “Thầy nói  với anh em từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra”. Tất cả những câu nói của Đức Giê-su đều ám chỉ một nhân vật mà sau này sẽ nộp Ngài, đó là Giu-đa. Đức Giê-su không chỉ biết trước sự việc, mà còn biết trước người sẽ làm nên sự việc đó nữa: “Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn” (13,18), và nếu chúng ta quay lại ở chương 6,70 – 71 thì sẽ thấy rõ không phải đợi đến lúc dùng bữa cuối cùng với các môn đệ Ngài mới biết trước sự việc, nhưng thật ra Ngài đã biết và báo trước với các môn đệ từ lâu: “Không phải chính Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao? Thế mà một người trong anh em là quỷ”(6,70) . Có lẽ lúc đó các môn đệ không biết Thầy của mình nói điều gì, và nói về ai, nhưng Đức Giê-su thì biết, vì: “Người nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt; vì ông ấy sẽ nộp Người” (6,71). Cuối cùng Người nói rõ cho các môn đệ biết: “ A-men, a-men, Thầy bảo anh em: Một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (3,21).
2.      Khủng hoảng giữa các môn đệ
Trong đoạn văn, các nhân vật Phê-rô và Giu-đa được trình bày cho thấy những khủng hoảng ở giữa họ. Ở câu 2, một khuôn mặt phản diện xuất hiện ngay từ đầu nơi Giu-đa: “Quỷ dữ đã gieo vào lòng Giu-đa... Và hành động rửa chân của Đức Giê-su đã làm Phê-rô không hiểu ở câu 6: “Vậy Người đến chỗ ông Simon Phê-rô, ông thưa với Người: “Thưa Thầy, Thầy rửa chân cho con sao?” Hai nhân vật này xuất hiện trong đoạn văn nói lên sự bối rối về việc không hiểu Đức Giê-su và việc Người làm.
a.      Phê-rô không hiểu
Bản văn cho thấy một hành động tương đồng giữa Phê-rô và Giu-đa; Giu-đa nộp Thầy mình (13,2.21.26) và ở câu 13,38 thì Phê-rô sẽ chối Thầy. Từ cuộc đối thoại với Thầy mình (2-11), cho thấy Phê-rô không hiểu việc làm của Đức Giê-su, cho nên ông đã phản ứng: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao”(13,6). Đức Giê-su cho Phê-rô biết “bây giờ anh chưa hiểu”(13,7). Như thế, Phê-rô hoàn toàn không hiểu biết gì. Ông hoàn toàn hành động theo cách thức suy nghĩ riêng của mình; “Thầy mà lại rửa chân cho con! Không đời nào!” (13,8). Đức Giê-su đáp lại ông Phê-rô: “Nếu thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”(13,8). Phê-rô sợ mất sự “chung phần với Thầy” nên lại trả lời thái quá: “Lạy Chúa, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”(13,9). Đức Giê-su lại nói những lời làm cho Phê-rô và các môn đệ càng không hiểu: “Không phải tất cả anh em đều sạch”(13,11) và “một người trong anh em sẽ nộp Thầy”(13,21). Những điều đó nhấn mạnh đến việc “giờ của Người đã đến, giờ Người đi qua thế gian này về với Chúa Cha”(13,1). Như vậy, việc ông Phê-rô không muốn Đức Giê-su rửa chân cho mình nói lên rằng ông đã hoàn toàn không biết gì về ý nghĩa của việc rửa chân, không biết giờ của Đức Giê-su. Ai là kẻ nộp Người làm sao Phê-rô biết được và ông làm hiệu cho môn đệ được Đức Giê-su thương mến: “hỏi xem Thầy muốn nói về ai”(13,24). Đức Giê-su trả lời: “Thầy chấm miếng bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy”(13,26) nhưng các môn đệ “không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế.”(13,28).
       Như vậy, các môn đệ hoàn toàn không biết giờ vượt qua của Đức Giê-su. Khi mọi việc đã xong, chỉ còn những ai “Người yêu mến”, Đức Giê-su nói: “Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người”(13,31).
b.      Giu-đa không biết
Tương phản với cái biết của Chúa Giêsu thì là cái không biết của các môn đệ, mà nổi bật nhất là Phê-rô và Giu-đa. Mỗi người được tác giả miêu tả một nét riêng. Phê-rô thì bộc trực, nghĩ sao nói vậy. Khi Đức Giêsu đến chỗ ông mà rửa chân cho ông thì ông không đồng ý và ông liền phản ứng : “Thưa Thầy, Thầy rửa chân cho con sao?” (13,6). Còn Giu-đa thì không thấy nói gì, nhưng không nói mà hành động thì mới đáng sợ. Giu-đa nhẫn tâm nộp Thầy mình. Tại sao Giu-đa lại làm như vậy, và khi hành động như vậy ông có ý thức được mình đang làm gì không? Căn cứ theo bản văn thì xem ra ông không biết, vì khi Đức Giêsu nói: “A-men, a-men, Thầy nói cho anh em: Một người trong anh em sẽ nộp Thầy”, (13,21) thì “các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai” (13,22). Bản văn nói rằng “các môn đệ” thì trong đó có cả ông Giu-đa. Và các hành động tiếp theo của ông, không lẽ ông làm mà ông không biết sao? Tại sao ông làm mà không biết mình đang làm gì? Nếu ông biết thì tại sao ông vẫn cứ làm, chẳng lẽ tình nghĩa thầy trò bao nhiêu năm qua đối với ông không có ý nghĩa gì sao? Hay là tình nghĩa ấy không bằng mấy chục đồng bạc? Nói như vậy mới thấy rằng Giu-đa hoàn toàn không biết và ông đã trở thành công cụ trong tay của ma quỷ, suy nghĩ và hành động của ông đã bị ma quỷ điều khiển, vì “quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt ý định nộp Người” (13,2).

II.    KẾT LUẬN

Từ những gì vừa được trình bày ở trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng đoạn văn Ga 13,1-32 trước hết cho chúng ta biết được tình hình cộng đoàn của các môn đệ Đức Giê-su trong bữa tiệc ly. Một cộng đoàn đang gặp khủng hoảng và ngỡ ngàng vì những gì Đức Giê-su đã nói và làm. Hành động “rửa chân” của Đức Giê-su làm Phê-rô không thể tin nổi, và không hiểu ý Thầy mình muốn nói gì. Việc tiên báo về một trong các môn đệ sẽ nộp Người càng làm cho các môn đệ đâm ra lo lắng và hồ nghi không biết Thầy nói về ai. Phê-rô cũng như các anh em mình luôn gần gũi, thân mật và luôn đối thoại với Thầy mình nhưng hoàn toàn không hiểu biết được chút gì những điều mà Thầy mình muốn nói đến, cũng như những gì sắp xảy ra cho Thầy mình. Giu-đa đã hoàn toàn thỏa hiệp với quyền lực Sa-tan, với “thế gian thù ghét”, để trở thành công cụ của Sa-tan mà nộp Thầy mình, qua đó cho ta thấy được sức mạnh và quyền lực của Sa-tan. Đồng thời, đoạn văn Ga 13,1-32 cũng cho ta biết được ý nghĩa của việc “rửa chân” cho các môn đệ của Đức Giê-su. Việc rửa chân như là dấu chỉ cái chết của Đức Giê-su vì yêu thương phục vụ các môn đệ đến cùng, như là điều kiện thiết yếu để được “dự phần Nước Trời” và đồng thời cũng là tấm gương của tình yêu thương và khiêm nhu phục vụ anh em lẫn nhau.
Đoạn văn Ga 13,1-32 cũng để lại trong ta những thách thức và đòi hỏi về sự hi sinh phục vụ trong yêu thương. Chúng ta có dám noi theo gương Đức Giê-su mà “rửa chân” cho nhau trong sự yêu thương và khiêm nhu phục vụ trong cuộc sống hằng ngày hay không? Chúng ta có nhận ra được những yếu đuối và mầm mống tội lỗi mà ma quỷ gieo vào lòng ta để sửa đổi, hay ta cũng như Giu-đa đang sống trong nô lệ của tội lỗi và sự phản bội anh em mình?


NVT. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét