Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

VẤN ĐỀ CHÂN LÝ TRONG KINH THÁNH

1. Phân biệt “đúng” và “thật” trong Kinh Thánh
a) Đúng trong Kinh Thánh được hiểu là đúng theo lịch sử khách quan. Kinh Thánh thực sự mang tính lịch sử. Các soạn giả thánh trình bày lịch sử cứu độ qua lịch sử nhân loại. Lịch sử cứu độ này là đúng.
Tuy nhiên, lịch sử trong Kinh Thánh lại khác với lịch sử nhân loại. Lịch sử nhân loại mang tính thực tế khách quan thuần tuý. Còn lịch sử trong Kinh Thánh được viết dưới nhãn quan đức tin, trong mọi biến cố đều có dấu ấn của Thiên Chúa. Do vậy, lịch sử trong Kinh Thánh được trình bày theo góc độ tôn giáo.
Trong nhiều trường hợp, các soạn giả thánh có thể kể lại phỏng chừng, bỏ qua nhiều tiểu tiết của biến cố lịch sử Israen hay của thế giới. Do vậy, người ta không thể đòi hỏi ở đây sự chính xác về lịch sử khoa học hiểu theo nghĩa chặt chẽ.


b) Thật trong Kinh Thánh là thật theo chân lý mạc khải. Hiến chế Dei Verbum viết : “Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành, và không sai lầm những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Kinh Thánh ghi lại vì ơn cứu độ của chúng ta” (số 11). Nói cách khác, những gì soạn giả thánh viết ra dưới sự linh hứng đều không sai lầm.
Soạn giả thánh, với cách dùng hình ảnh, từ ngữ, cách sắp xếp câu chuyện, chắc chắn muốn chuyển tới độc giả một chân lý đức tin nào đó qua bản văn Kinh Thánh. Tuy nhiên, sẽ có những câu chuyện được trình bày không đúng với lịch sử nhân loại, nhưng qua đó, soạn giả vẫn có thể dạy một chân lý đức tin. Nói cách khác, Kinh thánh có yếu tố “không đúng” nhưng lại “thật”.
Chúng ta lấy ví dụ về đoạn St 1,1 - 2,4a. Đây là trình thuật về việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người trong thời gian 6 ngày. Trình thuật này hẳn nhiên không “đúng” theo lịch sử nhân loại, bởi vì vũ trụ và con người thực sự không hình thành lối trình bày này. Nhưng nó lại “thật”, bởi vì nó dạy một chân lý mạc khải rằng Thiên Chúa là nguồn gốc vũ trụ và con người, vì tất cả đều có dấu ấn của Thiên Chúa.
Trong Kinh Thánh, “đúng” đương nhiên là “thật”. Nhưng “thật” thì có thể “đúng” có thể không “đúng”. Chẳng hạn, chân lý của việc đức Giêsu chịu chết và sống lại là để cứu chuộc con người khỏi tội lỗi (thật). Sự kiện này cũng đúng theo lịch sử nhân loại.

2. Chân lý Kinh Thánh và chân lý khoa khọc
Tác giả của Kinh Thánh là Thiên Chúa, và Kinh Thánh được viết dưới sự tác động của ơn linh hứng vì phần rỗi chúng ta, nên chân lý Kinh Thánh mang tính tôn giáo và không sợ sai lầm. Vì thế, các soạn giả thánh là nhà tư tưởng tôn giáo, chứ không phải là nhà bác học. Theo đó, Kinh Thánh đặt trọng tâm vào chân lý Kinh Thánh, chứ không vào chân lý khoa học.
Trong Kinh Thánh có những chỗ liên quan đến khoa học, thì phải hiểu rằng các soạn giả thánh không có ý dạy chân lý khoa học, mà đó chỉ là phương pháp các ngài sử dụng những quan niệm khoa học nhất thời để lưu truyền chân lý Kinh Thánh. Những quan niệm ấy có thể là sai đối với nền khoa học tiến bộ hơn, và các ngài đã chấp nhận những sai lầm ấy cùng với thời đại mình. Vậy, Chân lý Kinh Thánh là tuyệt đối tự nguồn gốc thần linh, nhưng đã chấp nhận tính cách tương đối khi để cho mình được trình bày bằng ngôn ngữ giới hạn của loài người.
Dưới sự tác động của ơn linh hứng, các soạn giả thánh trình bày về vũ trụ, lịch sử loài người theo nhãn quan tôn giáo. Điều này cho phép họ sao lãng tính chính xác khách quan. Sự sao lãng này là một lỗi lớn đối với khoa học hiện đại, vốn tuyệt đối hoá tính chính xác khách quan như chuẩn mực thẩm định chân lý. Dẫu khoa học hiện đại đề cao tính chính xác khách quan khi xem xét thực tại, nhưng người ta không thể đánh mất chiều kích tôn giáo của nó. Để có thể hiểu biết sâu xa về thực tại, người ta không thể bỏ qua việc tham chiếu chân lý Thánh Kinh là nguồn gốc sâu xa của chúng. Do vậy, chân lý Kinh Thánh và chân lý khoa học cần hỗ trợ và bổ túc cho nhau để có được một chân lý hoàn hảo và đích thật về thực tại vũ trụ và con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét