Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Bà Hường Xóm Đạo!


Tôi vô tình gặp lại bà trong một phiên chợ muộn. Bà cố gắng bước vội để kịp mua vài thứ lặt vặt trước khi bà chủ tiệm sắp đóng cửa hàng. Cực nhọc với cái lưng gù, lại không cầm gậy, những bước đi gập ghềnh của bà đã gợi sự chú ý và quan tâm đặt biệt của tôi. Thoáng nhìn bà tôi ngờ ngợ là đã từng gặp bà nơi đâu, đang cố gắng lục lọi trong tiềm thức hình bóng thân quen của bà thì bà cũng đã vào được cửa tiệm và đứng bên cạnh. "Cháu chào bác! Bác khoẻ không ạ!" Tôi lên tiếng. Bà quay lại tôi chậm chạp hỏi: "Ai kêu tôi àh!" Với cái giọng nói hạ nặng xuống đậm chất của người miền Trung và đôi mắt lạc lối đã nhắc tôi nhận ra bà ngay. Đúng là bà rồi, người đàn bà đứng tuổi tôi đã từng gặp của 20 năm về trước.


Hôm ấy ở khuôn viên trường Đại Học Christopher Newports News, trời nóng oi bức tôi rủ nhóc Nhi bỏ tiết học thể dục để về sớm đi biển cùng đám bạn trong trường. Thời ấy trong Đại Học chẳng có bao nhiêu sinh viên người Việt, nên có dịp tụ tập thì nó cứ như là ngày phát hội. Cả đám không một đứa nào muốn vắng mặt. Nhóc Nhi nói sẽ đi cùng nhưng nó muốn về nhà thay 1 bộ đồ thiệt xinh trước khi đi diện kiến đám bạn. Tôi chở nó về nhà. Nó mở cửa rón rén vào phòng và ra dấu cho tôi núp ở 1 góc trong nhà, dặn tôi đừng để cho mẹ nó thấy. Tôi cũng ngạc nhiên lắm nhưng nghĩ có lẽ vì 2 đứa về sớm nó sợ mẹ nó hỏi chăng? Nhưng thôi, tôi cũng không quan tâm miễn sao nó thay đồ cho nhanh ra đi chơi là được. Có giọng của một người đàn bà đang quát tháo ầm ỉ chửi rủa người đàn ông trong phòng ngủ. Bà lớn tiếng chua chát: "Ông! Ông cứ đi đi, tui có làm răng cũng đâu có níu kéo được ông? Mất con mới là nỗi đau lớn nhất của tui mà tui còn sống nhăn răng ra đây. Ông có đi hay ở cũng rứa thôi..." Người đàn ông chưa kịp trả lời thì bà lại xuống giọng nài nỉ nhanh chóng. "Mà tui nói cho ông nghe nè. Con Lan chết là không phải lỗi của ông, cũng không phải lỗi của tui. Hắn bị đánh chết ai mà biết được?” Bà sụt sùi khóc. Ri sau đó bà nói nhiều câu mà tôi không thể nào ráp lại vào thành một câu chuyện được. Bà nói đứt đoạn thỉu não: “Mà sao lúc đó nó không bơi nhỉ?”, “Ông ra ăn cơm đi, ngủ chi mà ngủ hoài rứa”… Rồi một tiếng choang như kiếng vỡ, nhóc Nhi mặt mày tái xanh chạy qua phòng mẹ nó. "Mạ ơi!" Vừa kêu nó vừa khóc. "Mạ uống thuốc rồi nằm xuống ngủ đi Mạ, tới giờ rồi kìa." Cũng vừa lúc đó tôi bỗng ngồi bật dậy hoảng sợ chạy theo nó vào phòng xem chừng có phụ giúp được gì không. Người đàn bà xô vội con Nhi vào 1 góc phòng vừa vung tay gián cho nó 1 cái tát kêu vang trời. Tôi chưa hiều gì hết vì người đàn ông mới nãy đây bà chửi rủa không hề thấy có ở trong phòng. Căn phòng ngỗ ngang, đầy ấp rác, áo quần và giấy báo đã bị xé nhỏ. Bà nhìn thấy tôi và đổi sắc mặt từ một người điên loạn mất trí qua một người hiền từ như là tích tắc trước đây 2 phút không hề có việc gì xảy ra cả. Bà nói: "Đứa mô đây bây? Bạn con Nhi hỉ? Răng mi không mời khách vô nhà chơi mi? Cái con ni hắn hư quá..." Rồi bà niềm n hỏi tên tôi, hỏi sơ lượt về gia đình. Xong bà khen tôi xinh và có cái tên rất hay, bà còn biết rõ Ba tôi là ai và rất vui khi thấy tôi làm bạn với con Nhi nhà bà.

Sau lần đó con Nhi tâm sự. Từ ngày chị Lan và anh hai Khang nó theo đoàn người ra đi vượt biên, một là tìm lại cha, hai là tìm lại một con đường sống. Trong đêm tối bão bùng, con tàu định mệnh đã không chịu nổi cơn giận dữ cuồng phong của bão tố, nó đã bị đập tan và cuốn mất chị Lan của nó. Theo anh Hai nó kể lại trong lúc kinh hoàng ấy, điều cuối cùng anh Hai còn nhớ là đang cầm tay em gái mình trong bóng tối như mực. Hai bàn tay bé nhỏ cứ khổ sở cố níu chặt vào nhau, tiếng hét thất thanh, tiếng khóc hong hốt của mấy chục mạng người giữa màn đêm ma quái chỉ có gió mà nghe. Chị Lan gào lên gọi tên anh: "Anh Hai cứu em! Anh Hai ơi! Xin đừng buông em ra..." Anh Khang cũng đã cố gắng lắm rồi, và anh cảm nhận được sức lực của anh cũng đã bắt đầu từ từ cạn kiệt, cái anh cố níu kéo đang tụt dần khỏi bàn tay anh. Anh đau đớn tuyệt vọng, con tim như ngừng đập, anh cố mở to đôi mắt như cố ghi nhận lại hình bóng của em mình, nhưng anh vẫn không nhìn thấy được gì trong bóng tối ngoài những hạt chấm trắng đang di chuyển chìm nỗi một cách vô thần. Anh cố vùng vẫy quờ quạng hy vọng nắm được một vật gì, trước khi bàn tay bé nhỏ của chị Lan vĩnh viễn vụt khỏi tầm tay anh, anh cảm thấy như là có một sức mạnh vô biên nâng đỡ anh hẳn lên khỏi mặt biển, đầu anh đập vào vật gì cứng lắm và mắt anh đã tự động nhắm ghiền.

Sáng hôm sau tàu đánh cá của hải phận Malaysia đã tìm thấy anh bất tnh nằm trên một khúc gỗ nỗi lềnh bềnh trên mặt nước. Anh đã được cứu sống và được đưa vào đảo Malaysia cùng một vài người may mắn khác. Anh tìm hỏi khắp nơi những người đã tìm được anh và những người còn được cứu sống thì bấy giờ họ điều im lặng lắc đầu. Chị Lan lúc này chỉ còn đọng lại với con tàu định mệnh xấu số ấy là một cái tên thiệt buồn. Cuộc hành trình dẫn em ra đi tìm cha, anh mới hoàn thành một nữa, nhưng đã trả một cái giá quá đắt là mất đi người em gái thân yêu. Phải mất một thời gian rất lâu sau đó anh mới hoàn hồn lại và không còn bị giật mình mỗi khi có ai đó vô tình gọi tên ai đó là Lan. Người trên đảo vẫn tìm thấy anh lang thang một mình trên đảo
kia mỗi chiều buông, mắt xé cay anh đứng nhìn xa xăm hướng ra biển cho đến gần sáng mới quay về...

Anh đã gặp lại Ba anh vài tháng sau đó đang ở chung với một người đàn bà khác mà Ba anh dặn là anh phải gọi người đó là Dì. Hung tin báo về cho Mẹ con Nhi, chồng bà đã có người đàn bà khác ở bên Mỹ, để lại bà bơ vơ với năm đứa con đủ loại tuổi, anh Khang lớn nhất lúc này chỉ mới tròn 22 tuổi. Con Nhi là Út được 11 tuồi. Đứa con gái thứ hai tên Lan xinh đẹp đậm đà có nét sắc xảo hao giống như bà, đuôi mi mắt cong vút đã từng làm bao nhiêu trai làng ngn ngơ, nay đã được làm mồi cho cá ở tui 19. Nghe hung tin xong thay vì vật vã đau đớn khóc lóc như bao nhiêu người khác, bà lại vui vẻ hẳn lên, nhảy cười múa máy lung tung, hát hò cả ngày, ca cải lương, ca vọng cổ, tự mình làm Tô Ánh Nguyệt rồi diễn luôn vai tuồng của Thanh Nga. Bà bật khóc bật cười chỉ có bà mới hiểu được là bà đang muốn gì. Người trong phố nhìn bà xót xa cay đắng, vừa mất chồng lại vừa mất con cùng một lúc đã làm cho bà không biết nên khóc hay nên cười? Có một điều họ biết chắc là bà đã thay đổi hẳn, bà không còn là chính bà của ngày hôm qua.

Vài năm sau hai người con trai kế tiếp theo gót anh hai và chị ba cũng vượt biển tìm tự do. May mắn lần này là họ thoát nạn. Vài năm sau đó họ cùng nhau tìm được mọi cách đưa mẹ và con Nhi qua. Con Nhi đã đi học và gặp tôi cũng từ đó. Những lần sau tôi gọi điện thoại đến cần tìm gặp con Nhi hay ghé thẳng nhà, tôi đã chứng kiến cái cảnh một người đàn bà với vóc dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, cái miệng luôn chửi thề và tay không ngừng đâp phá. Bà đập đổ tất cả những gì có trong tầm tay, vừa phá phách vừa nguyền rủa. Chán bà lại ngồi bệt xuống đất khóc lóc kêu gọi tên con rồi lại chửi chồng bà là người đàn ông khốn nạn. Những điều đó sau này đã không còn làm tôi hoảng sợ nữa. Tôi như cảm nhận được nỗi đau với bà. Tuy tôi chưa từng được làm mẹ nhưng thấy bà đau khổ tôi cũng thấu hiểu được tâm can tình mẫu tử bao la như thế nào. Dù bà có điên loạn đến đâu, quên mất giờ giấc uống thuốc hay ăn cơm, quên hẳn tên của bà hàng xóm bà gặp mỗi ngày, chẳng nhớ gì một tí nào đến người chồng bội bạc đã từng cùng bà sanh ra 5 người con. Nhưng một điều lạ, bà không bao giờ quên chị Lan. Đêm nào cũng đúng 9h tối là bà nói phải về phòng gọi điện hỏi thăm con Lan có khoẻ không. Ngoài ra tên các con còn lại bà kêu đúng phăng phăng. Ai bảo bà điên chứ tôi thấy bà rất ư là tỉnh táo. Một điều tôi khâm phục và mến bà là bà cũng không bao giờ lớn tiếng nạt tôi và gọi tên tôi rất ư là trìu mến thân thiện.

Sau đó tôi nghe nói bà phải vào viện vì tinh thần xuống cấp nhanh chóng sau cái đám tang đưa tiễn đứa con trai thứ Tư của bà về với Chúa. Lại một lần nữa không ai thấy bà khóc. Chỉ thấy đôi mắt vô thần, cười nói ngây dại với cái miệng mếu máo gượng cười, bà nói: "Hiếu hỉ, con cứ nằm yên đây rồi mạ sẽ ra thăm con mỗi chiều hỉ? Con có gặp con Lan chị con thì nhớ nói cho nó biết là Mạ nhớ nó nhiều lắm. Nói nó có rnh thì đi học bơi con hỉ? Hay con dạy cho chị con bơi cũng được..." Một lần nữa trong đời người đàn bà khốn khổ này lại tiễn đứa con thân yêu về nơi vĩnh hằng. Bà bình tĩnh và cứng rắn hơn tôi nghĩ. Khi tôi thấy con Nhi khóc đưa tiễn anh 5 của nó mà tôi còn khóc to hơn cả nó. Tôi d khi thấy ai khóc, tôi không cầm lòng được với sự chia ly. Tóc bạc đưa tiễn tóc xanh nhưng là một điều nghịch lý đã làm cho ông trời cũng cảm thấy bất công. Hôm ấy trời mưa tầm tả, cái không gian tĩnh mịch u buồn nay lại càng u ám hơn.

Con Nhi sau khi lấy chồng rồi mắc những căn bệnh nan giải cũng chẳng còn liên lạc với tôi và các bạn. Hỏi quanh thì biết bà đã vào viện của những người già. Vì cái tính đập phá của bà ngày càng trầm trọng. Tuy bà chưa từng thương tích ai nhưng họ vẫn lo là bà sẽ làm trọng thương đến chính mình. Bà đã từng bị gãy tay vì leo trèo cửa sổ, có lần còn định đốt nhà con Nhi trong lúc muốn nấu mì gói. Nặng hơn là bà gặp ai bà cũng bảo con Lan mặt áo tang trắng tối nào cũng về đứng bên cạnh bà, an ủi bà. Mọi người thương hại nhìn bà phỏng đoán ngày bà sớm ra đi để gặp lại chị Lan và anh Năm con của bà chắc là nay mai thôi.

"Ai kêu tôi àh!" Bà hỏi ngược lại. Tôi nhanh nhẹn trả lời: "Con Dung đây! Bác khoẻ không? Ai đưa bác đi chợ vậy?" "Ui chao ơi, Dung đây hả?" Vừa nói bà vừa cầm nắn nắn cánh tay tôi, "Cô to quá, mập quá, đeo kính đen, tui nhìn tưởng cái mạ mô?" Tôi bật cười, hình như mắt đang cay và cảm thấy vui lắm. Tuy nay bà đã già nhiều, không còn vung tay vẫy chân hay chửi ra, trí nhớ lúc này cũng đã là tệ lắm. Bà đã thay đổi hẳn tất cả từ tính cách cho đến cái nhìn bên ngoài. Và tôi cũng vậy. Chỉ có cái giọng miền Trung và đôi mắt vô thần là vẫn còn đọng lại trong bà....thăm hỏi đôi câu rồi tôi để bà đi chợ cho kịp trời tối... Tôi bước vội ra cửa đi nhanh về phía bãi đậu xe, trong lòng cảm thấy có một niềm hạnh phúc khó tả. Tôi tự mĩm cười cảm ơn đời, cảm ơn trời cho bà vẫn còn mạnh khoẻ và tuyệt vời nhất là bà vẫn còn nhớ tên tôi. Ai bảo bà điên mất trí nhớ, tôi không tin. Tôi nghĩ bà là người có trí nhớ hoàn hảo và khôn khéo nhất khác hẳn với những người quá là bình thường. Những kỷ niệm đẹp, và hay trong đời, những điều gì ưu ái nhất và hạnh phúc nhất mà bà yêu thương bà biết giữ lại trong tiềm thức. Và bà đã biết quên đi những điều đau khổ, cay đắng mà cuộc đời bất công đã dành cho bà...

Con Nhi cũng đồng cảm với suy nghĩ của tôi. Hai đứa ôm chặt lấy nhau không nói gì chỉ có những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má. Gió nhè nhẹ thoáng lạnh tạo một cảm giác thoải mái để cùng tôi rung lên điệu hò "Tôi đã gặp lại Nhi."


Truyện ngắn DK 04/15/13

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét