Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA CÁC GIÁO PHỤ HỘ GIÁO


Giáo hội thời kỳ đầu, có thể nói là phải đương đầu với muôn vàn khó khăn trước các lạc thuyết và tà thuyết. Giáo hội phải có thái độ để bảo vệ đoàn chiên. Giáo dân đoàn kết chung quanh chủ chăn của mình để bảo vệ những luồng tư tưởng tấn công từ bên ngoài và ngay trong nội bộ Giáo hội. Do đó, trong giới trí thức Kitô giáo, xuất hiện những nhà hộ giáo, họ có sứ mạng bảo vệ đức tin. Các ngài là vị có đời sống thánh thiện, đạo lý chính thống và lỗi lạc, đã có công xây đắp nền móng Giáo hội. Các ngài là những bậc kỳ cựu đã sống ở những thế kỷ đầu của Giáo hội.
Các giáo phụ hộ giáo đã dùng tài đức của mình để đả phá những vu cáo tai hại, vạch rõ những thành kiến sai lầm, và nhất là bênh vực Giáo hội trước những cuộc bách hại của triều đình. Họ trình lên những kiến nghị có tính cách hộ giáo, nêu cao tinh thần thuần túy siêu việt, cao quý của đạo Chúa Kitô so sánh với các đạo khác, đồng thời đưa ra những gương sáng đời sống người Kitô hữu, nhấn mạnh quan điểm bác ái. Họ viết ra những tác phẩm có nhiều giá trị về văn chương và biện hộ. Các ngài đã trả lời cho những vấn nạn và những ngộ nhận về thái độ người Kitô giáo đối với anh em lương dân, về đời sống thực hành đạo giữa họ với nhau.

1/ BÊNH VỰC CHO CÁC KITÔ HỮU
Có nhiều người ngoài Kitô giáo, các văn sĩ và cả triều đình lúc bấy giờ đã lên án, công kích các Kitô hữu. Họ vu khống đủ điều, gán cho họ những việc làm vô luân... Văn sĩ Celse là người có những tác phẩm vu cáo thậm tệ hơn cả. Ông ta cho rằng: 
“Có một giống người mới sinh hôm qua, chúng vô tổ quốc cũng chẳng có truyền thống, đã liên kết với nhau để chống lại mọi tổ chức tôn giáo và dân sự, bị công lý truy nã, bị mọi người sỉ nhục, chúng lại lấy làm vinh dự vì sự khinh bỉ này : đó là các Kitô hữu. Đây là các châm ngôn của họ :"Đi khỏi đây, hỡi những người có văn hóa, khôn ngoan, biết phán đoán; với chúng tôi, những kẻ văn hóa, khôn ngoan là những kẻ xấu. Còn người dốt nát, thiển cận, thất học và đơn sơ, hãy mạnh dạn đến với chúng tôi".
Trong các giáo phụ hộ giáo, Justinô là một giáo phụ nổi bật bênh vực Kitô hữu và giáo lý. Với các tác phẩm của mình, ngài đã trả lời cho những người Do-thái cố chấp, tự giam mình trong lề luật và sống độc đoán. Ngài đã minh chứng Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế mà các tiên tri đã loan báo, và đạo của Người là đạo thật đến thay thế cho đạo cũ, là đạo của mọi người và mọi người phải tin theo. Ngài bác bỏ những lời anh em lương dân tố cáo người Kitô giáo là vô thần, bằng cách nêu lên những tấm gương sáng và minh chứng đạo Chúa Kitô cao trọng hơn các đạo khác và kêu gọi chấm dứt cuộc bách hại bất công, chỉ dựa trên thành kiến.
“Thực là bất công khi ra hình phạt cũng như kết án các Kitô hữu chỉ vì họ là Kitô hữu, cũng như những tội ác mà người ta quy cho các Kitô hữu chỉ là những lời vu khống vô căn cứ”.[1]
Ngài phản đối vụ án một phụ nữ Kitô giáo bỏ người chồng gian dâm, bị kết án tử hình. Ngài đề cao luân lý Kitô giáo, sau cùng đề nghị rút chiếu chỉ cấm đạo và đối xử với người Kitô hữu theo luật công bình.
Athenagoras theo chủ trương của Justinô, đã trả lời những vu cáo về ba tội ác người ta gán cho các Kitô hữu là vô thần, loạn luân, ăn thịt người. “Diễn từ của chúng tôi minh chứng với các ngài là chúng tôi chịu đau khổ bất công, ngược lại với mọi luật pháp và lý lẽ”.[2] Các Kitô hữu không phải là những người vô thần vì họ tin vào Thiên Chúa của các tiên tri và niềm tin đó được thể hiện qua hành động nữa: “Chúng tôi không phải là người vô thần, bởi vì chúng tôi nhìn nhận rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất”,[3] “Ai là kẻ có tâm hồn tinh tuyền đủ để yêu thương kẻ thù của mình thay vì ghét họ”[4].
Theophil giám mục thành Antiokia cũng viết một cuốn trình bày sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài, biện bác phiếm thần và những vu cáo của nhóm người ghét đạo và trình bày đời sống thánh thiện, cao thượng của Kitô hữu. “Ông phi bác những lời vu khống của dân ngoại và chứng minh tính vô luân của ngoại giáo, nhấn mạnh sự mâu thuẫn trong những giải thích về thần thánh của các văn sĩ ngoại giáo”.[5]
Tertullianus, giáo phụ Latin đầu tiên và là nhà hộ giáo, cũng viết một kiệt tác văn chương hộ giáo, chỉ trích thái độ bất công của các nhà cầm quyền đối với dân Kitô hữu, bác bỏ những vu khống của người ngoại giáo và có lời lẽ thách thức, châm biếm họ thậm tệ.
“Coi chừng quý vị đã phạm tội ác vô đạo khi tước mất của người ta quyền tự do tôn giáo và cấm họ lựa chọn thần minh, nghĩa là không cho phép tôi tôn kính Đấng mà tôi muốn tôn kính. Chẳng có ai muốn sự tôn kính cưỡng ép cả, ngay một con người cũng thế”.[6]

2/ THẦN HỌC LOGOS

Justinô
            Giai đoạn thượng cổ đánh dấu bởi hai trào lưu chính: chủ nghĩa Platon theo nghĩa trung dung và trường phái Stoa. Tuy có những điểm khác nhau về triết thuyết, nhưng cả hai trường phái này đều coi triết lý là chìa khoá để hoàn toàn minh giải thực thể của logos. Logos là căn nguyên của lý trí vốn ngự trị trong vũ trụ và con người. “Mọi người đều tham dự vào cùng một Ngôi Lời. Các triết gia đã nhận biết phần nào chân lý nhờ những hạt giống của Lời được gieo vãi trong nhân loại”.[7]  Do đó, ai có lý trí thì đều có mầm giống của Lời, hạt giống của lời không phải là của riêng nơi các tiên tri mà là có nơi mọi người, mọi triết gia. Như thế, Justinô đã nỗ lực cho việc nối kết Kitô giáo với các triết học ngoại giáo.
“Đức Kitô là trưởng tử của Thiên Chúa, Lời của Thiên Chúa mà mọi người tham dự vào... Mọi người sống theo Lời (Logos) đều là Kitô hữu, dù họ được xem là vô thần”.[8]
Justinô vừa trình bày đạo lý về Thiên Chúa, vừa hội nhập những gì hợp với chân lý của niềm tin do triết học mang lại; nhưng đồng thời Ngài cũng sử dụng học thuyết triết học để đã kích những quan niệm thần thoại và minh chứng Thiên Chúa là Đấng siêu việt, Đấng sáng tạo, Ngôi Lời là logos, cũng là Thiên Chúa, là nguyên nhân trung gian tác thành vũ trụ[9].
             Justinô cho biết rằng Thiên Chúa và thế giới có mối liên hệ với nhau; thế giới được sáng tạo là do lòng nhân hậu của Thiên Chúa và thế giới vật chất được hình thành nhờ Logos đó con người là trung tâm của loài thọ tạo. Ngôi Lời hiện hữu từ đời như là quyền năng của Thiên Chúa; nhưng nhiệm xuất từ Thiên Chúa trước công trình tạo dựng, và chính Ngôi Lời tạo dựng thế giới. Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa chứ không phải thụ tạo, Lời là một ngôi vị theo quan niệm Philôn[10]. Justinô quan niệm: Logos là lời Thiên Chúa, là Thiên Chúa, là Đấng trung gian, nhưng logos thần linh chỉ xuất hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô. Khả năng tri thức chân lý của con người được Justinô cắt nghĩa là do Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa đã gieo vào con người “mầm mống” Lời Thiên Chúa, các triết gia Hylạp cũng được tham dự, một cách giới hạn và theo dạng “mầm mống” vào Ngôi Lời là Đức Kitô. Tất cả mọi người dù những người sống trước Đức Kitô, khi họ sống theo Logos đều là Kitô hữu và tất cả mọi người đều tham dự vào logos. Nhưng chỉ với Đức Kitô, Lời Thiên Chúa mới xuất hiện một cách viên mãn. Ngoài Đức Kitô, nhân loại chỉ có những “hạt giống”, những “mầm mống” của logos. Justinô nhấn mạnh tới tính siêu việt của mạc khải Kitô giáo vượt lên trên mọi triết thuyết của con người. Ngôi Lời ở trong Thiên Chúa từ trước muôn đời, đồng nhất với Thiên Chúa, nhưng vì cuộc sáng tạo thế giới và chương trình cứu độ, Người xuất phát khỏi Thiên Chúa. Nói cách khác, Ngôi Lời đã được “sinh ra”. Và do thánh ý Chúa Cha, Ngôi Lời đã nhập thể và làm người, mặc lấy xác phàm nhân loại.
            Như vậy, điều mới mẻ của đức tin Kitô giáo là vị trí dành cho Đức Kitô. Theo Justinô: Đức Kitô là Logos, hằng hữu bên cạnh Thiên Chúa. Trước khi Đức Kitô (logos) nhập thể, Logos đã tác động cùng với Thiên Chúa trong việc tạo thành vũ trụ. Nhờ đạo lý về “mầm mống chân lý”. Justinô đã mở đường cho thần học về lịch sử mạc khải và cứu rỗi. Chỉ có một chân lý mà thôi, nhưng chân lý được tỏ lộ cách tiệm tiến, từ những “mầm mống” thô sơ cho tới lúc viên mãn. Logos đã thông đạt cho con người chân lý ngay từ khi tạo dựng, nhưng chỉ mạc khải toàn vẹn nơi Đức Kitô.
            Đối với người Do-thái giáo, Justinô đã trích dẫn rất nhiều đoạn văn Cựu ước cho thấy các lời tiên tri trong Cựu ước và việc chúng được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài chứng minh luật Môsê chỉ có giá trị tạm thời, nhằm chuẩn bị cho Đức Kitô. Ngôi Lời phát xuất từ Thiên Chúa, được Thiên Chúa sinh ra. Ngài luôn tìm đủ mọi cách để minh chứng sự khác biệt sống động nơi Thiên Chúa phù hợp với Kinh Thánh. Ngôi Lời, Đấng là Con nội tại trong Thiên Chúa. Justinô minh chứng cho thấy Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, là Đấng cứu độ khi trích dẫn lời các ngôn sứ của người Do-thái đã tiên báo trước về Đức Giêsu: Đấng Kitô sẽ đến thế gian, sẽ sinh làm con một người trinh nữ, làm người như mọi người, chịu chết và phục sinh để cứu độ mọi người. Những ai tin Đức Giêsu là Đức Kitô, vâng lời và tuân hành mệnh lệnh người thì được cứu, cho dù họ là người Do thái.
Tatianô
Trong Diễn luận gửi người Hy-lạp, Tatianô bàn về tương quan của Logos với Chúa Cha và vũ trụ, ông lý luận dựa trên ý niệm Logos. Chính qua công trình tạo dựng mà chúng ta nói được về nguồn gốc Logos. Logos là nguyên lý tạo dựng, hiện hữu vĩnh cửu nơi Thiên Chúa và được sinh ra bởi Thiên Chúa.
“Thiên Chúa đã hiện hữu từ thuở đời đời và chúng ta học biết rằng vào thuở ban đầu thì quyền năng của Logos đã hiện hữu...Bởi ý chí đơn thuần của Ngài mà Ngôi Lời xuất phát, và Ngôi Lời này không tan biến vào hư vô, là công trình được sinh ra đầu tiên của Ngài. Chính Ngôi Lời này, như chúng tôi được biết Người, là nguyên lý của vũ trụ”.[11]
Athenagoras
Athenagoras cũng xác định thần tính của Ngôi Lời có từ đời đời. Ngôi Lời là Thần trí Thiên Chúa, là Con của Ngài tự muôn thuở. Ngôi Lời phát xuất từ Thiên Chúa và là nguyên lý của mọi tạo dựng.
“Chúa Con là Con đầu lòng của Chúa Cha, không phải được tạo thành, bởi vì ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa vốn là thần trí vĩnh cửu, Ngài vốn có trong mình Lời cũng là lý trí vĩnh hằng từ đời đời”.[12]

3/ ĐỨC KITÔ – TOÀN THỂ MẦU NHIỆM
Khi trình bày về đạo lý Thiên Chúa, Justinô sử dụng những học thuyết triết học để đả kích những quan niệm thần thoại mà thời bấy giờ triết học Hy lạp đang đề cao vai trò của các vị thần, thì ngài luôn khẳng định Thiên Chúa là Đấng siêu việt, nguyên nhân tác thành vũ trụ. Cùng với quan điểm triết học về Thiên Chúa, thánh Justinô cũng thêm một quan điểm khác mà mạc khải đã mang lại, nhờ vậy mà chúng ta biết được rằng Thiên Chúa tạo thành vũ trụ cũng là Chúa Cha. Điều này là một suy tư thật mới mẻ của đức tin Kitô giáo, vì xác định được vị trí dành cho Đức Kitô. Thật vậy, Đức Kitô là Logos hằng hữu bên cạnh Thiên Chúa. Vì thế, trước khi xuất hiện nơi Đức Kitô, Logos đã tác động cùng với Thiên Chúa trong việc tạo dựng vũ trụ. Như đã trình bày, thì thánh Justinô đã sử dụng thuyết của phái Stoa về “mầm giống của Logos” để cho thấy rằng các nhà hiền triết Hy lạp cũng nhận được chân lý, nhờ sự thông dự vào Logos, tức Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Tuy phải dựa vào triết học Hy lạp để trình bày chân lý mạc khải, nhưng tác giả không ngần ngại đương đầu những điểm mà đức tin vượt quá tầm mức của lý trí, chẳng hạn như việc cứu độ nhân loại qua cái chết của Con Thiên Chúa. Thánh Justinô cũng mạnh dạn bênh vực sự sống lại của thân xác, một điều chướng tai đối với triết học đương thời.
Nhờ đạo lý về “mầm mống chân lý”, thánh Justinô đã mở đường cho một thần học về lịch sử mạc khải và cứu rỗi. Chỉ có một chân lý mà thôi, nhưng chân lý được tỏ lộ cách tiệm tiến, từ những mầm mống thô sơ cho tới lúc viên mãn. Logos đã thông đạt cho con người ngay từ khi tạo dựng, nhưng chỉ mạc khải toàn vẹn nơi Đức Kitô. Nhờ quan điểm đó, thánh Justinô nhìn nhận những giá trị tích cực của văn hoá Hy lạp, cũng như vai trò của Cựu Ước chuẩn bị cho tân Ươc. Theo thánh Justinô thì phàm ai sống theo chân lý thì đáng mang danh là Kitô hữu, cho dù người có tự xưng là vô thần.
Luận cứ về chân lý Kitô giáo không phải là chỉ dựa trên lý luận siêu hình nhưng còn được chứng tỏ qua cuộc sống hằng ngày của các tín hữu. Họ sống chân thành, thanh sạch, yêu thương kẻ thù, sẵn sàng đón nhận cái chết để bày tỏ niềm gắn bó với chân lý.
Khi bàn về vấn đề thập giá, người Do thái cho rằng tôn thờ thập giá của Kitô giáo là một việc làm thật điên rồ, là dấu hiện nói lên sự chúc dữ của Thiên Chúa. Để đối phó với khó khăn các giáo phụ đã khai triển một nền thần học về thập giá, nhằm minh giải thập giá như một chiều kích căn bản giúp con người hiểu được ý nghĩa của hiện thực. Thánh Justinô minh giải: “Nếu Đấng Kitô không chịu đau khổ, nếu các ngôn sứ đã không tiên báo rằng, vì tội lỗi của dân, Đức Kitô bị đem đi thủ tiêu, bị làm nhục, bị đánh đòn và bị liệt vào hành tội nhân, như chiên con bị đem đi làm thịt”[13]. Như vậy, thập giá là một tượng trưng, là dấu hiệu để con người tìm đến đích điểm cho cuộc đời mình. Đó là nét độc đáo mà Người biểu lộ cho toàn thế giới, là Đấng mà các ngôn sứ đã tiên báo.
“Hình thức của thập giá cho nó một biểu tượng của vũ trụ, bởi vì nó nhắm đến bốn chiều kích vũ trụ: tay ngang của thập giá diễn tả tính phổ quát của ơn cứu độ, tay dọc diễn tả sự hòa giải giữa trời và đất. Sự giao nhau giữa hai tay nhấn mạnh đến sự tạo dựng mới, được củng cố, được thống nhất. Thập giá là quyền lực của Đức Kitô”[14].

4/ LOGOS GIEO MẦM VÀO MỖI NGƯỜI
Dựa vào quan niệm thần học của Gioan, thánh Justinô khẳng định Đức Giêsu là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa chứ không phải được tạo thành như một thọ tạo. Và như vậy, con người cũng tham dự vào Logos của Thiên Chúa. Cho nên để nhận biết chân lý mạc khải của Thiên Chúa, con người phải được chính Ngôi Lời tác động. Tuy nhiên, với các triết gia Hy lạp cũng được tham dự một cách giới hạn và theo dạng mầm mống, vào Ngôi Lời là Đức Kitô, họ có Lời Thiên Chúa ở dạng mầm mống, vì thế họ có thể có một tri thức đúng đắn nhưng giới hạn. Với quan niệm này Justinô có thể coi các triết gia Hy lạp là những Kitô hữu trước Đức Kitô và có thể đánh giá thành tựu của họ là trong căn bản đã thuộc về Kitô giáo. Nhưng chỉ với Đức Kitô, Lời Thiên Chúa mới xuất hiện một cách viên mãn.
Đức Kitô là Con đầu lòng của Thiên Chúa, là Ngôi Lời đến với toàn thể loài người, để ai tin và sống theo Ngôi Lời đều là Kitô hữu, dù có bị người ta coi là vô thần[15]. Sống theo Ngôi Lời là sống trọn vẹn niềm tin tuyệt đối mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, chính Đức Giêsu đã theo thánh ý Thiên Chúa Cha, Ngài được sinh ra trong lòng đức trinh nữ Maria, Ngài đã bước vào cuộc vượt qua và phục sinh, đó là niềm tin và hy vọng của người Kitô hữu. Đây là một sự xác nhận thánh Justinô thực sự dung hoà giữa triết thuyết của Platon với với giáo lý của Đức Kitô nhưng thực ra chúng không thể đồng nhất, cũng như với giáo thuyết của những người khắc kỷ, thực trong họ đã nhận ra nơi Ngôi Lời có tính thần thiêng đã được reo rắc trên thế giới, và đã có thể nhận ra phần nào đó cách diễn tả chân lý nhưng vì họ có những mâu thuẫn trong những điểm chính yếu nên tỏ ra không có một sự hiểu biết chắc chắn.

Tóm lại, các giáo phụ hộ giáo thời kỳ đầu đã cố gắng nỗ lực để bảo vệ đoàn chiên Chúa khỏi những công kích từ bên ngoài và sự bách hại của nhà nước Rôma. Các ngài cho thấy rằng các Kitô hữu có những đức tính vượt bậc trong sự thánh thiện, đức tin cũng như luân lý là sức mạnh cho nhân loại. Đức tin Kitô giáo là sự hợp lý vì được xây dựng trên một Thiên Chúa duy nhất, trên thần tính của Đức Kitô và sự Phục sinh của Người.
Bên cạnh đó các ngài nhấn mạnh đến tính siêu việt của mạc khải Kitô giáo. Ngoài Đức Kitô, nhân loại chỉ có được những mầm mống của Logos, những chân lý rời rạc, mâu thuẫn. Do vậy, chỉ có Tin Mừng mới mạc khải tất cả Logos, nguồn suối của chân lý vẹn toàn. Trong bối cảnh đó, các giáo phụ đã cố gắng hết sức để bảo vệ Tin Mừng, đặc biệt bảo vệ tính nguyên tuyền của mầu nhiệm Nhập Thể, thương khó, phục sinh của Đức Kitô. Vì chưng, trong nỗ lực của các ngài nhằm diễn đạt sự hiểu biết của mình về sứ điệp Tin Mừng tuyệt diệu. Các ngài đã phải chiến đấu và đã dò dẫm để trình bày sứ điệp này cho cộng đoàn của các ngài cũng như của thời đại phức tạp mà các ngài sống. Công trình của các ngài được quy chiếu trên những truyền thống chân chính. Những truyền thống chân chính này là một trong những thành phần hệ trọng nhất đặt nền tảng cho những suy tư Kitô học hiện nay. Hơn nữa, chúng còn như là thứ ánh sáng dẫn đường cho sự triển nở tiếp diễn không ngừng trong Giáo Hội.

 NVT.


[1] Lê Văn Chính, Giáo Trình Giáo Phụ Học, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2009, tr.52.
[2] Sđd., tr. 62.
[3] Bernard Sesboue Joseph Wolinsky, Thiên Chúa Cứu Độ - Lịch Sử Tín Điều, Lê Văn Chính chuyển ý, 2006, tr. 37.
[4] Lê Văn Chính, Sđd.,tr. 62.
[5] Lê Văn Chính, Sđd., tr. 66.
[6] Jacques Liebaert, Giáo Phụ, tập 1, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, tr.113.
[7] Bernard Sesboue Joseph Wolinsky, Sđd., tr.38.
[8] Lê Văn Chính, Sđd., tr.54.
[9] Xc. phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập III, Chân lý: 1999, tr. 115.
[10] Xc. Karl-Heinz Ohlig, Kitô Học Qua Các Tác Giả, tr 115.
[11] Lê Văn Chính, Sđd., tr.60.
[12] Sđd., tr.64.
[13] Xc. Niemann, Franz-Josef, Đức Giêsu-Đấng Mặc Khải qua các tác giả, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, tr. 59.
[14] Bernard Sesboue Joseph Wolinsky, Sđd., tr.16.
[15] Xc. Niemann, Franz-Josef, Sđd., tr.51.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét