Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

TIỀN BẠC, VẤN ÐỀ MUÔN THUỞ



1. Quan điểm chung của Thánh Kinh
Ta thường nghe dạy phải dè chừng đối với tiền bạc vì nó bị coi là Ma-mông (Thần Tiền). Khi nói rằng:  Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn Tiền Bạc (Mt 6,24 ; Lc 16,13), Thánh Kinh thực không có ý khinh miệt tiền bạc và của cải, vì chúng được nhìn như là một công cụ hữu ích trong cuộc sống, cũng như một phương tiện tạo dễ dàng cho việc phân phối, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong xã hội ; có điều là phải biết sử dụng nó cho tốt . Mặt khác, Thánh Kinh cũng nhắc nhở rằng : tiền bạc rất dễ trở thành mối nguy cho bất cứ ai thiếu thận trọng, vì ta rất dễ sa vào cạm bẩy của nó : nó có sức thu hút rất đáng kể, và nhất là theo một lập luận rất  hợp lý  khiến người ta sẵn sàng làm việc  vì nó và cho nó  một cách  mù quáng như một nô lệ trung thành và tự nguyện trong một tâm trạng  bình an . Dường như , không có vấn đề gì phải đặt lại cả, theo một lập luận như sau :


2. Lập luận chung của người kitô hữu
Tôi đầu tư hết thời giờ và tâm trí tôi cho công việc để có thể có thu nhập cho một cuộc sống dễ chịu và xứng với nhân phẩm con người của chính bản thân tôi cũng như của gia đình tôi (điều này hoàn toàn đúng). Mặt khác, tôi cũng lo  giữ đạo cho nên  : hàng tuần, và thậm chí hàng ngày nữa, tôi đi lễ đều đặn, cố gắng dành chút thời giờ tham gia các hội đoàn và sinh hoạt từ thiện. Tôi không làm hại ai và chẳng gây phiền cho ai (điều này cũng hoàn toàn tốt). Ðời sống đạo như thế có gì sai đâu ? Tôi đã giữ trọn đôi đàng : phần đạo và phần đời. Còn tiền bạc ư ? Nó cần cho cuộc sống và tôi làm việc để có nó, tôi không bao giờ coi nó ngang hàng với Thiên Chúa hay thần thánh. Tôi nhìn nhận  của cải mà tôi có được  như là ơn lành Thiên Chúa ban cho, đáp lại một trong những lời cầu xin hàng ngày mà tôi dâng lên Chúa.

3.Ðặt vấn đề
Nhưng liệu lập luận như thế có ổn không ? Nó đúng ở điểm nào và đến mức độ nào ? Xét về căn bản Ki-tô giáo thì nó có còn đứng vững nữa không ? Nếu không, nó sai ở đâu ? Sai như thế nào ? Và, cuối cùng, ta phải làm gì đây ?

Ðể trả lời được những câu hỏi trên, không thể nói vắn tắt trong vài trang giấy, vì điều này rất tế nhị, và thậm chí nó thuộc về phán đoán và trách nhiệm của từng người đối với chính mình và đối với Chúa, không ai có thể làm thay ai được (vì mỗi hoàn cảnh thật rất khác nhau). Ðể có thể giúp quí độc giả suy nghĩ và tự tìm thấy câu trả lời cho chính bản thân (và chỉ cho chính mình mà thôi), người viết xin mời quí độc giả, qua loạt bài này, cùng tìm hiểu về các huấn giáo và các nhân vật cụ thể trong Thánh Kinh , hầu sau cùng chúng ta có thể rút ra được chút gì gọi là kết luận cho chuổi suy tư này.

Nhưng trước hết, người viết trộm nghĩ phải nói ngay một chút về đích điểm mà loạt bài này muốn dẫn tới như là một cách trả lời tức thì cho những ai muốn biết, hầu có thể quyết định theo dõi chúng hay không. Vì không có lý do gì bắt người khác phải theo dõi lâu dài để rồi chỉ nhận được một câu trả lời  chẳng thích tí nào .

Vậy đâu là qui chiếu đạo đức cho việc kiếm tiền và sử dụng tiền bạc mà tôi phải dựa vào ? Xin nói ngay rằng cái không ổn của lập luận trên kia là ở chỗ không phải là sống trọn hai mặt của cuộc sống : một mặt lo làm ăn sinh sống ; mặt khác là lo giữ đạo cho tốt . Vấn đề làcần phải biết sống niềm tin vào Thiên Chúa thế nào "cho phải" trong cuộc sống xã hội hàng ngày: đó là yêu mến Thiên Chúa qua anh chị em mình ; vì chính Thiên Chúa đã làm người để thực hiện điều đó cũng như đã dạy chúng ta phải làm như vậy. Các nhân vật của Thánh Kinh từ Cựu đến Tân Ước sẽ chỉ rõ cho chúng ta điều này dưới nhiều hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau của họ. Các ví dụ đó sẽ như là những qui chiếu hữu ích, giúp chúng ta sống đạo tốt hơn trong khi vẫn chăm chỉ làm lụng sinh sống. Vì quả thật, nếu ta nhận ra rằng mọi sự ta  có  là do Thiên Chúa ban cho (là Sự chúc lành của Người trên chúng ta) thì ta phải đi xa hơn đến chỗ nhận ra rằng : ta chỉ là những người quản lý để phân phát cho anh em ta  đúng thời đúng lúc . Và đi cho đến cùng của suy luận : nếu bên cạnh tôi còn có những người anh chị em bất hạnh, khốn khổ hoặc thiếu thốn, thì tôi không thể không có trách nhiệm về sự kiện đó. Tôi cần và phải làm một  cái gì  đó. Sống đạo, và nhất là sống đạo Ki-tô quả là không dễ tí nào.

Ðó là trách nhiệm, suy nghĩ, phán đoán và quyết định của mỗi người.
An Thụ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét