Nhiều bạn đang chọn cuộc sống làng nhàng và không có nhu cầu tự học
hay tự hoàn thiện bản thân. Và như là một sự tất yếu, may mắn chỉ mỉm
cười với những người luôn nỗ lực vươn lên và chủ động tạo cơ hội cho
mình.
Là lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp, tôi luôn mong muốn công ty
mình trở thành một tổ chức học hỏi. Tôi thành lập thư viện, tặng sách
hay cho nhân viên, tổ chức các buổi đào tạo, quan tâm đến hoạt động của
Đoàn thanh niên, hỗ trợ chi phí học đại học cho nhân viên… Tôi mong muốn
tạo điều kiện để các bạn trẻ trong công ty có cơ hội phát triển bản
thân thông qua việc tự học.
Tuy nhiên, người lãnh đạo hay đàn anh đi trước chỉ có thể gợi mở,
định hướng, tạo điều kiện chứ không thể bắt ép nhân viên đọc sách hay
thúc ép tham gia các khóa học. Chưa kể dù có ngồi trong lớp học đi nữa
mà người đó không thích hoặc không muốn ứng dụng điều mình học vào cuộc
sống, biến kiến thức của thiên hạ thành tài sản của bản thân thì thời
gian ngồi trong lớp học cũng thành vô ích!
Cho nên, chia sẻ với những bạn trẻ, tôi cho rằng điều đầu tiên cần
phải xác định học hỏi là một nhu cầu của bản thân, để mỗi người có thể
giỏi hơn, hoàn thiện mình hơn ngày hôm qua.
Một ngày trôi qua mà không tiếp thu, tích lũy được điều gì mới, có ích thì đó là một ngày lãng phí!
Việc tích cực học hỏi có thể chưa mang lại ngay vị trí tốt hơn trong
công việc nhưng chắc chắn với tinh thần cầu tiến và thái độ sẵn sàng học
hỏi, bạn trẻ đó sẽ làm tốt hơn công việc được giao và giúp ích được
những người xung quanh. Hơn nữa, chính kiến thức được tích lũy và những
thành công nho nhỏ trong công việc sẽ giúp chúng ta tự tin và vui sống.
Internet, sách vở hiện nay là nguồn kiến thức vô tận. Tôi biết rất
nhiều người thành đạt, giàu có và lớn tuổi hơn tôi nhưng đang không
ngừng học hỏi. Vừa rồi tôi có trò chuyện với cô Tôn Nữ Thị Ninh. Cô Ninh
cho biết một trong những điều tiếc nuối nhất trong cuộc đời cô là có
một giai đoạn vì quá bận rộn nên cô không có thời gian đọc sách.
Các bạn nhân viên từng vào phòng làm việc của tôi và thấy tôi đọc
sách. Và mỗi lần bước chân vào cửa hàng sách, tôi luôn choáng ngợp kèm
theo nỗi lo lắng. Có quá nhiều sách mới, kiến thức mới mà mình cần phải
biết. Tác dụng và ý nghĩa của việc đọc sách chắc không cần phải nhắc
lại. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Thomas Carlyle: “Chúng ta sẽ trở
thành gì phụ thuộc vào điều chúng ta đọc sau khi tất cả thầy cô giáo đã
xong việc với chúng ta. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở”.
Cần có huấn luyện viên
Cũng hãy xem ví dụ về các vận động viên tennis nhà nghề. Đa số họ đều
có huấn luyện viên và nếu vận động viên phải thi đấu với huấn luyện
viên, có lẽ đa số vận động viên sẽ chiến thắng. Thế nhưng, tại sao họ
vẫn cần huấn luyện viên. Vì huấn luyện viên là người có thể nhìn ra
những điểm mà vận động viên chưa hoàn thiện và giúp họ rèn luyện để cải
tiến.
Trong đời thực cũng vậy. Ngoài những người thầy trên lớp, bạn vẫn nên
tìm kiếm để có được những người thầy ngoài giảng đường, giúp định hướng
và chỉ ra được những điểm chưa tốt để mình hoàn thiện. Bạn có thể học
hỏi và ghi nhận những lời chỉ dẫn từ lãnh đạo phòng, các bạn đồng
nghiệp, người thân trong gia đình.
Cuối cùng, việc tự học còn đến từ sự dấn thân và trải nghiệm. Chính
thực tế khắc nghiệt sẽ là người thầy khó tính nhưng giàu kinh nghiệm.
Chỉ có hành động mới mang lại kết quả và thất bại sẽ giúp bạn trưởng
thành.
Để can đảm dấn thân, bạn cần một thái độ sống tích cực và sẵn sàng
học hỏi. Thomas Edison đã không lùi bước sau 999 lần thất bại trước khi
phát minh thành công bóng đèn điện. Có thể các công việc khi bắt đầu chỉ
là những công việc giản đơn, buồn tẻ. Nhưng nếu bạn hoàn thành một cách
xuất sắc, bạn sẽ được công nhận. Tôi định nghĩa sự chuyên nghiệp chính
là việc hoàn thành công việc được giao vượt trên sự mong đợi.Bạn hãy trở
thành một người làm việc chuyên nghiệp như giá trị cối lõi của công ty
đã đề ra.
Luôn luôn có cơ hội thành công và làm giàu cho những bạn không ngừng
học hỏi và nỗ lực vươn lên. Cuộc sống vốn công bằng. Bạn sẽ nhận được
những gì mình nỗ lực và cho đi. Hãy đừng bằng lòng với một cuộc sống
buồn tẻ, làng nhàng mà hãy cố gắng đọc sách, học tập trong và ngoài
giảng đường, dấn thân, trải nghiệm để sống một cuộc đời có ích.
Học tập là sự nghiệp của cả một đời người!
Nguyễn Tuấn Quỳnh
Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn - SFC
Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn - SFC
Theo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét