Tết
là khi đến ngày sơ kết học kì một, chị em tôi cầm về những tờ giấy khen
còn thơm mùi giấy. Chúng sẽ được dùng để trang hoàng cho căn nhà bằng
cách dán chúng lên tường. Căn nhà gỗ với bức vách mối mọt sẽ trở thành
“bảng thành tích” của cả hai chị em. Đó là niềm hân hoan không chỉ giành
tặng bố mẹ đầu năm, mà còn là sự tự hào, là thứ duy nhất có thể “khoe”
với bạn bè, hàng xóm.
Tết
là khi ngửi thấy mùi hương thơm ngạt ngào bố thắp chiều 30 tết. Thứ
hương ấy đã ăn sâu vào tiềm thức tôi, khơi dậy trong tôi về những gì gọi
là hạnh phúc, sum vầy, những gì gọi là cơ cực đã đi qua. Đối với gia
đình tôi hương để thắp trên bàn thờ tổ tiên, ông bà trong những ngày tết
luôn được chọn rất kĩ, do chính tay mẹ tôi mua từ những người buôn
hương bắc vào. Thứ hương thơm dịu mùi trầm mà tôi thường bảo bố “chỉ cần
ngửi thấy mùi hương là con đã thấy tết”. Nhà dù nghèo khó đến đâu cũng
phải mua cho được vài bó hương ấy để thắp 3 ngày tết. Nhớ những ngày cơ
cực, tết bố vẫn phải đi trực bảo vệ, ba mẹ con ở nhà cơm canh cúng ông
bà rồi chìm vào giấc ngủ, sáng sớm giật mình dậy khi ngửi thấy mùi hương
lan tỏa. Khi ấy là lúc bố đi làm về và bố cũng thường là người xông đất
cho gia đình.
Tết
là khi nhìn bánh pháo mẹ mua, rồi ngồi tỉ tê so sánh với mẹ về bánh
pháo của nhà hàng xóm. Đêm 30 lúc đón giao thừa, nhà nhà tiếng pháo đì
đùng báo hiệu một năm mới đã sang. Sáng mồng một tranh thủ dậy thật sớm
chạy ra sân tìm trong đống xác pháo những quả pháo chưa nổ về tự đốt. Có
khi còn chạy cả sang nhà hàng xóm, tranh nhau nhặt pháo. Mùi khét của
thuốc pháo sao mà thơm mà ngây ngất đến lạ.
Tết
là khi được nhón chút đậu khi ngồi xem bố gói bánh chưng, nghe bố chỉ
cách gói mà tâm trí cứ để vào đâu, xem chiếc bánh nào bố gói nhiều đậu
nhiều thịt, chiếc bánh ấy sẽ được đánh dấu bằng cách buộc thêm một sợi
lạt. Rồi tối ngồi canh nồi bánh chưng bên mẹ, nhìn những sợi khói nghi
ngút bốc ra từ nổi bánh, hít hà vẻ thèm thuồng.
Tết
là khi được cầm bộ quần áo mới còn thơm mùi vải. Đôi bàn tay cứ mân mê,
cầm ra cầm vào với nụ cười rạng rỡ. Rồi nhớ những giọt nước mắt tủi
thân của một đứa con nít, khi có năm mẹ không đủ tiền mua quần áo mới,
hai chị em lại phải luân phiên: năm nay mua cho em thì năm sau mua cho
chị. Đứa con nít vô tâm khi ấy giận dỗi mà không thấy trên đôi mắt mẹ đã
đỏ hoe….
Bây
giờ, những điều ấy ít nhiều đã mất đi, nhiều lúc thèm được ngửi mùi
thuốc pháo, thèm được có cảm giác hớn hở ngày xưa khi cầm trên tay bộ
quần áo mới, thèm được có cảm giác tự tay phết hồ lên tờ giấy khen rồi
dán lên bức vách gỗ xù xì mối mọt. Nhưng cũng thật may mắn là vẫn còn
hai điều để luôn nhắc nhở tôi về tết, đó là mùi hương trầm và nồi bánh
chưng. Những chiếc bánh chưng đã không còn buộc thêm lạt như khi xưa, và
người ngồi gói bánh cũng không phải là bố mà là chính tôi. Tết bây giờ
với tôi là ngửi thấy hương gạo nếp mẹ vo chuẩn bị cho tôi gói bánh quyện
với mùi hương của lá dong, của thịt, của đậu và mùi khói nghi ngút khi
canh nồi bánh, nói chuyện với mẹ về những ngày tháng đã qua. Tôi đã dần
trưởng thành từ những điều như thế, những nén hương trầm giờ tôi đã được
thay bố đốt trên bàn thờ tổ tiên. Và năm nào cũng vậy, mùi hương lá
dong, gạo nếp, mùi nén hương trầm luôn thôi thúc tôi dù đi đâu cũng luôn
trở về sum họp bên mái ấm gia đình. Đó là vị tết của tôi – vị tết của
hạnh phúc.
Trần Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét