Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Góc nhìn

Mình có hai sự trải nghiệm nhỏ nhặt có thể gọi là vớ vẩn, trẻ con nhưng đã gây ấn tượng và tạo nên một góc nhỏ trong cách sống và quan niệm sống cá nhân.
Trải nghiệm thứ nhất:
Năm 1992 mình đang sống ở Đức (lúc đấy còn là Tây Đức). Vào thời gian này có nhiều người Việt từ Đông Âu và Việt Nam đến nhập cư. Mặc dù không giỏi dang hoặc có năng lực gì đặc biệt, mình cũng cố gắng tranh thủ giúp đỡ nhiều người một số khúc mắc lặt vặt trong cuộc sống thường ngày về giấy tờ, hồ sơ xin cư trú, sinh con, -đăng ký hôn nhân, về thông dịch, đường đi nước bước, ốm đau, bệnh viện … trong những ngỡ ngàng với điều kiện sống hoàn toàn mới của họ. Hàng ngày sau thời gian đi làm, thường hay có nhiều cuộc điện thoại gọi đến là điều hoàn toàn bình thường, Trong một thời gian có nhiều cú điện thoại gọi đến nhưng không bao giờ trả lời một câu, một từ nào hết, chỉ nghe thấy những âm thanh phụ rất bé từ căn phòng chung cư nào đấy gần như yên lặng, duy nhất một lần nghe tiếng trẻ sơ sinh tự nhiên khóc thét. Sự việc diễn ra nhiều lần trong ngày [buổi tối], nhiều ngày trong tháng. Thời đấy chưa phải là điện thoại hệ digital, không kiểm tra được ai là người gọi.
Đấy là kẻ thù không lộ mặt? Của một ngưởi con gái đã vội lấy chổng và hôm nay đang thương thầm nhớ trộm đến mình chăng? Hay chỉ đơn giản lả một trò đùa chọc phá của kẻ nhàn cư? … Càng nghĩ, càng phát sinh nhiều giả thiết.
Mấy ngày đầu có thể nói mình còn giữ được bình tĩnh nên hỏi han tử tế, khi không có phản hồi bằng ngôn ngữ thì gác máy điện thoại, kế tiếp là không gác máy điện thoại nữa để cho kẻ gọi bị tốn tiền! Vì đối tượng không bao giờ cúp máy trước mình.
Sự việc vẫn đều đều tiếp diễn thường ngày. Nhưng sau đấy thì rất bực mình, tức tối có thể dẫn đến mất tự chủ. Muốn giải phóng năng lượng của sự hung hăng của tuổi trẻ, máu anh hùng[rơm], phóng khoáng của thời mới lớn bằng những lời quát tháo, những câu nói đểu hằn học, những câu mắng chửi thậm tệ … rất sẵn có và miễn phí trong kho tàng ngôn ngữ loài người.
May thay mình đã kịp hiểu ra rằng: Thủ phạm là ai? Thuộc đối tượng nào? Mình không thể xác định được, nhưng có một kết luận chính xác: Bất kể đấy là ai thì cũng là một người trong tình trạng bất an, không hạnh phúc, là người đang có [gặp] vấn đề. Bỗng dưng một niềm thương cảm trào dâng với kẻ được nghĩ lả ”Nạn nhân” này. Đấy là người đáng tội, không đáng trách. Thái độ với họ hoàn toàn thay đổi bằng những lởi tận tâm, bằng sự yêu thương công bằng và luôn một chiều qua điện thoại. Sau một hai ngày thì sự việc này chấm dứt. Kết cuộc ra sao? Đến hôm nay mình không biết, và có lẽ ngàn thu không bao giờ biết. Điiều đấy không quan trọng, điều quan trọng là học được một điều từ sự trải nghiệm này: ”Thái độ và Nhân quả”.
Trải nghiệm thứ hai:
Có lẽ là vào khoảng năm 1990 hoặc 1991 gì đấy. Lúc đấy mình cùng một người bạn [HNT] thuê chung một căn hộ 3 phòng. Thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi, tán phét, tào lao, chém gió cũng bị cạn dần khi chưa kịp cập nhật, bị rơi vào tình trạng “Hết chuyện để nói” thì hay bày ra trò chơi, bằng cách khảo sát lẫn nhau để phân định Thắng| Thua qua những chủ đề mọi lĩnh vực: khoa học, kinh tế, chính trị, nhân vật lịch sử hay địa lý … chẳng hạn như Bao nhiêu nước trên thế giới? Dân số bao nhiêu? Thủ đô là gì? Ngôn ngữ ? thu nhập v.v… Mục đích cũng chỉ là giết thời gian, lấp vào lỗ hổng nhàn cư này [Thay cho những ly bia ở quán bar, những chầu rượu ngất ngây hoặc những “Tour anh hùng xa lộ” trên đường cao tốc] Điều kiện hướng đến sự thật, chân thiện mỹ [lúc đấy thì vốn hiểu biết của cả hai về những điều này còn trong tình trạng nhập môn] lấy công bằng và minh bạch làm trọng tài. Thế mà, lắm lúc cũng xẳy ra những tranh luận gay go kịch tính [tất nhiên trên lý lẽ của cuộc chơi, không ảnh hưởng đến tình cảm, danh dự cá nhân]. Trong đấy có một lần đã làm thay đổi quan niệm sống của mình, cho đến nay thỉnh thoảng trong một số trường hợp mình vẫn phải dùng đến bài học này vì vẫn chưa học xong.
Giả sử có một điều ước như truyện cổ tích và chắc sẽ được thực hiện, bạn sẽ ước gì?
HNT: Là một người thông minh nhất cổ kim trên hành tinh này.
M: Ước thành có nhiều điều ước [Tham, sinh lợi sau đấy sẽ được ước thoải mái.
HNT: Như thế không được, Đặt thêm vào quy tắc, không được ước điều này vì có vẻ bất công.
M: O.K bắt đầu lại từ đầu.
HNT: Tôi trở thành người khoẻ nhất thế giới. Tôi sẽ đánh chết ông nếu cần.
M: Nói gì, hễ ai ai cũng phải nghe theo kể cả tổng thống Mỹ. Tôi sẽ bảo: Bạn hãy cầm cái búa và tự đánh vào đầu. [Tham, quyền lực, đối đầu, hiếu thắng]
…….
HNT: Ước lại thêm một lần nữa, bây giờ bạn hãy nói trước!
M: [ Bị bí, cảm thấy rất khó tìm chiến thắng trọn vẹn. Giàu có? Không ổn, cướp bóc, bắt cóc .... Làm gì để không còn ai đố kị, ganh ghét tìm cách hại mình?] Và câu ước:
Tất cả mọi người trên trái đất này, đều được HẠNH PHÚC, tất nhiên bạn và mình cũng vậy. Ốm đau, không hạnh phúc. Đói nghèo, không hạnh phúc. Bất công, không hạnh phúc……
HNT: [Suy nghĩ, trầm tư] Xin thua.
……
Nội dung và kết quả Thắng-Bại của những câu đối đáp trên không có gì đáng nói. Ngay lúc đấy mình đã hiểu được một điều:
Thường xuyên phải tạo được một GÓC NHÌN. Tạm thời phân thân, tách ra khỏi thực tại hiện hữu trong lúc đánh giá và nhìn nhận sự việc sẽ nhìn được một hình ảnh đẹp hơn.
Trần Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét