Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Có Chăng Một Cái Nghèo Nơi Người Trẻ



Thế giới mà con người đang sống hôm nay được mặc bởi chiếc áo hào nhoáng và tinh tế. Tuy nhiên, trong thế giới ấy, có những dấu chấm bất động của sự lạnh lùng. Sự lạnh lùng ấy có thể đến từ quá nhiều luồng thông tin khác nhau như  kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, giáo dục, tôn giáo, v.v. Lãnh hội một “hệ thống thông tin” vừa có tính hào nhoáng vừa được dệt từ vô số nguồn khác nhau, một số người trẻ có vẻ như đang choáng váng, ngột ngạt và đôi lúc có chút hoang mang. Chưa hết, vì cảm thấy “đói thông tin”, người trẻ đang có xu hướng cố gắng hấp vào trong mình càng nhiều thông tin càng tốt, để rồi khối óc của họ phình ra, trong khi trái tim thì bị co thắt lại... Sống với sự khập khiểng này, không ít bạn trẻ đã và đang đối diện với những chênh vênh của cuộc đời.
Từ khập khiểng…
Thông tin ngập tràn, phương tiện đầy đủ, người trẻ tự tin và có chút kiêu hãnh để đi vào trong thế giới siêu tốc của kỹ thuật số. Ở đó, họ tha hồ tự khẳng định mình. Họ cảm thấy thỏa mãn và xứng đáng lãnh nhận tất cả những thứ đó. Và như thế, cơ hội để được ôm trong mình những nỗi băn khoăn, lo lắng về sứ mạng phải sống thế nào cho đúng nghĩa, đúng với phẩm giá thiêng liêng và cao quý vốn có nơi họ là điều hết sức khó khăn.
Từ viễn cảnh ấy, chúng ta thấy rằng có không ít những bạn trẻ cảm thấy mệt mỏi, chán ngán và đơn độc. Sự mệt mỏi và đơn độc nơi người trẻ cho phép ta nhìn tới một tình trạng “nghèo đói”. Sự nghèo đói này của ngày hôm nay đã trở nên tinh vi đến thế ! Nó được bao bọc bởi nhiều ảo ảnh của cuộc đời, như Huấn thị xuất phát lại từ Đức Ki-tô của Thánh bộ đời sống thánh hiến (19.5.2002) đã nói : “Bên cạnh những hình thức nghèo đói cổ xưa, còn có những hình thức mới như : thất vọng vì cuộc sống vô nghĩa, tình trạng nghiện ngập ma túy, sợ bị ruồng bỏ vì tuổi già hay bệnh tật, sống bên lề xã hội hay việc phân biệt đối xử trong xã hội. Trong các hình thức truyền thống và hình thức mới, truyền giáo đầu tiên là việc phục vụ phẩm giá con người trong một xã hội phi nhân hóa, vì sự nghèo đói cùng cực và nghiêm trọng nhất của thời đại chúng ta là nhẫn tâm chà đạm lên các quyền của con người”( số 35).
đến sự cân bằng…
Như vậy, cái đói của người trẻ hôm nay là sự thay đổi và dạt vào trong sự thay đổi đó […]; để rồi Thánh Công Đồng nhắc nhở : “Những hoàn cảnh sống của người trẻ, những nếp sống tinh thần và cả những tương quan của họ với gia đình và xã hội đã thay đổi rất nhiều. Thường thường họ chuyển quá nhanh sang một hoàn cảnh xã hội và kinh tế mới…” (Apostolicam Actuositatem, số 12).
Tiếp nhận sự thay đổi ấy, một cách nào đó, người trẻ mất thăng bằng và trở nên nghèo.
Vậy chúng ta phải làm gì ?
Hơn bao giờ hết, người trẻ đang cần đến một sự hiện diện của một ai đó. Sự hiện diện của cảm thông và chia sẻ nhưng có chút tế nhị. Để rồi, nơi cõi lòng cô vắng, họ được khơi lại một cảm thức mãnh liệt về sự sống đích thực nơi họ. Và, trong hành trình sống, dù có bao nhiêu cuộc gặp gỡ, nhưng họ vẫn cần những cuộc gặp gỡ mang chút chân tình của một ai đó để chia sẻ tiếng nói thành thật nhất của con tim và của lương tâm con người. Hơn nữa, dù họ tiếp nhận những lời động viên khích lệ hằng ngày, nhưng họ vẫn cần sự đồng cảm tha thiết của một ai đó sẵn sàng ngồi lại với họ để đánh giá và lựa chọn những giá trị sống chân thực… Cuối cùng, dù những thông tin mà họ lãnh hội không thiếu, nhưng họ vẫn cần sự đồng hành hòa hợp của một ai đó để cùng đi với họ trên những nẻo đường tâm linh, tiến về cùng đích của vận mệnh con người…
để rồi hy vọng.
Như vậy, với cương vị là người đồng hành, “một ai đó” đóng vai trò hết sức quan trọng. Qua “một ai đó”, Giáo hội muốn thực hiện sứ mạng hướng dẫn đời sống đức tin cho những người trẻ.
Tuy vậy, tiên vàn, cần giúp những người trẻ ý thức về sự cân bằng giữa khối óc và con tim. Để trong cuộc sống, họ cảm nghiệm được rằng “tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế, sống trong cuộc đời này,  mọi người gắng giúp nhau để cho tâm hôn trở nên đẹp. Bạn giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng…”
Có như thế, người trẻ mới có thể tiếp tục lên đường, tiếp tục trải nghiệm trong hành trình nhân thế của mình. Và hơn thế, người trẻ có thể sẽ trở nên “chứng tá Tin Mừng mà thế giới dễ cảm nhận nhất là chứng tá về thái độ lưu tâm đối với con người và về lòng bác ái đối với những người nghèo khổ, bé nhỏ và khổ đau” (X. ĐTC GIO-AN PHA-LÔ II, Thông điệp cứu độ, số 42). Bởi vì mọi sự trở nên tốt hơn nếu chúng ta bắt đầu từ lòng yêu thương con người, tôn trọng phẩm giá và cả nỗi đau của con người…

Fx. Phan Dương, a.a.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét