ĐI BỘ 1800 CÂY SỐ ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ƠN GỌI CỦA MÌNH.
Sinh
ra trong một gia đình quyền quí ở Ba Lan vào thế kỷ XVI, nhưng thánh
Stanislao Kostka (1550-1568) sống như một thiên thần, không màng chi
danh vọng tiền tài. Mọi người luôn tìm cách lôi kéo công tử Stanislao
vào cuộc sống xa hoa, hưởng thụ. Đã từ lâu, Stanislao ước mong được chia
sẻ nếp sống của nhóm bạn Chúa Giêsu (dòng Tên).
Stanislao
đã gặp cha Giám tỉnh dòng Chúa Giêsu để xin nhập tu, nhưng anh ở diện
vị thành niên nên họ không dám nhận khi chưa có phép của cha mẹ. Anh
thừa hiểu chẳng đời nào cha anh lại cho phép từ bỏ nếp sống công tử để
đổi lấy chiếc áo dòng. Người ta cũng sợ có nhiều phiền toái không lường
trước được. Stalislao nghĩ rằng vị sứ thần Tòa Thánh tại Vienne có thể
buộc nhà dòng thâu nhận anh, nên đích thân trình bày trực tiếp với ngài.
Tuy nhiên, vị sứ thần cũng không dám ép nhà dòng làm một việc có thể
dẫn đến nhiều hậu quả tai hại. Anh nảy ra ý định đi thật xa, đến nơi nào
mà nhà dòng có thể nhận anh mà không sợ liên lụy.
Anh
đã trình bày với cha linh hướng của mình về ý định đó. Dò hỏi mãi, anh
được cha Antoniô cho biết ở Đức hay Ý tại đó có nhà dòng, vì quá xa,
chắc gia đình anh sẽ không can thiệp được, và hy vọng họ sẽ nhận anh. Dù
chưa biết nước Đức hay Ý ở đâu, anh vẫn quyết tâm một ngày kia sẽ ra
đi.
Sau
khi đã được chỉ dẫn tường tận về đường đi và đã có thư giới thiệu, anh
sẵn sàng lên đường. Trùng vào dịp ấy, người anh ruột là Phaolô đã quá
tức giận và xử tệ vì em mình không sống theo nếp sống của giai cấp quí
tộc thời bấy giờ, mà ngược lại, Stanislao sống như một thiên thần, xa
lánh thế tục... Stanislao đã cự lại, nhìn thẳng vào mặt Phaolô, nói với
giọng dịu dàng nhưng cứng rắn:
- Anh xử tệ với em, em sẽ đi cho anh biết, khi đi rồi, đừng mong em trở lại, rồi anh ráng mà thưa với ba má.
Nhưng Phaolô không chịu thua chú bé ương bướng ấy, anh quát lên:
- Cút đi cho rảnh mặt tao.
Nắm
lấy cơ hội, sáng sớm hôm sau đi dự lễ như thường lệ rồi thay vì vào lớp
học, Stanislao theo con đường dẫn đến thành phố Ausbourg ở miền nam
nước Đức.
Tại
nhà trọ, chờ đến tối không thấy em về, Phaolô hốt hoảng đi tìm. Sáng
sớm hôm sau, vừa giận vừa lo, chàng phóng ngựa vượt qua trước mặt em
mình mà không biết, vì Stanislao đã đổi bộ quần áo công tử lấy bộ quần
áo dân quê để mặc. Cả ông nghị sĩ cũng cảm thấy có trách nhiệm, ông dùng
một cỗ xe song mã nhất định tóm cổ Stanislao. Khi thấy xe đang tiến
tới, Stanislao cảm thấy lúng túng tìm cách tránh mặt. Nhưng bỗng hai con
ngựa trở chứng, chúng ngừng lại không làm sao tiến lên được. Người đánh
xe đành phải quay trở lại và chúng chạy như bay. Thoát nạn, Stanislao
không ngớt tạ ơn Chúa. Các bạn của anh ở Vienne tin rằng chính Chúa can
thiệp để anh tiến về đất hứa.
Stanislao
xác minh rằng: “Tôi sinh ra để sống cho những gì cao quí hơn”, quãng
đường 560 cây số từ Vienne đến Ausbourg không làm cho Stanislao nản chí.
Trái lại, anh đi thật hăng hái, mỗi ngày anh đi được khoảng 50 cây số.
Khi
đến Ausbourg, Stanislao được biết cha Giám tỉnh Kanis đang có việc ở
Đillingen, anh lại vội vã đi thêm 40 cây số nữa với hy vọng được nhận
vào dòng ngay. Sau khi khảo sát cặn kẽ, cha Kanis sẵn sàng nhận anh vào
dòng. Thời gian đầu, cha Giám tỉnh cho anh sống thử và làm việc giúp bếp
trong một nhà trường. Trong khi các học sinh dùng bữa, anh giữ chân
giúp bàn. Anh làm rất vui vẻ mặc dù hơi có phần vụng về, vì chưa bao giờ
làm những công việc này.
Cha
của Stanislao, công tước Gioan Kostka, biết tin liền lồng lộn tố cáo
dòng đã bắt cóc con ông và làm nhục dòng họ Kostka vì để con ông phải ăn
xin dọc đường từ Vienne tới Ausbourg, lại còn bắt con ông làm việc phục
vụ như một người tôi tớ. Chỉ sau khi Stanislao qua đời, để lại hương
thơm thánh thiện trong Giáo hội, ông mới dịu bớt cơn giận của mình.
Stanislao
hầu như quên mình là một công tử, không đếm xỉa gì đến vinh dự thế
gian, anh vui vẻ đi lại con đường của Đức Kitô nghèo khó. Anh thản nhiên
bỏ lại sau lưng tất cả danh vọng, của cải, tương lai tươi sáng của một
dòng họ Kostka. Anh bắt đầu sống cuộc đời của người môn đệ.
Stanislao
là con cưng của Chúa, thế mà ở nhà Chúa vẫn chưa ổn định. Hình như Chúa
còn muốn cho người con của Người chịu nhiều thử thách hơn nữa.
Cả
cha Giám tỉnh lẫn Stanislao đều cảm thấy rằng ở Ausbourg, công tước
Gioan Kostka vẫn có thể can thiệp, và có thể gây khó khăn cho nhà dòng.
Vì thế, anh được gởi đi Rôma. Anh phải đi thêm 1200 cây số nữa để được
tự do sống cho những gì cao quí hơn. Nhưng lần này, anh không còn đơn
độc trên đường dài, có hai học viên của dòng cùng đi.
Ngày 28.10.1567, Stanislao bắt đầu chương trình nhà Tập tại nhà Thệ sĩ của dòng ở Rôma.
Vào
Tập viện được ít lâu, anh nhận được thư của công tước Gioan Kostka, ông
khiển trách anh đã làm nhục dòng họ Kostka; nếu anh không về, ông sẽ
cho người đến lôi cổ anh ra khỏi dòng. Và anh đã viết thư trả lời: “Dù
phải đau khổ đến đâu hay phải chết, con cương quyết không bỏ cuộc sống
con đã chọn”.
Thiên
Chúa đã có cách bênh vực người con của Ngài, sống ở Tập viện chưa đầy 9
tháng, Chúa đã gọi anh về vào đúng dịp lễ Mẹ Lên Trời, ngày 15.8.1568.
Stanislao
đã để lại một niềm cảm mến sâu xa trong lòng mọi người. Anh cầu nguyện
như một thiên thần. Anh tươi vui như một người hạnh phúc nhất trên trần
đời. Anh khiêm tốn phục vụ như một tôi tớ trung thành. Anh dễ thương như
một người bạn chí tình. Tuân phục như con ngoan, quên mình như một
người yêu, thuộc về Chúa như một vị thánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét