Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

SỰ CO CỤM.




SỰ CO CỤM – Biểu hiện của một xã hội thích trượt dốc không phanh?

Những năm gần đây, sự co cụm, được hiểu như là một sự tự giới hạn và tự thu hẹp các giới hạn của con người, đang diễn ra trên diện rộng. Biểu hiện của “co cụm” được nhìn ra trong mọi mặt của đời sống con người, là tác nhân gây ra sự suy thoái của xã hội. Bài viết này sẽ làm rõ các khía cạnh của hiện tượng “co cụm” ở Việt Nam.


1. CO CỤM TRONG NHẬN THỨC, TƯ DUY

Thị hiếu thấp kém: Sự tiến bộ hay xuống cấp của một nền văn minh được biểu hiện qua thị hiếu của con người trong nền văn minh đó. Thị hiếu thấm kém phản ánh nhận thức, tư duy thấp kém. Tiếc thay, thời điểm này ở Việt Nam đang chứng kiến một sự xuống cấp trong thị hiếu: Dòng nhạc tầm thường đang thịnh hành bởi sự dễ dãi của người nghe. Những “tác phẩm” văn học giải trí đang chất đầy trên kệ. Những web game đơn giản, dễ chơi, bị coi là “rác” đang tràn ngập thị trường…

Tư duy đóng, thiên lệch: Nhiều người tự đóng nhận thức của mình sau khi đã thu được một lượng tri thức nhất định. Tâm trí họ không còn cởi mở để tiếp thu những thứ mới mẻ, khác lạ mà bảo thủ, bám chấp vào cách nghĩ cố hữu của mình. Một số khác bị ám ảnh bởi kinh nghiệm bản thân hay những sự việc diễn ra quanh mình, hoặc bị tác động bởi truyền thông, nên khó nhìn nhận sự việc một cách khách quan. Sự khái quát vội khiến đám đông không phân tích được các khía cạnh của một vấn đề. Trước một sự việc khác lạ, họ ngay lập tức dùng quan điểm phiến diện để ủng hộ hoặc phản đối, làm thành hai phe để cãi nhau.

Né tránh những thứ phức tạp, trừu tượng: Những “chủ đề khó” vắng bóng trong các cuộc trò chuyện. Những bài viết dài, nhiều thuật ngữ không được đón đọc rộng rãi. Những ý tưởng táo bạo được coi là viển vông. Những suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống được cho là lý thuyết, sáo rỗng, giáo điều. Việc phát ngôn những điều tốt đẹp phản tác dụng vì bị phát xét là giả dối. Những bài văn không theo khuôn mẫu làm khó giáo viên trong việc chấm điểm. Con người chỉ tiếp nhận những thứ dưới tầm của mình, ít ai đủ sẵn sàng và kiên nhẫn để tiếp nhận những thứ quá tầm. Điều đáng nói là những thứ hơi phức tạp, hơi vĩ mô một chút đã nằm ngoài khả năng tiếp thu của họ.

Người ta còn nghi ngờ rằng sinh viên ngày ngay kém sâu sắc và “ngu” hơn so với sinh viên ngày trước. Và những giáo sư, tiến sĩ dường như cũng chẳng thông minh hơn. Bài viết “Trí thức lỏng” của Nguyễn Hiếu Blog cho biết, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á với 33000 trí thức có học vị giáo sư, tiến sĩ, nhưng từ năm 2000 đến 2006 nước ta chỉ có 19 bằng sáng chế, từ 2007 đến 2010 , còn 5 bằng. Năm 2011 không chứng kiến tấm bằng nào. Cũng năm này, TháiLan có 53 bằng, Malaixia có 161 bằng, Singapore 647 bằng, Đài Loan có 1981 bằng…Thực tế là đa số các thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam đều làm chức vụ hành chính,70% trong số họ không dính dáng gì tới khoa học. Lại một biểu hiện của sự né tránh.

2. CO CỤM TRONG CẢM XÚC, TÂM HỒN

Chạy theo những giá trị bề nổi: Không chỉ giới trẻ mà tất cả mọi tầng lớp trong xã hội đều có đại bộ phận chạy theo những giá trị bề nổi: Các cô gái quan tâm quá mức đến nhan sắc của mình. Những chàng trai ăn mặc chuyên nghiệp tưởng rằng mình đã chuyên nghiệp. Người lớn chơi trội với nhà lầu, xe hơi. Đồng tiền trở thành động lực chính. Xã hội coi trọng bằng cấp và địa vị..v.v..

Sự thờ ơ, thiếu đồng cảm: Ngày nay, người ta nghĩ về sự thờ ơ như là một thực trạng hiển nhiên, một đề tài quen thuộc để nghị luận trong nhà trường. Người ta làm ngơ trước cái xấu vì sợ liên lụy. Người ta không để ý đến cái đẹp vì quá bận rộn. Người ta không đồng cảm với người khác bởi vì chính họ cũng đang thiếu hụt tình thương. Thực tế, họ lãng quên bản thân và không biết cách tự yêu lấy chính mình.

Ít ai để ý rằng, trí thông minh là nhân tố làm nên sự đồng cảm. Đồng cảm là một sự mở rộng biên giới, một sự đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc của họ. Đồng cảm là biểu hiện của trí khôn, sự tiến hóa của con người. Người càng thông minh, càng có khả năng đồng cảm. Những người nhận thức rõ về bản thân, có đời sống tâm hồn phong phú là những người có chỉ số đồng cảm cao. Những người này có thể coi thù là bạn, họ không muốn hại ai, vì bản thân sẽ cảm thấy rất day dứt khi làm tổn thương người khác. Khi lòng đồng cảm vươn rộng biên giới ra khỏi loài người, là khi họ quyết định ăn chay, sống hòa hợp với thiên nhiên hay lên tiếng bảo vệ động vật... Sự thu hẹp biên giới hoặc biến mất của lòng đồng cảm biểu hiện sự xuống cấp của trí tuệ, đồng thời, là nguyên nhân của sự khô hạn, cằn cỗi trong tâm hồn.

3. CO CỤM TRONG NHÂN CÁCH, TƯ CÁCH

Đây là hệ quả tất yếu của sự co cụm trong nhận thức, tư duy, cảm xúc và tâm hồn. Con người phát triển hơn loài vật sở dĩ nhờ những yếu tố nói trên. Khi những yếu tố này co cụm lại, đời sống của con người cũng lùi gần về thú vật – hoang dã và đầy bản năng.

Sự sa sút trong nhân cách, tư cách thể hiện trong lối sống tha hóa, vị kỉ, chạy theo đồng tiền. Con người đầu độc nhau để kiếm lợi, ăn cắp nhau, lừa đảo nhau, không ai tin ai... Sự giả dối có mặt ở mọi nơi, từ gầm bàn lớp học đến quầy hàng ngoài chợ ; từ ghế đá công viên đến chồng hồ sơ trong văn phòng; từ quầy bar rộn ràng đến phòng họp trật tự… Xã hội đầy rẫy hàng giả và “người giả”.

Con người ngày nay không còn mấy niềm tin vào sự giúp đỡ của người khác. Họ trở nên vô cảm hơn để tự bảo vệ mình. Họ nổi loạn trước luật lệ và những truyền thống một cách mất tự chủ. Áp lực trước trách nhiệm, định kiến và “thực tế” khiến họ trở thành những con người hai mặt...

Tỉ lệ tội phạm đang gia tăng và mở rộng biên độ về số tuổi. Tệ nạn xã hội hoành hành từ thành thị đến nông thôn. Số vụ giết người đang gia tăng cùng với mức độ nghiêm trọng. Báo lao động cho biết trong năm 2012 nổi lên 7 loại tội phạm gồm tội giết người; các loại tội phạm cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo, trộm cắp tài sản– đây là hoạt động chiếm tỉ lệ cao, lên đến 60% trong cơ cấu tội phạm hình sự. Áp lực kinh tế và thiếu việc làm, môi trường sống nhiều bạo lực, cuộc sống thiếu lí tưởng, thói lười lao động, ăn chơi, đua đòi, đời sống thiếu sự quan tâm, chia sẻ… là những nguyên nhân khiến thanh niên hành động tự phát, sa ngã và phạm tội.

Tình hình tội phạm kinh tế cũng không kém phần trầm trọng, xuất hiện trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thuế, quản lý – sử dụng đất, kinh doanh trái phép…và gần đây là lĩnh vực công nghệ cao, một lần nữa cho thấy con người đang mù quáng chạy theo tiếng gọi của đồng tiền. Lòng tham là động cơ chính đẩy họ vào con đường phạm pháp. Bên cạnh đó, có rất nhiều nguyên nhân khác khiến người ta nối tiếp nhau bóc lịch: Sự xử lý thiếu nghiêm minh hoặc không kịp thời của các cơ quan chức năng, sự nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật trong một thời gian dài của tội phạm kinh tế là tiền đề để những người khác noi theo, bắt chước các hoạt động phạm pháp. Khó khăn về kinh tế cũng góp phần thúc đẩy hành vi kiếm tiền bất chính. Áp lực từ mối quan hệ với cấp trên, sự thiếu cẩn trọng trong công việc cũng dẫn đến các tình trạng sai phạm.

4. CO CỤM TRONG MỐI QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI

Đám đông cô đơn: Cô đơn là từ thường được dùng để diễn tả tâm lý chung của con người trong xã hội hiện đại. Thật kì lạ! Khi internet thu hẹp thế giới thành một ngôi làng nhỏ cũng là khi con người cảm thấy lạc lõng nhất. Mật độ dân số ngày càng tăng, nhưng khoảng cách giữa con người ngày càng xa. Trong đám đông, chúng ta một mình. Trong tập thể, chúng ta tách biệt. Giữa phố xá đông người, không ai chú ý đến ta. Mỗi người đều bận việc của riêng mình, thật khó để tiếp cận và làm mất thời gian của họ… Có thể dễ dàng nhận ra sự tách biệt của mình mỗi khi bạn ngồi trên xe buýt, bước chân vào giảng đường, một mình đi dạo trong công viên hay lang thang trong siêu thị. Kết thúc một ngày làm việc, bạn trở lại căn phòng của mình với 4 bước tường…

Thiếu liên kết: Bất kể sự hỗ trợ của internet và các phương tiện truyền thông, con người ngày nay đang sống với những kết nối rời rạc. Sự quá tải tri thức và những thông tin thừa làm hạn chế khả năng liên kết thông tin của mỗi người. “Bùng nổ thông tin” là cách diễn đạt có thể gây hiểu lầm cho người nghe bởi hàm ý tích cực của nó. Đáng lẽ nó nên được diễn tả như là một sự quá tải và nhiễu loạn. Ít ra thì điều này đúng ở Việt Nam.

Việc này tác động đến các mối quan hệ của con người như thế nào? Báo chí, với đầy rẫy tin giật gân, khiến con người hoang mang, đề phòng nhau và mất niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống. Chúng ta đang trả tiền cho những kẻ dắt mũi mình. Mối quan hệ giữa người với người vẫn đang lỏng lẻo và rời rạc. Những đám đông đang lên án nhau. Những nhóm người tiến bộ không biết phối hợp với nhau. Những nhân tài không được tập hợp lại. Những cá nhân có khát vọng, định hướng, tầm nhìn…đang phải lần mò tìm nhau giữa biển người.

Tác giả: Du Li



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét