Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

CHỮ HIẾU THEO KINH THÁNH

Chúng ta đọc Cựu Ước: Trong Mười Điều Răn Chúa, có bảy điều dân Chúa không được làm: chớ kêu tên Chúa vô cớ, chớ giết người, chớ tà dâm, chớ trộm cắp, chớ nói dối, chớ gian dâm, và chớ tham lam. Và có ba điều phải làm: Phải thờ phụng một Chúa, phải giữ ngày lễ nghỉ, và phải thảo hiếu với cha mẹ. Điều răn thứ 4 là điều răn được viết trên hàng đầu tiên của bia đá thứ hai mà Chúa viet cho Môsê trên núi Sinai: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ như Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi” (Đnl 5, 16; Xh 20, 12).

Nếu “Mười Điều Răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự (3 điều răn ở bảng 1), sau là yêu người như mình ta vậy (bảng 2)” thì ắt hẳn điều răn thứ 4, CHỮ HIẾU đứng đầu trong 7 giới răn ở “bảng 2”.
Chúng ta đã hát và nghe hát nhiều lần trong nhà thờ cũng như trong các buổi kinh tại gia, bài ca của Ben Sira viết vào năm khoảng 190-180 (TCN): “Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi. Ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Trí khôn người có suy giảm, con cũng hãy nể vì, đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng. Của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính. Vào ngày bĩ cực, công việc con sẽ được nhớ đến, như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi. Người lộng ngôn, khinh cha, dể mẹ là xúc phạm đến Thượng Đế, kẻ tác tạo nên họ” (Huấn Ca 3,3-4; 12-16). Tác gỉả Huấn Ca đã có những lời khuyên rất gần gũi, rất cụ thể, mang tính chất rất “mục vụ” về CHỮ HIẾU. Xúc phạm tới cha mẹ là xúc phạm tới chính Thiên Chúa. 2200 năm rồi mà vẫn thời sự, vẫn mới tinh, vẫn khẩn thiết cho ngày hôm nay.
Chúng ta cũng không quên câu chuyện hết sức thú vị về một nàng dâu hiếu thảo. Cô góa chồng sớm, tuổi còn trẻ, xinh đẹp, nết na. Mẹ chồng thương con dâu, khuyên cô về nhà cha mẹ đẻ, lấy chồng, xây dựng lại tương lai, xây dựng lại cuộc đời. Cô trả lời mẹ chồng trong tiếng khóc òa: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu con theo đó, mẹ ở đâu con ở đó, dân mẹ là dân con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu con chết ở đó” (Ruth 1, 16-17). Đó chính là Ruth, bà cố nội của vua David, tổ phụ về mặt pháp lý của Chúa Giêsu (Mt 1, 5).


Còn Tân Ước nói gì? Trước hết, Chúa Giêsu làm gương cho chúng ta về CHỮ HIẾU: “Ngài đã vâng phục ông bà” (Lc 2, 51). Và Chúa đề cao tấm lòng cha mẹ thế gian. Từ đó, Ngài mặc khải tình yêu của Cha trên trời: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt, 7, 9-11).
Còn đây là lời dạy của Thánh Tông đồ Phaolô về CHỮ HIẾU: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Eph 6, 1-4)

CHỮ HIẾU TỪ CÁI NHÌN ĐÔNG PHƯƠNG
Ca dao Việt Nam có câu: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Hay câu: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Rất mộc mạc, đơn giản, gần gũi, nhưng cũng rất sâu xa, chí lý khuyên ta cần giữ đạo làm con, giữ trọn CHỮ HIẾU.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu viết trong Lục Vân Tiên: “ Trai thì trung hiếu làm đầu. Gái thì tiết hạnh làm câu sửa mình”. Vẫn CHỮ HIẾU làm đầu.
Lý Văn Phức diễn nôm 24 gương hiếu đễ của người xưa bên Tàu thành thơ song thất lục bát của Việt Nam. Chúng ta vẫn gọi là “Nhị thập tứ hiếu”, gồm Hai mươi bốn câu chuyện, chỉ đề cao một CHỮ HIẾU.
Khổng Tử nói: “bách hạnh, hiếu vi tiên dã”. Trăm nết tốt, hiếu đứng trước vậy. Hiếu Kinh, bộ sách chính của Nho giáo nói về đạo hiếu được mở đầu như sau: “Hiếu là gốc của đức, là nguồn của giáo…thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, đó là kết cục của hiếu. Xét về hiếu, khởi đầu là lo việc song thân”. Lo như thế nào?
* “Thương cha mẹ đẻ ta khó nhọc” (Kinh Thư). “Mừng vì cha mẹ được thọ. Lo vì cha mẹ tuổi già”. (Luận Ngữ).
* “Sống phụng sự cho phải đạo, Chết mai táng cho phải đạo, thờ cúng cho phải đạo” (Luận ngữ).
CHỮ HIẾU là gốc của đạo làm người: thiên Học Nhi, sách Luận ngữ đã viết: "Làm người có nết hiếu, đễ thì ít ai dám xúc phạm bề trên. Không thích xúc phạm bề trên mà thích làm loạn thì chưa từng có. Người quân tử chăm chú vào việc gốc, gốc mà vững thì đạo đức sinh ra. Hiếu, đễ là cái gốc của đức nhân..."
Có lần một học trò của Khổng Tử là Tử Du hỏi về “hiếu”, Khổng Tử trả lời nghiêm khắc cho Tử Du, cũng là nói nặng với chúng ta hôm nay: "Điều hiếu ngày nay chỉ có nghĩa là có thể nuôi cha mẹ. Nhưng đến loài chó ngựa cũng đều được nuôi, nếu không có lòng kính thì làm thế nào phân biệt được" (Luận Ngữ). CHỮ HIẾU ở đây vừa có ý nghĩa là nuôi nấng, chăm sóc cha mẹ, vừa phải có lòng kính yêu, biết ơn cha mẹ, yêu thương rất mực đối với cha mẹ.

THAY LỜI KẾT
Thiết nghĩ người Kitô nào cũng chẳng những có thể theo Đạo Hiếu, mà còn bó buộc phải theo và giữ Đạo Hiếu. Giữ được điều răn thứ 4 cũng là giữ được CHỮ HIẾU. Có lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ, các bậc bề trên, ông bà tổ tiên, nguồn gốc của mình, thì chúng ta làm sao có thể không nhớ tới, kính yêu và biết ơn cội nguồn tối hậu của chúng ta là Thiên Chúa đầy lòng xót thương, là Cha thật của chúng ta? Và đạo Công Giáo không phải là đạo của lòng biết ơn, là Đạo Hiếu hay sao?

 Ngu lão Nhân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét