Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

THỬ THÁCH

Một cô gái than thở với người cha về cuộc sống. Cô bảo cuộc sống thật khó khăn, đầy chông gai. Cô không biết sẽ đi tiếp thế nào. Cô rất mệt mỏi khi cứ căng thẳng mãi. Có vẻ như một vấn đề kết thúc thì một vấn đề mới lại nảy sinh.
Bố cô là một đầu bếp. Ông dẫn con gái vào nhà bếp, đổ nước vào ba chiếc bình rồi đặt lên bếp đun sôi. Bình thứ nhất, ông bỏ vào một ít cà rốt thái  nhỏ. Bình thứ hai, ông bỏ vào một quả trứng. Bình thứ ba, ông bỏ vào một ít cà phê xay. Và ông không nói lời nào.


Cô con gái nhăn mặt, đợi chờ một cách thiếu kiên nhẫn, tự hỏi bố đang làm gì. Sau 20 phút, ông tắt ba cái bếp. Ong vớt cà rốt, trứng và cà phê ra, mỗi thứ để riêng vào những chén khác nhau.Ông bố hỏi con gái:
Con nhìn thấy những gì? Cà rốt, trứng và cà phê phải không? Con hãy chạm vào cà rốt thử xem.
Cô gái cầm những mảnh cà rốt lên. Chúng rất mềm.
Con xem trứng đi!_ Ông bố lại bảo cô con gái đập quả trứng ra. Quả trứng đã được luộc chín và cứng hơn nhiều. Cuối cùng, ông bố bảo cô gái thử nhấm một ngụm cà phê. Cô gái thử uống và mỉm cười vì cà phê đặc và thơm.
Nhưng tóm lại là gì ạ?_ Cô gái vẫn không hiểu. Ông bố giải thích: mỗi thứ này trải qua một thử thách như nhau là  nước sôi, nhưng mỗi thứ lại “phản ứng” khác nhau. Lúc đầu cà rốt có vẻ cứng cáp và mạnh mẽ, nhưng sau khi bị đun trong nước sôi, nó mềm ra và mất đi sự mạnh mẽ của nó. Trứng lúc đầu rất dễ vỡ. Nó có một lớp vỏ cứng để bảo vệ phần bên trong rất lỏng và mềm. Nhưng sau khi bị đun trong nước sôi, phần bên trong của nó trở nên cứng lại. Hạt cà phê xay rất cứng, sau khi bị đun trong nước sôi, nó đã thay đổi chính cốc nước. Vậy con gái thân mến. Con giống thứ gì, cà rốt, trứng hay cà phê? Nếu một người giống như cà phê thì khi mọi thứ tồi tệ nhất có thể xảy ra, người đó vẫn tốt lên và làm cho mọi thứ cũng tốt lên…

Thử thách là lên cấp

Ở trong trường ta luôn luôn có các kỳ thi cuối năm, cuối cấp… Mỗi kỳ thi là một lần thử thách lớn, sàng lọc, loại ra một số người không đủ chuẩn và để những người khá hơn đi tiếp. Cứ thế, lên càng cao thử thách càng nặng và người thi cũng như người đậu càng ít. Cử nhân thì rất ít so với cấp 3, thạc sĩ thì rất ít so với cử nhân, tiến sĩ thì rất ít so với thạc sĩ.
• Trường đời thì cũng có thử thánh lớn, nhưng thường xuyên hơn, bất ngờ hơn, khó khăn hơn và đôi khi kinh khủng hơn các kỳ thi trong trường. Nhưng mục đích của các thử thách đời cũng chỉ là để sàng lọc, để càng lên cao người vượt qua càng ít, và đỉnh cao thành công chỉ còn lại một nhóm người.
Thế thì tại sao nhiều người lại hay phàn nàn: “Số tui con rận, năm vừa rồi bị đụng xe hai lần”, hay “Kỳ này xui quá, mất sở làm”, hay “Rất chán đàn bà, yêu đó bỏ đó”…?
Thử thách là để sàng lọc, để bạn lên một cấp cao hơn. Không phải là để bạn phàn nàn xui xẻo. Nếu không qua được, ít ra bạn cũng biết được sức bạn đến đâu để chuẩn bị thắng thử thách tới, không phải để kết luận “Cuộc đời tôi rồi sẽ tàn mạt, sẽ chẳng đến đâu.”
Hai lần đụng xe năm rồi có lẽ sẽ làm bạn lái xe giỏi hơn. Mất sở làm có thể là cơ hội có việc mới tốt hơn cho đời bạn sau này. Bị gài số de có thể làm cho bạn tốt hơn trong tương quan với phụ nữ sau này.
Ở đời chẳng có gì đáng gọi là xui cả. Chữ “xui” không có trong tự điển Tư Duy Tích Cực. Người còn thấy chữ “xui”, chữ “tồi” trong đời mình là còn tư duy tiêu cực quá mạnh và cuộc đời của người đó sẽ rất tăm tối, cho đến khi bỏ được chữ “xui” và chỉ thấy chữ “thử thách” trong tâm trí của mình.
• Thử thách ở đời khó hơn thử thách ở trường vì hai điều:
1. Thử thách đời luôn đến bất chợt. Bạn không dự đoán trước được để “gạo thi”.
2. Có rất ít nơi dạy bạn các vượt qua thử thách đời (như ĐCN làm).
• Nhưng đây là tin vui cho bạn:
1. Nếu bạn không vượt qua được một thử thách đời lúc này, bạn vẫn còn cơ hội để vượt qua như thường.
Ví dụ: Bạn bi gài số de và rất cay đắng về phụ nữ, bế quan tỏa cảng, và thề độc là sẽ không bao giờ quen biết thân thiện với một người phụ nữ. Sáu tháng như thế rồi, hôm nay bạn có thể quyết định thay đổi tư duy: “Ôi, bị gài số de cũng là chuyện thường tình, có lẽ vì mình tồi, có lẽ vì duyên số, có lẽ vì không hạp… Dù sao thì mình cũng không nên tự ái vặt như con nít và tiêu cực với đời, và mình sẽ kinh nghiệm và nhậy cảm hơn trong liên hệ với phụ nữ sau này.”
Hay, nhà hàng mới mở của bạn bị sập tiệm, bạn xem như là bạn có số con rận và thề sẽ không bao giờ làm thương mãi nữa. Nhưng 6 tháng sau bạn vẫn có thể đổi ý, suy gẫm lại tại sao mình thất bại, để chuẩn bị cho thương mãi tới.
2. Đường đời có vạn nẻo để đi, không phải chỉ có một đường như trong trường. Cho nên không vượt qua được đường này, bạn sẽ lấy kinh nghiệm tìm đường dễ thắng hơn mà đi.
Ví dụ: Bạn mở tiệm phở và bị sập tiệm, nhưng biết đâu dùng vốn liếng Anh văn của bạn mở lớp dạy anh văn thì lại thành. Hoặc mở quán cà phê nói (và cùng học) tiếng Anh.
3. Và vì đương đời vạn nẻo như thế, nên cơ hội thành công cho bạn lớn hơn trong trường, không thành sư phụ đường này thì bạn vẫn có thể thành sư phụ đường kia.
Chỉ cần vui vẻ hăng hái chiến đấu với mọi thử thách trên đường đi, mỗi ngày. Và từ từ nghiên cứu đường dễ thắng nhất cho bạn, tức là đường hợp với khả năng, tâm tính và ý thích của bạn nhất. Rồi đi đường đó, đến thành công.

Trần Đình Hoành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét