Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Thánh Lễ có cần thiết không?



Năm 1987, khi tôi còn phục vụ tại Tòa báo Trái Tim Đức Mẹ tại Carthage, Missouri, một buổi chiều, đang bận sắp xếp bài vở thì điện thoại reo. Người đầu giây bên kia là một bà mẹ. Bà rất đau khổ kể lại cho tôi chuyện con cái bà. Qua câu chuyện, tôi hiểu: Bà có người con trai, năm nay cậu đã lập gia đình và có một con. Bà không thể chịu được sự "khô đạo" của cậu con trai này. Dù đã lập gia đình, Chúa nhật nào bà cũng phải nhắc nhớ cậu đi dự lễ, nhưng có lần cậu ta trả lời: "Đi lễ thì Chúa có cho tiền để trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước không"?


Lần khác bà bảo cậu đi lễ để cầu cho ông nội, vì hôm đó là ngày giỗ ông nội, cậu nói: "Ai lên thì lên, ai xuống thì xuống, cần gì phải cầu cho ai"?  Nghe những lời đó, bà đau khổ vô cùng, bà nói: "Biết vậy chẳng thèm đưa chúng nó sang Mỹ".

Ở đây, tôi không có ý thuyết phục bạn phải đi lễ, nhưng chỉ muốn trình bày để bạn thấy chung quanh bạn có nhiều tôn giáo, tôn giáo nào cũng có lễ tế thờ phượng:

Tại nước ta, người theo đạo Ông bà, nhiều nhất trong tổng số dân Việt, dù không là tôn giáo theo đúng nghĩa, nghĩa là không có giáo điều, giáo chủ...nhưng để tỏ lòng hiếu thảo, con cháu cũng lập bàn thờ cúng vái, cũng có lễ vật là cơm, cháo, chuối, cam, rượu, nước. Mỗi tuần tiết, hoặc ngày kị đều có làm lễ cáo gia tiên, hoặc mùa có của mới, gạo mới, hoặc khi có việc hiếu hỉ (Toan Ánh, Tín Ngưỡng Việt nam, quyển Thượng trang 24).

Người theo đạo Phật, dù Phật tổ không hề khuyên nhủ ai cúng tế mình, nhưng với lòng trọng kính một Vị đã "mở đường cứu khổ cứu nạn", các tín đồ đã kính thờ Ngài, cầu khấn Ngài, xin Ngài phù hộ. Những tín đồ ngoan đạo thường đi chùa lễ Phật vào ngày rằm, mùng một và nhiều lễ khác trong năm (Sách đã dẫn trang 312).

Đạo Thệ phản (Protestant) thường gọi là Tin lành, phát xuất từ đạo Công giáo,  dù họ đã bỏ hầu hết lễ nghi bên gốc Công giáo, nhưng họ vẫn giữ lại việc hfdỏ nhau ngày Chúa nhật  để làm việc thờ phượng Chúa.

Đạo Cao đài, đạo Hòa hảo...cũng không thiếu lễ nghi tôn thờ.

Nhìn xa hơn, các đạo Hồi (Moslem), Ấn độ (Hindu)...cũng đều có những nghi lễ tôn thờ thần thánh của họ.
Tại sao?

Vì con người có hồn có xác. Thờ phượng Đấng Cao Cả trong tâm hồn, nhưng cũng phải tỏ ra bên ngoài,  làm  những việc mà người ta thấy được. Chúa Giêsu có lần nói: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời" (Mt 5,16). Thánh Lễ là việc tốt đẹp nhất, ta có thể làm trên trần gian này.

Nếu bạn tìm hiểu đạo Do thái, là đạo gốc của đạo Công giáo, bạn thấy Thiên Chúa Giavê truyền những nghi lễ thờ phượng phức tạp không thể tưởng tượng. Tôi xin trích một đoạn trong sách Lêvi để bạn so sánh với lễ nghi thời Tân Ước của Chúa Giêsu:

"Thiên Chúa phán với ông Mosê: Hãy nói với Aaron anh ngươi, đừng bất cứ lúc nào cũng vào trong thánh điện, phía sau màn trướng, trước nắp xá tội ở trên Hòm Bia, và như vậy nó sẽ không phải chết khi Ta hiện ra trong đám mây trên nắp xá tội. Aaron sẽ vào thánh điện như thế này: Nó phải bắt một bò tơ để làm lễ tạ tội và một cừu đực để làm lễ toàn thiêu. Nó sẽ mặc áo dài thánh bằng vải gai, mặc trên mình quần đùi vải gai, thắt lưng đai vải gai, đội mũ tế vải gai. Đó là phẩm phục thánh. Nó sẽ lấy nước tắm rửa trước khi mặc vào. Nó sẽ nhận hai con dê đực để làm lễ tạ tội và một con cừu đực để làm lễ toàn thiêu, do cộng đồng con cái Israel đem tới. Aaron sẽ tiến dâng con bò tơ làm lễ tạ tội cho chính mình, và cử hành lễ xá tội cho mình và cho nhà mình. Nó sẽ lấy hai con dê và đặt trước nhan Thiên Chúa, ở cửa lều Hội ngộ. Nó sẽ bắt thăm chọn giữa hai con dê: Một thăm dành cho Thiên Chúa, một thăm dành cho quỉ Adaden. Aaron sẽ tiến dâng con dê trúng thăm "dành cho Thiên Chúa" và dùng làm lễ tạ tội. Còn con dê trúng thăm "dành cho Adaden", Aaron sẽ để sống và đặt trước nhan Thiên Chúa, để cử hành lễ xá tội trên nó và thả nó cho Adaden trong sa mạc. Aaron sẽ tiến dâng con bò tơ làm lễ tạ tội cho chính mình và cử hành lễ xá tội cho mình  và cho nhà mình: nó sẽ sát tế con bò tơ làm lễ tạ tội cho chính mình. Nó sẽ lấy than hồng trên bàn thờ trước nhan Thiên Chúa bỏ đầy vào bình hương, sẽ bốc hai nắm đầy bột hương thơm, và đem vào phía sau màn trướng. Nó sẽ bỏ hương vào lửa, trước nhan Thiên Chúa, và khói hương như mây sẽ phủ nắp xá tội ở trên Chứng Ước, và như vậy nó sẽ không phải chết. Nó sẽ dùng một ngón tay lấy máu con bò tơ, rảy lên nắp xá tội về phía đông, rồi đàng trước nắp xá tội, nó cũng dùng ngón tay mà rảy máu bảy lần. Nó sẽ sát tế con dê dùng làm lễ tạ tội cho dân, sẽ đem máu nó vào phía sau màn trướng, và cũng sẽ lấy máu đó mà rảy như đã rảy máu con bò tơ. Nó sẽ rảy máu đó lên nắp xá tội. Nó sẽ cử hành lễ xá tội cho thánh điện, vì những điều ô uế  của con cái Israel và những việc phản nghịch của chúng, nghĩa là mọi tội lỗi của chúng".(Lv 16, 2-28).

Bạn thấy phức tạp không? Đó chỉ là một đoạn vắn trong sách Lêvi, còn biết bao nhiêu điều phức tạp hơn nữa, cũng thuộc về nghi lễ, mà dân Do thái phải chu toàn.

Nhưng khi Chúa Kitô đến, Người đã miễn cho chúng ta khỏi những phức tạp, nặng nề của lề luật cũ. Người nói:

" Hy lễ và hiến lễ, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Cha đã chẳng ưa, thì này con đến để làm theo Ý Cha". Thế là Người đã bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ". (Dt  10,8-10).

Lễ tế đó chính là Thánh Lễ Misa mà bạn đang tìm hiểu đây."Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu là Đấng Cứu chuộc đã thiết lập Hy tế Tạ ơn (lễ Misa) bằng Mình Máu Chúa,  để nhờ đó Hy tế Thập giá kéo dài tới khi Chúa lại đến. Người ủy thác cho Giáo hội việc tưởng nhớ sự Chết và sự Sống lại của Người" (Pv 47, 2.

Hơn nữa "Đây là Bí tích Tình yêu, là dấu hiệu của Hiệp nhất, là Sợi dây liên kết bác ái, là Bữa tiệc Vượt qua, trong đó Chúa Kitô được ban làm lương thực, linh hồn được đổ tràn đầy ân sủng và là bảo chứng của vinh quang mai sau đã được ban cho chúng ta" (GlCg92 1323).

Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể cách nào?

Mình Máu Chúa trong Thánh Lễ sau khi linh mục truyền phép hiện diện cách nào? Ta phải chấp nhận bằng đức tin hay có thể giải thích bằng lý trí. Về điểm này, Giáo lý cho biết:

"Cách thức hiện diện của Chúa Giêsu dưới hình bánh và hình rượu là độc nhất...Trong Bí tích này có chứa đựng Mình và Máu Chúa Kitô cách thật sự, cách hiện thực và cách bản thể, cùng với linh hồn và thiên tính của Chúa Giêsu Kitô, và như vậy là có Chúa kitô toàn vẹn" (GlCg92 1374).
 
Trích "Tìm Hiểu Thánh Lễ"
Đoàn Quang, CMC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét