Một trong những chức năng quan trọng bực nhất về đời sống
thánh hiến mà Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói trong Tông huấn đời sống
thánh hiến là tính ngôn sứ.
Quả vậy, hiện diện giữa thế giới, đời tu đã, đang và sẽ là
lời ngôn sứ để làm chứng cho một thực tại : Làm chứng cho sự siêu việt của
Thiên Chúa, cho sự mãnh liệt của ơn cứu độ, và cho sự thánh thiện.
Ngày hôm nay, người ta có thể đến với việc nghiên cứu khoa
học, đến với chức vị giáo sư đại học, hầu giúp người ta tìm sự thật về cuộc
sống trần gian này, về thế giới vật chất, về thế giới của con người. Tuy nhiên,
đối với tu sĩ thì không hẳn như thế. Và có lẽ nếu những tu sĩ hiện diện ở giữa
thế gian này mà trước hết là để trở thành những người dạy dỗ con người thì thực
sự không cần. Người đó nên làm giáo sư thì hơn. Dẫu biết rằng có những tu sĩ
làm giáo sư và có những tu sĩ làm nghiên cứu khoa học nhưng đó không phải là
nhiệm vụ ưu tiên, đó không phải là chức năng ưu tiên… Tìm đến những chân lý về
thế giới này về cuộc sống con người, người ta có thể tìm ở chỗ khác. Người ta
có thể đến với những nghệ sĩ để tìm nơi họ một gợi hứng về cái đẹp. Các nghệ sĩ
ở giữa thế gian có thể giúp người ta thưởng thức cái đẹp. Cái đẹp trong các
ngành nghệ thuật khác nhau. Nhưng đến với một bà xơ già hay một ông thầy già
thì có lẽ người ta không tìm trước hết là cái đẹp. Nhiệm vụ trước hết và bao
trùm tất cả các lời ngôn sứ của người tu ở giữa thế gian này là lời chứng về sự
thiện.
Quả vậy, sự thánh thiện chính là sự siêu việt của Thiên Chúa
ở giữa cuộc đời này. Người tu sĩ có thể ngu dốt hơn những người khác, và cũng
chẳng trỗi vượt hơn người đời về nhiều lãnh vực ; người tu sĩ có thể không có khả
năng về nghệ thuật, không biết đàn ca hát hò, không biết viết văn…, nhưng người
tu sĩ hiện diện ở giữa thế gian này trước hết là nói về lời của sự thiện.
Thật vậy, nơi người tu sĩ, họ cần sống làm sao để điều đầu
tiên người ta có thể tìm thấy và phải tìm thấy nơi họ là sự thiện. Tuy nhiên,
trong cuộc sống này, người ta thường hay quên vấn đề này. Người ta hay đề cao
những kết quả của những hoạt động. Và vì quá đề cao đến những kết quả, nên người
ta quên mất cái quan trọng hơn là chất thiện ở trong các hoạt động đó.
Điều này cần phải được xem lại. Bởi vì để sống đời tu, tiên
vàn, người tu sĩ cần từ bỏ, kể cả tư tưởng hay học thuyết mình phát minh ra… Từ
bỏ để chỉ bám vào Đức Ki-tô là sự thiện tuyệt đối đã mặc lấy xác phàm và đến với
con người trong thế gian.
Như vậy, trong đời tu, chúng ta có thể không giỏi giang,
không có những khả năng đặc biệt về nghệ thuật, về tài ăn nói, lãnh đạo,… nhưng
đời tu đòi buộc những con người sống trong bực sống này luôn sống và hướng tới
sự thiện.
Chỉ có như thế những người sống trong đời tu mới có thể trở
nên chứng nhân cho sự siêu việt của Thiên Chúa, cho sự mãnh liệt của ơn cứu độ,
và cho sự thánh thiện của Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét