Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN

1. Khái niệm về tôn giáo
Tôn thờ là hành vi phụng tự tôn giáo cá nhân hay tập thể mà con người dâng lên TC, là nhân đức nhờ đó con người trả lại cho TC vinh dự thuộc về Người.
     Có hai khái niệm tôn giáo:

Thứ nhất: Tôn giáo là khi đối diện với sự vĩ đại của TC, con người nhận ra sự bé nhỏ, yếu đuối, bất lực và tội lỗi của mình. Nhận thức này cho thấy giữa TC và con người có một khoảng cách vô cùng lớn không thể nào vượt qua được, và vì thế làm cho họ khiếp sợ.
Thứ hai: Khi đối diện với sự vĩ đại, thánh thiện, quyền năng và sự trổi vượt của TC, con người nhìn nhận sự lệ thuộc hoàn toàn của mình vào Đấng Tạo Hóa, cũng như nhìn nhận khuynh hướng căn bản (essential orientation) của con người luôn nhắm đến sự hoàn thiện của TC, vì chỉ có sự hoàn thiện này mới có thể lấp đầy những thiếu thốn và thỏa mãn những khát vọng khôn nguôi của con người.
Sự hoàn thiện toàn mỹ của TC tạo nên lòng sùng mộ và khát khao nơi con người, lôi kéo con người đến gần TC, và sau cùng là kết hợp với TC.
2. Mê tín               
Mê tín là tin những điều nhảm nhí, hão huyền, không có cơ sở khoa học. Mê tín là lệch lạc trong tâm tình tôn giáo, một lòng đạo đức quá đáng và sai trái. Mê tín cũng có thể xảy đến khi chúng ta thờ phượng TC, ví dụ gán một ý nghĩa ma thuật cho một số thực hành vốn chính đáng hay cần thiết, như cho rằng chỉ cần đọc một số kinh hay làm các dấu chỉ bí tích là có hiệu quả ngay, bất chấp những tâm tình phải có bên trong.
Phân biệt nguyên nhân và hậu quả giữa phép lạ, công việc khoa học và thực hành mê tín. Trong phép lạ, TC là tác nhân toàn năng làm nên một sự kiện phi thường, phi thường trong hậu quả, trong cách thức và trong thời gian. Trong công việc của khoa học thì giữa tác nhân và kết quả bao giờ cũng tương đương. Trong những hiện tượng mê tín thì tác nhân và hậu quả không tương xứng, hậu quả bao giờ cũng lớn hơn tác nhân.
Nguyên nhân của mê tín là sự dốt nát, thiếu hiểu biết khoa học. Cũng có thể vì nghe những câu chuyện cổ tích, thần tiên thần thoại. Nhưng nguyên nhân chính của mê tín là thiếu lòng tin vào Thiên Chúa.
3. Khái niệm cầu nguyện
Cầu nguyện là hành động tôn giáo sơ đẳng nhất. Nó khẳng định ba chân lý: con người được TC dựng nên; con người lệ thuộc vào TC; và TC nắm giữ vận mạng và hạnh phúc của con người. Cầu nguyện cũng biểu lộ niềm tin vào TC là người Cha quyền năng, yêu thương và hay thương xót.
Có hai định nghĩa cổ điển về cầu nguyện như sau:
Thứ nhất: Cầu nguyện là nói với Chúa. Khái niệm này có từ thời các Giáo phụ. Định nghĩa này nhấn mạnh TC quan tâm đến con người, lắng nghe con người và con người có thể đến với Chúa qua lời cầu nguyện.
Thứ hai: Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên Chúa. Nâng tâm hồn lên Chúa có nghĩa là toàn thể con người đều chuyển động hướng về Chúa trong hành vi ngợi khen, sùng mộ, hi vọng, yêu mến. Cho nên nếu chỉ mới nghĩ đến Chúa, liên tưởng đến Chúa thì chưa phải là cầu nguyện. Đó mới là tìm hiểu, học hỏi mà thôi.
4. Các hình thức cầu nguyện
Có bốn hình thức cầu nguyện: tôn thờ ca tụng, cảm tạ, xin ơn và tạ tội.
Tôn thờ ca tụng và cảm tạ chủ yếu tập trung vào việc tôn vinh TC. Xin ơn và tạ tội lại trực tiếp nhắm đến những nhu cầu của con người, mặc dù những lời cầu nguyện đó, một cách gián tiếp cũng tôn vinh Chúa. Cầu nguyện ca tụng và cảm tạ nguyên nó hoàn hảo hơn cầu nguyện xin ơn, cũng như tình yêu nhân ái hoàn hảo hơn tình yêu hưởng thụ.
5. Tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật
Việc giữ ngày Chúa Nhật và cử hành Thánh lễ là trung tâm đời sống của Giáo Hội. “Theo truyền thống các Tông đồ, ngày Chúa Nhật, ngày cử hành mầu nhiệm vượt qua, phải được giữ trong toàn thể Hội Thánh như ngày lễ buộc” (GLHTCG 2177). Ai tham dự Thánh lễ theo nghi thức Công Giáo  vào chính ngày lễ hoặc chiều hôm trước, là chu toàn luật buộc dự lễ. Mọi tín hữu phải tham dự Thánh lễ Chúa Nhật và lễ buộc, trừ khi có lý do quan trọng chính đáng (bệnh nặng, chăm trẻ sơ sinh), hoặc được Bề Trên dòng hoặc Cha sở miễn chuẩn.
Phải tham dự thánh lễ như thế nào?
Người Công giáo từ 7 tuổi trở lên phải tham dự toàn bộ Thánh lễ Chúa nhật và các lễ trọng.
Phải có sự hiện diện thể lý cùng với cộng đoàn.
Phải tham dự thánh lễ cách sốt sắng và với sự chú ý.
6. Luật ăn chay kiêng thịt ở Việt Nam
Việc ăn chay, hãm mình đền tội biểu lộ lòng yêu mến Chúa và thánh hóa bản thân.
Luật ăn chay và kiêng thịt, Đức GH Phaolô VI đưa ra chỉ dẫn như sau: Kiêng thịt các ngày thứ sáu quanh năm; ăn chay và kiêng thịt thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh.
Kiệng thịt: Tất cả mọi người từ 14 tuổi trở lên phải kiêng thịt. Luật kiêng thịt cấm ăn thịt loài có vú và loài chim. Không phải kiêng thịt nếu ngày đó là lễ trọng. Lý do sức khỏe hay những người làm việc nặng cũng được miễn.
Ăn chay: Mọi người từ 18 tuổi đến 60 phải ăn chay. Khi ăn chay chỉ được ăn một bữa no, vẫn có thể ăn hai bữa nhẹ khác (sáng và tối), nhưng hai bữa nhẹ cộng lại không được bằng một bữa no. đồ lõng như sữa, nước trái cây không vi phạm luật ăn chay. Những người bệnh và những người thường xuyên ăn đói không buộc phải ăn chay.
7. Những nguyên tắc liên quan đến việc bố thí
Bố thí là hành vi của lòng thương xót, qua đó chúng ta cho người nghèo một cái gì đó vì lòng yêu mến Chúa. Có ba nguyên tắc liên quan đến việc bố thí như sau:
Nguyên tắc thứ nhất: Không buộc phải lấy những gì cần thiết cho mình và cho gia đình để giúp đỡ người khác.
Nguyên tắc thứ hai: Buộc phải lấy những gì cần thiết cho địa vị xã hội để giúp đỡ người khác khi họ quá túng quẫn.
Nguyên tắc thứ ba: Tuyệt đối bắt buộc người có dư thừa phải giúp đỡ người khác khi họ túng quẫn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét