Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU

Người thầy thuốc giỏi (Lương y) cũng như người mẹ hiền (Từ mẫu) vậy.  Người thầy thuốc mà không “giỏi” thì không thể là mẹ “hiền” được. Mẹ hiền chắc không ai muốn con mình ốm đau để được… chăm sóc mà trái lại luôn mong cho con sởn sơ, mau ăn chóng lớn. Người thầy thuốc giỏi cũng vậy, chắc cũng luôn mơ ước như  Hải Thượng Lãn Ông – mong sao cho mọi người ai nấy đều được khỏe mạnh, được an vui để mình được… thất nghiệp, suốt ngày làm thơ ngâm vịnh, du sơn ngoạn thủy…


Người thầy thuốc “giỏi”, ngoài cái giỏi về chuyên môn kỹ thuật- một thầy thuốc  “mát tay”- hẳn còn phải giỏi về tâm lý tiếp xúc, chẩn đoán không chỉ bệnh tật mà còn hiểu được những “đáp ứng con người” (human response) của bệnh nhân trong bối cảnh văn hóa xã hội mà họ đang sống.  Có môt câu châm ngôn  trong ngành y: “Không có bệnh, chỉ có người bệnh”. Nghĩa là cùng một thứ bệnh mà mỗi người sẽ “bệnh” một cách khác nhau, do cơ địa cũng như do môi trường sống ( môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội ) của họ, cho nên bệnh của họ sẽ “thị hiện” khác nhau, diễn biến khác nhau và phương thức trị liệu do đó cũng sẽ phải khác nhau. Chữa bệnh theo một “phác đồ điều trị” máy móc thì không cần sự hiện diện của người thầy thuốc. “Lương y” không chỉ thấy cái bệnh mà còn thấy cái hoạn, không chỉ thấy cái đau mà còn thấy cái khổ của bệnh nhân.
Nghề y là một nghề đặc biệt. Hai người không hề quen biết nhau, chỉ mới gặp nhau, nói với nhau vài câu mà một người (bệnh nhân) đã sẵn sàng tiết lộ mọi bí mật riêng tư của mình, sẵn sàng trút bỏ y phục cho người kia (thầy thuốc) thăm khám cơ thể mình không chút đắn đo e ngại. Nếu không có cái lòng tin tưởng tuyệt đối là sẽ đựơc giữa bí mật, sẽ đựơc chữa lành những nỗi khổ đau thì ai dám? Chính vì thế người ta luôn chọn “đầu vào y khoa” một cách rất cẩn trọng. Ngoài kiến thức còn phải xem xét cả thái độ, hành vi, động cơ… qua những trắc nghiệm, phỏng vấn trực tiếp để biết người muốn học y kia có cái “nghiệp” gì chăng hay chỉ là một cuộc “đâu tư”?
Rồi trong suốt quá trình học tập dài lâu đó, các nguyên tắc hay giá trị đạo đức y khoa (Y đức) được dạy rất kỹ, xuyên suốt, để hình thành một thái độ, một nếp sống như máu thịt của người thầy thuốc. Đó là sự tôn trọng tuyệt đối tính mạng và nhân phẩm của thân chủ (bệnh nhân)  bởi họ đã “phó thác tính mạng” vào tay một người “xa lạ” mà họ tin tưởng. Những nguyên tắc đó đã được quy định từ thời Hippocrates, 400 năm trước Công Nguyên, đã trở thành những nguyên tắc của Y đức không thể thiếu trong nghề y và sau này, được cụ thể hóa qua Nghĩa vụ luận y khoa (Déontologie médicale) giảng dạy tại các trường Y.
Y đức đặt nền tảng trên sự “Tôn trọng sinh mạng con người” nên trước hết là không được làm bất cứ điều gì gây hại thêm (Premum non nocere!), luôn nghĩ và làm đìều có lợi cho người bệnh . Rồi phải tôn trọng nhân phẩm và quyền lợi bệnh nhân. Phải tuyệt đối giữ bí mật nghề nghiệp.
Không phân biệt đối xử. Công bằng và trung thực. Tôn trọng tính tự chủ (Autonomy) cà về phía bệnh nhân lẫn phía thầy thúôc. Đây là cơ sở của sự đồng thuận sáng suốt (informed consent) với điều kiện thầy thuốc phải thông tin trung thực, rõ ràng và thích đáng. Trừ trường hợp khẩn cấp, bắt buộc phải sơ cứu, còn ngoài ra phải có sự đồng thuận của  bệnh nhân trong mọi hoạt động liên quan từ xét nghiệm, thăm khám, nhập viện, can thiệp phẫu thuật… đến mọi loại hình chăm sóc cũng như sử dụng bệnh án dạy học v.v… Từ đó, vấn đề quan hệ thầy thuốc- bệnh nhân, vấn đề truyền thông trị liệu được đặt ra.
Người thầy thuốc chỉ đứng trước lương tâm mình. Có thể mọi người không ai hay biết nhưng với lương tâm, họ biết rõ. Và như vậy họ phải chịu trách nhiệm cá nhân.  Họ cần phải có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức mới làm tròn sứ mệnh mà xã hội đã giao phó qua sự đào tạo huấn luyện và kiểm soát xã hội. Năng lực của người thầy thuốc là kết quả của việc học tập, nghiên cứu không ngừng, trau dồi từ các khoá tu nghiệp, đào tạo thường xuyên, luôn cập nhật về khoa học kỹ thuật và về các phương pháp thực hành mới. Năng lực phải phù hợp với trang thiết bị và phương tiện vật chất. Trang thiết bị phương tiện vật chất dù tối tân đến đâu mà năng lực yếu kém cũng sẽ là một tác hại nặng nề cho ngành y, làm mất lòng tin và gây thêm tốn phí.
Ngày xưa, thời người thầy thuốc đầy quyền uy, bênh nhân mỗi mỗi phải tuân phục, mối quan hệ gia trưởng (Paternalism) đó nay đã qua rồi! Với chủ nghĩa tiêu thụ (Consumerism) gần đây, người thầy thuốc được coi như là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (health care provider) còn bệnh nhân trở thành khách hàng, ngừơi tiêu thụ (consumer). Người bệnh đựơc chiều chuộng, khuyến khích, cả “hù dọa” nữa để… tiêu thụ, sử dụng dịch vụ, lệ thụôc kỹ thuật  càng nhiều càng tốt. Bệnh viện không còn là “nhà thương” mà trở thành một doanh nghiệp. Giám đốc là một doanh nhân, đầu tư kiếm lợi. Bác sĩ là người làm công. Người ta đã nhận ra kiểu quan hệ không  tốt đẹp này và đã có những đòi hỏi cải tổ. Hiện nay, một khuynh hướng thứ ba công bằng hơn, hợp lý hơn, có sự tương tác hai chiều, đối thoai và hợp tác. Y đức do đó ngày càng được quan tâm hơn.
Người sinh viên y khoa ngày nay có nhiều điều kiện tốt để học tập. Kỹ thuật y khoa ngày càng tiến bộ. Công nghệ thông tin phát triển. Sinh viên y khoa muốn trở thành một “lương y” không khó.  Vấn đề là ngoài chuyên môn của mình họ sẽ phải tự rèn luyện thêm về lãnh vực xã hội và nhân văn để cân bằng trong cụôc sống, và để “lương y” trở thành “từ mẫu” vậy./.
BS Đỗ Hồng 

 “Lương y như từ mẫu” ở Việt Nam giờ ra sao?

Trong mấy ngày nay, vụ một bác sĩ thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, làm chết bệnh nhân tại thẩm mỹ viện tư của ông ta rồi vứt xác nạn nhân xuống sông khiến chấn động dư luận. Vấn đề cần được nêu lên là y đức và cả đạo đức toàn xã hội Việt Nam, hiện ra sao?
Kiểu “độc nhất vô nhị”

Hôm 19-10 vừa qua, BS Nguyễn Mạnh Tường, chủ nhân Thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội, giải phẩu thẩm mỹ làm chết bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền rồi vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng để phi tang.

Giữa lúc công luận phản ứng mạnh mẽ, có ý kiến tin rằng vụ này chỉ là trường hợp ngoại lệ, kiểu “độc nhất vô nhị” mà thôi.

Nhưng vấn đề là trong thời gian gần đây, người dân trong nước ngày càng báo động về nhiều sai phạm, tiêu cực trong ngành y - diễn ra trong chiều hướng vô cảm, tắc trách, kỳ thị, thậm chí xem thường nhân mạng. Nhiều bệnh nhân than phiền y đức trong nước hiện giờ xuống cấp trầm trọng, y giới, ngoài “sai sót về chuyên môn”, thường không thể hiện tinh thần “lương y như từ mẫu”, đó là chưa kể “văn hoá phong bì” nhan nhản trong các bệnh viện vì nếu thân nhân nuôi bệnh thiếu sự “bôi trơn” đó, bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, nhất là họ lo cho tính mạng người thân đang trong tình trạng “chỉ mành treo chuông”.

Từ Hà Nội, cụ Lê Hiền Đức, từng được thế giới trao giải thưởng “Liêm chính” và vinh danh chống tham nhũng, báo động:

“Tôi vô cùng bức xúc. Bây giờ đạo đức, y đức  xuống cấp quá rồi. Tinh thần trách nhiệm, đạo đức của ngành y nó thế nào rồi? Cái ngành y đang xuống cấp một cách kinh khủng. Và phải nói lỗi một phần lớn là ở Bộ trưởng Bộ Y tế, chẳng có trình độ, không có giáo dục y đức gì cả.”

Từ Thanh Hoá, MS Nguyễn Trung Tôn lưu ý rằng lâu nay, câu “Lương y như từ mẫu” gắn liền với ngành y. Nhưng trên thực tế tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều sự kiện liên quan đến vấn đề y đức gần như liên tục xảy ra:

“Đặc biệt chỉ trong vòng tháng 10 này thôi, cả sản phụ chết ở Thanh Hoá. Rồi tới chuyện ông BS Nguyễn Mạnh Tường dù không có giấy phép hành nghề thẩm mỹ nhưng vẫn hành nghề lén lút - mà thực ra là giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng nếu không có sự kiện bệnh nhân của ông ta chết và bị vứt xác xuống sông và sự kiện này không được khui ra thì phòng thẩm mỹ của ông ta vẫn còn tồn tại. Và vụ này là dấu hiệu cho thấy y đức ở Việt Nam ngày nay đã xuống cấp đến mức báo động - chẳng còn có thể gọi là y đức được nữa! Tại Việt Nam bây giờ, ngay ngành y - ngành được ví như “Người Mẹ Hiền” - giờ cũng đã trở nên tàn nhẫn và độc ác với ngay đồng loại của mình.”

Tất cả được tính bằng tiền

Cụ Lê Hiền Đức nhân tiện đi vào chi tiết hơn, nhắc đến trường hợp 3 cháu nhỏ ở Quảng Trị tiêm vaccine, nhưng “rút mũi kim ra chết luôn”; còn ở Bệnh viện Hoài Đức thì “nhân bản”: khi bệnh viện lấy máu để xét nghiệm cho bệnh nhân thì không làm xét nghiệm mà lại dùng kết quả xét nghiệm của bệnh nhân khác - “hàng mấy nghìn ca nhân bản như thế”; rồi cũng trong hàng mấy nghìn ca, Viện Mắt Hà Nội đã tráo đổi thuỷ tinh thể có giá rẻ hơn.

Vẫn theo cụ Lê Hiền Đức, dịch nhầy dùng để thay thuỷ tinh thể, đáng lẽ ra của Mỹ và một người được dùng 2 ống dịch nhầy, thì lại sử dụng một ống dịch nhầy của Ấn Độ cho 4 bệnh nhân cùng chung một lọ và chung kim tiêm, không thử HIV, không thử viêm gan B. Rồi mẹ con sản phụ ở Thanh Hoá như vừa nói đã tới ngày sinh nở, cần thiết mổ, nhưng bệnh nhân kêu cứu thì không được đáp ứng, không được mổ kịp thời. Hậu quả là hai mẹ con này chết, vì bác sĩ, y tá không có tinh thần trách nhiệm. Và cách đây mấy ngày xảy ra vụ Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân xuống dòng sông như vừa nói. Cụ Lê Hiền Đức nhân tiện kể lại chính trường hợp của cụ:

“Tôi đã 82 tuổi rồi. Hôm ấy đang đêm thứ Bảy, tôi bị đau khắp người, không cựa nỗi nữa. Con tôi bế lên ô tô rồi bế xuống đặt tôi vào xe lăn và đưa vào phòng cấp cứu. Mà trước khi đến bệnh viện tôi đã nhờ gọi điện cho giám đốc bệnh viện, hỏi rồi. Nhưng khi vào phòng cấp cứu, anh bác sĩ nhìn thấy tôi, nói một câu rất lạnh lùng: “Bác ơi, bác đi về đi, thứ Hai đến nhé!”

Theo MS Nguyễn Trung Tôn, dù dưới khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu”, nhưng ở Việt Nam hiện giờ, thực chất, tất cả phải được tính bằng tiền; đồng tiền đang hạ thấp lương tâm con người Việt Nam, đặc biệt trong ngành y. Mà không phải đạo đức trong ngành y đang là vấn đề, mà đạo đức nói chung trong toàn xã hội cũng trên đà sa sút đáng ngại. MS Nguyễn Trung Tôn nhận xét:

“Tình trạng đạo đức ở Việt Nam hiện nay không riêng gì ở ngành y, mà trong toàn xã hội, hiện ở mức đáng báo động! Có hai nguyên nhân có thể khiến tình trạng đạo đức trong xã hội Việt Nam xuống cấp như vậy, đó là nó bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nền giáo dục Việt Nam, và bởi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nửa vời khiến người ta bước đi những “bước chân khập khiễng”. Nó đẩy con người ta đến tham vọng và đánh mất đi lương tâm đạo đức, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của đảng CS, các cuộc phát động “học tập và làm theo tấm gương của Hồ Chí Minh”. Dưới sự cai trị của đảng CS, người ta có thể làm bất cứ điều gì chỉ vì tiền, vì quyền, vì địa vị, hầu kiếm thật nhiều tiền để cùng một mục đích là xây dựng “thiên đàng XHCN” cho chính đảng của họ mà thôi.”

Nếu ngày xưa, tiên sinh Trần Tế Xương than cho đạo đức xã hội suy đồi, rằng “nhà kia lỗi đạo, con khinh bố; mụ nọ chanh chua, vợ chửi chồng”, thì xã hội Việt Nam ngày nay, theo nhận xét của TS Nguyễn Xuân Diện, “những vụ giết người, cướp của ngày càng táo bạo, kẻ thủ ác tuổi đời ngày càng trẻ và cách thức giết người càng ngày càng dã man, độc ác, quyết liệt hơn”.


Thanh Quang

(Nguồn: RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét