Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU TRONG TÂM HỒN

Càng biết sống cuộc sống của mình, càng ngày tôi càng nghiệm ra những điều linh thiêng và mới mẻ trong chính tâm hồn mình. Chính những cảm mghiệm này giúp cho tôi ngày càng trở nên bình lặng hơn trước những công việc và con người. Qua đó, tôi càng cảm thấy tính chất phù vân của mọi sự, nhận chân ra những giá trị sâu thẳm của cuộc đời mình, tình cảm và mọi thứ bên ngoài chỉ còn là những phụ thuộc.
Vì thế trong đời sống nội tâm nhiều khi chẳng còn biết vui hay buồn, chẳng còn mơ ước thành công hay tốt đẹp bề ngoài, tôi cứ để cuộc sống trôi qua như nó là: không hối tiếc, không buồn thương, không cầu mong gì hết. Điều quan trọng đối với tôi hằng ngày là làm điều mình phải làm, sống điều mình phải sống trong niềm cậy trông tin tưởng và phó thác, chỉ mong sao mọi sự được diễn biến và hoà nhập vào hoạch định tình yêu của Chúa, để tôi có thể cảm nhận được ý nghĩa và giá trị  linh thiêng của cuộc đời mình. Vì thế tôi luôn mang một nỗi thao thức và trăn trở duy nhất là hoà nhịp vào SỰ SỐNG rất thiêng liêng trong tâm hồn mình, và tha thiết được chìm sâu trong SỰ SỐNG đó. Đó là vùng sâu thẳm cuốn hút tâm trí tôi trong đời sống hằng ngày.
Không phải như tôi chờ tới một lúc nào đó mới cảm thấy rằng:  đã hết rồi một thời tuổi trẻ với bao nhiêu ước vọng và tình yêu sôi nổi. Cũng đã hết rồi với những toan tính sự nghiệp tương lai với những công trình rộng lớn – “Phù vân đấy thôi, hư vô một màu”.  Tất cả đều là giả tạo do mình làm nên và muốn làm nên. Thực sự những ai biết lắng nghe tâm hồn mình thì đều sớm cảm nhận rằng : Chỉ có một cuộc sống rất thực là trở nên chính mình trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã khởi đầu và đang hoàn thành công trình của Ngài. Và vì là công trình của Ngài nên cứ để cho Ngài thực hiện. Đó là chân lý và là chìa khoá vạn năng mở ra sự bình an sâu thẳm cho tâm hồn tôi,  dù rằng hằng ngày vẫn đầy ắp những sự việc đa đoan giữa cuộc đời, nhưn tôi không còn phải lo lắng và sợ sệt cho bản thân mình nữa, vì tất cả mọi cái trong cuộc đời này không thuộc về mình, nên mình cũng không thuộc về nó.
 Tôi vẫn tự nhủ mình : Hãy suy nghĩ như mình sắp chết, nhưng hãy hành động như mình bất tử. Đó là trạng thái ung dung, thanh thản,  an nhiên tự tại để đón nhận cái định mệnh tạm thời và thể hiện cái cùng đích vĩnh viễn của mình.  Khi sống trong một tinh thần tự do giữa mọi công việc, nghĩa là không còn mang nặng những kỳ vọng,  không còn dính bén vào những tình cảm thấp kém, không còn phụ thuộc vào những đánh giá bề ngoài,  thì quả thực tôi cảm thấy một trạng thái thanh thản an nhiên lạ lùng, như bước vào một thế giới mới vậy. Đây không phải là cảm giác phút chốc  như những niềm vui khác trong đời, nhưng là niềm vui tinh thần rất lắng đọng, sâu xa và bền vững. Cảm nhận niềm vui thâm sâu này người ta sẽ không còn ham muốn những niềm vui nhỏ nhen  khác.
Đây là một kinh nghiệm sống hiện thực chứ không phải  chỉ là một giấc    đẹp. Đó là hoa trái ân sủng bình thường của những ai chăm chú bước theo Đức Kitô và lắng nghe tiếng Ngài trong sâu thẳm của tâm hồn mình. Tất cà  đều nằm  trong  khả năng bình thường của mọi con người, nhưng rất tiếc khi xa rời với Đức Kitô trong dời sống nội tâm thì người ta chỉ còn sống với những niềm vui tạm bợ.
Vì thế đối với Chúa, tâm hồn cứ phải như đứa bé nép mình vào lòng mẹ : yêu thương của lòng mẹ sẽ sưởi ấm trái tim con, bầu sửa mẹ sẽ nuôi con khôn lớn, vòng tay mẹ  là sự chở che con tháng ngày, tâm tư của mẹ sẽ làm nên tấm lòng con,  thái độ của mẹ sẽ thấm nhuần tâm trí con, ánh mắt của mẹ sẽ cho con sự hiền lành khôn ngoan, và cuối cùng toàn thể cuộc sống của người  mẹ làm nên cuộc sống của người con. Chính Đức Kitô thấm nhuần đời sống ta như vậy trong sự khát khao đổi mới từng ngày của chính mình.
Đây không phải là lối diễn tả thơ mộng, nhưng là một diễn biến sống động , là kinh nghiệm và đúng hơn là một chứng nghiệm của tâm hồn khi chìm sâu trong Đức Kitô trong đời sống hằng ngày. Đó cũng là tâm thế chân thật của những ai đón nhận Đức Kitô là tất cả của đời mình;  dám chịu mọi mất mát thiệt thòi khác, và dám coi mọi sự như rơm rác (Pl 3, 8).
XIN CHO CON CHỈ BIẾT KHÁT KHAO MỘT MÌNH CHÚA.



Trong mỗi người chúng ta có một nguồn lực vô song. Nếu tin và biết cách thể hiện và phát huy nguồn lực này con người sẽ trở nên vĩ đại. Không phải vĩ đại với người khác cho bằng vĩ đại với chính mình, không phải vĩ đại vì vượt trên người khác nhưng là vì vượt lên chính mình. Đây không phải là điều con người muốn cho bằng Thiên Chúa muốn. Và như vậy đuờng hướng đó cũng chính là ơn gọi cao cả của đời sống làm người ( Hiến chế GS, 22). Đây cũng là điều mà biết bao con người đã cảm nhận được (không phân biệt tôn giáo, chủng tộc….) và cũng đã phát huy được tận lực nguồn sống vô song, đưa mình hoà nhập vào dòng suối Chân, Thiện, Mỹ.
Nguồn lực vô song này không gì khác hơn là Chân tính của con người, điều mà người Phật giáo gọi là Phật tính, và cũng là điều mà người Công giáo gọi là Kitô tính. Tên gọi khác nhau nhưng nôi dung chân lý chỉ có một. Sự thể hiện phương cách có khác nhau nhưng nguyên uỷ của nguồn lực vô song vẫn là một Thánh Thần Tình Yêu duy nhất của Đức Kitô. Cái khó khăn mà chúng ta gặp phải là sự khác biệt trong từ ngữ, trong ý niệm tạo nên những tạp niệm, đúng hơn là từ trong lòng người, chứ không phải nơi đối tượng Chân lý.
Con người biết rằng mình rất yếu đuối và giới hạn nhưng cũng phải biết rằng mình là vô song, đỉnh cao của sự sống mà Thiên Chúa đã đặt để Quyền Năng và Tình Yêu vô biên của Ngài trong tận thâm tâm của mỗïi người. Nhưng con người thì lại cảm thấy rất mỏng giòn và yếu đuối trước những trở lực của thế giới bên ngoài. Đức Phật cũng đã từng có kinh nghiệm rất yếu đuối này, nhưng khi đã phát hiện được nguồn lực trong chính mình, Ngài đã phát huy tận kỳ tính, và đạt đến Chân Lý Sự sống sung mãn cho chính mình từ những trăn trở thao thức khôn nguôi. Ngài đã đắt đạo, hay đạt Niết Bàn, hay Giác ngộ, có nghĩa là như thế. Và với kinh nghiệm rất hiện thực này ngài đã tuyên bố: HỠI NGƯỜI, HÃY TỰ CỨU MÌNH !
Trong sự sống thâm sâu của mỗi người dường như cũng vang vọng lên một lời mời gọi  rằng  : HỠI NGƯỜI, HÃY HOÀN THÀNH SỰ SỐNG MÌNH ! Đó chính là sự sống của Đức Kitô đã nhập thể trong mỗi người chúng ta, và cũng đang lan tràn trên mọi sự sống khác. Ngài đang cùng với mỗi người cải tạo cuộc sống cũ và tác tạo cuộc sống mới của họï. Ngài chính là nguồn lực vô song mà con người đã đánh mất hoậc quên lãng trong đời sống hằng ngày. Khi mất đi sự ý thức và  xác quyết này, nhất là khi không còn niềm tin nữa, thì con người chỉ còn lại trơ trọi bản thân mình, cũng giống như Adam thấy mình trơ trẻn sau khi phạm tội, vì đã đánh mất Thiên Chúa. Và rồi từ đó với sức riêng mình, con người chỉ còn lăng lộn với những phân rẻ và xung đột trong chính mình và ngoại giới.
Thật vậy, tất cả đều tuỳ thuộc ở nơi con người: hạnh phúc hay đau khổ, niềm vui hay nỗi buồn, cản trở hay thuận lợi….thi đều nằm trong thái độ nội tâm của con người. Sự sống mới sẽ dâng tràn cho những ai ý thức và tích cực phát huy tận kỳ tính trong sự chìm sâu hoà nhập làm một với quyền năng tuyệt đối trong chính mình, điều mà một Giáo Phụ đã từng nói: “Thiên Chúa đã làm người để con người được làm Thiên Chúa” ; “Vinh quang Thiên Chúa chính là sự sống của con người” : (sự sống thâm sâu của Thiên Chúa được làm nên trong con người chứ không đơn thuần là sự sống bản năng tự nhiên của con người). Đó là điều mà Thiên Chúa muốn trao ban trực tiếp cho con người trong Đức Kitô. Ngài đã thực hiện chương trình cứu độ là vì thế. Và Ngài đang tiếp tục thực hiện sự sống mới sung mãn này cho những ai dấn thân trọn vẹn với niềm tin sâu xa vào chính mình và vào Thiên Chúa.
Dĩ nhiên thời gian lâu mau, mức độ ít nhiều còn tuỳ thuộc cơ duyên của mỗi người. Vì đây không phải là điều mà con người tham vọng nhưng là điều mà con người trở nên.
XIN CHO CON ĐƯỢC HOÀ NHẬP VÀO NGUỒN LỰC VÔ SONG LÀ CHÍNH CHÚA.


Cái khao khát thâm sâu của cuộc sống tâm hồn là trở nên vẹn tuyền và hạnh phúc trong tình yêu, với Chúa với mọi người, và với cả vạn vật chung quanh. Muốn đạt tới điều này con người bó buộc phải trải qua con đường thanh luyện tâm hồn mình. Có cây cối nào sinh hoa kết quả mà không phải trải qua gió sương, mưa nắng, đào xới, cắt tỉa, phân bón…
Cũng vậy, cuộc sống mỗi con người là một cây cao quí vô song mà Chúa đã trồng giữa lòng thế giới. Để phát sinh hoa trái thánh thiện thì điều cơ bản của cuộc sống con người cũng phải là một cuộc thanh tẩy không ngừng để đón nhận Chúa và tha nhân hằng ngày. Mà nói tới thanh tẩy thì ta cảm thấy xót xa, nhức nhối, do đó con người dễ phản kháng, phủ nhận. Cái gì mà nó mơn trớn, ngọt ngào, thoả mãn tình cảm và ước muốn của mình thì mọi người đều vui thích chấp nhận và cảm thấy sung sướng, cả những điều mà mình chẳng hiểu gì. Nhưng thật sự đó là những niềm vui giả tạo, là những lớp bụi trần dầy đặc thêm cho tâm hồn, làm nặng thêm kiếp phù sinh, chứ không thanh tẩy được gì. Bởi vậy bản thân mình là trận chiến gay go và lớn lao nhất.thanh tẩy là sách lược cơ bản nhất để  vô hiệu hoá mọi trở lực trong trận chiến toàn diện này.
Thật ra có đươcï hạnh phúc trong tâm hồn cũng không phải là điều quá khó khăn,  nhưng rồi cũng không phải là dễ dàng và thô sơ như sự phát triển của một bản năng tự nhiên. Tình yêu thương chân thật bao giờ cũng rất tinh tế và nhạy cảm về chính mình trong mọi tương quan. Bởi vậy trong chính tình yêu thương luôn đòi hỏi một sự thanh tẩy cao độ nhất. Cần xác tín rằng : với những kinh nghiệm nội tâm sâu thẳm hơn qua những trăn trở và thao thức của một cuộc đời dâng hiến,  nhờ  việc gặp gỡ  Chúa hằng ngày, ta sẽ có thể tự hoá giải những tâm trạng chưa ổn thoả  của mình, biến nó thành tích cực và niềm vui sống trong sáng, và rồi qua đó ta hiểu được thế nào là cuộc sống và phải thể hiện cuộc sống mình như thế nào. Điều này không ai dạy ai được . Phải có kinh nghiệm sống với Chúa thì mới có được tấm lòng để sống với mọi người và mọi sự.  Ta phải gặp được Chúa từ chính tâm hồn mình, nếu không thì mọi nổ lực và giải pháp đều vô ích.
Điều quan trọng làm nên cuộc sống không phải là những công trình, những thành tưụ, những điều lớn lao và tốt đẹp trước mặt mọi người, mà là sự gặp gỡ Chúa hằng ngày. Mọi cái rồi sẽ qua đi tất cả chẳng còn lại gì. Chẳng ai và chẳng có gì là quan trọng đối với mình, bởi vì chẳng có ai  và cũng chẳng có gì có thể cho mình niểm vui và hạnh phúc đích thật, chỉ là những nâng đỡ tạm bợ thế thôi. Điều cần thiết nhất là hãy tận dụng mọi cơ hội và biến cố để sống với Chúa một cách sâu thẳm và trọn vẹn hơn.
Hãy nhớ rằng : Mỗi công việc, mỗi con người, mọi niềm vui nỗi buồn, thành công thất bại… đều là những ĐIỂM HẸN mà Chúa vẫn đợi chờ ta mỗi ngày. Nhưng rồi mỗi ngày có biết bao lần ta lỡ hẹn. Ta thường đến những điểm mình hẹn chứ ít khi đến những chỗ Chúa hẹn. Ta gặp được rất nhiều điều hay lẽ phải, gặp được biết bao con người và công việc đang cần đến ta, nhưng thật sự lại không gặp được chính Chúa. Đó phải chăng là thất bại não nùng nhất của một con người ? Nhưng không sao…Chúa vẫn đứng đó, vẫn chờ vẫn đợi…ĐIỂM HẸN vẫn còn, NGƯỜÌ HẸN vẫn một tình yêu theo năm tháng đơiï chờ….   

Môisê đã chọn cuộc sống du mục và vui với kiếp chăn chiên  của mình trong sa mạc, sống bình dị, nghèo khó, không mơ ước gì hơn. Tuy nhiên, qua những suy luận logic của tâm lý học dựa trên những dữ liệu Kinh Thánh cho ta thấy tâm hồn ông vẫn khắc khoải tìm Chúa, và trăn trở về đời sống bị đày đọa của anh em mình, đau cái  nỗi đau của dân tộc mình. Ông vẫn thao thức khôn nguôi trước sự biến chuyển về định hướng của cuộc đời mình. Làm gì đây? Ông chỉ biết chờ đợi và bình tâm trong giây phút hiện tại, trong tâm tình sẵn sàng lắng nghe và đón nhận những chuyển động linh thiêng từ chính trái tim mình.
Môisê không sống đời tu trì và dâng hiến một cách đặc biệt, nhưng ông có cả một trái tim rộng lớn dành cho Chúa và anh em đồng loại của mình. Và chính từ trái tim đó Chúa đã nhen nhúm một ngọn lửa tình yêu của Ngài, từ ông Chúa đã làm thành một con đường cứu độ cho dân Ngài.
Môisê đã trở nên vĩ đại không phải nhờ sức mạnh hay tài năng của mình, nhưng nhờ ơng biết vâng nghe tiếng Chúa trong mọi lúc, nhờ ông biết sống gắn bó mật thiết với Ngài. Nổ lực của ông là kiên trì với dân và trung thành với Chúa, thế thôi, còn mọi sự khác thì chính Chúa soi dẫn và làm nên. Và như thế, Ông đã viết nên trang sử vẻ vang của cuộc đời mình trong cánh tay quyền năng của Thiên Chúa, một tuyệt tác cho nhân loại.
Chúng ta cần nhìn về Môi để sống ơn gọi của mình. Tất cả chúng ta đều chung một ơn gọi duy nhất là nên “hoàn thiện như Cha trên trời…” Sự hoàn thiện này không do sức lực con người làm nên nhưng hệ tại ở việc sống gắn bó với Chúa liên lỉ, đặc biệt qua những giờ cầu nguyện là những nhịp mạnh và là đỉnh cao của cuộc sống hiệp thông với Chúa hằng ngày.
Chúng ta có được cái gì lớn lao thật sự có ý nghĩa và giá trị cũng là nhờ ở trong cầu nguyện – Chúng ta nhận được cái gì hay sống được như thế nào cũng là tuỳ thuộc vào sự cầu nguyện - Nội lực tinh thần và sức sống thâm sâu là do ở cầu nguyện. Chính trong cầu nguyện mà chúng ta trở nên kiên trì và say sưa tìm kiếm Chúa suốt đời để trở nên một với Ngài trong tình yêu tuyệt đối. Tuy nhiên, cần ý thức rằng, ngay chính việc cầu nguyện cũng là do chính Chúa làm nên. Vì thế, lời cầu xin tha thiết trong mỗi giờ cầu nguyện vẫn là: “ Xin Chúa đưa con vào sự kết hợp mật thiết với Ngài”.
Lm. Thái Nguyên
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét