Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

TẠI SAO CHÚA CHO PHÉP ĐAU KHỔ XẢY RA?

1. Vấn đề sự dữ
Một chiếc phà chở xe của Anh bị lật tại một hải cảng ở Bỉ: có chừng 10 người bị nạn. Một chiếc xe bị gài thuốc nổ ở Beyrouth: những hành khách vô tội bị chết. Đối với ai biết mở mắt quan sát, thì sự dữ thể lý lẫn luân lý có mặt khắp nơi trên thế giới: các bệnh ung thư hay sida; các trẻ mồ côi bị bỏ rơi, các nạn nhân chiến tranh hay đói kém trên thế giới, nỗi cô đơn của những người lớn tuổi, các đau khổ thể xác và tâm hồn.


Vấn đề sự dữ là một trong số các vấn đề làm con người sợ hãi nhất, đồng thời thật hữu lý khi nó làm cho giới trẻ vấp phạm nhiều nhất.
Vì không biết giải quyết vấn đề này như thế nào, người ta thường có khuynh hướng đi tìm cho ra một thủ phạm. Thế là Thiên Chúa là người đầu tiên bị đưa lên ghế bị cáo. Phải chăng sự dữ mạnh hơn Thiên Chúa, và nếu vậy thì Thiên Chúa có còn là Đấng Toàn năng không? Cớ sao Người để cho đau khổ và sự dữ xảy ra, và nếu thế thì Người có còn đáng gọi là Đấng Nhân lành chăng?
Chúng ta hãy bình tĩnh, cùng nhau xem xét vấn đề một cách kỹ lưỡng hơn. Trước hết là hãy tìm cho ra nguồn gốc của đau khổ.

2. Các định luật trong vũ trụ
Thế nhưng trước khi bắt đầu tra cứu, chúng ta đừng quên rằng vũ trụ cũng mang lại cho ta rất nhiều niềm vui. Chẳng hạn như thân xác ta có thể rút ra từ vũ trụ không biết bao nhiêu cái để nuôi sống và phát triển. Chúng ta đang ăn uống các hoa quả của mặt đất. Chúng ta đang an tâm bước đi trên vỏ trái đất. Để đáp ứng các nhu cầu của mình, chúng ta sử dụng nhiều đồ vật cứng hoặc mềm, bằng sắt, len, gỗ hay thuỷ tinh. Nếu vũ trụ không tặng cho ta những món quà này thì ta sẽ phải chịu thiếu thốn thôi.
Biết nói gì về những niềm vui mà giác quan, con tim và tâm trí của ta tìm được trong thế giới! Các tia sáng phản chiếu trên mặt nước, cảnh hoàng hôn đỏ ửng, khúc hát của chim muông, hương thơm của bông hoa, tiếng trẻ bi bô, một gương mặt tươi cười, hết thảy đều là nguồn đem lại niềm vui. Được vậy là do có vũ trụ vật chất. Ngay cả đến các hình thức cụ thể biểu lộ tình yêu cũng sẽ không có được nếu không có những thân xác vật chất.
Tuy nhiên, cái vũ trụ này cũng đồng thời là nguồn sinh ra đau khổ. Chính vì thế cần phải nhớ rằng các định luật vật lý nhất thiết phải luôn luôn như vậy, dù đem lại điều tốt hay điều xấu. Cho nên thật là may mắn khi đá phải nặng, và không thể thay đổi bản chất tuỳ tiện được. Vì nếu các nguyên vật liệu có thể thay đổi theo những luật lệ thất thường thì nhà cửa và cầu cống sẽ sụp đổ tan tành.
Thế nhưng khi một viên đá, tuân theo luật trọng lượng, rơi ra khỏi mỏm đá, đập vào một khách qua đường thì lúc ấy người này trở thành một nạn nhân của các định luật trong vũ trụ. Cũng thế, nước sôi giúp ta nấu nướng nhưng một khi đổ xuống trên cơ thể của đứa trẻ, có thể làm cho nó chết vì bỏng.
Cái mà người ta gọi là các thiên tai – như động đất, núi lửa phun, sóng thần – chỉ là hậu quả của các định luật vật lý chi phối vũ trụ. Thí dụ như chuyển động của thuỷ triều là do lực hấp dẫn nhau của các tinh tú. Các cuộc động đất là do vỏ quả đất trượt mà ra, vì vũ trụ vẫn tiến hoá mà! Nhờ trí khôn, con người càng lúc càng có khả năng hiểu biết các sức mạnh mù quáng của thiên nhiên, chế ngự và sử dụng chúng. Thác nước từ trên núi đổ xuống tàn phá tất cả mọi thứ. Nhưng khi được kỹ thuật thu lấy, nó sẽ cung cấp điện và các lợi ích khác nữa.
Ta đã thấy rõ rằng có nhiều đau khổ xảy ra là do ta tham gia vào trong vũ trụ vật chất, một vũ trụ mà nếu không tuân theo những luật lệ bất biến thì sẽ chẳng ích lợi gì cho ta.
Các bạn muốn có một vị chúa cứ luôn can thiệp để làm xáo trộn sự vận động bình thường của các định luật vật lý hay không?  Làm như thế là đòi có phép lạ xảy ra liên tục. Ta sẽ tha hồ bất cẩn vì đã có một đấng quan phòng luôn canh chừng để loại trừ mọi hậu quả đáng tiếc. Người lái xe chở khách hành hương đi Lộ đức có thể sẽ vi phạm mọi dấu hiệu đi đường một cách vô tội vạ, người thợ mộc sẽ chẳng cần đội nón bảo hộ, vì Chúa sẽ bắt chiếc xà đang rơi xuống đầu anh ta phải dừng lại ngay. Người ta sẽ chẳng cần đến bác sĩ giải phẫu nữa, bởi Chúa sẽ cho ống chân bị gãy được lập tức liền lại.
Nếu có một Đấng Tạo hoá can thiệp bất cứ lúc nào, một cách không hợp thời vào đời sốg con người, thì thử hỏi còn đâu là tinh thần lo xa, là ý thức trách nhiệm và, đơn giản hơn, đâu là phẩm giá con người?

3. Các đau khổ và giới hạn của con người
Cũng có những đau khổ do giới hạn của con người gây nên. Vì không phải là thần thánh, nên chúng ta không thể làm mọi việc; và đâu cũng chính là một nguồn sinh ra đau khổ.
Chúng ta muốn đi khắp bốn phương thiên hạ, viếng thăm mọi bảo tàng viện, chiêm ngưỡng mọi vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhưng chúng ta phải từ bỏ ước muốn này vì đời ta vốn ngắn ngủi  và vì có thân xác, nên ta không thể có mặt khắp nơi cùng một lúc. Và thế là đau khổ.
Vì có trí khôn nên chúng ta muốn biết hết mọi điều mà loài người biết, và hơn nữa, đi sâu vào bí mật của mọi sự; nhưng tâm trí con người phải tự giới hạn ở một vài lãnh vực nào đó. Chúng ta không thể chuyên môn về mọi thứ, và thế là đau khổ…
Chúng ta muốn ràng buộc cả xác lẫn hồn của mình với nhiều người mà mình yêu thương; thế mà việc dựng vợ gả chồng chỉ liên kết ta với một người mà thôi, vì tình nhân loại sâu đậm đến độ nó đòi hỏi phải có sự độc quyền và trung thành giữa hai người với nhau, và thế là đau khổ.
Chúng ta vốn thích giúp đỡ hết thảy nhân loại, nuôi dưỡng hết những ai đói khát, dạy dỗ những người thất học, thế mà chúng ta bị bắt buộc chỉ hoạt động tại một điểm rất nhỏ hẹp trên địa cầu này vì thể lực và nghề nghiệp ta có giới hạn: đó là nỗi khổ của biết bao thầy thuốc, kỹ sư, thợ thuyền, linh mục, người trẻ có con tim rộng mở đối với tha nhân!

4. Các đau khổ và tự do của con người
Nhất là có một mối liên hệ rất sít sao giữa sự dữ và tự do của con người. Không phải tất cả, nhưng đại đa số các đau khổ của loài người là do họ sử dụng tự do một cách bừa bãi, một điều mà đức tin Kitô giáo gọi là tội lỗi. Mọi tội chống lại Thiên Chúa đều là tội chống lại con người.
Con người chịu trách nhiệm phần lớn về sự dữ mà mình gây ra cho người khác và cho chính mình. Một bé gái 6 tuổi bị chết khi từ trên xe đưa đón bước xuống: đó là thảm cảnh do thiếu thận trọng mà ra. Một ông chồng, tức giận đánh gục tình nhân của vợ mình: đó là thảm cảnh do ghen tương mà ra. Một người mẹ gia đình bị gã bợm nhậu phang cho một ghế thành tàn tật suốt đời: đó là thảm cảnh của chứng nghiện rượu. Một ông lão tự tử và bị gia đình bỏ rơi: đó là thảm cảnh của cô đơn.
Có một quy luật quan trọng chi phối thế giới: đó là luật liên đới. Giữa các tế bào của cùng một cơ quan, giữa các chi thể của cùng một thân thể, có một định luật khiến chúng liên đới với nhau. Mắt không thể không cần tay, mà tay cũng chẳng thể thiếu chân.
Trong nhân loại cũng thế. Các thế hệ, nhất là bởi luật di truyền, tạo thành một cơ quan rộng lớn, một thân thể duy nhất trong đó mọi sự đều đặt làm của chung. Như thế các thế hệ trong quá khứ cũng có trách nhiệm đối với các thế hệ hiện nay và các thế hệ này lại chịu trách nhiệm đối với hậu duệ của họ. Một người đàn bà hút 30 điếu thuốc là mỗi ngày sẽ sinh ra một đứa trẻ yếu ớt hơn những trẻ con khác. Các bệnh viện tâm thần đầy dẫy những đứa trẻ bị suy nhược thần kinh, là nạn nhân của các cha mẹ nghiện rượu.
Định luật này cũng chi phối trong xã hội. Đã có một thời người ta coi nạn đói là một thiên tai mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả. Ngày nay sự suy dinh dưỡng của một phần lớn hành tinh chẳng phải là một tai hoạ không thể tránh được, mà chính là do phần còn lại kia của hành tinh phung phá các tài nguyên của họ. Trong sự dữ cũng như trong điều thiện, luôn có một sức mạnh lây lan. Có chiến tranh là do quyền lợi. Vô tuyến truyền hình, một phương tiện văn hoá tuyệt vời, có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến sự hư hỏng của các trẻ vị thành niên. Camus đã từng cảm thấy bị vấp phạm một cách rất hợp lý vì trẻ em bị bệnh dịch hoành hành. Trong thời đại chúng ta có biết bao thai nhi bị giết ngay trong lòng mẹ, những nạn nhân của nạn phá thai; có biết bao nấm mồ trẻ con, những nạn nhân của các cuộc chiến tranh giữa người lớn với nhau; có biết bao trẻ em bụng trương phù lên vì đói, những nạn nhân do thế giới ích kỷ; có biết bao người trẻ bị rối loạn tâm lý, những nạn nhân của các gia đình bị phân ly.
Như vậy tội lỗi, tức là sự từ khước yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, chính là nguồn sinh ra đau khổ. Người ta gây ra sự dữ cho nhau vì kiêu ngạo, ích kỷ, lười biếng, ham mê nhục dục… Kể từ khi những con người đầu tiên nổi loạn chống lại Đấng là Tác giả của sự sống, tội lỗi đã lan tràn như một con sóng đen phủ khắp thế giới, trùm lên từng đứa trẻ sơ sinh, và mỗi người lại làm cho con sóng ấy mạnh thêm với các tội lỗi của chính mình. Có một sự liên đới giữa con người với nhau trong sự dữ.
May mắn thay, còn có một sự liên đới trong sự thiện mang lại cho ta rất nhiều lợi ích thuộc đủ mọi lãnh vực. Chỉ cần nghĩ đến những gì mình mắc nợ với cha mẹ trong sự sống, lương thực và giáo dục thôi thì cũng đủ hiểu. Các bạn cũng hãy nghĩ tới tất cả các vị ân nhân của loài người qua các khám phá trong lãnh vực y học cũng như trong những lãnh vực khác đang phục vụ cho hạnh phúc của chúng ta hôm nay. Ta cần tới hết thảy mọi người khác để sinh sống, ăn mặc, giải trí, học hành.
Sẽ thật là vô lý nếu ta đòi hỏi Chúa rằng luật liên đới chỉ có tác dụng theo chiều hướng thuận lợi cho ta mà thôi. Bạn có muốn một Đấng Tạo hoá liên tục can thiệp lúc thì để trừng phạt kẻ giết người, lúc thì để chặn đứng một chiếc xe đang lao vào gốc cây, khi khác lại để bắt nạt một cậu thanh niên hút thuốc quá nhiều và đang bị ngộ độc vì thuốc lá? Lúc đó nhân loại sẽ là một bàn cờ với các quân cờ không có sức sống do một bàn tay vô hình điều khiển. Nếu con người bị ép buộc trở thành một người máy chuyên làm việc thiện, thì còn đâu là tự do, là công nghiệp, là sự cao cả của con người?
Thiên Chúa của Kinh thánh thì khác hẳn. Khi nhìn xem thế giới mà mình đã tạo thành, Người thấy mọi sự đều tốt đẹp. Người đã dựng nên con người có khả năng thực hiện tự do, sự tự do này là một kiệt tác mà con người phải thực hiện trong đời mình. Khi làm thế, Thiên Chúa rất liều lĩnh, chấp nhận nguy cơ xảy đến cho mình vì con người có thể chống lại Đấng tạo nên mình; đồng thời cũng chấp nhận rủi ro xảy đến cho con người vì họ có thể làm hại đồng loại của mình.
Do ý muốn của mình, Thiên Chúa đã không dựng nên một thế giới toàn hảo, xong xuôi, một loại “mì ăn liền”. Bởi vì tự do của con người gắn liền với cái còn dở dang, chưa hoàn tất. Khi sáng tạo một thế giới bỏ dở, Thiên Chúa muốn con người tự xây dựng chính mình bằng cách nỗ lực kiến tạo, dưới sự thúc đẩy kín đáo của Thánh Linh, một trái đất có thể cư ngụ được và đầy tình huynh đệ.
Về mặt này, Đấng Toàn năng đã hành động như một vị thị trưởng nọ, để tặng cho các bạn trẻ một mái ấm, cho họ cảm thấy như ở nhà mình, ông đã giao cho họ hoàn thành một ngôi nhà  đang xây dựng dở dang. Ông cung cấp cho họ phần lớn công trình là bức tường và mái nhà. Lớp trẻ còn phải làm nhiều việc phụ để làm cho tổ ấm thành nơi ở thoải mái. Khi làm việc, họ có thể gặp nguy hiểm như bị thương hay bị huỷ hoại thân thể. Thế nhưng, thật vui sướng biết bao khi có thể tạo ra nơi ở riêng cho mình và ghi lên đó dấu vết của con người mình!
Thiên Chúa không phải là một người cha độc đoán. Người không muốn ban hạnh phúc cho ta mà không có ta, Người cũng chẳng áp đặt lên ta một thế giới hoàn hảo xa lạ với ta. Người luôn tôn trọng tự do của con người cùng với các khả năng trí tuệ, ý chí và tưởng tượng để cùng một trật làm cho thế giới và bản thân được nên vẹn toàn.
Như ta đã thấy, vấn đề sự dữ phần nào gắn liền với vấn đề tự do của chúng ta. Chính tội lỗi phát xuất từ tự do của ta phải chịu trách nhiệm về sự dữ.
Đây là một lời giải thích đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn chưa đầy đủ. Bởi vì thật khó mà quy kết mọi hình thức của sự dữ cho tự do, như các tai hoạ lớn trong thiên nhiên, sự bất hạnh của người vô tội chẳng hạn. Cũng còn một câu hỏi mà ta sẽ chẳng bao giờ trả lời được. Tại sao là tôi? Tại sao tôi lại mắc bệnh ung thư? Tại sao con tôi lại bị tai nạn giao thông? Tại sao và tại sao lại là tôi? Chẳng thể có câu trả lời hiển nhiên. Có một mầu nhiệm về sự dữ. Ai sẽ soi sáng cho ta? Thiên Chúa có thể áp lực để ngăn chặn sự dữ không? Chúng ta đã rõ là không. Người hoàn toàn không muốn sự dữ, nhưng Người để cho sự dữ xảy ra và chỉ một mình Người có thể rút từ đó ra một ích lợi lớn hơn. Dẫu sao, đối  với chúng ta, Người vẫn thích hoạt động theo lối thuyết phục. Chính vì thế, Người đã gởi Con của mình là Đức Giêsu, đến thế gian. Chính Đức Giêsu cũng đã là nạn nhân của tội lỗi con người.

5. Đức Giêsu Kitô và sự dữ
Đức Giêsu không đến để giải thích cho ta biết ý nghĩa của đau khổ. Người đã đến để cùng chia sẻ khổ đau, và lấp đầy chúng bằng sự hiện diện của mình. Người bắt đầu bằng cách xoa dịu nỗi đau khổ của những người khác để bảy tỏ sự đồng cảm của mình. Đi tới đâu là Người chữa lành bệnh tật xác hồn đến đó. Đối với những ai gặp đau khổ, Đức Kitô đã thốt lên những lời hết sức trìu mến: “Hỡi những ai đau khổ và gánh nặng, hãy đến với Tôi, và Tôi sẽ cho nghỉ ngơi lại sức” (Mt 11,28). Bất cứ người nào tiếp cận với Đức Kitô cũng đều gặp được một người tri kỷ, một người đã từng đau khổ hơn ta bội phần, một bậc thầy đã chế ngự được nỗi đau của riêng mình, một vị Chúa đang mở ra cánh cửa hy vọng dẫn đến một thế giới tuyệt hảo.
Ai có thể nói được có bao nhiêu người tàn tật, bệnh hoạn, có bao nhiêu tâm hồn khổ ải, phiền muộn hay bị cắn rứt đã tìm được bình an nội tâm và sự thanh thản trong Đức  Kitô. Chị Bernadette Soubirous, nhà thấu thị ở Lộ đức, đã chẳng nói rằng: “Với cây Thánh giá trên giường bệnh khổ đau này, tôi lại thấy mình hạnh phúc hơn cả một bà hoàng đang ngồi trên ngai báu nữa.” Thật đáng ngạc nhiên, phải không bạn?

Sự đau khổ của Đức Giêsu hiển nhiên không phải là một sự trả thù của một Chúa Cha đã bị tội lỗi xúc phạm. Đức Kitô thay vì đưa ra đủ lý lẽ biện minh cho đau khổ đã tự nguyện liên đới với khổ đau của chúng ta. Khi nói về đau khổ, Người rất hiểu rõ. Người đã nếm mùi đói khát mệt nhọc sau những đoạn đường dài. Người đã đau khổ vì các bằng hữu thân tín nhất bỏ rơi mình, các địch thù thì rủa xả, những kẻ dửng dưng thì nhạo cười, sứ mạng có vẻ như bị thất bại, thân xác phải đau đớn kinh khủng trong cuộc khổ nạn, nỗi bồn chồn khắc khoải trước cái chết và là cái chết trên cây khổ hình. Đức Kitô là người anh em cùng chung khổ đau với ta, là nạn nhân vô tội của tội lỗi loài người.  Ước gì ai gặp đau khổ cũng biết đứng trước thập giá của Chúa Giêsu để tìm thấy trong ánh mắt của Người, nếu không phải là một lời giải thích về sự dữ mà minh đang gánh chịu, thì ít nữa là một sự bình an trong tâm hồn.

6. Phải làm gì với đau khổ?
Một thanh niên Kitô giáo xem ra được trang bị tốt hơn so với một thanh niên vô thần. Đối với người này thì đau khổ chẳng có chút giá trị nào. Nếu như người ấy cũng tìm cách xoa dịu đau khổ của những người khác, thì bản thân anh rất có thể lại rơi vào tuyệt vọng khi đứng trước đau khổ của chính mình.
Đối với người trẻ theo thuyết Mácxít cũng vậy. Ngay cả trong thiên đường vật chất, bệnh tật và chết chóc vẫn luôn còn đó, không thể giải thích được, như những tàn tích vô ích. Một người thợ trẻ theo chủ nghĩa Cộng sản, do gặp tai nạn nghề nghiệp mà phải chịu thiệt thòi suốt đời. Anh ta không thể tìm ra cho mình một ý nghĩa nào đối với đảng, sự tàn tật của anh là một điều không thể cứu vãn được nữa.
Còn người Kitô hữu biết mặc cho sự đau khổ của nhân loại một giá trị tích cực. Đối với anh, chết chưa phải là hết, nhưng như chúng ta sẽ thấy ở một bài khác, nó là một ngõ dẫn vào cõi sống, là một cuộc tái sinh. Bất cứ đau khổ nào kết hợp với sự đau khổ của Đức Kitô đều có một giá trị cho riêng người đó và cho cả tập thể nữa. Nó giúp mở rộng Nước Chúa trong nhân loại. Người thanh niên bị bại liệt cũng có ích cho việc loan báo Tin mừng như nhà truyền giáo nơi rừng rú: nhờ đức tin mà sự tàn tật của anh tuy vẫn là một sự dữ phải gánh chịu, đã có một giá trị cứu rỗi cho anh và người khác.  Nơi Đức Giêsu, sự đau khổ của con người trở thành sự đau khổ của Thiên Chúa. Đức Giêsu không hề lấy sự khổ não của con người làm vui, nhưng Người ban cho nó một giá trị và một ý nghĩa.

7. Đấu tranh chống lại sự dữ
Đứng trước sự dữ, rốt cuộc chỉ có hai cách phản ứng như của hai người trộm cướp cùng bị kết án với Đức Giêsu. Một kẻ thì nổi loạn, còn một kẻ thì vội vàng phó thác. Tuy nhiên, sự dữ xảy ra không phải để ta cắt nghĩa cho bằng để ta chiến đấu chống lại. Bởi chưng, hỏi có tổ chức nào lưu tâm đến đau khổ của nhân loại bằng Giáo hội của Chúa Kitô? Có biết bao nhiêu việc từ thiện mà Giáo hội đã làm ở khắp nơi trên trái đất này kể từ 2000 năm nay như săn sóc các bệnh nhân, dạy chữ cho người nghèo, chuộc lại những kẻ bị giam cầm, giúp đỡ những người di trú, những nạn nhân gặp thiên tai, cho những kẻ vô gia cư lưu ngụ trong nhà mình! Thử hỏi  có hiệp hội nào nêu ra được một thành tích như thế hay không?
Người Kitô hữu phải đặt mình vào vị trí tiền phong trong cuộc đấu tranh cho các quyền của con người. Anh phải làm cho đau khổ, sự khốn cùng và cái chết bị đẩy lùi ở khắp nơi. Anh là một chiến sĩ dũng cảm chiến đấu bất chấp các thương tích. Bởi vì anh xác tín rằng những nổ lục, những đau khổ và thậm chí cả những thất bại của mình đều giúp nhân loại sống hạnh phúc hơn trong Đức Kitô Phục sinh. Đành rằng, không một tôn giáo, một triết thuyết nào đã mang lại giải đáp thích đáng cho vấn đề sự dữ, nhưng mong sao những người không thuận tình với giải đáp của Kitô giáo về đau khổ có thể cống hiến cho nhân loại một điều gì đó tốt đẹp hơn!...
J.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét