Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

GL 1983



Nghĩa vụ và quyền lợi của cha xứ theo Giáo luật 1983 (các số: 515-552)
I. Nghĩa vụ của cha xứ
1. Nhiệm vụ giảng dạy (đ.528 $1)
- Cha sở có bổn phận dự liệu để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho mọi người đang cư ngụ trong giáo xứ. Vì thế phải lo giảng dạy các giáo dân về các chân lý đức tin, nhất là nhờ việc giảng lễ trong các ngày chúa nhật và các ngày lễ buộc, và nhờ việc dạy giáo lý.

- Ủng hộ giúp đỡ những chương trình nhằm cổ động tinh thần Phúc âm kể cả trong lĩnh vực công bằng xã hội.
- Cần phải để ý cách riêng đến việc giáo dục công giáo cho thiếu nhi và thanh niên.
- Cố gắng bằng mọi phương tiện có thể, cùng với sự hợp tác của các tín hữu, để sứ điệp Phúc âm được đạt đến với cả những người đã lơ là việc giữ đạo hoặc không tuyên xưng Đức tin chân thật nữa.
Trong quyển Ba, chúng ta sẽ thấy những quy luật chi tiết hơn về nhiệm vụ giảng dậy. Ở đây, chúng tôi chỉ xin ghi vài nhận xét.
a. Cha sở có bổn phận mang Lời Chúa không những tới các tín hữu trong giáo xứ, nhưng còn cho hết những người đang sống trên lãnh thổ của giáo xứ, kể cả những người ngoại đạo vô thần (đ.757;771).
b. Những phương tiện để công bố Lời Chúa rất đa dạng: giảng thuyết, đối thoại, chuyện trò, diễn thuyết, sách báo, bích chương, các phương tiện truyền thông xã hội, vân vân... Nhà lập pháp nhấn mạnh vào những phương tiện chính sau đây:
+ Giảng thuyết: đặc biệt là giảng lễ vào những ngày Chúa Nhật, Lễ Trọng (đ.767), giảng tuần đại phúc (đ.770).
+ Giáo huấn. Hai điều 776 và 777 nói cách riêng đến bổn phận cha sở trong việc dậy giáo lý, cách riêng khi chuẩn bị lãnh các bí tích: Rửa Tội (đ.777), Thêm Sức (đ.890), Rước Lễ lần đầu (đ.914), Hôn Phối (đ.1063). Công việc huấn giáo không những dành cho các thiếu nhi, nhưng còn nhằm tới các thanh niên và người trưởng thành nữa. Thường thường, một mình cha sở không thể lo xuể được; vì thế ngài cần đến các nhân viên cộng tác, trước hết là phụ huynh (đ.774); tiếp đó là các giáo-lý-viên mà ngài có trách nhiệm huấn luyện (đ.776; 780).
+ Giáo dục công giáo, tỉ như trường học giáo xứ (đ.794).
c.Về nội dung của việc giảng thuyết và giáo huấn, thì đ.528 $1 trên đây không những chỉ giới hạn vào những chân lý đức tin, nhưng còn bao gồm cả "những công tác cổ động tinh thần Phúc âm kể cả trong lãnh vực công bằng xã hội". Điều 768 nói rõ hơn như sau: "Những người giảng Lời Chúa, trước hết hãy trình bày những điều cần phải tin và phải làm nhằm vinh danh Chúa và cứu rỗi đồng loại”.
2. Nhiệm vụ thánh hóa (đ.528 $2)
- Cha sở cố gắng để bí tích Thánh Thể trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ,.
- Làm sao cho mọi tín hữu được nuôi sống nhờ việc cử hành sốt sắng các bí tích, cách riêng là việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể và bí tích Thống hối.
- Ngoài ra, hãy cố gắng hướng dẫn các tín hữu biết cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong các gia đình, và biết tham dự cách có ý thức và tích cực vào việc phụng vụ, mà chính cha sở phải là người lo điều hành trong giáo xứ mình, dưới quyền của Giám mục giáo phận, và phải canh chừng đừng để xảy ra những lạm dụng.
Trong triệt này nhà lập pháp đã nêu lên bốn mối ưu tư cho cha sở, đó là:
a. Làm sao để bí tích Thánh thể trở thành trung tâm của cộng đồng giáo xứ. Nên lưu ý là nhà lập pháp nói tới "bí tích Thánh Thể", chứ không phải chỉ có Thánh lễ; Thánh Thể bao gồm cả những việc sùng kính khác nữa, tỉ như viếng Mình thánh, rước lễ kể cả khi không có Thánh lễ (tỉ như vì vắng linh mục, vì bệnh tật); thứ đến, khi nói rằng phải đặt bí tích này làm "trung tâm của cộng đồng" thì không có ý nói rằng phải khuyến khích giáo xứ thay nhau thì viếng Mình thánh, nhưng là làm sao để tinh thần của bí tích này thấm nhiễm tất cả đời sống của các cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng giáo xứ, nghĩa là tinh thần thương yêu đoàn kết, ngợi khen, tạ ơn, dâng hiến, vân vân.
b. Cổ võ cho các tín hữu lĩnh nhận các bí tích, cũng như tham gia sống động vào các cử hành phụng vụ. Việc tham gia sống động giả thiết một sự huấn-giáo ngõ hầu hiểu biết ý nghĩa của các nghi thức. Riêng về sự siêng năng lĩnh nhận các bí tích, bộ luật đã nói đến mức độ tối thiểu: tham dự Thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật (đ.1247), xưng tội và rước lễ ít là mỗi năm một lần (đ.989; 920). Đó là chưa kể việc chuẩn bị cho các em bé rước lễ lần đầu (đ.913-914).
c. Thúc đẩy đời sống cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong các gia đình;
d. Điều hành kỷ luật trong việc phụng tự.
Những chi tiết khác sẽ được bàn đến trong Quyển Bốn (Nhiệm vụ thánh hóa của Giáo hội). Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn vào vài ba nhận xét.
Ta có thể nói được rằng nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa và nhiệm vụ thánh hóa là hai chức vụ cố hữu nhất của linh mục, và nói được là lý do hiện hữu của linh mục trong giáo xứ. Thiết tưởng có thể áp dụng ở đây lời của các thánh tông đồ đã nói với cộng đồng Kitô giáo tiên khởi rồi (Cv 6,3-4). Dĩ nhiên, các linh mục sẽ dấn thân vào hai tác vụ vừa kể vơi tất cả nhiệt huyết của mình dưới sự thức đẩy của đức ái mục tử. Tuy nhiên, ngoài những bổn phận lương tâm đối với Chúa, giáo luật còn đặt ra những bổn phận cụ thể của cha sở đối với Giáo hội và với các tín hữu nữa. Điều 213 đã nhìn nhận cho các tín hữu quyền được lãnh nhận Lời Chúa và các bí tích. Nhưng người tín hữu có quyền xin ai phải ban cho mình Lời Chúa và các bí tích? Họ có quyền chặn đường bất cứ linh mục nào họ gặp ngoài đường hay không? Xét theo đức bác ái, thì phải thưa rằng tất cả các linh mục đều có nghĩa vụ ấy; tuy nhiên xét theo nguyên tắc tổ chức, thì người đầu tiên có trách nhiệm là cha sở, tức là vị mục tử riêng của họ.
Chính trong bối cảnh ấy mà chúng ta hãy lồng điều 530, xưa nay vẫn được coi như là quyền của cha sở. Thực sự đó không phải là việc độc quyền của cha sở nhưng là những trách nhiệm mà các tín hữu có quyền yêu sách nơi cha sở trước khi đi yêu cầu các linh mục khác. Đó là ý nghĩa của việc sửa đổi từ ngữ giữa bộ luật cũ và bộ luật mới. Bộ luật cũ nói đến những trách vụ (functiones) "dành riêng" (reservatae) cho cha sở; còn bộ luật hiện hành thì sửa lại là được ủy thác đặc biệt (specialiter commissae):
+ Cử hành bí tích rửa tội (đ.861; 877-878). Trong trường hợp thông thường thì cha sở là người ban bí tích rửa tội; nhưng khi cần kíp thì ai cũng có thể làm tác viên của bí tích. Bổn phận của cha sở là phải dạy cho các tín hữu biết cách rửa tội cho đúng.
+ Cử hành bí tích thêm sức cho những người trong cơn nguy tử (điều 883 số 3).
+ Ban của ăn đàng và bí tích xức dầu. Điều 1003, nói về tác viên bí tích xức dầu bệnh nhân, trao cho các cha sở và các mục tử bổn phận và quyền lợi ban bí tích; nhưng khi có lý do chính đáng thì bất cứ tư tế nào cũng có thể ban. Khi bàn về việc mang Mình thánh như của ăn đàng, điều 911 xác định rõ hơn những mục tử vừa nói là: các cha sở, cha phó, các cha tuyên úy, các bề trên cộng đoàn của các dòng tu giáo sĩ hay tu đoàn tông đồ giáo sĩ; tuy nhiên trong trường hợp khẩn thiết bất cứ tư tế hay tác viên cho rước lễ nào cũng có nghĩa vụ này. (xem thêm đ.922)
+ Chứng giám hôn phối và làm phép cưới. Thực ra nói được đây là độc quyền duy nhất của cha sở, xét vì nếu không có ủy nhiệm của ngài (hoặc của bản quyền sở tại), thì không ai có thể chứng giám hôn phối cách thành hiệu cả (đ.1108-1111).
+ Cử hành lễ nghi an táng. Điều này được lặp lại ở điều 1177; thế nhưng cũng như đối với việc đem Mình thánh Chúa như của ăn đàng, đ. 1179 trao cho các Bề trên dòng tu và các tuyên úy nghĩa vụ tương tự đối với những người thuộc cộng đoàn được ủy thác cho họ.
+ Làm phép giếng Rửa tội trong mùa Phục sinh, chủ sự các cuộc rước ngoài thánh đường, và việc ban phép lành trọng thể ngoài thánh đường.
+ Cử hành Thánh lễ cách trọng thể hơn trong các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc. Không hiểu phải giải thích thế nào về việc "cử hành cách trọng thể": ở Việt nam cũng như tại nhiều nơi, sự trọng thể quen hiểu theo nghĩa là đốt thêm đèn, tăng thêm số chú giúp lễ, và dĩ nhiên thêm đàn hát! Dù hiểu thế nào đi nữa, có điều rõ ràng là chiếu theo đ. 534, trong các ngày chúa nhật và lễ trọng, cha sở có nghĩa vụ phải dâng thánh lễ cho đoàn dân (Missa pro populo); ai bị ngăn trở thì phải nhờ một người khác dâng lễ thay trong chính các ngày đó hoặc chính mình dâng lễ vào các ngày khác. Dù sao, thì các trách vụ ưu tiên dành cho các cha sở không chỉ giới hạn vào con số 7 vừa nói. Ta có thể thêm một trách vụ khác nói ở điều 986 $1, đó là các cha sở và các mục tử phải lo liệu cho các giáo dân của mình được xưng tội khi họ yêu cầu cách hợp lý.
Dĩ nhiên, nếu cha sở không thể tự mình thi hành các trách vụ nói trên, thì có thể nhờ các linh mục khác làm thay. Đối lại, nhà lập pháp đòi hỏi rằng để thi hành các trách vụ vừa kể, các tư tế khác cần phải có phép của cha sở; như đã nói, sự ủy quyền của cha sở để chứng giám hôn phối ảnh hưởng đến sự thành hiệu. Thêm vào đó, nhà lập pháp cũng cho cha sở được nhận thù lao, cho dù chính mình không cử hành các lễ nghi. Tục lệ gọi là "quyền giây các phép" (ius stolae). Điều 531 đã muốn cải tổ tục lệ này, theo nghĩa là mong muốn cho tiền thù lao được góp vào quỹ của giáo xứ chứ không phải là vào quỹ riêng của cha sở. Giám mục giáo phận, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng Linh mục, phải ban hành những quy tắc cụ thể về vấn đề này. Dù sao thiết tưởng không phải là thừa khi trưng lại nơi đây điều 848 nói như sau: "Khi ban các Bí tích, thừa tác viên không được đòi thêm cái gì khác ngoài số tiền thù lao mà nhà chức trách có thẩm quyền đã ấn định; và phải cẩn thận đừng để những người nghèo không được nhận lãnh Bí tích vì lý do túng thiếu".
3. Nhiệm vụ cai quản
Điều 529 phác họa cho ta những nguyên tắc chỉ đạo, phân làm hai triệt: triệt 1 nói về những liên hệ của cha sở với các thành phần khác nhau của đoàn chiên; triệt 2 thì nói về liên hệ với các cộng sự viên của mình trong nhiệm vụ này.
a. Điều 529 $1. Để siêng năng chu toàn chức vụ chủ chăn, cha sở hãy tìm cách hiểu biết mọi tín hữu đã ủy thác cho mình; vì thế cần đi thăm viếng các gia đình, san sẻ những lo lắng ưu tư, nhất là tang tóc của các tín hữu, và để an ủi họ trong Chúa; nếu họ có lỗi lầm gì, thì phải sửa bảo họ cách khôn khéo; đối với những bệnh nhân nhất là những người gần chết, hãy dốc hết tình bác ái với họ, tăng cường sức lực cho họ bằng các bí tích và phó thác linh hồn họ cho Thiên Chúa; hãy đặc biệt ân cần theo sát những người nghèo khổ bệnh tật, những người cô đơn, những người bị lưu đày và tất cả những người đang trải qua những sự khó khăn đặc biệt; cũng phải để ý lo cho các đôi vợ chồng và những người làm cha mẹ được nâng đỡ trong sự chu tất mọi phận sự riêng của họ và cổ võ sự tăng trưởng đời sống Kitô giáo trong gia đình.
b. Điều 529 $2. Cha sở hãy nhận biết và thúc giục mọi tín hữu giáo dân góp phần riêng của họ vào sứ mạng của Giáo hội, bằng cách cổ động các hiệp hội nhằm các mục tiêu tôn giáo. Hãy cộng tác với Giám mục của mình và với linh-mục-đoàn của giáo phận, và làm sao cho các tín hữu duy trì sự hiệp thông trong giáo xứ và chính họ tự cảm thấy họ vừa là phần tử của giáo phận vừa là phần tử của Giáo hội phổ quát, và để họ dự phần cũng như nâng đỡ mọi hoạt động nhằm làm tăng gia sự thông hiệp ấy.
Ta có thể tóm lại những điều nhắn nhủ chính của triệt 1 vào ba điểm sau đây:
+Cha sở hãy lo liệu tìm hiểu đoàn chiên của mình, chia sẻ những vấn đề của họ, cũng như sửa dậy những lầm lỗi của họ.
+Ngài phải tỏ ra đức ái đặc biệt đối với những người đau ốm, nghèo khổ, bơ vơ.
+Quan tâm đối với mục vụ nhắm tới các gia đình.
Tiếp theo đó, trong triệt 2, nhà lập pháp ước mong cha sở trở nên viên gạch nối để xây dựng giáo xứ thành một cộng đồng sinh động, một sự thông hiệp, bằng cách cổ võ sự cộng tác đắc lực của giáo dân, cá nhân hay đoàn thể. Sự thông hiệp giáo xứ cần được mở rộng tới sự thông hiệp giáo phận và Giáo hội toàn cầu.
Sau những khuyên lơn nhắn nhủ, mà ta cần khai triển thêm qua việc nghiên cứu các văn kiện của Vaticano II (tỉ như Sắc lệnh về đời sống linh mục, về tông đồ giáo dân, về hoạt động truyền giáo), cũng như các văn kiện hậu công đồng, nhà lập pháp bước sang vài quy định cụ thể như sau.
c. Điều 532 nói rằng: trong tất cả mọi hành vi pháp lý, cha sở là người đại diện của giáo xứ chiếu theo quy tắc luật định; ngài phải lo để mọi tài sản của giáo xứ được quản lý theo quy tắc của các điều 1281-1288. Như ta sẽ thấy sau, trong việc quản lý tài sản, cha sở có Hội đồng kinh tế làm cố vấn.

d. Trong việc tổ chức giáo xứ, nhà lập pháp lưu ý cách đặc biệt đến các sổ sách và văn khố. Theo đ.535 Cha sở phải lo giữ gìn các sổ sách hàng xứ: sổ Rửa tội, sổ hôn phối, sổ an táng, và các sổ khác mà Hội đồng Giám mục hoặc Giám mục giáo phận đã quy định, tỉ như: sổ lễ (đ.958 $1); sổ chi thu (đ.1284 $2,7). Cha sở phải lo ghi chép các sổ sách đó cách kỹ lưỡng và giữ gìn cẩn thận. Nhiều nơi đòi hỏi phải làm hai bản: một bản lưu lại giáo xứ, còn bản kia thì hàng năm sẽ gửi về Tòa Giám mục. Trong các sổ vừa nói, quan trọng hơn cả là sổ Rửa tội, xét vì không những phải ghi chú những chi tiết liên can tới việc cử hành bí tích rửa tội (như nói ở đ. 877), nhưng còn phải ghi chú bên lề tất cả những biến cố có ảnh hưởng đến tình trạng giáo luật của đương sự, nghĩa là: thêm sức (đ.985), kết hôn hoặc tiêu hôn (đ.1122 $1; 1685; 1706); lĩnh chức thánh (đ.1054), khấn trọng đời trong dòng tu; thay đổi lễ điển. Các sổ sách này được lưu trữ trong văn khố (công hàm) của giáo xứ. Ngoài các sổ sách vừa nói, văn khố còn phải lưu trữ các tài liệu, văn kiện liên can trực tiếp đến việc cai quản mục vụ hoặc tới ích lợi của giáo xứ (thí dụ như về chủ quyền, lịch sử, vân vân).
e. Đối với vấn đề kỷ luật, đ. 528 $2 đã trao cho cha sở nhiệm vụ điều hành kỷ luật trong việc phụng vụ; và đ. 529 $1 đã nhắc nhở cha sở hãy sửa bảo cách khôn khéo những lỗi lầm của anh chị em tín hữu. Ngoài ra, cũng nên biết là nhà lập pháp ban cho cha sở được quyền chước chuẩn luật lệ của Giáo hội trong những trường hợp sau đây:
+Chuẩn lời khấn tư, miễn là sự miễn chuẩn ấy không phương hại đến quyền lợi của người đệ tam (đ.1196 số 1);
+Chuẩn (hay hoán cải)lời thế đoan hứa, miễn là sự miễn chuẩn không làm thiệt hại cho người khác (đ.1203);
+Chuẩn (hay hoán cải) bổn phận dự Thánh lễ và nghỉ việc các ngày chủa nhật lễ trọng; cũng như bổn phận ăn chay kiêng thịt vào các ngày thống hối (đ.1245). Nên biết là cha sở chỉ có thể miễn chuẩn cho từng cá nhân và từng lần; chỉ có Giám mục mới có thể chuẩn cho toàn thể giáo xứ hoặc cho cá nhân một cách thường xuyên.
f. Nhằm bảo đảm cho việc chu toàn các nghĩa vụ mục tử trong giáo xứ, đ. 533 buộc cha sở phải cư trú trong nhà xứ gần thánh đường. Trong những trường hợp đặc biệt vì lý do chính đắng, Bản quyền sở tại có thể cho phép cha sở trọ ở nơi khác, nhất là ở nhà chung dành cho nhiều linh mục, miễn là phải dự liệu sao để các nhiệm vụ thuộc giáo xứ được chu toàn cách chu đáo và đắc lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét