Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

BẠN CÓ KỲ THỊ CHỦNG TỘC KHÔNG?

1. Con quỷ kỳ thị chủng tộc
Lúc tôi đang viết những giòng chữ này thi trên màn ảnh truyền hình đang chiếu cảnh nhà lãnh tụ Phi châu Nelson Mandela, 71 tuổi, vị Thủ lãnh lịch sử của Đại hội Dân tộc người Phi, được trả tự do sau 27 năm bị cầm tù vì chống lại chủ nghĩa “Apartied” chủ trương phân biệt người da đen ở Nam Phi. Một trong các pháo đài của chủ nghĩa chủng tộc cực đoan sắp sụp đổ chăng? Tương lai sẽ trả lời. Dầu sao đi nữa, ngày nay nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn đó, và lớp trẻ ý thức rõ vấn đề này, thậm chí họ còn coi đó là một “xìcăngđan” nữa.


Đôi khi chúng ta nghe thiên hạ bảo rằng: “Tôi không kỳ thị chủng tộc. Nói thế rất dễ khi hằng ngày bạn không phải chạm trán với các vấn đề nảy sinh do phải sống chung với những người di trú.”

Tại Pháp, có gần 5 triệu người di trú, người tị nạn, và người nước ngoài. Có người nói: “Mình chẳng còn được ở trên đất nước của mình nữa”. Kẻ khác lại nói: “Bọn họ sắp ngốn mất bánh mì của dân Pháp rồi”.

Con quỷ đẻ ra thuyết chủng tộc cực đoan từng ngủ yên trong mỗi người chúng ta nay lại bừng thức dậy. Mạ lỵ, ẩu đả, phân biệt và thậm chí bách hại đang liên tiếp xảy ra. Thật khó mà cảm thông một kẻ khác màu da, khác tôn giáo và khác văn hoá với mình! Không phải lúc nào người ta cũng sẵn sàng nhìn nhận các quyền lợi của dân di trú, sẵn sàng cùng với họ xây dựng tương lai của đất nước.

Nhiều tổ chức đang được huy động để chống lại dịch kỳ thị chủng tộc. Giới trẻ ghét ra mặt khẩu hiệu này: “Đừng đụng tới nồi cơm của tôi!”

Giáo hội Công giáo có lý khi phẫn uất trước thành kiến kỳ thị chủng tộc vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện nay. Lại một lần nữa, Giáo hội nêu rõ quan điểm của mình trong một tài liệu vừa được Uỷ ban Công lý và Hoà bình của Toà thánh công bố vào tháng 11.1988, có tên là “Giáo hội trước nạn kỳ thị chủng tộc”. Đối với Giáo hội, bất cứ thuyết chủng tộc cực đoan nào cũng đều đi ngược với Tin mừng.

2. Một căn bệnh xưa như trái đất
Thuyết chủng tộc cực đoan là một hệ tư tưởng theo đó một nhóm người được xếp hạng thấp hơn các nhóm khác, vì cớ chủng tộc của họ. Đây là lý do biện minh cho mọi hành vi phân biệt, khai trừ thậm chí tiêu diệt những người này.

Thời Trung cổ La-Hy dường như không biết tới huyền thoại về chủng tộc. Than ôi, vào thời Trung cổ Kitô giáo, người Do thái, vì là những con người khăng khăng từ chối không tin vào Đức Kitô, nên đã thường phải chịu nhiều điều nhục nhã và hắt hủi.

Vào thời đó, các Kitô hữu cũng đã tra tấn và hoả thiêu hàng ngàn người, theo án lệnh của Toà trừng giáo.

Việc khám phá ra Tân thế giới kéo theo một sự huỷ hoại đối với các nền văn hoá ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, có trước khi Colombo đến, đồng thời áp đặt một nền đô hộ tàn bạo lên dân chúng ở đó. Hẳn nhiên đó không phải là lỗi của các nhà hàng hải vĩ đại ấy. Nhưng binh lính và các nhà doanh thương thì lại chẳng kính nể ai. Người Indiens, rồi người da đen bị họ giết chết hoặc bắt làm nô lệ để lao động sinh lời cho họ, và họ bắt đầu khởi thảo ra một lý thuyết chủng tộc để biện minh cho mình.

Các Đức thánh cha đã phản ứng kịch liệt, Đức giám mục Bartolomé de Las Casas vĩ đại, vốn là một chiến sĩ sau đó đã đi tu dòng Đaminh, đã đấu tranh chống lại thuyết coi dân Indiens là một giống người hạ cấp; Ngài dạy phải kính trọng nhân phẩm dù người ấy thuộc bất cứ sắc dân hay tôn giáo nào.

Nạn buôn bán nô lệ da đen, bắt đầu từ năm 1562, cũng là một điều xấu hổ cho giới Kitô hữu, mặc dù những kẻ làm điều này chỉ theo đạo Kitô trên danh nghĩa mà thôi! Tình trạng này đã kéo dài suốt 3 thế kỷ. Các Đức thánh cha và những nhà thần học đã đứng lên chống lại việc mãi nô này.

Chính vào thế kỷ 18, một ý thức hệ chủng tộc cực đoan đã được thành hình, đi ngược với giáo huấn của Hội thánh. Từ chỗ quan sát thấy có sự khác biệt về đường nét thể lý và màu da, ý thức hệ này đã tìm cách kết luận có một sự khác biệt sâu xa, mang tính di truyền, và khẳng định rằng các dân tộc bất trị này vốn thuộc về các “sắc dân” tự bản chất thua kém hơn, về các đức tính tinh thần, luân lý và xã hội.

Vào thế kỷ 19, người ta còn tìm cách giải thích lịch sử các nền văn minh bằng những thuật ngữ sinh học, coi đó như cuộc so tài giữa các chủng tộc mạnh và các chủng tộc yếu, các chủng tộc yếu này bị xem như tự bản chất đã thua kém các chủng tộc kia.

Chính lối giải thích mang danh khoa học một cách ngu xuẩn này đã gợi hứng cho chủ nghĩa phát xít Đức. Ta đã biết rõ các tội ác do chủ nghĩa ấy gây ra: diệt chủng đối với người Do thái, cùng với người “gitan” và người “digan”. Đức thánh cha Pio XI đã nghiêm khắc lên án các thuyết phát xít.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất cũng có nạn diệt chủng người Ácmêni và gần đây hơn, có nạn diệt chủng phần lớn người Cam bốt.

Như ta đã thấy chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc đã vấy quá nhiều máu. Cần phải kịch liệt chống lại nó.

3. Các hình thức kỳ thị chủng tộc ngày nay
Tiếc thay, thuyết chủng tộc cực đoan vẫn còn tồn tại đến cuối thế kỷ 20 này.

Đôi khi nó còn được luật pháp bảo vệ nữa. Đó là trường hợp chủ nghĩa “Aparteid” ở Cộng hoà Nam Phi, nơi mà người da màu chiếm 80% dân số trong nước. Người da trắng chỉ có 20% muốn bảo vệ quyền bính và lợi lộc của mình, đã đề ra một hệ thống chính trị phân biệt chủng tộc, thành lập các cộng đồng riêng rẽ. Dù có những tiến bộ mới đây, phần lớn dân da đen vẫn chưa được đại diện thật sự trong guồng máy chính quyền quốc gia và chỉ được là “công dân” trên danh nghĩa thôi. Nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn đó. Thậm chí người ta còn tìm cách dùng tôn giáo để hợp pháp hoá thế thượng phong của dân da trắng đối với người da đen nữa.

Tuy nhiên, ta biết có nhiều giám mục Công giáo Nam Phi chung lưng sát cánh với đa số các Hội thánh Kitô giáo trong vùng để dấn thân tranh đấu cho sự bình đẳng và chống lại chủ nghĩa Aparteid.

Desmond Tutu, một giám mục Anh giáo, được giải Nobel Hoà bình, khẳng định niềm tự hào vì mình là người da đen! “Thiên Chúa không lầm lẫn khi Người dựng nên tôi là người da đen. Tôi không phải là một bản sao bằng than, tôi là bản gốc. Tất cả chúng ta là những bản gốc cả.”

Tại một số quốc gia vẫn còn tồn tại những hình thức phân biệt chủng tộc đối với những sắc dân chậm tiến. Ta không thể không nghĩ tới các người Indiens ở Bắc Mỹ đã bị tàn sát xưa kia, con cháu của họ nay lại bị cách ly trong các khu vực hạn chế hay bị bắt buộc phải đồng hoá mà không kể gì đến quyền được phép giữ bản sắc riêng của dân tộc họ. Mặt khác, Hoa Kỳ đã cố gắng giải quyết từ từ vấn đề của người da đen.

Nhưng trên thế giới vẫn còn những nhóm người thiểu số mà các quyền của họ không được kính trọng đủ. Các bạn hãy nghĩ tới dân Palestina.

Hiện nay vẫn còn nạn bài Do thái, chưa chịu biến mất hoàn toàn sau khi dân tộc họ bị “thiêu sinh”. Các hành động khủng bố nhắm đến những nhân vật và những biểu tượng của dân Do thái xảy ra nhiều hơn trong các năm gần đây.

Dân di trú là một vấn đề lớn của thời đại, nhất là những người gốc Maghrébine, đến tìm việc tại các nước giàu có hơn. Vấn đề này thật nan giải. Các thành kiến đối với người di trú có thể dẫn đến những phản ứng nguy hiểm như tạo ra chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sau đó biến thành chủ nghĩa bài ngoại, hay thậm chí thành mối hiềm thù về chủng tộc.

Các biểu hiện kỳ thị chủng tộc này dẫn đến hậu quả là khiến cho các công nhân nước ngoài phải quy tụ nhau lại thành từng nhóm và sống thành những “ghetto”, khiến cho họ chậm hội nhập vào trong một xã hội đã đón nhận họ về mặt hành chánh, nhưng lại không chịu tiếp nhận họ một cách đầy đủ về mặt nhân bản. Chúng ta hãy cố gắng để thông cảm với họ, bởi họ cũng là những người anh em của ta.

4. Phẩm giá của mọi chủng tộc
Đức tin Kitô giáo và các dữ kiện khoa học hiện đại đều ăn khớp với nhau khi cùng công nhận rằng tất cả mọi người đều thuộc về một chủng loại, đều xuất phát từ cùng một nguồn gốc. Như vậy, không có chủng tộc nào là thượng đẳng về mặt di truyền học và sinh học cả.

Hẳn nhiên là mọi người không có khả năng thể lý, sức mạnh trí tuệ hoặc sức mạnh luân lý ngang nhau. Thế nhưng, bất cứ hình thức phân biệt nào đụng chạm đến các quyền căn bản của nhân vị, dựa trên phái tính, chủng tộc, màu da, tiếng nói hay tôn giáo, thảy đều đi ngược với ý định của Thiên Chúa là Cha của mọi người. Công đồng Vatican II cũng như các Đức thánh cha đã mạnh mẽ nhắc lại điều này.

Thiên Chúa đã tạo nên con người theo “hình ảnh của Ngài”. Chính điều này khiến cho mỗi hữu thể nhân linh đều có một phẩm giá trổi vượt. Cũng chính điều này làm cho loài người được hiệp nhất, loài người phát xuất từ bàn tay của một Đấng Hoá Công duy nhất. Không một cá nhân, một xã hội, một quốc gia, hay một tổ chức nhân loại nào, có thể giản lược con người xuống tình trạng một đồ vật cả.

Hơn thế nữa, khi mặc lấy xác thể từ Đức Trinh Nữ Maria, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, đã một cách nào đó tự động trở nên một với từng người trong nhân loại. Bất cứ điều gì ta làm cho con người cũng đều đụng chạm đến chính Thiên Chúa. Đức Giêsu đến thâu họp nhân loại trong một Thân Thể duy nhất là Hội thánh, chỉ có một thân thể tuy có nhiều chi thể khác nhau.

Như vậy, Thiên Chúa yêu thương hết thảy mọi người. Thiên Chúa không kỳ thị chủng tộc. Trong suốt cuộc đời tại thế của mình. Đức Giêsu Kitô không hề khinh miệt một người nào, thậm chí Người còn quan tâm đặc biệt hơn đối với những kẻ bị con người thời ấy khai trừ. Mỗi hữu thể nhân linh đều có một giá trị lớn lao đến nỗi Thiên Chúa đã ban chính Con mình để cứu độ họ.

Bởi thế, Hội thánh luôn kính trọng và yêu thương mọi người. Trong lòng Hội thánh sẽ không thể có sự bất bình đẳng về chủng tộc, quốc gia, điều kiện xã hội hoặc phái tính. Hội thánh hãnh diện vì đặc tính công giáo của mình, nghĩa là Hội thánh có tính cách toàn cầu.

Hội thánh không đơn thương độc mã trong cuộc chiến đấu bảo vệ phẩm giá con người. Đại hội năm 1978 của một tổ chức Liên hiệp quốc là U.N.E.S.C.O., đã nhắc lại phẩm giá con người và lên án mọi hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, đất nước hoặc tôn giáo. Tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền lợi và phẩm giá.

5. Vậy tôi có thể làm gì?
Bạn ạ, bạn phẫn nộ trước cảnh phân biệt chủng tộc như vậy là rất hợp tình hợp lý, và bạn muốn ban cho đời mình một ý nghĩa bằng cách đấu tranh một cách đặc biệt chống tai hoạ này. Tôi hết sức thông cảm với bạn!

Vậy thì bạn hãy tập hiểu biết người khác, người di trú, người nước ngoài. Bạn hãy tìm hiểu cách sống của họ cùng với các phong tục tập quán, tôn giáo, quê cha đất tổ, cũng như các lý do thúc đẩy họ đến tìm việc trong nước bạn. Ban hãy xem hiện nay người ta đang cung ứng cho họ các điều kiện sinh sống như thế nào về việc làm, nhà ở, việc học hành của con cái, trợ cấp xã hội…

Nếu thay đổi tâm hồn, bạn sẽ thấy nhiều thành kiến biến mất. Xin bạn chớ quên rằng: người thân cận của bạn chính là bất cứ ai mà bạn gặp gỡ trên đường.

Tiếp đó bạn hãy đón nhận người khác với các điểm dị biệt của họ. Đây chính là một hình thức kính trọng tha nhân. Hiệp nhất không phải là đồng nhất. Bạn hãy xem chúng ta có thể dùng các dị biệt của mình để làm gì cho nhau. Vấn đề là đánh giá một cách tích cực sự đa dạng bổ túc cho nhau giữa các dân tộc. Đón nhận người khác là đã kiến tạo tình huynh đệ rồi đó.

Sau cùng, bạn hãy dấn thân đấu tranh chống lại mọi hình thức chủng tộc cực đoan. Người Công giáo được mời gọi hoạt động trên mặt trận ấy bên cạnh các Kitô hữu khác và hết thảy những ai hết lòng kính trọng con người.

Hẳn nhiên, phải dành cho giới chính phủ quyền xác định rằng nước mình có thể đón nhận được bao nhiêu người di trú và tị nạn. Về phần bạn, xin bạn hãy làm sao cho hết thảy những ai đang sống trên đất nước mình đều được bình đẳng trước pháp luật. Ước gì mỗi người đều có thể hưởng nhờ các điều kiện sống xứng đáng với mình theo lẽ công bằng. Điều này cũng có liên hệ đến nền hoà bình quốc gia và quốc tế.

Vấn đề người di trú là một thách đố lớn vào cuối thế kỷ 20 này. Giới trẻ cũng đóng một vai trò quan trọng trong đó. Vai trò này bắt đầu từ trường học, là nơi tạo cơ hội cho ta khám phá, đón nhận và yêu thương nhau.

Xin hãy nhớ: Mọi người đều là anh em tôi.

Tác giả: Jacques Lacourt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét