Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỨC GIÊSU


1/ Đức Giêsu giảng dạy
Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã được trình bày như một con người có chủ quyền tối cao. Ngài rao giảng về triều đại thiên chúa như một cuộc giải phóng toàn diện con người khỏi tội, khỏi đau khổ và sự chết. Điều này nói lên rằng chỉ có Ngài là Đấng Giải thoát, là Đấng Cứu độ duy nhất. Do đó, Ngài đặt ra những cách thức thực hiện cho các môn đệ Ngài, kêu gọi đi theo Ngài để hưởng ơn cứu độ, để cùng với Ngài loan báo triều đại đó (Mc 1,17 ; 3,14-15; 6,7-13 ; Lc 9,16; 10, 1-20) cho muôn dân được giải thoát. Ngài hành động nhân danh và thay mặt Thiên Chúa, bởi sự có mặt của Ngài, những cơ cấu của thế giới cũ đã được thay đổi: bệnh tật, đau khổ được chữa lành (Mt 8,16-17), sự chết đã thất bại (Lc 7,11-17; Mc 5,41-43), Con Người đã chiến thắng.
Với những lời giảng của Đức Giêsu đã làm cho người nghe ngạc nhiên bởi vì có những sự độc đáo riêng biệt, người nghe nhận được ánh sáng đang chiếu soi và rực lên trong con người mình. Điều này làm cho người ta tự hỏi: ông nầy là ai? Và thực sự lời của Ngài mang lại sự cải hóa cho con người. Qua dụ ngôn “con chiên lạc”, “đồng bạc bị đánh mất”..., Đức Giêsu đã tìm lại cho con người căn tính đích thực của mình. Nội dung lời giảng dạy của Ngài nhằm đem lại cho con người sự cứu độ, và nói lên bản tính của Ngài là: “Thiên Chúa yêu thương hết mọi người và mời gọi họ tham dự vào bàn tiệc chung kết”[1].
2/ Đức Giêsu chọn các tông đồ
Trong công cuộc rao giảng của Đức Giêsu, Ngài đã tuyển chọn nhóm 12. Đức Giêsu chọn các tông đồ và huấn luyện họ cách đặc biệt để sau này họ tiếp tục thực thi sứ mạng Ngài đã lãnh nhận là loan báo Tin Mừng cứu độ. Mục đích kêu gọi nhóm 12 là “để ở với Ngài và để phái họ đi rao giảng” (Mc 3:14) Tin Mừng. Điều này có nghĩa là nhóm “12” làm nòng cốt kết hợp với Đức Giêsu và tham dự vào chương trình cứu độ và loan báo ơn cứu độ.
Theo Phúc âm Mc, phần lớn thời gian trong những năm Đức Giêsu sống “công khai” đã được dành riêng cho “nhóm tông đồ”. Mc phần lớn nói đến những sự việc liên hệ tới các tông đồ. Các tông đồ là những trò chí cốt theo Thầy vì họ phải bỏ việc làm và gia đình (x. Mc 1: 19-20), bỏ tất cả (x. Mc 10: 28-29) để theo Ngài. Đức Giêsu đặt họ vào trong tình trạng của “thời cuối cùng” (Mc. 12: 25) và mối liên đới chặt chẽ với Thầy mình đến nỗi, họ cùng chịu thử thách với Ngài (x. Lc 22: 28), để cùng chia sẻ sứ mạng và số phận của Ngài vì chính Ngài là nguồn sống đích thực giải thoát họ.
Ở cùng Đức Giêsu là điều kiện để được phái gửi đi rao giảng (x. Ga 16: 27). Chính Đức Giêsu đã tuyển chọn các tông đồ, huấn luyện họ, rồi phái gửi họ đi rao giảng sứ điệp cứu độ của Ngài. Biến cố trọng đại là bữa tiệc ly Ngài cử hành riêng với nhóm 12 (x. Mc 14: 17tt). Và từ đó họ tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng cứu độ: “Ta sẽ cho các ngươi nên ngư phủ bắt người” và Gioan cũng đã nhắc lại lời Đức Giêsu: Ta đã chọn các con “ngõ hầu các con ra đi và sinh được hoa trái” (Ga 15: 16).
Tóm lại: Đức Giêsu đã chọn một nhóm đặc biệt để phái gửi họ đi như những người đại diện Ngài (x. Mt 10: 40). Nói cách khác, các tông đồ với Ngài giống như mối liên hệ giữa Ngài với Cha Ngài (x. Lc 10: 16). Đức Giêsu giao phó sứ điệp và quyền năng của Ngài cho nhóm tông đồ là để họ kết hợp với Ngài trong công trình xây dựng Vương quyền Thiên Chúa, để việc cứu độ đến được với tất cả mọi người.
3/ Cứu chữa bệnh tật
Bên cạnh những lời rao giảng, Đức Giêsu đã chữa bệnh tật cho nhiều người. Việc cứu chữa này làm dấu chỉ chứng minh cho lời rao giảng của Ngài. Cứu chữa thân xác không là gì cho bằng việc cứu chữa linh hồn tất cả mọi người nhưng là dẫn con người tới ơn cứu độ vĩnh cửu. Ngài đã chữa người mù thành Giê-ri-khô (Mc 10,46-52), chữa lành người mù từ lúc mới sinh (Ga 9,1-7), chữa người bại liệt (Mc 2,1-12)... Điều Đức Giêsu làm là dẫn con người đến việc cứu chữa đức tin của họ. Chỉ có đức tin, họ đã đến với người để bệnh tật được khỏi và từ đó dẫn đến việc chỉ có đức tin vào Ngài, con người mới được cứu chữa linh hồn và đạt tới ơn cứu độ.
4/ Tha thứ tội lỗi
"Tôi không đến để kêu gọi nguời công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi".
Đây là công bố tóm gọn mục tiêu chính yếu của cuộc đời nhập thể của Đức Giêsu trên trần gian nầy. Tha thứ tội lỗi hướng dẫn khám phá con người và mầu nhiệm Đức Giêsu. Chúa rao giảng Lời cứu rỗi với uy tín và có đầy quyền năng của một vì Thiên Chúa để xua trừ ma quỷ và chữa lành các bệnh tật. Đức Giêsu còn chứng tỏ ngài có quyền tha tội như tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, đến nhà ông Gia-kêu, kêu gọi Ông Lêvi người thu thuế, tức kẻ tội lỗi công khai bị loại trừ khỏi cộng đoàn dân Chúa, hãy theo Ngài, và chấp nhận dùng bữa với những người tội lỗi và những kẻ thu thuế. Chúa không loại bỏ ai ra khỏi tình thương cứu rỗi của Chúa. Ngược lại, Chúa đến với họ, kêu gọi họ theo làm đồ đệ của Ngài. Làm như vậy, không có nghĩa là Đức Giêsu đồng ý nuông chiều theo những tội lội của con người. Đức Giêsu đến với kẻ tội lội và kêu gọi họ hãy ăn năn quay trở về với Thiên Chúa. "Thời giờ đã mãn. Hãy ăn năn hối cải và tin vào Tin Mừng". Chúa đã công bố như vậy ngay từ khởi đầu tác vụ rao giảng của ngài tại miền bắc Galilêa. Chúa không loại trừ hay cô lập người tội lỗi, nhưng đến với họ, để họ cảm nghiệm được ơn cứu độ Ngài ban.
5/ Tử nạn và phục sinh
Một khó khăn nghiêm trọng lại dấy lên ở đây : Đức Giêsu đã chết ! Cái chết của Đức Giêsu không gây một trở ngại hiển nhiên cho việc nhìn nhận một mối liên hệ đặc biệt giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa hay sao ? Nếu Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ cho cuộc đời con người, thì làm sao sự kiện đó thể hiện được bởi Đức Giêsu và trong Đức Giêsu ? Đức Giêsu ấy đã biết đến sự chết, và Đức Giêsu đã chết hay sao? Và chính Đức Giêsu cũng không nói với các môn đệ Ngài là đợi đến lúc Ngài chết mới biết được mầu nhiệm cái chết nầy hay sao? Ngài đã nói sau cái chết nầy Ngài sẽ gửi Thánh Thần của Ngài đến. Do đó từ nơi Thánh Thần của Đức Giêsu và chính Đức Giêsu và trong chính Đức Giêsu, mà Kitô-hữu cảm nghiệm Thiên Chúa của cuộc đời họ và sự cứu độ của họ.
Với biến cố Đức Kitô sống lại, thời đại cuối cùng bắt đầu: Đấng Phục sinh khởi đầu thời kỳ cánh chung, khai trương những thực tại chung quyết của lịch sử loài người (x. ASMD 48 (ánh sáng muôn dân)). Những biến cố mà các ngôn sứ tiên báo cho “những ngày cuối cùng,” đã thực sự ứng nghiệm khi Thần Khí của Đức Kitô được tuôn đổ xuống (x. Cv 2:16tt). Những chờ mong của các thánh (x. Tv 51: 9t chẳng hạn) đã lộ hiện ở nơi Đấng Phục sinh và các tín hữu của Ngài. Biến cố sống lại khai mở thời kỳ mới, thời kỳ mời gọi nhận lãnh ơn cứu độ sẽ kéo dài “cho tới khi Chúa lại đến.” Khi Đức Giêsu trút linh hồn, bức màn Đền thờ bị xé ra (x. Mt 27:50-51), tượng trưng cho điểm kết thúc của một thời đại. Tiếp đến, thi hài Đức Giêsu được mai táng trong một ngôi mộ mới (x. Mt 27:60; Ga 19:41), bởi vì “thời phục hồi vạn vật” (x. Cv 3:21; ASMD 48) đã bắt đầu. Biến cố đặc thù của “thời cuối cùng” là sự việc kẻ chết sống lại; và biến cố ấy đã bắt đầu nơi Đức Kitô, một biến cố vượt qua, một biến cố ban ơn cứu độ.[2]

NVT



[1] Boff, Leonardo, Chúa Giêsu KitôCu Đng Đ, (Bo Tnh chuyn ng), (không nơi xut bn, không nhà xut bn), 2005, tr.477.
[2] X. Hp Tuyn Thn Hc s 26, Kitô hc,  http://www.htth.org/so/so26/26d_ch3.HTML

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét