Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

XIN CHO CON ĐƯỢC HOÁN CẢI

Tuổi trẻ là giai đoạn hướng ngoại của con người. Như một tờ giấy trắng, tuổi thơ luôn thích thú với môi trường xung quanh để tìm kiếm, khám phá điều mới lạ mà bản năng đòi hỏi. Lúc này trẻ thơ chưa có một kinh nghiệm, hiểu biết gì hết về cuộc sống. Cho nên chúng có thể mò mẫm tới đâu mà bản năng con người của nó cho phép.
Dần dần với sự hiểu biết và sức năng động của tuổi trẻ, con người khám phá ra nhiều điều mới mẻ theo tư duy của mình. Tâm lý thay đổi, cuộc sống thay đổi và một điều có lẽ gắn với bản chất của tuổi trẻ là luôn luôn thay đổi đã đưa đến nhiều cánh cửa mở ra cuộc đời cho họ. Nhiều niềm đam mê khác nhau đến với mỗi người tùy theo năng khiếu họ vốn có. Ước mơ lúc này đã thành hình và lôi kéo người trẻ đi theo những cái đà tiến triển khác nhau của xã hội. Cái tôi Jean Paul Sartre xuất hiện, một cái tôi không phải là cái tôi đối tượng, đưa dẫn người trẻ nhìn tới những ước mơ vĩ đại. Có thể có những ước mơ vượt quá khả năng của mình. Điều này con người chỉ biết khi qua bên kia sườn đồi của cuộc đời rồi họ mới nhận ra. Với bao trải nghiệm cuộc sống, con người đã chín chắn trong suy tư về vị thế trong xã hội và lúc này con người mới quay về với thực tại con người mình. Ý nghĩa và giá trị cuộc sống, tự do và trách nhiệm đã xuất hiện tạo nên giá trị con người thực thụ.

Với cuộc sống bon chen, năng động và bộn bề mọi thứ trong môi trường thành phố, dường như mọi người không nhìn rõ chính mình. Hầu hết mọi người đều chết chìm trong mọi toan tính cho cuộc sống mưu sinh, cho những ngành nghề học tập. Do đó, thời gian như là một điều xa xỉ của cuộc sống. Cuộc đời không có những khoảng lặng cho con tim thư thái và nhịp bước  và nếm vị ngọt của cuộc sống.

Nếu ai đó có một tí thời gian cho một chút suy nghĩ thoảng qua thì sẽ nhận thấy rằng cuộc sống sao mà vô vị. Nhiều người đã không còn chỗ đứng nữa và bị xoáy vào cơn lốc công việc với những toan tính vụ lợi. Cuộc đời cứ cho rằng những mục đích tiến tới được đặt ở nơi khác thì kết cục sẽ dẫn tới con đường cụt, mất hết nhân văn cuộc sống. Đến khi sức tàn ma dại mọi người mới nhận ra thì không còn cơ hội nữa và như David Thoreau cho rằng: “Điều khiến con người khiếp sợ nhất là khi đứng trước cái chết lại cảm thấy mình không còn cơ hội để được sống và sống có ý nghĩa nữa”.

Là lao động, họ chỉ có và chỉ biết công việc. Việc kiếm ra thật nhiều tiền là mục đích đời người và nó mới làm cho con người tôi thay đổi, mới làm cho đời tôi có ý nghĩa và tạo nên vị thế trong xã hội. Điều này có đúng không? Thật là nực cười cho mục đích cuộc đời đặt không đúng chỗ. Có người cho rằng “có thực mới vực được đạo”, điều này không sai nhưng nó mới dừng lại ở phần “con”. Nhiều người luôn phân biệt “thực” và “đạo” là hai vấn đề khác nhau. Nếu như mọi người biết được ý nghĩa cuộc sống thì phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ăn là ăn chứ học cái gì nữa? Những thắc mắc tượng tự như thế dẫn ta đến cuộc sống nhân văn đầy ý nghĩa. Người ta nhận ra điều gì cao quý hơn khi cha ông để lại câu ca dao: “Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Do đó, “thực” và “đạo” là một thực tại làm nên ý nghĩa cuộc sống toàn vẹn. Giàu và nghèo không phải là xấu hay tốt nhưng là hệ tại ở tinh thần: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” (Mt 5,3).
Một ngày nào đó, mỗi người sẽ nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để nhận được những món quà vô giá mà cuộc sống trao tặng. Hạnh phúc là cái chi chi? Niềm vui thực sự ở đâu? Trái tim ta còn mềm nữa không để rung cùng nhịp đập với đồng loại...? Khát vọng của con người về vật chất, công việc như một chiếc thùng không đáy, cứ rơi vào và lọt thỏm mà không có điểm dừng. Nhưng mỗi người hãy học cách hân hoan, vui mừng với những thành quả đạt được và tạo ra sự cân bằng giữa công việc, gia đình, bạn bè và những thú vui đời thường để tăng thêm kiến thức. Nếu như mỗi người không cân bằng được những giá trị cốt lõi của đời sống, người đó sẽ không bao giờ cảm thấy mình hạnh phúc và thực sự sống. Hãy dành một chút thời gian trong tuần để thực hiện những điều mình muốn, hoặc thăm viếng hay là giúp đỡ những ai khốn cùng cách này hay cách khác. Triết gia Emerson đã từng nói: “Nếu không có một trái tim nhân hậu, của cải chỉ là một gã ăn mày xấu xa”. Tất cả chúng ta đều biết rằng sống mang tính nhân văn lớn lao là sống cho lý tưởng của con tim. Như thế, chúng ta sẽ biến đổi chính mình thành người có giá trị cao quý như bác học Einstein từng khuyên nhủ: “Hãy học cách trở thành một người được coi là có giá trị, có lẽ sẽ tốt hơn là một người được coi là thành công”.
Ý CẦU NGUYỆN
Lấy lại lời của một triết gia Ấn nhận định về đời mình: Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Ðế là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới.
Ðến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Ðế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải tất cả những người con đã gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi.
Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ còn biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được thay đổi chính con.
Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.

Ant. NVT, SVD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét