Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Departures!


Bộ phim Tiễn Biệt (Departures) là tác phẩm đã đoạt rất nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Oscar phim ngoại quốc xuất sắc nhất. Kết hợp nhiều nét hài trong một câu chuyện đẹp, mang ý nghĩa sâu sắc, ”Tiễn biệt” miêu tả thái độ cuả người sống đối với cái chết.
Trước đây, Daigo là nhạc sĩ chơi cello, trong dàn nhạc giao hưởng. Khủng hoảng kinh tế buộc cả dàn nhạc giải tán. Daigo rời Tokyo, dẫn vợ về quê. Ở đây, anh chàng Daigo mở tờ báo, tìm việc làm. Anh ta bắt gặp ở mục rao vặt, dòng tin về một công ty mang tên là ”Khởi hành” đang cần gấp nhân viên. Lập tức Daigo đến đây, xin một chỗ. Nhưng lầm to ! Tới đó, Daigo mới vỡ lẽ : công ty này là Nhà đòn và họ cần một thanh niên để đào tạo làm nghề liệm xác. Trớ trêu hơn nữa, ông chủ công ty, trong cảnh goá bụa, hết lòng yêu mến Daigo và đối xử với anh thân tình như con đẻ. Vừa lo thất nghiệp, vừa động lòng trắc ẩn, Daigo nhận việc, nhưng về nhà, vẫn nói dối vợ, ngượng ngùng không thể thú nhận anh đang lao vào một công việc bị mọi người ghê tởm và khinh bỉ.
Bởi chính trong cái chết mà hằng ngày Daigo chứng kiến và mó tay, lau mình, trang điểm cho người chết, anh chàng nhạc sĩ lại tìm được lẽ sống và nguồn hạnh phúc như chưa bao giờ trước đó. Có thể, từng bưóc một, chung đụng với cái chết, Daigo ý thức rằng cái chết cũng tự nhiên như hơi thở, như chu kỳ của bốn mùa, như một lần vĩnh biệt mà ai ai cũng sẽ nếm mùi, cho nên ai ai cũng nên sắp xếp hành trang để nhẹ nhàng chia tay, ‘trở về Bến Lạ’.
Hơn nữa, bộ phim còn là mối tương đồng giữa lẽ sống và nghiã tử. Đạo diễn Yojiro Takita nói : “Không chỉ ở chủ đề cái chết, tôi muốn đặt câu hỏi : sống cách nào ?” ‘Departures’, ta có thể dịch là ‘Ra đi’, ‘Tiễn Biệt’ hay ‘Viễn du’, nhưng ở câu chuyện này, ra đi cũng là một chuyến trở về, tiễn biệt lại là vận hội tái ngộ.
Sau đây là một vài hình ảnh và cảm nhận về bộ phim.
Lửa mới
Tiếng đàn Cello của bộ phim “Departure” đưa người xem vào tâm trạng lâng lâng, da diết của phận người khi đối diện với cái chết. Dầu vậy, theo tôi cái da diết của tiếng đàn không những để diễn tả sự tiếc nuối về sự ra đi vĩnh viễn của người đã khuất nhưng đó còn là một âm dai nền kỳ diệu tạo nên một khoảng lặng đủ cho tôi khi nghĩ về cái bi hài nơi khuôn mặt con người trong kiếp nhân sinh.
Nhìn vào gương mặt của người sống và người chết của một đám tang dường như tôi thấy rằng “người chết lại sống và ngược lại người sống lại chết?” Tại sao lại như vậy? Bộ phim mở đầu với một cảnh khâm liệm một người vừa qua đời trong tiết trời mùa đông lạnh giá. Cái lạnh này còn lạnh hơn khi người được khâm liệm đó lại là một người đồng tính vừa mới tự tử. Cái chết này vì thế có phần rất khó xử khi để lại cho ba mẹ của “cô” một sự nuối tiếc đến khóc không ra nước mắt vì hai ông bà đã không chấp nhận và không nhìn mặt “cô” trong thời gian dài và cứ cãi vả nhau suốt ngày về việc “cô” “thay hình đổi dạng giới tính của mình”. Nhìn gương mặt bình an và yên ả lạ lùng của “cô” chắc hẳn “cô” đã bớt đau khổ hơn khi chọn cho mình một cái chết như thế. “Cô” chết mà như đang ngủ… Và dường như cứ như sự thường thì người ta hay chờ đến giờ chết mới chấp nhận nhau thì phải!
Cái chết của bố anh chàng Daigo sau này cũng vậy. Anh đã rất xót xa khi nhìn nhận ra khuôn mặt của cha mình khi đã bất động. Khuôn mặt mà anh cho là tệ hại không cần phải nhớ đến trong suốt hơn ba mươi năm. Ngược lại, cha anh đã rất bình thản ra đi khi trong tay vẫn còn nắm chặt viên đá nhỏ “tròn nhẳng”, đó là hòn đá của sự bình an và mãn nguyện… Những cái chết khác cũng vậy, dường như bên cạnh sự bình thản của người chết thì đâu đó lại thấy sự dằn vặt, nuối tiếc nơi khuôn mặt của người ở lại. Như vậy thì nên “ai khóc cho ai”? Người chết ra đi để lại cho người ở lại nhiều điều để suy gẫm về đời sống của mình. Ở đây, ngoài việc khóc thương cho người đã khuất tôi còn đang khóc cho những đỗ vỡ nơi lỗi lầm của chính mình đối với người nằm xuống. Người ta đã rất đúng khi cho rằng: “Khi tôi sinh ra tôi òa khóc và mọi người vui cười nhưng khi tôi chết đi thì tôi lại vui cười còn mọi người lại òa khóc”!
Cái bi hài thứ hai là ở nơi việc khâm liệm và trang điểm. Tôi khâm phục cách thức khâm liệm rất thành kính và tôn trọng người đã khuất của ông chủ cũng như anh Daigo về sau. Đó là kinh nghiệm rất thực của ông khi vợ ông qua đời. Chính vợ ông là khách hàng đầu tiên của ông. Có lẽ ông đã dành hết cả con tim mình để khâm liệm và trang điểm cho vợ ông lúc đó. Các đám tang khác cũng vậy, phần lớn những người thân đều muốn người ra đi được đối xử cách tử tế nhất dù sau đó tất cả sẽ được thiêu thành trò tàn. Hơn nữa, tôi còn đánh động hơn khi ông chồng có bà vợ mới chết hớt hãi chạy ra tỏ lời cám ơn ông chủ và anh Daigo khi ông thốt lên rằng: “vợ tôi chưa bao giờ đẹp như thế!”… Kể ra cũng kỳ lạ, người đã chết mà lại đẹp hơn người khi còn sống! Theo tôi, cái đẹp của người chết ở đây không hẳn là cái đẹp khi đã được trang điểm và cho ăn mặc chỉnh tề nhưng xa hơn đó là cái đẹp khi được người khác tôn trọng. Cái trớ trêu là dường như người ta cứ chờ đến khi người thân chết rồi mới đối đãi ra hồn ra phép. Những chiếc áo đẹp, những chiếc vớ, chiếc khăn thân thương nhất và cả việc trang điểm cho đẹp lên có còn ý nghĩa gì đối với người đã chết? Tại sao lúc đứng trước linh cửu mới nói lên lời cám ơn và xin lỗi? Những lời nói yêu thương và quan tâm săn sóc có quá muộn màng chăng khi người chết không còn cảm thấy gì? Tại sao lại chờ cho đến khi bất động rồi mới nhìn mặt nhau?… Những câu hỏi này thật sự không dễ dàng trả lời đối với tôi khi tôi chưa đụng chạm đến kinh nghiệm những người thân mình trước sau sẽ ra đi. Quả thật, bộ phim làm tôi phải suy nghĩ nhiều về cách hành xử của mình đối với cha mẹ, anh chị em và những người thân, người bạn tôi…
Hơn nữa, đối với tôi khuôn mặt của mỗi người không chỉ cái bề ngoài đẹp xấu nhưng đâu đó còn khoác lên cả một quá khứ của họ và đó là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm của khuôn mặt con người cho tôi thấy rằng không phải đợi đến lúc chết nhưng thật sự khi còn sống người ta đã “vẽ nên khuôn mặt của nhau”. Khi tôi vui người khác cũng sẽ vui theo, khi tôi giận dữ người khác không cảm thấy dễ chịu chút nào. Vì thế, thay vì cứ muốn vẽ lên trên khuôn mặt mọi người những nét căng thẳng, nhăn nhúm tôi sẽ cố gắng làm cho người khác “đẹp hơn” với những nụ cười và sự niềm nở chân thành. Bởi tôi tin rằng chẳng ai lại từ chối khi mình được quan tâm và tôn trọng.
Tóm lại, bộ phim Departure với tiếng đàn Cello luôn là một điệp khúc da diết đưa tôi vào huyền nhiệm nơi cái bi hài của khuôn mặt con người trước cái chết. Cái chết có lẽ là một tiếng khóc cho người ra đi nhưng lại là “cái cười sâu lắng” cho người ở lại. Việc trang điểm, khâm liệm người chết cũng vậy, tôi tôn trọng và thành kính trước một xác chết không chỉ là cho chính xác chết đó nhưng còn là bài học dạy tôi cách “trang điểm và khâm liệm cách kính cẩn cho những người đang sống” quanh tôi. Nếu được dùng tiếng đàn Cello da diết xin cho tôi tấu lên khúc hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài Mưa Hồng rằng “…người nằm xuống nghe tiếng ru…Cuộc đời đó.. có bao lâu mà hững hờ…”.
dongten.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét