Do nhu cầu của
Giáo hội, các bài thánh ca đã được các nhạc sĩ sáng tác rất nhiều, nhất là
trong những thập niên gần đây. Các bài thánh ca giúp ích và đóng một vai trò
nhất định trong Phụng vụ của Giáo hội. Khi đón nhận các bài thánh ca trong các
cử hành phụng vụ, Giáo Hội không chủ trương dùng thánh ca như phương tiện giải
trí hay thư giãn như trong các câu lạc bộ vẫn quen tổ chức. Nhưng thánh ca dùng
trong Phụng vụ có vai trò khác; nó giúp con người cầu nguyện và là trợ tá cho
các cử hành phụng vụ. Để có thể hiểu thêm về thánh nhạc, chúng ta đi tìm hiểu
một vài khía cạnh và vai trò của nó cho đời sống tu sĩ cũng như ý nghĩa truyền
giáo trong Phụng vụ của Giáo hội Công giáo qua các mục sau:
I/ Văn Kiện
Của Công Đồng Vaticant II
II/ Vai Trò
Của Thánh Ca Cho Đời Sống Tu Sĩ
III/ Nội Dung
Thánh Ca Nói Về Mission
IV/ Vài Nhận
Định
I/ VĂN KIỆN CỦA CÔNG ĐỒNG
VATICANT II
1/ Hiến Chế
Phụng Vụ Về Thánh Nhạc[1]
Ta thấy trong
Tân Ước, thánh Phaolô luôn khuyên nhủ các giáo đoàn chúc tụng Chúa bằng lời ca
tiếng hát: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca
do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19).
“Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy
dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem
cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca,
do Thần Khí linh hứng” (Cl 3,16).
A/ Giá trị của thánh nhạc.
Truyền thống
âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt
hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca,
góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong Phụng vụ trọng thể. Do đó Thánh Nhạc
càng liên kết chặt chẽ với hoạt động Phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy
nhiêu. Thánh Nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn, vừa cổ
võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng
nhằm làm vinh danh Chúa và thánh hóa các giáo hữu.
Hoạt động Phụng
vụ mang một hình thức cao quí hơn khi các việc phụng tự được cử hành một cách
long trọng, với tiếng hát do các thừa tác viên có chức thánh chủ sự và giáo dân
tích cực tham dự.
Giáo
Hội nhìn nhận bình ca là lối hát riêng của Phụng vụ Roma; vì thế, trong các
hoạt động phụng vụ, bình ca phải chiếm một địa vị chính yếu giữa những loại nhạc
ca khác. Nhưng Phụng vụ không hẳn là loại trừ các loại Thánh Nhạc khác, nhất là
loại đa âm, miễn là đúng tinh thần phụng vụ.
B/ Nhạc bình ca và dân tộc
Thánh ca bình
dân phải được khéo léo cổ võ để tín hữu có thể ca vang lên tiếng hát trong những việc đạo đức thánh thiện cũng như
trong chính hoạt động phụng vụ.
Ở một vài
miền, nhất là các xứ Truyền Giáo, có những dân tộc sẵn có một truyền thống âm nhạc riêng; nó đóng một vai trò quan
trọng trong đời sống tôn giáo và xã hội của họ. Tại những nơi này, phải quí
trọng âm nhạc ấy đúng mức, và dành cho nó một địa vị thích hợp, trong khi đào
tạo cho họ có một quan niệm tôn giáo, cũng như thích ứng năng khiếu của họ vào
việc phụng tự.
2/ Huấn thị
"De musica in sacra liturgia”[2]
Đây là huấn
thị của Thánh bộ Nghi Lễ, ngày 05/03/1967 về việc thực thi Hiến chế Phụng vụ.
Hội đồng này được thành lập theo lệnh Đức Thánh Cha để nghiên cứu kỹ càng các
vấn đề phụng vụ.
Đức Thánh Cha
Pio X gọi thánh nhạc là: Nữ tỳ của Phụng vụ, là thành phần cần thiết của phụng
vụ. Ngày nay, với Hiến chế về Phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã coi thánh nhạc là "thành phần
hoàn chỉnh" của phụng vụ. Như vậy, có nghĩa là: Phụng vụ mà không có thánh
nhạc, Phụng vụ còn thiếu sót. Và chúng ta có thể kết luận là: một nghi lễ Phụng
vụ chỉ được coi là đầy đủ và hoàn hảo, khi được cử hành với Thánh nhạc.
Không thể chấp
nhận những bản nhạc không ăn nhập gì với Phụng vụ, hoặc dài dòng lê thê làm
gián đoạn nghi thức Phụng vụ. Thánh nhạc góp phần và làm cho lễ nghi Phụng vụ
mang một hình thức cao quý và long trọng hơn.
Thánh nhạc làm
cho cộng đoàn tín hữu tham dự một cách linh động và tích cực vào Phụng vụ
Thánh, đồng thời Thánh nhạc cũng giúp cho tín hữu cầu nguyện và biểu lộ sự hiệp
nhất và tính cộng đồng trong Phụng vụ. Thánh nhạc diễn tả được tính phấn khởi
và niềm vui trong cử hành Phụng vụ, vì mọi cuộc họp Phụng vụ đều là cuộc
"họp mừng", là "tham dự và nếm cảm trước Phụng vụ trên
trời", "là nơi chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng
thanh ca ngợi tôn vinh Chúa" (PV 8), nhất là trong việc cử hành Lễ Tạ Ơn,
nơi đó hiện tại hóa "sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của
Người" (PV 6).
II/ VAI TRÒ CỦA THÁNH CA CHO
ĐỜI SỐNG TU SĨ
1/ Vai trò
thánh ca
Thánh ca mang
đặc tính cầu nguyện là để phụng sự Chúa và phục vụ cộng đoàn Dân Chúa, ca ngợi
Thiên Chúa là là Ðấng Chân Thiên Mỹ, là vẻ đẹp toàn mỹ được thể hiện hoàn hảo.
Do đó, thánh ca cần được hát với kỹ năng của nó và mang đặc tính cộng đồng ngay
từ những buổi sơ khai trong thời Cựu Ước cũng như thuở sơ khai của Giáo Hội.
2/ Lợi ích
của thánh ca
Chẳng ai lường
hết được giá trị của bài hát thiêng liêng. Các bài thánh ca đầy ý nghĩa sâu xa
có ảnh hưởng rất lớn đến nỗi làm cho con người vượt qua chướng ngại của thể xác
để nâng cao tâm hồn mình với Chúa. Thánh nhạc thường đem đến sự truyền giáo cho
chính mình để hiểu và tin những chân lý cốt yếu trong Kinh Thánh. Thiên Chúa
muốn cuộc đời thanh khiết của tu sĩ bớt phần khắc khổ nhờ nguồn mạch vui mừng
từ những bài ca vang lên không dứt. Các bậc anh hùng tử đạo thời đầu tiên của
Hội Thánh đã hát vang thánh ca hân hoan nơi pháp trường, Phaolô và Sila hát
trong ngục thất (Cv 16,25)... Đó là những bằng chứng tỏ ra Thiên Chúa làm cho
con cái mình vui mừng khôn xiết kể, mặc dù gặp nghịch cảnh nào.
Vậy, thánh ca
là động lực quí báu, là con đường vượt qua những sự xúc cảm dồn dập; biểu lộ
lòng thành kính của người hát ở mọi hoàn cảnh hay khi không thể nói ra lời. Hát
thánh ca chẳng những bày tỏ lòng vui mừng của kẻ tin, song còn rao truyền sự
vui mừng vào nơi thất vọng, dễ dàng mở toang tấm lòng để nhận lãnh ơn Chúa.
3/ Một ngôn
ngữ sống động
Có thể nói
tình yêu là ngôn ngữ chung cho con người thế nào, thì âm nhạc cũng là một thứ
ngôn ngữ phổ thông như vậy. Trên thiên đàng, các thánh hân hoan chúc tụng Thiên
Chúa Chí Ái, Chí Thánh, Chí Tôn, thì thánh nhạc lại là một nghệ thuật thánh,
một nghệ thuật bộc lộ yêu thương đã lên đến tuyệt độ, đã tràn đầy, đến nỗi
không còn cầm hãm được nữa, như trường hợp Mẹ Maria luôn âm thầm ôm ấp trong
lòng những gì Chúa tỏ ra cho Mẹ (x. Lc 2, 19; 51) cũng đã không cầm được mình
và đã phải thốt lên bài ca vịnh "Ngợi Khen" Magnificat "hồn tôi
hân hoan trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi" (Lc 1, 46)[3].
Quả thật, những điệu nhạc lời ca sẽ làm cho chúng ta thêm hứng khởi cuộc đời,
thêm lòng quyết chí hiến thân cho ơn gọi thánh hiến và truyền giáo.
4/ Thánh ca
theo dòng lịch sử[4]
Đời sống cầu
nguyện là đời sống của Hội Thánh được thể hiện cách liên lỉ nơi những cộng đoàn
tu sĩ. Trải qua dòng lịch sử cứu độ, con cái Thiên Chúa thường hay dùng những
lời ca tiếng hát để ca tụng Ngài. “Hát là cầu nguyện hai lần” – Ðó là câu nói
nổi tiếng của thánh Augustino làm cho thánh ca có một vị trí không thể thay thế
trong phụng vụ. Nếu như hát ở trong cuộc sống hàng ngày là biểu lộ những cảm
xúc của con người, để mong mang lại sự chia sẻ, cảm thông cho kiếp sống con
người, thì hát Thánh ca để ca tụng Thiên Chúa lại nâng chúng ta tới gần với
Chúa hơn. Và Thánh ca là một thứ diễn tả của Tình yêu vô biên, không bị giới
hạn bởi những hỉ, nộ, ái, ố của đời thường để hoàn toàn thuộc trọn về Chúa.
Thánh Ca nắm
giữ một vai trò quan trọng trong các lễ nghi Phụng Vụ của Giáo Hội. Ngay từ những
thuở xa xưa của thời Cựu Ước, trong các lễ nghi Phụng Vụ thời Tân Ước, và sinh
hoạt Phụng Vụ của Giáo Hội xuyên suốt 20 thế kỷ qua, thánh ca đã chiếm lĩnh địa
vị ưu thế không thể thiếu.
Theo Cựu Ước,
con trai của Adam: "Giu-Van là ông tổ của những người chơi đàn." (St
4,21). Trong Xh 15,1: "Bấy giờ Môi-Sen và con cái Israel hát mừng Giavê: Con xin hát
mừng Giavê, vì Ngài uy linh cao cả." Trong Tv 59,16 diễn tả về ca hát chúc
tụng Chúa: "Con sẽ hát ca uy quyền của Chúa." Còn theo Tân Ước, Chúa
Giêsu và các Tông Ðồ hát Thánh Vịnh (Mt 26,30) trong các buổi phụng vụ. Các
tông đồ khuyên tín hữu hát Thánh Ca khi vui (Gc 5,13) và cả trong những lúc khó
khăn, nơi bất tiện (Cv 16,25).
Như thế, qua
kinh thánh, ta thấy được vị trí đặc biệt của Thánh Ca trong đời sống phụng thờ
Thiên Chúa của dân Ngài. Thánh Ca đã đi liền và có một vị trí đặc biệt trong
Phụng Vụ đi liền với lịch sử con người. Thời kỳ Trung Cổ (450-1450) và Phục
Hưng(1450-1600), thánh ca đã chiếm địa vị ưu thế trong lãnh vực âm nhạc với thể
loại Bình Ca. Và trong các thế kỷ tiếp theo, Thánh Ca đi sâu vào quần chúng và
nắm giữ vai trò quan trọng trong Phụng Vụ. Sang thế kỷ 20, 21, Thánh Ca vẫn giữ
địa vị siêu việt trong Phụng Vụ của Giáo Hội. Thánh Ca còn du nhập thêm những
yếu tố âm nhạc mới lạ của các nét nhạc địa phương và thời đại, làm phong phú
hóa cho kho tàng Thánh Ca của Giáo Hội.
5/ Thánh ca
trong các dòng tu
Xuyên suốt
lịch sử Giáo hội, Thánh Ca đã chiếm một địa vị siêu việt trong Phụng Vụ để
phụng thờ Thiên Chúa và giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử âm nhạc của
nhân loại.
Kể từ khi các dòng tu ra đời,
nhất là các dòng chiêm niệm, các tu sĩ luôn dùng hình thức cầu nguyện bằng
tiếng hát. Kinh phung vụ là kinh chính thức của Hội thánh đã được các tu sĩ
chiêm niệm dùng thể thức âm nhạc bình ca mà ca tụng Chúa. Tuy nhiên điều này
cũng ít người biết đến và cũng không mấy tu sĩ khác thưởng thức được một buổi
hát kinh Phụng vụ đích đáng. Và ngoài thánh lễ ra, chỉ có một số tu viện hay
đan viên nào đó hát kinh phụng vụ. Các tu viện có thể hát kinh Phụng vụ đã làm
say mê lòng người vì phẩm chất nghệ thuật và giá trị cầu nguyện trong đó[5].
6/ Góp phần
cho đời sống cầu nguyện
Với các lời
khuyên phúc âm và là ơn gọi đặc biệt, đời sống tu sĩ là một đời sống thánh hiến
bước theo Đức Kitô. Các tu sĩ luôn kết hợp với Chúa bằng đời sống cầu nguyện và
thánh ca có vai trò giúp nâng tâm hồn cầu nguyện và là trợ tá cho các cử hành
phụng vụ. Vì vậy, âm nhạc không lấn át các cử hành phụng vụ, nhưng trợ giúp và
làm cho các cử hành trở nên trang trọng, hân hoan, nó giúp tu sĩ hướng lên cùng
Thiên Chúa, mục đích cao trọng của Thánh nhạc là: tôn vinh Thiên Chúa và thánh
hoá tâm hồn. Các bài thánh ca đóng một vai trò cần thiết trong nếp sống tu sĩ.
Thánh Ca tuyệt diệu đã mang đến những lời thuyết giảng đầy hấp dẫn. Thật vậy,
một số lời cầu nguyện tuyệt diệu nhất là được vang lên bằng những bài ca.
7/ Hát thể
hiện đặc tính ngôn sứ
Ngoài vai trò
chính yếu của phẩm chất tư tế, thánh ca còn thể hiện phẩm chất ngôn sứ nữa.
Điều này nhắc nhở những cộng đoàn Phụng vụ khi hát luôn nhớ đặt tâm tình mình vào lời ca
tiếng hát. Lời ca cất lên còn có bổn phận phải làm chứng cho Tình Yêu của
Thiên Chúa. Hát là một phương tiện, là những khả năng Chúa ban để ngợi khen
Thiên Chúa, và giúp cộng đoàn thờ phượng, cùng nhau dâng cao tiếng hát chúc
tụng ngợi khen Thiên Chúa. Những bài hát cộng đồng sẽ lôi kéo nhiều môi miệng
chung lời hát ca, không khí buổi Phụng vụ sẽ sống động biết bao!
Tiếng
hát sẽ giúp đỡ, dìu nâng cả cộng đoàn dân chúa lên với tâm tình yêu
thương, cảm thông, liên kết với nhau, tạo nên một sự hiệp nhất trong phụng vụ,
nơi mà Thiên Chúa luôn hiện diện mỗi khi chúng ta tụ họp vì Danh Người.
Cùng với tiếng hát, những người vừa rước Chúa vào lòng và sẵn sàng mang
Chúa đi khắp nẻo đường đời.
III/ NỘI DUNG THÁNH CA NÓI VỀ MISSION
1/ Truyền
giáo – Lý tưởng cao đẹp
Các bài thánh
ca truyền giáo có nội dung lấy từ những lời mời gọi của Đức Kitô trong Tân ước.
Các bài ca kêu gọi và ca ngợi việc truyền giáo một cách ngọt ngào và thơ mộng.
“Rao giảng Tin Mừng” là lời mời gọi của Đức Kitô: “Rao giảng Tin Mừng, hãy đi
rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”. Đi khắp thế gian để rao giảng Tin Mừng là
bổn phận và trách nhiệm của mọi Kitô hữu để làm cho toàn địa cầu reo mừng Thiên
Chúa với niềm hân hoan phụng sự Ngài. “Cùng vui bước” là lời mọi người Kitô hữu
nhắc nhở nhau “ra đi đem niềm tin, cùng dựng xây đời bác ái”. “Niềm hạnh phúc
ra đi” để làm cho “ân thiêng trên trời cao mưa tràn lan qua bốn mùa”, “tin yêu
gieo ngàn phương, muôn nơi hiệp thông, trái tim cuộc đời hồng tươi”. Do đó,
“chúng ta cùng đem tin mừng đi khắp đó đây, loan tin Chúa Trời yêu thương loài
người”. Kết quả đem đến là quy tụ dân riêng phân tán “thành một đoàn chiên, họ
sẽ đến reo vui và ca hát rồi cùng nhau tiến về hồng ân chúa và ngày ấy nữ trinh
sẽ nhảy múa, già và trẻ sẽ chung một niềm vui”, “biến đau thương thành vui
sướng”[6].
2/ Truyền
giáo - Bước chân cao đẹp
Một số bài
thánh ca truyền giáo ca ngợi bước chân rao truyền thật êm ái như đi vào chốn
cõi tiên: “Ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi, đẹp thay, ôi đẹp thay
những bước chân rảo khắp nẻo đời”. Và đồng lúa đã chín là hình ảnh một số bài
hát mô tả những bước chân truyền giáo sẽ tới và thu hoạch: “Ôi đồng lúa mênh
mông phơi mình dưới nắng hồng lúa đã trổ bông dâng ngàn sức sống, và người về
trong câu ca tay ôm bó lúa lòng mừng bao la”. Nhìn vào đồng lúa chín, quả thật,
không người nông dân nào không phấn khởi và hăng hái thu lượm vào kho lẫm.
Chính vì thế mà bước chân của những người thu lượm Tin Mừng thật hân hoan và
sung sướng: “Vinh quang những bước chân đi truyền rao Tin Mừng Cứu Độ, cho mọi
người khắp mọi nơi”, nơi thôn trang, nơi thị thành, nơi hang sâu, nơi núi
cao... để sưởi ấm cuộc đời, chiếu ánh sáng, dẹp tan tối tăm, loan báo tin bình
an, yêu thương cho muôn người...
3/ Truyền
giáo – Con đường chông gai
Nhiều bài hát
ca ngợi vẻ đẹp của những nhà truyền giáo, ví von nhà truyền giáo ra đi như với
những phương tiện hiện đại, có mọi năng lực trong tay mà không có điều gì là
không làm được. Tuy nhiên, con đường thơ mộng đó không phải được rải bằng hoa
hồng nhưng là con đường gồ ghề, đầy chông gai, cạm bẫy. Con đường đó là “từ bỏ
bản thân, vác thập giá mỗi ngày”[7]. Nhà
truyền giáo là người trước hết gánh lấy ách gông cùm, chịu cô đơn, đau thương,
bắt bớ cũng như gặp muôn vàn cay đắng. Bên cạnh những khó khăn bên ngoài nhà
truyền giáo là con người nên cũng gặp những khó khăn nơi chính bản thân. Người
truyền giáo buồn “vì sự rạn nứt nơi chính tâm hồn anh”, họ gặp Chúa vì những
“háo hức bên ngoài nhưng không gặp Ngài từ chính trái tim mình, nên chỉ thêm u
hoài rồi bước đi lạc loài”[8]. Cuộc đời truyền giáo
có những giằng co, muốn cho đi những vẫn muốn giữu lại điều gì đó. Điều làm cho
Chúa buồn là nhà truyền giáo không muốn giữ lại tình thân với Ngài vì vướng
nặng vật chất và thích đi qua cửa rộng. Theo ý mình, nhà truyền giáo “vất vả
suốt đêm mà không hề được một con cá nào” (Lc 4,4-5). Quả thật, con đường ra đi
truyền giáo trên thực tế gặp muôn vàn khó khăn mà không một lời ca nào có thể
diễn tả hết được.
4/ Thánh ca
– Lời cầu nguyện và diễn tả đạo lý
Có rất nhiều
bài thánh ca công giáo Việt Nam, đã được các nhạc sĩ sáng tác từ những năm 50 –
60, và có sự phân chia nhiều loại bài hát cho những mục đích khác nhau, diễn tả
cách sinh động khác nhau theo chân lý mặc khải. Phần lớn các bài hát ca ngợi
Chúa được diễn tả theo từng mùa phụng vụ, để diễn tả mầu nhiệm Đức Kitô. Nói cách khác chân lý được diễn ta theo cảm
xúc của con người qua âm nhạc, kêu gọi người kitô hữu trở về sám hối, tôn thờ,
ngợi khen, chúc tụng, cảm tạ cầu xin. Tất cả những điều đó đều diễn tả tình yêu
của Chúa và chính Ngài là núi đá cho con nương ẩn, Lời Ngài là sức sống, là ánh
sáng chỉ đường con đi. Một số bài ca về Đức Mẹ và các thánh, chúng diễn tả mẫu
gương cho mọi người noi theo và là cầu nối dẫn đưa mình về với Chúa. Và một số
bài ca kêu gọi lòng Chúa xót thương đến các linh hồn còn vướng tội. Các bài
thánh ca là những lời cầu nguyện có sức hút, nâng cao tâm hồn con người lên với
Chúa. Như thế, tất cả các bài thánh ca đều chuyển tải thông điệp của Chúa đến
cho người hát cũng như người nghe. Đây cũng là một cách thức truyền giáo hữu
hiệu vì nó dễ dàng chuyển tải chân lý đến với mọi người. Trong buổi tiếp kiến
các tham dự viên Hội nghị quốc gia các ca đoàn do Hiệp hội Thánh nhạc Santa
Cecilia của Italia tổ chức tại Roma trong hai ngày 10 và 11-11, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “Thánh nhạc
có thể nâng đỡ đức Tin và đóng góp cho công cuộc Tân Phúc âm hóa” và “nếu đức
Tin luôn phát sinh từ lắng nghe Lời Chúa, sự lắng nghe không đơn thuần dừng lại
nơi các giác quan mà đi từ giác quan đến trí và tâm. Hiển nhiên âm nhạc, và nhất
là bài hát, đem lại cho các bài Thánh vịnh và các bài ca Thánh Kinh một sức
mạnh thông truyền lớn lao”.[9]
5/ Vài hình ảnh trong
các bài ca truyền giáo
Hiện nay các
bài hát thánh ca được các nhạc sĩ sáng tác rất nhiều và nhờ các phương tiện
truyền tải hiện đại, các bài hát nhanh chóng đến được với mọi người. Nhờ thế, Phụng
vụ ngày hôm nay được thể hiện một cách sinh động với các bài thánh ca thể hiện
được ý nghĩa ngày lễ. Các bài hát truyền giáo thường mang lấy những hình ảnh cụ
thể, sinh động và lôi cuốn mọi người quyết tâm thực hiện việc Đức Kitô truyền
dạy: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28,19). Các
hình ảnh sau đây được khảo sát trong 70 bài thánh ca truyền giáo:
Hình ảnh
|
Số lần liệt kê
|
Tỷ lệ hình ảnh khảo sát (%)
|
Đồng lúa chín
|
15
|
21.4
|
Con đường
|
13
|
18.6
|
Bước chân
|
9
|
12.9
|
Gieo rắc lời
|
6
|
8.6
|
Muối
|
5
|
7.1
|
Xây đời bác ái
|
4
|
5.7
|
Nhịp chân
|
3
|
4.3
|
Nhân chứng
|
2
|
2.9
|
Dòng sông
|
1
|
1.4
|
Đất phù sa
|
1
|
1.4
|
Thợ gặt
|
1
|
1.4
|
Băng qua đồi núi
|
1
|
1.4
|
Lội suối
|
1
|
1.4
|
Lên nương
|
1
|
1.4
|
Hạt sương đêm
|
1
|
1.4
|
Tia sáng
|
1
|
1.4
|
Vòng tay
|
1
|
1.4
|
Lướt sóng
|
1
|
1.4
|
Thả lưới
|
1
|
1.4
|
Đuốc thiêng, Ánh đăng
|
1
|
1.4
|
Đường nở hoa
|
1
|
1.4
|
III/ NHẬN ĐỊNH
1/ Thánh
nhạc mang tính truyền giáo
Giáo hội từ
xưa đã nhìn thấy được tầm quan trọng của thánh nhạc. Các tông phụ, giáo phụ và
giáo dân đã sử dụng hình thức này trong việc cầu nguyện ngay từ thời kỳ đầu của
Giáo hội. Việc hát xướng mang lại niềm tin, lòng mến thiết tha hơn, do đó nó
mang tính chất chuyển tải chân lý mặc khải vào lòng mỗi người một cách hữu hiệu.
Hiến chế Phụng Vụ Thánh đã khuyến khích sử dụng những bài hát và thể nhạc dân
tộc ở những vùng có truyền thống âm nhạc. Những thể nhạc đó được lồng vào những
lời của Tin Mừng và nó sức thu hút, đem Tin Mừng đến với lòng người nơi đó một
cách dễ dàng. Các bài thánh ca Việt Nam đều có những nét trữ tình, đơn sơ mang
đậm văn hóa của người Á Đông dễ ăn sâu vào tâm khảm mỗi người. Và qua đó, Chân
Lý được thấm nhập và có sức lôi kéo người khác đến với Tin Mừng dễ dàng nhất.
Khi xưa, lúc chưa có sách, báo, cha ông ta đã phải thuộc lòng những gì được dạy
và cách dễ dàng để thuộc nhất đó là lồng vào cung cách thơ ca, hát, vè... Cho
nên có thể nói, qua hàng trăm năm, giáo dân vẫn giữ cho mình và dạy cho người
khác được niềm tin của mình. Như thế “sự liên kết giữa nhạc và lời trong thánh
ca là cần thiết và không thể thiếu để tham gia vào Phụng vụ trọng thể. Tại sao
cần thiết và không thể thiếu? Chắc chắn không phải vì lý do thẩm mỹ nhưng chính
là để góp phần nuôi dưỡng và diễn tả đức tin, nhờ vậy sẽ làm vinh danh Chúa và
thánh hóa các tín hữu”[10].
2/ Một Vài Hạn Chế Khi Sử Dụng
Thánh Nhạc Trong Phụng Vụ
Việc hát cộng
đồng trong thánh lễ đã được cổ vũ và thực hiện ở nhiều xứ đạo theo đúng tinh
thần Công đồng Vaticano II. Nhờ vậy, tín hữu tham gia tích cực vào thánh lễ, không
chỉ tham dự cách thụ động. Điều này đã làm cho họ thấm nhuần sự cầu nguyện một
cách ngọt ngào, vui sướng.
Tuy nhiên, ở
một vài nơi, nhiều khi đáp ca được thế bằng một bài hát, nhưng chẳng ăn nhập gì
với ý tưởng của các bài đọc hay thánh vịnh được thay thế. Nhiều nơi, các linh
mục chưa giúp cho tín hữu hát Kinh Phụng Vụ (PV 100), chưa quan tâm hướng dẫn
các ca viên và tín hữu về Phụng vụ và Thánh nhạc (PV 115). Nhiệm vụ của linh
mục, tu sĩ là kết hợp với giáo dân, nhiệt tình chăm sóc cho nền thánh ca, thánh
nhạc. Tuy nhiên, nhiều linh mục, tu sĩ đã khoán trắng cho ca đoàn, không quan
tâm đến thể thức và nội dung của bài hát. Họ không những không lo hết phận vụ
của mình trong Phụng vụ và cũng không biết mô tê gì về âm nhạc mà còn ít biết
đến thể thức và nội dung tín lý như Hiến chế Phụng vụ đòi hỏi.
Lợi dụng việc
kiểm duyệt của giáo quyền lỏng lẻo, nhiều tác giả đã phổ biến nhiều bài ca
không phù hợp với những tiêu chuẩn của Hội Thánh, quá nặng về tình cảm trần
tục, không quan tâm tới giáo lý và phụng vụ. Nhiều bài thánh ca đã vay mượn
những điệu nhạc ngoài đời và bị ảnh hưởng sâu đậm của loại nhạc kích động không
phù hợp với sự tôn nghiêm thánh thiện của phụng vụ. Không phân biệt thánh nhạc
đích thực với các loại nhạc sinh hoạt tôn giáo. Nếu không được người có trách
nhiệm hướng dẫn, những bài ca này dễ bị đưa vào phụng vụ.
Phong cách của
người hát thể hiện chưa nghiêm túc trong thánh đường, có khi hát cho có lệ,
muốn ra sao cũng được. Một số nơi, các ca đoàn còn nặng phần trình diễn, chưa “nhiệt
tâm lo lắng để trong bất cứ nghi lễ nào có hát, tất cả cộng đoàn tín hữu đều có
thể tham dự một cách linh động vào những phần dành riêng cho họ" (PV 114).
Nhiều nơi còn sử dụng dàn nhạc kích động, tiết tấu như sân khấu, vũ trường... Tất
cả những điều này không phù hợp với Hiến chế Phụng vụ và những huấn thị của
Giáo hội về thánh nhạc. Và trách nhiệm kiểm duyệt hướng dẫn cho giáo dẫn sử
dụng thánh ca thế nào cho hợp với Phụng vụ là việc của các linh mục nhưng nhiều
linh mục chưa quan tâm đến.
Kết luận
Năm 2009, Giáo
hội mở năm thánh linh mục để kêu gọi toàn thể Giáo hội cầu nguyện một cách đặc
biệt cho việc thánh hóa các linh mục của Chúa. Điều này không có nghĩa là chỉ
cầu nguyện cho linh mục trong một năm mà thôi mà là suốt đời Kitô hữu để các
ngài đi đúng con đường Chúa đi xưa. Để có những việc làm đúng, làm tốt thì
người linh mục phải khởi đi từ những suy nghĩ đúng với những hiểu biết đúng về
ơn gọi linh mục. Những khi đi dự lễ phong chức hay mở tay của các tân linh mục,
chúng ta thường được nghe các ca đoàn hát những bài hát ca ngợi thiên chức linh
mục rất hay như: “từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng khanh tướng và gọi con là
bạn hữu thân tình”[11]. Những
lời ca tuyệt vời khi nói về tình yêu cao cả tuyệt diệu mà Thiên Chúa dành cho
con người, là những tạo vật rất yếu đuối mỏng dòn, thấp hèn. Nhưng cũng chính
những lời ca tuyệt vời, thơ mộng đó đã làm cho nhiều người linh mục cứ nghĩ
rằng đời linh mục chỉ toàn là những hoa hồng, những loại hoa hồng không có gai,
trồng trên đường không có sỏi đá, không hề có chông gai, không có thánh giá.
Các linh mục, đôi khi nghe những lời lẽ êm tai, ru ngủ đó mà rồi không còn nhận
ra mình là ai nữa. Đó có thể là một tai họa thực sự cho Giáo hội, cho giáo dân
và cho ngay chính linh mục nữa.
Nhờ các bài
hát, các tu sĩ, linh mục cần khai thác triệt để cho việc cầu nguyện và xác định
đúng đắn chức vụ cho mình là sứ mạng truyền giáo mà nội dung các bài hát luôn
nhắc nhở. Các linh mục luôn luôn phải xác định rằng: “Chức linh muc là một ơn
gọi, chứ không phải là một nghề nghiệp; một tái xác định bản thể, chứ không
phải là một thừa tác vụ mới; một lối sống, chứ không phải là một công việc; một
tình trạng, chứ không phải là một nhiệm vụ; một thề hứa vĩnh viễn, suốt đời,
chứ không phải là một loại phục vụ tạm thời; một căn tính, chứ không phải là
một vai trò”[12]. Linh mục
phải vượt trổi về mặt đạo lý, nghĩa là linh mục phải hơn người trong lãnh vực
chuyên môn của mình, là lãnh vực đức tin. Do đó, linh mục là kim chỉ nam cho
mọi hành động của các tín hữu, cách riêng là sự hướng dẫn sử dụng thánh ca cho
phù hợp với huấn quyền Giáo hội và làm cho thánh ca trở thành một trong những
phương tiện truyền giáo hữu hiệu ở Việt Nam.
NVT,SVD
[1]
Xc. Vaticant II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, số 112-121.
[2]
Xc. Đỗ Xuân Quế, Thánh nhạc
và Phụng vụ, truy cập ngày 04/11/2012, http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=373&ict=4200
[3] Xc.
Điệu Nhạc Lời Ca, truy cập ngày 04/11/2012, http://www.tinmungsusong.org/dieunhacloica.htm
[4] Xc. Văn Chi, Thánh Ca Trong Phụng Vụ, truy cập
ngày 04/11/2012, http://paulvanchi.net/show_news.php?nid=797
[5] Xc.
Đỗ Xuân Quế, Phụng Vụ Và Đời Sống, truy cập ngày 04/11/2012,
http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=373&ict=4205
[6]
Martino, Truyền Rao Đi, (Hát Cộng
Đồng, lưu hành nội bộ, Nha Trang, 2004), tr.441.
[7] Mi
Trầm, Xin Sai Con Đi, (Hát Cộng Đồng, lưu hành nội bộ, Nha Trang, 2004),
tr.446.
[8]
Thái Nguyên, Chúa Buồn.
[9]
Xc. Thành Thi, Vai trò của Thánh nhạc
trong việc loan báo Tin Mừng, truy cập ngày 25/11/2012, http://www.hdgmvietnam.org/vai-tro-cua-thanh-nhac-trong-viec-loan-bao-tin-mung/4426.57.7.aspx
[10] Xc. Thành Thi, Vai trò của
Thánh nhạc trong việc loan báo Tin Mừng, truy cập ngày 25/11/2012, http://www.hdgmvietnam.org/vai-tro-cua-thanh-nhac-trong-viec-loan-bao-tin-mung/4426.57.7.aspx.
[11]
Kim Long, Từ Ngàn Xưa, (Hát Cộng
Đồng, lưu hành nội bộ, Nha Trang, 2004), tr.455.
[12]
Timothy M. Dolan, Người Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, (Trần Văn
Nhật chuyển ngữ), (Lưu hành nội bộ), tr.287
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét