Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

NHÀ THỜ BẢO NHAM

Nhà thờ Giáo xứ Bảo Nham

Hình ảnh năm 1930
Địa chỉ :      Bảo Thành, Yên Thành, Nghệ An
Chánh xứ : Linh mục Martinô Nguyễn Xuân Hoàng


           Nhà thờ Bảo Nham được xây dựng từ năm 1888 - 1904 do linh mục người Pháp Adolphe Klinglé chủ trì, với kiến trúc gothic mô phỏng nhà thờ Lourds là một trung tâm hành hương nổi tiếng của nước Pháp.



Nhà thờ Bảo Nham là một công trình kiến trúc độc đáo với vật liệu chính là đá vôi được lấy từ một ngọn núi ở vùng Lam Sơn - Thanh Hóa. Đá được cắt ra và vận chuyển bằng đường sông về nơi xây dựng. Các tảng đá được khéo léo ghép lại thành ngôi nhà thờ. Trên chót vót đỉnh tháp là cột thu lôi dùng để chống sét và theo dõi hướng gió, có hình một con gà trống bằng hợp kim antimoin với hàm nghĩa cảnh tỉnh như Đức Giêsu đã báo trước cho Phêrô, 24 ngọn tháp nhỏ được khắc chạm công phu tạo thêm nét duyên dáng cho ngôi thánh đường vốn tĩnh tại uy nghi.

Bên trong nhà thờ, những vòm liên kết các gian được ghép bằng các viên đá lớn, đẽo gọt và lắp đặt rất kỹ thuật tạo thành những vòm cuốn vững chắc và không kém phần mỹ thuật. Các cửa sổ gương cũng được khảm bằng những bức tranh các thánh, lung linh rực rỡ dưới ánh sáng mặt trời. Tại tháp chuông có đặt ba quả chuông bằng đồng với trọng lượng 600kg, 300kg và 180kg được đúc từ Pháp, là quà tặng của em gái linh mục Adolphe Klinglé. Phía trước nhà thờ là hai cổng chào, bên trên có đặt hai tượng sư tử trong thế đứng oai phong.


Sự hiện thân của nhà thờ Bảo Nham là hậu quả tai hại của sự hiểu lầm rằng “Tả đạo Gia tô (Kitô) là đồng minh của Pháp” đã đem lại muôn vàn đau khổ cho Kitô hữu. Tuy nhiên Thiên Chúa biết rút cái thiện từ trong cái ác. Trong trường hợp cụ thể chúng ta đang nói đây về Lèn Thánh Đức Mẹ Bảo Nham, chúng ta thấy rất rõ bàn tay quan phòng đầy quyền năng và đầy nhân ái của Thiên Chúa và sự can thiệp hiệu quả từ lòng từ bi Mẹ Maria đối với con cái loài người. Chúng ta có thể nêu vắn gọn: “Nếu không có cuộc bách hại của Văn Thân, và giáo dân Bảo Nham không phải ẩn lánh vào trong ngôi lèn nầy thì đã không có hai di tích Nhà thờ Đá số một trong toàn cõi Đông Dương – và lèn Thánh Đức Mẹ Lộ Đức Bảo Nham nầy”. Quả vậy, theo lịch sử cũng như truyền thuyết qua hằng mấy chục thế hệ, từ cuối thế kỷ 19 tới thế kỷ 21 nầy, thừa sai Thông (Adolphe Klinglé), trước khi xuất quân vào giải vây cho Giáo dân Bảo Nham, đã dừng lại tại một nơi cách xa Lèn khoảng 200 mét, gọi là bãi Đình Hát, về phía Đông Nam. Ở đây Người đã tổ chức một giờ  cầu nguyện cùng Đức Mẹ Maria với lời khấn hứa trọng thể: “Nếu Đức Mẹ phù hộ công việc giải cứu con cái Bảo Nham trong tình trạng khốn quẩn 10 mất 1 còn nầy, Người sẽ xây một ngôi nhà thờ bằng Đá theo mô hình Lourdes của nước Pháp, quê hương Người”. Và Đức Mẹ đã nhậm lời. Ngày nay trong con cái Bảo Nham không một ai không biết rằng cha ông mình đã được Đức Mẹ cứu sống một cách kỳ diệu, và mình hiện hữu hôm nay, trong quê hương nầy, là hệ quả tất yếu của ơn cứu sống đó.

Và cố già Thông đã giữ trọn lời khấn đó: Người đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ đá vào năm 1888, nghĩa là 5 năm sau ngày nhận được ơn giải cứu của Đức Mẹ cho giáo dân Bảo Nham.



KỲ VĨ NHÀ THỜ ĐÁ VÀ LÈN ĐÁ BẢO NHAM
Cách quốc lộ 1A khoảng 15km và cách thành phố Vinh chừng 50km, Nhà thờ đá và Lèn đá Bảo Nham nằm trên quốc lộ 7A, thuộc giáo xứ Bảo Nham, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành.  

Theo lịch sử cũng như truyền thuyết, Nhà thờ được cha Adolphe Klinglé - một linh mục người Pháp đến đây truyền đạo vào khoảng những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 19, và giáo dân vùng Bảo Nham khởi công xây dựng vào mùa thu năm 1888 và sau 16 năm xây dựng, đến mùa xuân năm 1904 thì hoàn thành, chính thức đưa vào phục vụ thánh lễ cho bà con giáo dân quanh vùng.
Nhà thờ được xây dựng theo kiểu kiến trúc Gô-tic, lấy mẫu từ nhà thờ Luôc-xơ của Pháp. Nền móng được xây dựng bằng đá lấy từ lèn đá xã Long Thành, cát sỏi được lấy từ khe Bộng xã Bảo Thành. Tường được ghép bằng đá Ga-rit mang từ núi Lam Sơn - Thanh Hóa về qua đường sông. Những người thợ xây dựng được tuyển chọn khắp Đông Dương.
Đó là một ngôi Thánh đường bằng đá đồ sộ đứng hiên ngang với những tháp chuông cao vút. Chiều cao của Nhà thờ là 37m, chiều rộng là 14m. Tháp chuông cao nhất là 28m, với 3 quả chuông được đúc bằng đồng. Quả chuông nặng nhất là 800kg, chuông thứ hai nặng 400kg và chuông thứ ba là 180kg. Ngoài ra, vòng quanh mái ngói còn có 24 tháp nhỏ bằng đá mang nét kiến trúc cổ xưa của Cố đô Huế, mỗi tháp cao 2,5m. Và đặc biệt, trên đỉnh tháp có gắn một con gà được làm bằng hợp kim Ăngtimon dài 0,8m, rộng 0,35m, có thể quay theo chiều gió. Phía trong là những mái vòm được cuốn tròn và được ghép bằng những tảng đá to. Các cửa sổ của nhà thờ được khảm bằng những bức họa bởi những phiến đá lớn nhẵn và trơn. Phía trước là hai cổng chào cõng trên lưng hai chú sư tử đá oai phong lẫm liệt, ngày đêm canh giữ và bảo vệ nhà thờ được bình yên. Có thể nói, đây là một trong những nhà thờ bằng đá lớn ở xứ Đông Dương và có mức độ thẩm âm tốt nhất so với các nhà thờ khác ở Việt Nam.
Nếu du khách có dịp ghé thăm Thánh đường vào những ngày hè oi bức, nắng như đổ lửa sẽ cảm nhận được một luồng không khí mát rượi tỏa ra từ những phiến đá ong lớn, xua tan mọi sự nóng bức, khó chịu. Và khi mùa đông tới, ngôi Thánh đường lại mang đến cho ta cảm giác ấm cúng kỳ lạ.
Chưa hết, thiên nhiên còn ưu đãi cho Bảo Nham một khu lèn đá cũng đáng tự hào không kém, một danh thắng tuyệt đẹp gắn với những câu chuyện về con đường tử nạn của Chúa Giê-su, gọi là Lèn Đá Bảo Nham mà giáo dân nơi đây thường gọi là Lèn Thánh Đức Mẹ Lộ Đức Bảo Nham với ý nghĩa là hang Đức Mẹ hiện ra. Lèn đá cách Nhà thờ khoảng 200m, có những đường hang động kỳ vĩ xuyên từ chân lèn lên tới đỉnh. Diện tích tổng thể của lèn là 5678m2, khu vực ao sau Vườn Thánh rộng 415m2, chiều cao tính từ mặt đất đến đỉnh lèn là 40m. Tận dụng vẻ đẹp của lèn đá, người dân và những vị linh mục về đây quản nhiệm xây dựng một đường bậc thang bằng đá lên tới đỉnh và mở lối xuống vòng phía sau chân lèn. Hai bên đường đi là các bức tượng lớn miêu tả 14 chặng đường Thánh giá, làm thành một tuyến đường tham quan và hành hương cho du khách.
Đường đi lên có 171 bậc uốn cong cong hình chữ S, như đầu và thân của chú rồng con uốn mình bám lấy lèn do Cha Phêrô Nguyễn Văn Hanh thiết kế và xây dựng trong khoảng những năm 1947 - 1950. Bước lên bậc thứ 91, trước mắt du khách là chặng đường Thánh giá thứ nhất, nơi có hang đá bán lộ thiên đặt tượng Đức Mẹ Lộ Đức và bàn thờ dâng lễ. Hang được hình thành tự nhiên có hình mái vòm với những hoa văn lồi lõm, màu sắc phong phú, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn, linh thiêng, mờ ảo của Cung Thánh. Cửa hang cao 6m, rộng 5.4m, chiều sâu tính từ cửa hang vào chân bàn thờ là 14m. Bên cạnh hang bán lộ thiên là một hang nhỏ đặt tượng Lòng Thương Xót Chúa, diện tích khoảng 8m2.
Nếu như đường lên lèn được ví như đầu và thân và đầu rồng thì đường xuống phía sau như cái đuôi rồng gồm 137 bậc, do cha Phêrô Nguyễn Văn Duyệt thiết kế và xây dựng năm 2000. Bước xuống 69 bậc là Vườn Thánh với hồ nước và cây cối xanh tươi, nơi du khách có thể ngồi dưới bóng mát để suy tư, thả hồn vào thiên nhiên.
Mùa lễ về hay năm mới đến, ở đây còn được tô điểm thêm bởi những đêm lễ hội truyền thống, tô thêm vẻ đẹp của một miền quê yên tĩnh.
Từ lèn đá Bảo Nham, du khách có thể trông ra bốn hướng, tận mắt chứng kiến vẻ đẹp trù phú của những làng quê của các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, xinh xắn được bao bọc bởi những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Và phía xa xa, có một dòng sông chở nặng phù sa bồi đắp cho những cánh đồng thêm màu mỡ, đem lại những mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây. Thật là một địa danh sơn thủy hữu tình.
Khi đến du lịch Yên Thành, ngoài Nhà thờ đá và Lèn đá Bảo Nham du khách còn có thể ghé thăm các di tích, danh thắng nổi tiếng khác như Chùa Gám (Xuân Thành), Đền Đức Hoàng (Phúc Thành) …
Nhà thờ đá và lèn Bảo Nham không chỉ là một nơi thờ tự, nơi sinh hoạt văn hóa của giáo dân quanh vùng mà còn là một công trình văn hóa mang tính kiến trúc nghệ thuật cao, một công trình tuyệt diệu, lưu danh hậu thế, có một không hai trên dải đất miền Trung nắng gió này.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, Nhà thờ đá và lèn Bảo Nham vẫn còn nguyên vẹn và trở thành một điểm du lịch đầy tiềm năng của Nghệ An nói chung, Yên Thành nói riêng. Thời gian qua, mỗi năm đã có hàng trăm ngàn lượt khách du lịch về đây hành hương, tham quan, nghiên cứu và chiêm ngưỡng. Để khai thác tốt những giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của Nhà thờ và lèn Bảo Nham, trong thời gian tới, địa phương cần có sự đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi để giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế biết thêm về điểm du lịch này.
 Đinh Hương
 http://www.ubndhyenthanh.nghean.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1583

1 nhận xét:

  1. chúa mẹ la gia nghiệp dời con.xin hãy ban binh an cho cong doàn gx bảo nham

    Trả lờiXóa