Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

CHỮ "TÂM"



Chữ Tâm là một phạm trù cơ bản trong đạo lý truyền thống của dân tộc. Nếu như não được coi là xuất phát điểm của trí tuệ (Trí) thì trái tim được coi là trung khu của tình cảm, tâm lý.



Theo cách viết chữ Hán, chữ Tâm là chữ tượng hình, viết kiểu tiểu triện có hình trái tim, còn viết kiểu khải thư thì ở trên có ba dấu tượng trưng ba cái cuống, ở dưới là túi chứa máu. Chữ này diễn biến qua các cách viết như sau:

Chữ Tâm là gốc của đạo đức, đạo lí làm người, điều này được thể hiện rất rõ trong các kết hợp ngôn ngữ phổ biến: tâm đức, nhân tâm, tâm huyết, nhiệt tâm, thành tâm, thiện tâm, công tâm, nhất tâm, hằng tâm…


Người Việt cũng nói: tà tâm, lãnh tâm, ác tâm, nhị tâm… để chỉ những kẻ độc ác, vô cảm, phản trắc. Xã hội nào cũng đề cao chữ Tâm, đề cao đạo đức, bởi vì chữ Tâm, đạo đức là gốc của sự hài hoà, vững bền, phát triển. Những danh nhân được tôn vinh đều là những người có tâm trong sáng, cao cả.


Khi nói về chữ Tâm, nhiều người thường tách bạch “Tâm” và “Trí”. Thực ra trong  mỗi người, Tâm và Trí là một sự thống nhất hài hoà không thể tách rời “tuy hai mà một”, đều là hoạt động tâm lí và có vai trò điều khiển hành động. Nếu như có mối quan hệ “Tâm-Trí” thì Trí tuệ là gốc chứ không phải Tâm là gốc như nhiều người ngộ nhận. Nếu người ta không nhìn thấy nhau, không hiểu nhau thì làm sao yêu nhau được? Nhận xét một người “có trí tuệ nhưng không có tâm” rõ ràng không thoả đáng, phải nói là người đó có vấn đề về trí tuệ thì mới đúng: tất cả những ai không có Tâm đều không có Trí. Đạo Phật có khái niệm “giác ngộ” và gốc của giác ngộ là trí tuệ: những kẻ tàn ác, vô cảm, bất nhân dù tài giỏi đến mấy cũng là bất trí, u mê. Đó là minh triết của nhân loại đã được thừa nhận.


Một ngộ nhận nữa là khi nói về chữ Tâm, người ta thường nhấn mạnh ở khía cạnh “thương”, “yêu thương”, “cảm thương” mà coi nhẹ, bỏ qua yếu tố “ghét”, “căm ghét”, “phẫn nộ”.... Người không ghét cái xấu, không căm thù cái bất nhân thì sao có thể gọi là có Tâm được? Một nhà thơ nổi tiếng đã viết: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”. 
Tâm của con người càng quan trọng hơn vì nó nói lên nhân cách của một con người:

-Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên.
- Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.
- Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù.
- Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.
- Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá…
Cho nên, ta không những đem tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu thương, mà còn:
- Đặt trên tay để giúp đỡ người khác.
- Đặt trên mắt để nhìn thấy nổi khổ của tha nhân.
- Đặt trên chân để mau mắn chạy đến với người cùng khổ.
- Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh.
- Đặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác.
- Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em chị em.



Trước sự suy thoái về đạo đức xã hội, nhiều người cho rằng là chữ Tâm “có vấn đề”, nhiều người đã đưa ra những giải pháp khác nhau. Việc đưa nội dung giáo dục chữ Tâm vào chương trình giáo dục, rồi cấp bằng chữ Tâm… xem ra chỉ là ảo tưởng. 


Nhà trường chỉ là một phần của xã hội, việc học ở trường chỉ trang bị được những kiến thức cơ bản có tính định hướng, chủ yếu là người ta học và trưởng thành từ “trường đời”. Sự đánh giá về hạnh kiểm đối với học sinh được phản ánh thông qua những nhận xét trong học bạ chỉ là một kết quả từ góc nhìn ở các mối quan hệ trong  nhà trường, nên chưa đầy đủ và chính xác.


Một nhà triết học nổi tiếng đã viết: “Bản chất của con người là sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Thước đo đạo đức, chữ Tâm của con người phải xét từ mọi mối quan hệ xã hội mà con người tham gia. Vì vậy, muốn đánh giá, điều chỉnh về mặt đạo đức của con người, phải bắt nguồn từ các mối quan hệ xã hội, qui luật của cuộc sống.
 

(Trích Lê Trung Ngân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét