Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

CÓ THỂ BIỆN MINH CHO VIỆC TRA TẤN KHÔNG?

1. Huỷ bỏ nạn tra tấn
Không ngày nào mà báo chí, truyền thanh, truyền hình lại chẳng loan tin rằng có ông này bà nọ hay thậm chí cả một đứa trẻ con bị người ta tra tấn trong một xứ sở nào đó trên thế giới.

Cố tình làm cho một người phải đau đớn một cách tàn bạo quá mức trong thân xác, hay nơi tâm trí, hạ nhục người ấy trước mặt những người thân để bắt họ nói điều trái ý hay phá vỡ ý chí của họ, đó là những điều làm ta phải phẫn nộ. Hành hạ tra tấn vẫn còn được áp dụng tại phân nửa số quốc gia trên thế giới. Một số người tra tấn kẻ khác bởi lạm dụng chức quyền, một số khác vì bạo dâm, số khác nữa vì cuồng tín.

Tra tấn là một sự dữ ghê tởm mà con người đã nghĩ ra để huỷ hoại nhau. Đó là một sự dữ mà ta phải dùng mọi cách để loại trừ khỏi mặt đất này. Người Kitô hữu không thể chịu đựng xìcăngđan này.

2. Một sự dữ ở khắp hoàn cầu
Tra tấn được áp dụng khắp nơi. Nó không phải là một “dấu vết” tình cờ còn sót lại, nhưng là một phương pháp quen thuộc của nhà cầm quyền. Tại châu Mỹ Latinh hay Trung Mỹ, Phi châu, Á châu cũng như tại Trung Đông hay các nơi khác, hằng ngày người ta vẫn tra tấn người khác để lấy tin tức hay để hù doạ dân chúng. Từ những năm gần đây, tra tấn trở thành một tai hoạ thực sự cho thế giới. Nó đã có từ xưa.

Thời Thượng cổ, tra tấn gắn liền với nạn nô lệ. Thời Đế quốc Roma, nó là một cách thức thông dụng để trừng phạt và ngăn ngừa các nô lệ khỏi manh tâm nổi loạn hay trốn thoát. Các Kitô hữu tiên khởi, là những người không chịu theo khuôn phép thời ấy là thờ lạy hoàng đế, cũng đã từng bị tra tấn.

Qua các thế kỷ, đặc biệt trong thời đấu tranh chống lại lạc thuyết Cathares, Giáo hội Công giáo đã dùng tra tấn để săn đuổi những người lạc đạo qua các Toà trừng giáo cũng như qua hoạt động hung bạo hơn của cảnh binh và quân đội hoàng gia. Đây là một lỗi lầm, dù phải tránh xét đoán lịch sử đã qua với não trạng hiện nay.

Vào thế kỷ 18, ở Tây Âu nhen nhúm một trào lưu tư tưởng chống lại sự tra tấn. Dưới thời Cách mạng Pháp, người ta đã không dùng đến hình thức tra tấn nữa. Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thế giới không áp dụng việc tra tấn một cách có hệ thống nữa, ngoại trừ đối với các nô lệ da đen ở Hoa Kỳ và một số thuộc địa. Tra tấn xuất hiện lại trong lịch sử với chủ nghĩa Đức quốc xã và chủ nghĩa Stalin, sử dụng việc tra tấn một cách quy mô và hệ thống bằng cách lập ra các trại tập trung, trại lưu đày và trại thủ tiêu để giết chết hằng triệu người.

Ngày nay mặc dù đã có Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền được Liên hiệp quốc chấp nhận ngày 10.12.1948, nạn tra tấn vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Kể từ năm 1950, nó lại xuất hiện ở các nước dân chủ nhân dân. Kế đó lan sang Angérie, Triều Tiên, Châu Mỹ La tinh… Cho đến nay, nó vẫn tồn tại, dù ở dưới hình thức lén lút bí mật.

3. Có những hình thức tra tấn nào?
Tra tấn có thể mang hình thức nguyên sơ như thời xưa, được dùng như một biện pháp chế tài đối với một tội ác hoặc một vi phạm nào đó: xưa kia, người ta dùng nó để trừng trị các nô lệ bỏ trốn.

Người ta có thể dùng tra tấn như một cách điều tra để thu thập tin tức, lời thú tội hay lời tố giác. Trong chiến tranh, cơ quan Gestapo đã dùng tra tấn vào mục đích này.

Sau cùng, một vài chính quyền có thể đã dùng tra tấn để khủng bố các nhân vật hoặc dân chúng hầu trấn áp sự phản kháng của họ.

4. Người ta dùng các phương pháp gì để tra tấn?
Con người rất tinh thông trong việc làm khổ đồng loại. Các phương pháp tra tấn rất đa dạng. Người ta có thể hành hạ thân xác mà chẳng để lại vết tích nào.

Người ta cũng có thể hành hạ về mặt tâm lý như: cô lập trong nơi tối tăm, dùng tiếng động, ma tuý, cầm cố trong những bệnh viện tâm thần… với mục đích làm cho nạn nhân điên loạn, và phá hỏng cá tính của những người giàu khí phách.

Cuối cùng, người ta có thể hành hạ về mặt tình cảm bằng cách cho đương sự chứng kiến cảnh những người thân phải chịu đau đớn kinh khủng và bị hạ nhục hầu ép buộc đương sự phải chịu khuất phục.

Điểm then chốt của các phương pháp này, mà một số người gọi là “nghệ thuật”, nằm ở chỗ huỷ hoại ý chí và làm giảm thiểu khả năng đối kháng của nạn nhân, để bắt họ lệ thuộc mình.

Một số nạn nhân bị ảnh hưởng do việc tra tấn rất lâu dài, có người bị suốt đời. May thay, tại Pháp có một trung tâm tiếp nhận đặc biệt, gọi là COMED – tức là Ủy ban Y tế phục vụ những người bị lưu đày (Comité Médical pour les Exilés) – sẵn sàng đón nhận những người đã bị hành hạ tra tấn và giúp đỡ họ cả về mặt thể lý lẫn tâm lý.

5. Có thể biện minh cho việc tra tấn không?
Thuật ngữ tra tấn đề cập đến mọi hành vi cố ý và có hệ thống nhằm làm cho một người phải bị đau đớn thái quá hay bị tổn thương trầm trọng đến tình trạng vẹn toàn thể lý hoặc tâm lý, dù là do các nhân viên công lực hoặc do kẻ bị xách động, hay do các phe nhóm hoạt động nhân danh một phương án chính trị hay ý thức hệ nào đó.

Hẳn nhiên là nguyên tắc: “Cứu cánh không biện minh cho phương tiện” cũng được áp dụng cho việc tra tấn. Một số người không thiếu chi lý lẽ tốt đẹp biện minh cho việc này. Chẳng hạn như cho rằng cần phải chống lại nạn khủng bố hay cộng sản… một cách thản nhiên, không bối rối chi.

Nếu nhờ tra tấn mà có được những thông tin quý giá thì phải dùng chúng để có thể tránh cho những người khác khỏi vong mạng chẳng hạn. Tuy nhiên, chớ quên rằng giữa hai điều xấu cũng không được chọn điều ít xấu hơn!

Tự bản chất, việc tra tấn có thể biện minh được chăng?

Mọi người, nhất là người Kitô hữu, không thể chấp nhận các lý lẽ dối trá biện minh cho việc tra tấn kẻ khác.

Một chính quyền đòi sử dụng tra tấn để chống lại hỗn loạn ắt sẽ tạo ra một tình trạng còn rối ren hơn nữa. Càng có nhiều cảnh sát và quân đội thì công lý càng bị chặn họng, và rốt cuộc chính phủ sẽ không còn kiểm soát được những kẻ lợi dụng tình trạng sợ sệt do chính quyền tạo ra.

Còn ai nghĩ rằng tra tấn là một sự dữ ít hơn là họ đã lầm. Không có gì cho phép ta nghĩ rằng nạn nhân bị tra tấn chính là thủ phạm. Qua bao thời đại, có biết bao người vì bị tra tấn mà phải nhìn nhận những tội ác mình không hề phạm. Nhưng cũng có biết bao kẻ tội phạm đã kháng cự được.

Cha mẹ và bằng hữu của nạn nhân lại thường bị cám dỗ trả thù. Và cơn lốc bạo lực cứ thế tăng lên.

Các Kitô hữu có một lý do sâu xa để chống lại việc tra tấn. Mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, là anh em của Đức Giêsu Kitô, là anh em của nhau. Xúc phạm đến con người, là xúc phạm đến chính Chúa. Hết thảy chúng ta đều đã được cứu rỗi nhờ một Đấng đã bị tra tấn hành hạ.

6. Một con người bị tra tấn tên là Giêsu
Ngài đã từng loan báo một Vương quốc, trong đó các kẻ bé mọn và nghèo nàn sẽ được dành chỗ nhất. Ngài không hề khinh miệt người nào và luôn bênh vực những kẻ bị áp bức. Ngài tố cáo mọi sự giả hình và thường ăn uống với những người mang tiếng là xấu xa. Ngài chữa bệnh, đón tiếp trẻ em, tha thứ cho kẻ tội lỗi.

Thiên hạ bắt đầu theo dõi Ngài. Họ gài bẫy với mục đích làm cho Ngài nói ra những lời mâu thuẫn. Thậm chí, họ tìm cách trừ khử Ngài nơi quê cha đất tổ nữa.

Nhưng đến một ngày kia, khi Ngài thanh tẩy Đền thờ bằng cách lấy roi xua đuổi các nhân viên mua bán đổi chác thì họ quyết định ăn thua đủ với Ngài.

Một trong số các bạn hữu của Ngài đã phản bội Ngài. Người ta đến bắt Ngài vào một chiều thứ sáu trong lúc Ngài cầu nguyện với các môn đệ trong khu vườn ở cửa thành Giêrusalem. Người ta giải Ngài đến trước toà án Do thái; họ làm chứng gian chống lại Ngài. Sau đó, họ giải giao Ngài cho quan Tổng trấn La mã. Ông này đã tra vấn và sai đánh đòn Ngài.

Lính tráng chế diễu Ngài. Chúng đã bịt mắt Ngài và quấn quanh đầu Ngài một mão gai. Rồi chúng bắt Ngài vác một thập giá nặng nề, và điệu Ngài ra pháp trường cùng hai tên cướp khác. Chúng đóng đinh chân tay Ngài. Hôm đó là ngày thứ sáu.

Con người này đã không hề thở than. Ngài đã không hề nguyền rủa ai. Thậm chí Ngài còn tha thứ cho các lý hình nữa. Ngài chết đi sau khi đã trao phó linh hồn lại cho Thiên Chúa, và người ta đã an táng Ngài trong một ngôi mộ mới đào trong núi đá.

Nhưng vào sáng chúa nhật, các bạn Ngài lại thấy Ngài đang sống. Cái chết và sự phục sinh của Ngài đã giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Ngài đã chiến thắng sự chết và đã mở ra cho hết thảy mọi người một tương lai đầy ánh sáng và hy vọng. Con người chịu đau đớn này vốn là Thiên Chúa ở giữa loài người. Chính nhờ Ngài chịu hành hạ tra tấn mà loài người được chữa lành.

Kể từ đó, ai tra tấn một người nào là kẻ ấy lại tra tấn Đức Giêsu Kitô thêm một lần nữa.

7. Phải làm gì để chống lại việc tra tấn?
Cùng nhau tổ chức. Nhiều Kitô hữu đã hành động nhân danh đức tin. Hai tín hữu thuộc giáo hội Cải cách là Hélène Engel và Edith du Tertre đã tiếp xúc với các bậc hữu trách Tin lành và Công giáo. Ngày 16.6.1974, các cô quy tụ khoảng 40 người đã đồng ý với chương trình hoạt động của các cô. Hội ACAT – hoạt động của các Kitô hữu nhằm xoá bỏ nạn tra tấn (Action des Chrétiens pour l’Abolition de la Torture) – được khai sinh từ đó.

Chẳng bao lâu đã có tới hàng ngàn tín hữu Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo quy tụ lại quanh các sáng lập viên ấy. Hiện nay, phong trào đại kết này có tới 15.000 thành viên.

* Hành động

Khi hay tin tại nước này hay nước nọ có áp dụng tra tấn, phong trào ACAT liền dấn thân tham gia vào các hoạt động cụ thể nhằm bênh vực cho các nạn nhân trên thế giới. Một trong những cách hoạt động của Hội là gởi thư cho các vị hữu trách. Khi biết một người nào đó đang bị ngược đãi, ACAT liền thông báo tin tức này cho người thân của đương sự để yêu cầu những người này viết thư một cách lịch sự nhưng cứng rắn cho các vị điều khiển tại các quốc gia liên can. Ít có chính phủ nào dám coi thường dư luận quốc tế. Khi số phận của một tù nhân đã được người ngoài biết đến, ắt thiên hạ không thể muốn gì làm nấy được. Nhờ có sự can thiệp như thế, mà một số tù nhân đã được phóng thích.

 (…bị thiếu 2 hàng…)

dự lễ kỷ niệm lần thứ 40 ngày công bố Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. “Hãy còn trẻ, nên không thể ngậm miệng làm thinh” là chủ đề của ACAT dành cho giới trẻ.

* Cầu nguyện

Cũng phải luôn tỉnh táo.  Nhưng theo quan điểm của ACAT, cầu nguyện cũng là một cách hoạt động hữu hiệu. Chính Chúa là Đấng sẽ biến đổi lòng dạ con người. Và ân sủng được ban xuống nhờ có lời cầu thay nguyện giúp. Bởi thế, ta cầu nguyện cho các kẻ bị tra tấn, nhưng đồng thời cũng cầu nguyện cho chính các kẻ đã tra tấn họ nữa, vì chính Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Anh em hãy yêu thương kẻ thù”. Chính họ cũng là con cái Thiên Chúa, và hơn ai hết, cũng cần được Thánh Linh ban ơn soi sáng.

Cầu nguyện không loại trừ hành động. Ngược lại, nó còn kêu gị ta hành động nữa.

Cầu nguyện là kêu lên Chúa, bày tỏ nỗi thống khổ của con người đang bị rách nát tả tơi, khi người này im hơi bặt tiếng không còn kêu la được nữa. Phong trào ACAT mời gọi những ai tra tấn hành hạ kẻ khác hãy ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của bạo lực để bước vào trong dòng suối tình yêu đối với người lân cận.

Giới trẻ đang đứng lên để hành động. Thế giới đang cần họ dấn thân bênh vực cho con người, là một kiệt tác mà Thiên Chúa hằng yêu mến.

Tác giả: Jacques Lacourt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét