Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

CỬ HÀNH HÔN PHỐI TẠI NHÀ THỜ?

1. Hôn nhân thất sủng rồi chăng?
Vào thời buổi hiện nay, hôn nhân và nhất là hôn nhân Kitô giáo đang bị lung lay. Phải chăng đây là một tình thế vô phương thay đổi? Phải chăng các đôi vợ chồng còn đưa nhau tới nhà thờ để cử hành hôn phối đã trở thành những kẻ lạc điệu thất thời? Bí tích Hôn phối liệu còn có ý nghĩa gì trong xã hội như xã hội chúng ta đang sống?


Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại người ta chứng kiến đời sống hôn nhân bị lung lay. Chẳng hạn Âu châu đã lâm vào tình cảnh này khi xã hội Trung cổ suy tàn. Hiện nay, chúng ta trải qua một cuộc biến chuyển văn hoá quan trọng không kém gì thời Phục hưng.
Vai trò của Hội thánh không phải là duy trì một kiểu mẫu xã hội này thay cho một kiểu xã hội khác. Hội thánh có trách nhiệm loan báo Tin mừng về tình yêu và nhân vị. Hội thánh xác định rằng trong bất cứ xã hội nào hôn nhân cũng đều cần thiết cho những tình yêu đích thật và dứt khoát giữa một người nam và một người nữ để mưu ích cho con cái.
Có một số người muốn sống cả đời như vợ chồng nhưng không phải cưới hỏi gì cả. Một số khác chỉ làm đám cưới dân sự, chứ không thông qua Giáo hội. Vào năm 1982, 12,6% người Pháp trên 25 tuổi, và 20% dưới 25 tuổi đã nghĩ rằng việc cưới hỏi là vô ích, cho dù họ đã có con với nhau đi chăng nữa. Từ năm 1975 – 1985, số đôi bạn trẻ Pháp sống chung với nhau một cách tuỳ tiện như thế đã tăng lên gấp ba.
Số người cưới hỏi theo luật đạo cũng giảm xuống so với số đám cưới theo dân luật. Nhưng mới đây, số ấy có phần tăng lên được đôi chút.
Mặt khác, các vụ ly hôn vẫn xảy ra rất nhiều. Tại Pháp con số 30.000 vụ vào năm 1950 đã tăng lên thành 73.000 vào năm 1978 và vọt lên đến 111.279 vào năm 1986. Ngày nay, cứ 3 đôi vợ chồng thì có một đôi ly hôn. Chính người nữ đặt lại vấn đề hôn nhân trước hết. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, họ đều yêu cầu được quyền giữ con lại. Rất nhiều người không tái hôn. Các năm thứ 3 và thứ 9 trong đời hôn nhân là các giai đoạn nguy cơ hơn cả.
Hẳn nhiên sự kiện trên đây khiến giới trẻ e sợ. Thế nhưng ta không được vơ đũa cả nắm để nói rằng như thế là hôn nhân sẽ luôn luôn thất bại. Trong thực tế, 70% các cuộc hôn nhân vẫn đứng vững. Như vậy, ta hoàn toàn có khả năng sống đời hôn nhân một cách thành công.

2. Sống chung hay cưới hỏi?
Tại sao ngày nay số người trẻ chọn lối sống chung không cưới hỏi lại gia tăng? Có rất nhiều lý do, ta có thể kể ra đôi điều:
Một số có ý cưới hỏi, dù chưa chắc chắn. Nhưng vì đây là việc nghiêm túc và đã có nhiều người thất bại, nên hãy thử trước đã. Phải xem “có xuôi lọt” không mới quyết định được.
Trong thực tế, tỉ lệ ly hôn giữa các đôi vợ chồng đã sống chung với nhau trước hôn nhân hay không, đều xấp xỉ như nhau.
Một số khác rất muốn cưới hỏi, nhưng hãy thong thả đã. Theo họ, không nhất thiết phải bắt đầu bằng việc cưới hỏi. Họ sẽ cử hành việc này khi có đủ phương tiện tài chánh, hoặc khi muốn có con với nhau.
Một số người khác lại hoàn toàn chống đối mọi cơ chế: xã hội lẫn Giáo hội, và khước từ cả 2 loại hôn nhân dân sự cũng như tôn giáo.
Cuối cùng, có một số bắt đầu sống chung với nhau vì cho rằng mình đã yêu nhau. Họ chẳng có một dự phóng nào cả. Có thể là sau đó họ sẽ cưới hỏi, “để làm vui lòng cha mẹ”, “để có con”, “vì lý do tài chánh”… Nhưng họ chẳng thấy nghi thức xã hội có ích gì là bao. Đôi khi trong thời gian sống chung như thế họ sẽ hình thành một dự phóng.

3. Ta nghĩ gì về việc giới trẻ sống chung ngoài hôn nhân?
Tiên vàn, chớ nên nhìn việc này một cách bi quan và tự nhủ: các thế hệ trẻ đang chế nhạo các giá trị căn bản của cuộc sống hoặc của xã hội.
Người Kitô hữu tôn trọng các quyết định của giới trẻ, dù không đồng tình với các quyết định ấy. Chúng có thể có một vài giá trị nào đó.
Quả thật, đời sống vợ chồng không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà đòi hỏi phải được chuẩn bị nghiêm chỉnh. Cũng có đôi chút sự thật qua lời nói sau đây của một số người: chúng tôi không cưới nhau, dù chúng tôi luôn muốn sống với nhau thành vợ thành chồng bền vững và trung thành. Bởi vì cứ sống như thế, chúng tôi sẽ khám phá ra tình yêu của mình mỗi ngày. Tình yêu ấy sẽ luôn mới mẻ. Cưới hỏi là một cách để dừng lại nghỉ ngơi, an tâm hơi quá đáng vì chắc rằng người bạn sẽ chẳng bỏ mình mà đi.
Ta sẽ ngủ quên, trở thành chủ nhân ông của người bạn đời và con cái mình: vợ của tôi, chồng của tôi, con của tôi.
Các người sống chung ngoài hôn nhân đã có lý khi chỉ trích các mặt trái của hôn nhân. Trong thực tế, ta phải thú nhận rằng tình trạng của một số đôi vợ chồng không cưới hỏi cũng chẳng tốt đẹp gì hơn các đôi hôn nhân chính thức, cũng bị cuốn vào trong sự sáo mòn, cũng vấp phải não trạng sở hữu. Hôn nhân đích thật chẳng buộc phải sáng tạo không ngừng đó sao?
Tuy nhiên, người ta không thể hợp pháp hoá việc sống chung như thế. Giáo hội không hề chấp nhận việc này. Đức Giêsu luôn đứng về phía lập trường vợ chồng phải có hôn phối. Trong thực tế, sống chung mà không cưới hỏi là phủ nhận 3 thực tại sau đây:
Thực tại đầu tiên không được người ta coi trọng là sự tín nhiệm. Người ta chỉ có thể xây dựng đời sống lứa đôi một cách bền vững nhờ tín nhiệm nhau một cách sâu xa. Khi sống chung mà từ khước dấn thân một cách dứt khoát để chứng thực cho cuộc sống chung ấy là ta đã có đôi chút ngờ vực nào đó rồi. Ngờ vực chính mình: rồi ra tôi có đủ khả năng để kéo dài cuộc sống chung này không? Ngờ vực người khác: liệu chàng có thể mang lại hạnh phúc cho tôi hay không? Liệu rồi mai kia mốt nọ chàng có ruồng rẫy tôi hay chăng? Ngờ vực xã hội: liệu người ta có dùng các định chế xã hội để áp chế chúng tôi chăng?
Quan hệ giữa các cặp như thế đã chẳng mang nét giả tạo ngay từ đầu hay sao, dù ý thức hay không, vì họ chỉ chịu dấn thân với điều kiện là thật ăn ý với nhau…?
Không thể có việc cưới thử, vì không thể nào có chuyện hiến dâng trọn vẹn thử xem. Muốn làm người thật sự thì phải tín nhiệm và biết luôn luôn khám phá thêm mầu nhiệm của tha nhân. Chính lòng tín nhiệm này giúp cho hôn nhân được bền vững.
Thực tại thứ nhì bị lãng quên trong cuộc sống chung trước hôn nhân là thời gian. Sự tự do đích thực của con người chỉ được kiến tạo trong thời gian, một cách thật dần dà chậm rãi.
Muốn trở thành người nam và người nữ đúng nghĩa cần phải có thời gian, huống nữa là muốn trở thành vợ thành chồng. Yêu thương phải đi đôi với liên tục. Ấy vậy mà giới trẻ lại muốn có hết mọi chuyện ngay trong chốc lát.
Đành rằng thời gian có nguy cơ làm tình yêu ban đầu xuống cấp và rơi vào tình trạng sáo mòn.  Nhưng thời gian cũng giúp ta hiểu sâu hơn về con người của nhau. Ta không bao giờ khám phá hết được các nét phong phú của người khác, và chính sự khám phá mỗi ngày giúp cho tình yêu của mình được mới mẻ luôn. Biết bao đôi vợ chồng luống tuổi vẫn giữ được sự trìu mến của thủa ban đầu!
Thực tại thứ ba việc sống chung trước hôn nhân loại trừ một cách kịch liệt là định chế. Quả thật, định chế có nguy cơ là làm ta bị xơ cứng, bị rơi vào thói quen máy móc. Thế nhưng, định chế cũng là một cơ may giúp ta khỏi nhượng bộ những lúc lười biếng, mang lại cho ta lòng can đảm, hội nhập cuộc sống lứa đôi của ta vào xã hội. Định chế ấy không hù doạ con người, cũng chẳng phải để giam hãm tình yêu. Tình yêu này vẫn là một cây non yếu ớt: đây là lý do chính yếu khiến ta phải chăm chút bảo vệ và săn sóc nó, nếu không nó có nguy cơ héo úa và chết đi. Định chế tuy không phải là không bao giờ sai lầm, vẫn là bảo chứng tốt nhất cho sự bền vững. Nó muốn giúp ta tránh được các nguy hiểm do hiểu không đúng về tự do. Xây dựng tổ ấm, dạy dỗ con cái, bảo tồn nòi giống là một công trình quá lớn lao không thể bị lệ thuộc vào những tình cảm chóng thay đổi. Định chế là để giúp cho tình yêu được trường tồn.
Cần phải nói thêm rằng, người Kitô hữu nào tôn trọng nhân vị cũng đều không thể coi người bạn sống chung với mình như một phòng thí nghiệm được. Nếu bỏ nhau, người ta sẽ như thế nào? Họ sẽ lập đi lập lại hoài những thử nghiệm trên. Họ chỉ sử dụng nhau như những đồ vật dễ thay qua đổi lại mà thôi. Trong lối sống cặp đôi này, họ đã quá đùa giỡn với các giá trị, đã vung vãi vào đó khá nhiều tình cảm, nên khi không còn xuôi thuận họ khó lòng bỏ nhau mà không lưu lại những vết thương sâu đậm trong tâm hồn. Một trong hai người sẽ chuốc lấy thất bại của cuộc sống chung kia, vốn chẳng có gì bảo đảm, như một tấn bi kịch, một kinh nghiệm khổ hình, một sự chia ly đầy đau khổ chẳng kém gì hai kẻ ly dị nhau vậy.
Sau này, làm sao người ta có thể nghĩ đến một cuộc tình khác mà lòng chẳng vương cay đắng? Họ sẽ nghĩ gì về cuộc tình mới này? Một cuộc tình chóng qua, dễ thay đổi theo tính khí bất thường hay theo thời gian? Ta không thể đùa giỡn một cách vô tội vạ với cuộc đời của những người khác. Coi tâm hồn và thể xác của người khác như nơi thử nghiệm chẳng phải là đi ngược lại với sự kính trọng phải có đối với nhân vị đó sao?
Sau hết, phải lưu ý đến các nguy cơ thụ thai có thể xảy ra. Giả như các phương tiện tránh thai có thể hoàn toàn hiệu quả thì hỡi ôi, những con người sử dụng chúng đều có thể sai lầm. Đứa trẻ có quyền được hưởng một tình yêu bền vững cả về hai phía cha lẫn mẹ. Hiện nay, có biết bao nhiêu người trẻ bị rối loạn vì thiếu mất cái không khí của một gia đình thống nhất. Việc sống chung trước hôn nhân, vốn rất mong manh, lại có nguy cơ là quẳng thêm vào đời một con người nữa chẳng có gì bảo đảm. Và giả như vì đứa trẻ ấy mà họ cưới nhau, thì thử hỏi đâu là vai trò của đứa trẻ? Đây là một vấn đề mà ta phải lấy hết trách nhiệm để xem xét.
Các khoa học nhân văn đã chứng tỏ sự ổn định là rất quan trọng để vợ chồng và con cái được quân bình. Các khoa nhân văn này đã vô tình xác nhận trực giác của Giáo hội khi đòi hỏi hôn nhân là bất khả phân ly. Người ta sẽ không triển nở được bao nhiêu nếu cứ mỗi sáng thức dậy đều phải tự hỏi: liệu rồi chàng hay nàng có bỏ mình mà đi hay không?

4. Để khám phá lại hôn nhân
Không, ta không có lý do nào để từ khước hôn nhân. Thế nhưng, giới trẻ phải biết phân biệt giữa lý tưởng về hôn nhân và các đôi bạn điển hình đã kết hôn mà họ đã chứng kiến. Hăn nhiên là cần nghĩ ra những cách thức khác nữa để sống đời hôn nhân.
Có nhiều cuộc hôn nhân đáng bị châm biếm mà ta không thể bênh vực được, như: hôn nhân để chạy trốn, kiếm chỗ nương thân; hôn nhân “như gông đeo cổ”, người này đè đầu cỡi cổ người kia; hôn nhân tạp nham; hôn nhân thiếu ý thức, máy móc. Nếu quả hôn nhân như thế thì thật dễ hiểu tại sao nó không lôi cuốn được giới trẻ,
Đã đành hôn nhân không phải là cái đẻ ra tình yêu. Tình yêu có trước khi ta bước vào định chế hôn nhân. Nhưng hôn nhân là một nơi ở đó thuận lợi cho tình yêu phát triển. Định chế hôn nhân nhằm phục vụ tình yêu, tựa như cái khung nhằm đỡ chiếc bảng vậy. Không có bảng thì cần gì khung? Những đã có tấm bảng đẹp, ta sẽ cố làm sao cho có một cái khung để nâng đỡ nó.
Vậy hôn nhân đem lại cho ta điều gì? Hôn nhân là một cuộc đánh cược về người khác và về tình yêu, là một lời ưng thuận mà ta nói với ai đó, chứ không phải với giấy tờ. Đây là một cuộc dấn thân để cùng nhau thực hiện một công trình chung. Đây là khởi đầu của một cuộc mạo hiểm chứ không phải là đã tới nơi. Đây là dây tơ hồng mà ta buộc vào mình để được sống còn và được tự do.

5. Tại sao cần đến định chế?
Định chế hôn nhân giúp cho tình yêu được biểu lộ ra, được nói lên và được cử hành long trọng: tình yêu rất đáng được mở hội ăn mừng. Hơn nữa, tiếng ưng thuận mà ta nói lên trước mặt một người thứ 3 làm cho cuộc dấn thân của ta được kiên vững: khi đã thề hứa một cách long trọng cũng đáp ứng được khát vọng của tình yêu là vô điều kiện. Định chế cũng biểu lộ được chiều kích xã hội của mọi tình yêu: dù muốn hay không, đôi vợ chồng cũng cần đến những người khác, và những người khác cũng cần đến họ. Khi cưới hỏi theo định chế dân sự, đôi bạn ngỏ ý nhận lấy trách nhiệm xã hội này.
Định chế hôn nhân cũng giúp ta giữ vững ý chí khi không có tình yêu. Nó mang lại một cảm giác an ninh: sự ổn định rất cần thiết để đứa trẻ có thể phát triển về mặt tâm lý. Nó che chở cho người phụ nữ và con mình: một người đàn ông 40 tuổi vẫn có thể lấy vợ thêm một lần nữa còn một phụ nữ cũng ở vào tuổi đó lại thêm đùm đề con cái thì thật khó lòng.
Sau hết, định chế hôn nhân mang lại cho ta một cảm giác tự do vì đó là một nơi để mỗi người có thể an tâm thực hiện bản thân mình, theo mộng ước sâu xa của chính mình, nhờ được bạn mình kính trọng.

6. Ta nghĩ gì về Hôn nhân Kitô giáo?
Yêu là gặp gỡ người khác, là nhận ra họ là người mà ta hằng chờ đợi, là ước mong cho người ấy được thành toàn, là muốn thăng tiến họ.
Trước tiên, yêu chính là làm cho người kia được hạnh phúc; là cho đi và trao ban chính bản thân mình trong những gì ta cho đi. Tình yêu không hề ích kỷ, không hề co cụm lại nơi mình. Yêu thương, chính là làm cho người khác được hiện hữu. Bởi vậy, yêu là hiểu biết người ta yêu với các ưu điểm và cả các khuyết điểm, với cá tính và các phản ứng riêng tư của họ. Yêu là luôn tìm cách làm vui lòng người yêu, dù gặp nhiều khó khăn và thất bại.
Yêu cũng còn là đón nhận cái mà người bạn đời trao tặng cho chính mình và vui lòng để cho người ấy làm cho mình thêm phong phú. Tha thứ chính là yêu đến những 2 lần. Tha thứ cho nhau là một điều cần thiết để mọi tổ ấm gia đình có được sức sống.
Chính vì để thực hiện cái lý tưởng đòi hỏi này mà người Kitô hữu lấy Đức Giêsu Kitô làm gương mẫu, Người là Đấng đã yêu cho đến chết. Đức Giêsu giải phóng con người khỏi các mặt trái của tình yêu. Vì Thiên Chúa là Tình yêu. Người là nguồn của mọi tình yêu. Người yêu thương hết mọi người. Người đã dựng nên con người giống như Người, nghĩa là có khả năng yêu thương. Hôn nhân Kitô giáo còn hơn cả một cuộc đính ước trước mặt người ta; đó còn là một cuộc đính ước trước mặt Thiên Chúa, và ta nài xin Người giúp ta yêu thương nhau. Ta đặt tình yêu nhân loại của mình vào trong chính tình yêu của Đấng Tối cao, Người là Đá tảng cho ta nương tựa. Ta tìm kiếm sức mạnh thần linh để yêu nhau suốt đời, vượt qua các trở ngại và sự xuống cấp do tính mỏng dòn của con người gây ra. Hôn nhân Kitô giáo là một cuộc đánh cược với ân sủng của Thiên Chúa. Người cùng dấn thân với đôi vợ chồng.
Cử hành hôn nhân theo phép đạo là dấu chỉ của Tình yêu Đức Kitô đối với Hội thánh, Thân Thể Người. Đức Giêsu yêu thương Hội thánh như người chồng yêu thương vợ mình bằng một tình yêu không thể chia lìa. Điều mà Thiên Chúa đã liên kết thì không ai có thể phân ly được.
Nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, các tín hữu có thể nhìn nhau và yêu thương nhau như những con cái của Thiên Chúa và như những người anh em của Chúa Giêsu. Thật ra, chính nhờ Đức Giêsu, là Tình yêu mẫu mực mà các đôi vợ chồng Kitô giáo trao hiến cho nhau. Như vậy, các đôi phối ngẫu được mời gọi yêu thương như Đức Kitô đã yêu, nghĩa là yêu đến độ thí mạng cho người mình yêu.
Bởi thế, đức tin được sống như một giao ước, một hôn ước giữa tình yêu Thiên Chúa và dân Người. Vậy mà Thiên Chúa không hề yêu ta theo lối yêu thử. Người đã thực sự ban Con mình cho ta, không phải chỉ ban một ngày mà thôi, mà là ban mãi mãi. Tình yêu của Chúa vốn chất chứa sự vĩnh cửu.
Hôn nhân Kitô giáo vẫn luôn là một nguồn phong phú mà ta phải khám phá luôn.
J.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét