Đàn
ông yêu rượu rồi quý rượu hơn cả tính mạng, xưa nay tuyệt đối không có
nhiều. Bọn họ tất thảy đều khác thường, đôi khi có những người cực kỳ
phi thường. Tiểu thuyết gia võ hiệp Cổ Long chẳng hạn. Mặc kệ tiền tài
danh vọng đang cuồn cuộn lên tới đỉnh, ông liên miên uống đến mức bị đau
gan nặng. Trước khi mất, Cổ đại hiệp có trối trăng lại là hãy chôn mình
trong tửu phần. Ngày đưa tang ông, bạt ngàn người hâm mộ cầm XO đến
phúng, trong vòng năm dặm quanh nhà tang lễ, suốt một tuần sóng sánh
nồng đậm toàn một mùi Whisky. Cổ Long không phải là trường hợp quá đặc
biệt, ở tửu sử Tàu có chép truyện “Trúc lâm thất hiền”, cả bảy vị hiền
nhân này hoặc quần ẩm hoặc độc ẩm, đều là những đại cao thủ về uống
rượu. Ba người đáng kể hào sảng hơn cả, đó là Nguyễn Tịch, Kê Khang và
Lưu Linh.
Theo
Tấn Thư thì Nguyễn Tịch (210 - 263) “Dung mạo khôi ngô, sở học uyên
bác, chí khí ngang tàng, ngạo nghễ tự tại, tự nhiên không câu nệ lễ
giáo, mừng giận không hiện ra mặt”. Tương truyền, ông có ghét ai lắm thì
mắt cũng chỉ hiện sắc trắng, còn trọng ai thì mắt long lanh ấm áp một
màu xanh. Bởi thế, khi trượng phu Từ Hải nhả lời “mùn cưa” Thúy Kiều đã
nương vào điển đấy mà bay bướm tao nhã “Bấy lâu nghe tiếng má đào. Mắt
xanh chẳng để ai vào, có không”. Bọn phàm phu bây giờ lười đọc, hoặc đọc
cũng không hiểu, tự ti cho là Từ Hải thích dùng điển để cốt khoe chữ.
Hỡi ơi, điển ấy có gì là hiểm hóc, chữ ấy có gì là tối tân, toàn câu
toàn ý chỉ giàn giụa trinh bạch một tấm lòng thành. Có phải thế chăng mà
nhiều đàn ông hôm nay tỏ tình vô cùng dung tục “Cưng ơi, lấy anh nhé”.
Thật là một thứ củi tạ vụt vào lưng lừa. Nguyễn Tịch viết “Đạt Trang
luận” rồi viết “Đạt nhân tiên sinh truyện” văn phong cồn cào sâu sắc
vạch mặt bọn đàn ông xấu xa thích đóng vai quân tử.
Người
thứ hai là Kê Khang (223 - 262) “Cốt cách long phụng, thiên chất tự
nhiên. Có kỳ tài, sớm mồ côi, thích cô độc, điềm tĩnh, ít ham muốn, nhẫn
nhịn khi bị xúc phạm. Ông tự học, không có thầy, đọc sách rộng chẳng có
gì mà không thông”. Sách Thế thuyết tân ngữ có kể. Vợ của Sơn Đào, một
trong bảy người hiền của rừng trúc, vốn phong thanh hâm mộ dung nhan của
Kê Khang lắm, bèn nói với chồng là muốn ngắm ông. Sơn Đào chiều vợ,
soạn bữa tiệc khoản đãi Kê Khang. Kê Khang vô tư uống say nằm ngủ, còn
vợ bạn nấp sau lỗ vách mà ngắm ông. Sáng hôm sau chồng vào buồng hỏi,
nghĩ sao về bạn mình, thì nàng đáp “Tài hoa của ông không bằng họ nhưng
trí thức thì ông đáng làm bạn họ”. Sơn Đào rưng rưng cảm động. Khi phải
tỏ lòng khâm phục một phụ nữ Chân Thiện Mỹ chỉ biết tinh tế trong trắng
yêu cái đẹp, thường hậu thế hay đem chuyện này ra minh họa.
So
với hai người bạn kể trên, Lưu Linh thuần thành phóng túng hơn nhiều.
Cuộc đời ông như một vệt sao băng thơm nức mùi men nếp nên không rõ ngày
sinh năm mất. Ông hình thể xấu xí, lúc uống có thói quen “nuy” một trăm
phần trăm. Ông yêu sách, thích du sơn ngoạn thủy thường dẫn theo một
thằng hầu vác thuổng thỉnh thoảng lại căn dặn “Ta có chết thì chôn ta”.
Lưu Linh tuy kiến thức mênh mông nhưng văn nghiệp truyền thế chỉ duy
nhất có bài “Tửu đức tụng” (ca ngợi những đức tính của rượu). Nói chung
phong độ cả ba ông, đám người sống sau vĩnh viễn không thể giải thích
nổi. Hơn nghìn năm nay, ở những bộ sách nghiêm túc nhất viết về triết
học Tàu, đều hoang mang để dành cho các ông một chương riêng.
Trong
lịch sử ẩm tửu Việt, những kẻ sĩ đức cao nổi tiếng về tửu lượng cũng
không hề hiếm, điển hình là danh nhân Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858). Ông
Trứ vì rượu mà hoạn lộ thăng trầm, lúc chót vót thượng thư lúc lè tè
lính thú. Thế nhưng ở bất cứ vị thế nào, hoặc ông say hoặc ông tỉnh, thì
nỗi lo cho dân cho nước vẫn luôn đau đáu. Có lẽ là do rượu có đạo lý
riêng của nó, đám học giả mang vẻ sang trọng chỉ quen nhấm nháp đưa đẩy
xã giao với rượu thì làm sao mà hiểu để chia sẻ. Tất nhiên rượu không
chỉ có đức, núp vào trong nó còn có tật. Bằng hữu quá chén đôi khi có
thể mất bạn. Đế vương quá chén đôi khi có thể mất nước. Tuy nhiên nghĩ
cho cùng, đấy là lỗi của “nhân đạo” chứ không phải của “tửu đạo”. Đại
thi hào Lý Bạch trong bài “Tương tiến tửu” có vinh danh những đàn ông
quý rượu hơn tính mạng bằng câu tuyệt cú “Cổ lai thánh hiền giai tĩnh
mịch. Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”. Một chủ quán bán rượu ở phố cổ người
Hà Nội gốc đã hỗn hào dịch “Xưa nay thánh hiền chìm đi cả. Chỉ bọn uống
rượu là để danh”.
Thật
ra, ở chân chính ẩm giả thì có danh hay vô danh cũng chỉ là bàn tán vớ
vẩn của đám nát chữ. Mà hình như với tửu đồ, nát chữ đương nhiên tệ hại
hơn nát rượu.
Nguyễn Việt Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét