Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

NÓI TỤC

Rất nhiều người Việt lương thiện ở mọi ngành mọi nghề, từ lao động lam lũ thật thà đến giới có vẻ trắng trẻo nhanh nhẹn thanh thoát có một thói quen xem ra không hay lắm, đó là nói tục. Gần đây, có một “hòa thượng” tên là Lê Quốc Hồ đã ra công đường khai bị mất 35 tỉ USD. Sư mà chứa tiền trăm bạc vạn thì chính danh phải gọi là sừ. (Tiếng Phú Lãng Sa nghĩa là quý ngài hoặc quý ông). Theo các phóng viên của nhiều báo thuật lại, me sừ Quốc Hồ nói tục “mả” không chịu được. Nói tục mà thành thạo mà tự nhiên tới vô thức thăng hoa thì gọi là văng tục. Hình như người Nam bộ còn gọi đấy là chửi thề.

“Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Văn Hành chủ biên định nghĩa: “Chửi thề là văng tục, xem như thói quen khi mở miệng”.

Tất cả những người bình thường khi ăn miệng đều hồn nhiên mở, vì đơn giản thức ăn của họ là thức ăn tử tế. Thật khác hẳn với những người xoay xở đang làm quan, miệng có gang có thép, nên khi nuốt thường ung dung chỉ cần ngậm miệng, thành ngữ cũ kêu rằng “ngậm miệng ăn tiền”. Tất cả những người ăn được tiền hầu hết đều không nói tục. Diễn văn diễn từ diễn thuyết của họ, giọng điệu thanh cao nhởn nhơ bay bướm. Những người bình thường nghe, bỗng thấy dễ chịu lâng lâng, nhiều người sướng quá thỉnh thoảng nhỡ mồm văng tục. Văng tục mà thành câu thành cú có đối có đáp, thì dân gian gọi là chửi nhau.

Trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam” của tiến sĩ Trần Ngọc Thêm dầy 670 trang in năm 1996, đã đem ra dạy các sinh viên khoa xã hội nhân văn, ở trang 320 có chép: “Với lối chửi có vần điệu, có cấu trúc chặt chẽ, người Việt Nam có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không hề nhàm chán. Đó là một nghệ thuật độc nhất vô nhị mà không một dân tộc nào trên thế giới có được”. Thế nhưng văn hoá chửi chưa hẳn đã phải đặc sản quá độc đáo của người Việt. Theo một khảo cứu nông nổi khuyết danh, thì trong các cuộc chiến tranh của người phương Đông khi dàn trận đánh nhau rất hay sử dụng một loại quân khá đặc biệt, đấy là những mạ thủ. Mạ thủ thường chọn những người giọng tốt, ngữ điệu chắc chắn phải cong cớn, đứng ngay ở hàng đầu gào to những lời tục tĩu kể lể xỉ mắng đối phương. Đại loại, lôi những chuyện hạ tiện thâm cung bí sử (tất nhiên có thêm thắt) của phía đối địch, rồi cao giọng bêu riếu. Bộ sử thi tiểu thuyết hoành tráng Tam quốc chí đã kể rất kỹ về cái kiểu đánh nhau như thế. Thậm chí không phải là quân mà chính ngay chủ tướng. Gia Cát võ hầu của nhà Thục, đích thân đanh đá mắng chết Tư đồ Vương Lãng của nhà Ngụy là một vụ điển hình. Đương nhiên tại Vương Lãng là một quan chức văn nghệ quá già lại còn quá ham sáng tác, hầu như không chịu đọc thể loại phê bình văn học, nên khi đột ngột bị nghe những lời độc địa sắc sảo rất dễ nhạy cảm, tăng-xông lăn đùng mà chết.

Trong lịch sử nước ta, một mạ thủ lỗi lạc đã được vinh danh, “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Mậu Ngọ (1378), An phủ sứ Lê Giác bị giặc bắt. Giác chửi giặc luôn mồm không thôi. Giặc giận giết chết. Việc tâu lên, truy phong Giác làm Mạ tặc trung vũ hầu. Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn: Bỏ sống để giữ nghĩa còn hơn là sống. Cầu sống mà chịu nhục, người quân tử không làm”. Cảm động thay những câu chửi, đã hơn 700 năm rồi, nhiều thế hệ của người Việt sẵn sàng tự nhận là thô lỗ để khát khao được nghe những lời văng tục từ các bậc trung thần nghĩa sĩ.
 Tục là chuyện thật nhiều người bàn, đặc biệt trong văn chương cũng rất hay được bàn. Văn mà chính khí thanh thoát cao nhã, lại được diễn tả bằng những chữ có vẻ tục, đa phần đều tới tầm kiệt tác. Ở ta, văn của ông Vũ Trọng Phụng là vậy. Thoại trong tiểu thuyết của ông có những câu chửi thề xuất sắc đến mức kinh điển. Chỉ xin lưu ý người đọc một điều nho nhỏ, ở ngoài đời ông Vũ nhã nhặn tận tình, hầu như chẳng bao giờ thấy ông nói tục.

Nguyễn Việt Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét