Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

THÀNH CÔNG VÀ THÀNH NHÂN

"Tôi hình dung Em đang ngồi lái máy cày, lái một tay. Em mỉm cười về cánh đồng bát ngát. Bát ngát, vời vợi là tương lai của đời Em. Chào Em, người Em tuyệt vời!" Chúc Em thành công và thành nhân! Trước khi thành em, em đã thành nhân!
EM.
Tôi và Em cùng rời mái trường Đồng Tâm vào mùa Hè năm 1971. Tôi đi trưyền giáo ở Năm Căn. Còn Em thì đi lính. Từ đó, thầy trò không còn gặp nhau nữa.

Sau mười mấy năm xa cách, tôi tình cờ gặp Em trên một chuyến xe đò cọc cạch. Tôi ngồi băng trên, Em ngồi băng dưới. Em khều vai tôi:

- Xin lỗi, chú có phải là cha Hậu không?

- Ê, thằng Nhân. Tay mày làm sao vậy?

- Con lái xe tăng đạp phải mìn.

- Ở đâu?

- Quảng Trị.

- Hồi nào?

- Mùa hè đỏ lửa.

- Còn lao động được không?

- Một mình con canh tác bốn héc-ta ruộng. Con phải nuôi mẹ, vợ và hai đứa con. Con chỉ hư cánh tay trái, còn các phần khác đều bình thường.

- Giỏi! Đáng khen!

Em nhớ lại thời sinh hoạt ở trường Đồng Tâm. Cắm Trại píc-níc, Em lúc nào cũng là người tháo vát. Dựng lều, đào hố, nấu cơm, sinh hoạt…bao giờ Em cũng hơn người. Kể chuyện quá khứ, Em quên hết ưu phiền. Em hồn nhiên như tuổi học trò. Dễ thương vô cùng!

Khi xe cập bến, Em giã từ tôi và nói với theo:

- Con tính mua máy cày.

- Chúc con thành công.

EM!

Em đang thành công. Em đã thành nhân. Tôi chẳng có gì để dặn dò Em. Tôi chỉ gửi Em những mẩu chuyện nho nhỏ để mến tặng một người học trò dễ thương, để khích lệ một người Em tàn tật và để tôn vinh một người có chí lớn.

1.

Helen Keller (1880-1968) mù và điếc từ lúc lên mười chín tháng tuổi. Vì không nghe được, nên dù không câm, Keller cũng không nói được. Lên bảy tuổi, Keller gặp được cô Sullivan. Cô giáo vẫn dạy các em câm điếc, nhưng không mù, hoặc các em mù nhưng không câm điếc. Trường hợp em Keller vừa mù, vừa câm, vừa điếc làm cho cô giáo lúng túng. (Nếu bạn nào đã từng xem vở kịch: "Người làm nên kỳ tích" hoặc đọc những cuốn hồi ký của bà sẽ hiểu rõ hơn về Helen. P.H.)

Một lần kia Sullivan dẫn bé Killer tới vòi nước, cho nước chảy trên tay bé, đồng thời đưa bàn tay của bé lên rờ miệng cô. Cô phát âm rất rõ từ Water (nước). Keller phát âm theo gần chuẩn. Sau đó cô dẫn bé lên bảng, cho bé một viên phấn. Cầm tay bé viết chữ Water. Bé cười ha hả, sung sướng vô cùng. Bé hiểu, bé nói và viết được từ Water. Cả cô và trò đều phấn khởi và cứ thế mà phăng tới. Cuối cùng Keller đã nói được năm ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Latinh, Hy lạp.

Từ tháng ba năm 1887 cho tới năm 1936, cô Sullivan luôn luôn là thầy, là bạn, là thông dịch viên của Keller tại trường tiểu học, trung học và đại học. Khi giáo sư giảng bài, thì cô Sullivan thông dịch bằng cách viết lên bàn tay của Keller. Keller tiếp thu bài bằng cách đó. Bà đậu cử nhân văn chương năm 1904.

Helen Keller đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới, được nhiều bằng danh dự và được tặng nhiều phần thưởng. Bà là người đã dâng cúng nhiều tiền nhất cho các Trung tâm mù, câm, điếc tại Hoa Kỳ.

Bà viết bảy cuốn sách. Bà tả cánh suối reo, mây bay…y như người không mù và không điếc. Năm 1903 bà viết cuốn hồi ký “Câu chuyện về đời tôi” (The Story op my Life). Năm 1940, bà viết cuốn cuối cùng với tựa đề “Chúng ta hãy có đức tin” (Let Us Have Faith).

2.

Năm 1963, tôi đọc tờ “Người hành hương” (Le Pèlerin). Tờ báo giới thiệu một người phụ nữ quái thai tên là Legrix. Lúc ấy, bà Legrix thọ 50 tuổi. Hồi mẹ sinh thì bà có hai cánh tay trên, một đùi và một mông. Bà là văn sĩ. Tác phẩm đầu tay của bà là tập hồi ký”Trời sinh ra tôi như thế đó” (Je suis née comme ca) để nói về tình thương của Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Bà là hoạ sĩ, thân nhân cột bà vào ghế, đẩy ra hoa viên, cột cây cọ vào cánh tay của bà…Bà vẽ tranh và bán tranh để sống.

Ký giả tờ Pèlerin kết thúc cuộc phỏng vấn:

- Bà có thấy khổ khổ không?

- Không. Bởi tôi biết rằng Chúa yêu tôi.

Bà cười sung sướng. Ký giả chụp tấm hình ấy và in đầy trang bìa của một tờ báo.

3.

Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, giới thiệu một anh sinh viên người Nhật tên là Ôtôtakê. Ôtôtakê chào đời không có một chút tay nào và chỉ có hai nửa đùi. Bệnh viện giấu tay đứa bé không cho người mẹ thấy, sợ bà bị “sốc”. Một tháng sau bà mới được gặp con. Bệnh viện chuẩn bị cấp cứu, vì tin rằng bà sẽ bị xỉu…Nhưng…bà không xỉu, bà mừng rỡ bồng đứa con như ôm gói quà Trời tặng. Trong tập hồi ký “Tôi không bất hạnh”, Ôtôtakê khen mẹ là vĩ đại. Hiện nay Ôtôtakê ngồi suốt ngày trên ghế điện tử. Anh không biết buồn là gì. Anh hãnh diện tự coi mình là một công trình sáng tạo có nhiều ý nghĩa của Thượng Đế.

Cuốn hồi ký của anh đã được in thành bảy triệu ấn bản. Số lượng ấn bản nói lên tính vĩ đại của một con người vượt lên trên mọi nỗi tuyệt vọng của cuộc đời. Mới 24 tuổi đời, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi, anh đã xứng đáng là một vĩ nhân rồi.

EM,

Tôi hình dung Em đang ngồi lái máy cày, lái một tay. Em mỉm cười về cánh đồng bát ngát. Bát ngát, vời vợi là tương lai của đời Em. Chào Em, người Em tuyệt vời!


Lm. Pio Ngô Phúc Hậu
dunglac.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét