Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Sơ yếu lịch sử Lèn Thánh



 Đức Mẹ Lộ Đức Bảo Nham
  
Lời nói đầu
Trong khi chúng tôi đang chuẩn bị soạn thảo lịch sử Giáo xứ Bảo Nham, rất nhiều khách hành hương muốn biết những điều về lịch sử ngôi Lèn. Có hai biện pháp để làm thoã mãn quý khách:
Có một người hướng dẫn du lịch. Về điểm này thì chúng tôi xin nói, đã có nhiều trăn trở của cha xứ và giáo dân trong toàn xứ. Nhưng chúng tôi vẫn đang trong tình trạng “ Lực bất tòng tâm”, vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là thiếu kinh phí. Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần, nhờ ơn Đức Mẹ và nỗ lực của Cha con giáo xứ, nguyện vọng đó sẽ trở thành hiện thực.
Hai là, ít nữa là có một tập “sơ lược lịch sử lèn thánh Đức Mẹ Lộ Đức Bảo Nham”. Thì đây, chúng tôi muốn có câu trả lời bằng tập nhỏ này. Xin quý khách hành hương vui lòng chấp nhận mấy nét sơ lược cũng như mấy hình ảnh ghi nhanh về những ngày có tính lễ hội, trong xứ hay ngoài xứ, nơi Lèn Thánh đã làm nên lịch sử này.
Phần chi tiết chúng tôi xin được dành cho tập “ Lịch sử Giáo Xứ Bảo Nham”.


LÈN THÁNH ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC BẢO NHAM

Trước hết chúng tôi xin trao đổi với quý độc giả về cụm từ “Lộ Đức Bảo Nham”.
Lộ Đức, phiên âm chữ Lourdes. Lourdes là địa điểm hành hương thời danh nhất nước Pháp và cả thế giới ngang hàng với Fatima ở Bồ Đào Nha. Năm 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín điều ‘‘Đừc Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ’’. Bốn năm sau 1858, Đức Mẹ hiện ra 9 lần với cô Bernadette, và lần cuối cùng Ngài đã xác nhận “Ta là Đấng vô nhiễm tội truyền”.
Lourdes là miền núi, thuộc Hautes-Pysénées, có nhiều lèn đá. Theo tin tưởng của các tiền bối người Bảo Nham (hay Danh Nham) thì Đức Mẹ đã hiện ra,. Hoặc ít nhất là đã dùng bàn tay uy quyền của Ngài để cứu nguy dân Bảo Nham trong cơn khốn khó, 10 mất 1 còn.
Năm 1947, cha xứ Phêrô Nguyễn Nguyên Hanh đã đặt tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào hang đá bán lộ thiên, rất giống với hang đá Massabielles, nơi Đức Mẹ đã hiện ra ở Loaurdes. Cha già Nguyễn Nguyên Hanh đã xin phép Đức Cha Trần Hữu Đức quản trị Giáo Phận lúc đó cho gọi Lèn Thánh Đức Mẹ Bảo Nham là “Lộ Đức Bảo Nham”.
Thường ở đời người ta có rất nhiều hiểu lầm nhau. Có những hiểu lầm nhỏ nhặt trong cuộc sống,  để bỏ qua. Nhưng cũng có những hiểu lầm gây nên những tác hại khôn lường, thậm chí tốn đến cả hàng nghìn sinh mạng, và kéo dài qua nhiều thế hệ. Lịch sử thế giới và các quốc gia nói chung, ghi lại không biết bao nhiêu sự hiểu lầm như thế.
Bước vào đầu những trang nhỏ này, chúng tôi muốn nêu lên một sự hiểu lầm giữa lương và giáo, đặc biệt trong cuối thời Văn Thân (1866–1883) những người đã cố tình xã hội hoá cuộc bách hại nầy
Sự hiểu lầm bắt đầu từ các vua chúa Việt Nam từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, vua Lê chúa Trịnh đều có một thái độ như nhau đối với người Công Giáo Việt Nam: Họ cho rằng đạo Công Giáo là đạo của người Tây. Người Tây đưa đạo sang đây để mỵ dân. Họ nói: “Tất cả những người theo tả đạo là đồng minh của thực dân Pháp, cần phải trừ diệt”. Riêng giáo họ Bảo Nham (Lịch sử Giáo phân Vinh, từ năm 1846-1996- Trương Bá Cần) viết: “Bảo Nham là một họ đạo với 1600 giáo hữu, đã bị tấn công nhiều lần” (hàng 115), vì thế cần phải trừ diệt.
Tuy vậy, sự hiểu lầm trên đã không gây nên mối hận thù truyền kiếp, như thực tế ngày nay chứng minh. Nếu có ai đó cho rằng lời kêu gọi “lương giáo đoàn kết” của chính quyền cấp nhà nước trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, cũng như trong hoà bình thống nhất đất nước hôm nay, chỉ là hình thức xã giao, thì thực tế hôm nay người dân – tôi chỉ nói riêng vùng Yên thành, hoặc nhỏ hơn vùng Bảo Nham này thôi – lương giáo hiểu biết nhau và sống với nhau hiền hoà, cùng chia sẻ trong mọi lĩnh vực tôn giáo, văn hoá, xã hội, kinh tế… Họ cùng nhau giao lưu mọi mặt trong đời sống: tham dự một lễ hội của bà con lương dân hay Thánh lễ long trọng của người công giáo, làm ăn trong một hợp tác xã, các em cùng học một trường, cùng giao lưu bóng đá bóng chuyền, cùng ngồi một bàn trong lễ cưới hay lễ sinh nhật của nhau, thậm chí còn kết nghĩa anh em. Hình như tất cả, già trẻ lớn bé biết phải làm thế nào để xoá sạch sự cách biệt, phân chia ranh giới lương và giáo đã tồn tại trong gần 3 thế kỷ qua cùng với tác hại của nó.
Hậu quả tai hại của sự hiểu lầm “ Tả đạo Gia tô là đồng minh của Pháp” đã đem lại muôn vàn đau khổ như ta đã thấy. Tuy nhiên Thiên Chúa biết rút cái thiện từ trong cái ác. Trong trường hợp cụ thể chúng ta đang nói đây về Lèn Thánh Đức Mẹ Bảo Nham, chúng ta thấy rất rõ bàn tay quan phòng đầy quyền năng và đầy nhân ái của Thiên Chúa và sự can thiệp hiệu quả từ lòng từ bi Mẹ Maria đối với con cái loài người. Chúng ta có thể nêu vắn gọn: “Nếu không có cuộc bách hại của Văn Thân, và giáo dân Bảo Nham không phải ẩn lánh vào trong ngôi lèn nầy thì đã không có hai di tích Nhà thờ Đá số một trong toàn cõi Đông Dương – và lèn Thánh Đức Mẹ Lộ Đức Bảo Nham nầy”. Quả vậy, theo lịch sử cũng như truyền thuyết qua hằng mấy chục thế hệ, từ cuối thế kỷ 19 tới thế kỷ 21 nầy, thừa sai Thông (Adolphe Klinglé), trước khi xuất quân vào giải vây cho Giáo dân Bảo Nham, đã dừng lại tại một nơi cách xa Lèn khoảng 200 mét, gọi là bãi Đình Hát, về phía Đông Nam. đây Người đã tổ chức một giờ  cầu nguyện cùng Đức Mẹ Maria với lời khấn hứa trọng thể: “Nếu Đức Mẹ phù hộ công việc giải cứu con cái Bảo Nham trong tình trạng khốn quẩn 10 mất 1 còn nầy, Người sẽ xây một ngôi nhà thờ bằng Đá theo mô hình Lourdes của nước Pháp, quê hương Người”. Và Đức Mẹ đã nhậm lời. Ngày nay trong con cái Bảo Nham không một ai không biết rằng cha ông mình đã được Đức Mẹ cứu sống một cách kỳ diệu, và mình hiện hữu hôm nay, trong quê hương nầy, là hệ quả tất yếu của ơn cứu sống đó.
Và cố già Thông đã giữ trọn lời khấn đó: Người đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ đá vào năm 1888, nghĩa là 5 năm sau ngày nhận được ơn giải cứu của Đức Mẹ cho giáo dân Bảo Nham. (Về các chi tiết của công cuộc xây dựng, bản thân ngôi nhà thờ, chúng tôi sẽ trình bày tập “ Lịch sử Giáo xứ Bảo Nham” sẽ được ra mắt độc giả trong năm 2007 nầy, để đánh dấu 120 năm chính thức thành lập giáo xứ ).
Quay lại về Lèn Thánh: Như trong bản lịch sử chúng tôi đã trích dẫn trên đây (Lịch sử giáo phận Vinh – Trương Bá Cần), đồng thời theo truyền thống, chúng ta biết, sau khi đoàn quân do cha già Thông lãnh đạo đuổi được những người đang bao vây lèn và lấy rơm rạ, củi đuốc tấp vào các cửa hang mà đốt và un khói, thì nhờ ơn Đức Mẹ, giữa mùa hạn hán lâu ngày không ai hy vọng có một hạt mưa nào, bỗng đâu mây đen từ đâu ùn ùn kéo tới và một trận mưa như trút đổ xuống cả vùng. Giữa tiếng reo hò chiến thắng của những người đang đứng dưới chân Lèn, những người bị bao vây ló đầu hứng nước uống. Họ uống lấy sự sống từ trời ban xuống. Bởi vì họ đã ngắc ngoải chết khát sau hơn một tuần lễ bị giam hãm trong hang, bị nóng nảy, đói khát, chỉ còn chờ cái chết trong gang tấc. Theo truyền thuyết họ phải uống nước tiểu để giãm cơn khát cháy bỏng. Cơn mưa dông kéo dài đủ cho “nước sống” dư dật, lại còn làm cho nguội đá đã bị nung nóng suốt tuần lễ qua.
“Xuống mau! Xuống mau lên! Quân giặc đã thua chạy cả rồi! Quân ta thắng rồi! Xuống mau lên,bà con ơi! Đức Mẹ đã cứu sống chúng ta rồi!”. Hẳn đó là những tiếng thét của những người đang nhảy mầng dưới chân Lèn, giữa cảnh hỗn độn kẻ leo lên người trèo xuống. Họ vừa leo vừa hát, vừa khóc, khóc vì vui sướng, khóc vì thấy lòng từ bi của Mẹ không nỡ bỏ con cái mình.
Người ta thấy từ trong hang lỗm nhỗm bò ra nhưng bóng người vùa khóc, vừa rên, vừa rì rầm tạ ơn Đức Mẹ đã cứu sống mình. Có những người vừa gào vừa đưa tay với với, ra hiệu xin giúp bò xuống, vì họ đã kiệt sức. Người dưới chân lèn bò lên, nhảy qua những hốc đá tai mèo đến với những người đang bò từ trên xuống. Họ ôm nhau mà khóc. Họ nhận ra mình là con một Mẹ, Mẹ cao cả quyền năng và từ bi nhân hậu, mặc dầu suốt đời họ chưa gặp nhau một lần. Có những em bé đã kiệt sức, được chuyền tay nhau từ những người dưới chân lèn bò lên. Có những em đã bất tỉnh vì đói lả. Có những cụ già chỉ biết ngồi run trên mỏm đá…
Dưới chân Lèn, người ta đem cơm, đem cháo, đem nước đến cấp cứu. Người ta chia nhau từng nắm cơm, thìa cháo chén nước. Người ta biết phải làm gì khi từng nồi cháo, nồi cơm, nồi nước đang thi nhau sôi lên, cung cấp cho những người đói lả, nhưng biết mình sẽ không phải chết vì đói và vì khát…Chậm một tí cũng chẳng sao, vì rồi đây mình sẽ được no…Tiếng khóc giảm dần, nhưng có người còn chưa gượng dậy nổi, hoặc còn ngồi gục xuống! Tiếng khóc của trẻ cũng nhẹ dần vì đã qua cơn nóng cháy, khói mù và đói lả.
Cảnh tượng hỗn độn trộn lẫn bao nhiêu vui buồn, đi, đứng, nằm, ngồi…không lời nào tả xiết. Nhưng tất cả vây quanh một vị “Cứu tinh” hữu hình đang hiện diện trước mặt họ “Cha già Thông”. Người không đứng lặng, nước mắt tuôn trào. Người đang cảm tạ Mẹ Maria chăng? Người đang thương xót đoàn con cái Bảo Nham khốn khó đã bị bách hại chăng? Người đang vui sướng vì đã nhờ ơn Đức Mẹ mà cứu sống được trên 1000 giáo dân chăng? Người đi lại, hết đến với người nầy lại đến với người khác, vừa được quân binh của Người bế từ trên cao trèo qua đá tai mèo đem xuống nằm trên máng cỏ. Người thoa đầu các em bé. Cử chỉ đầy yêu thương khiến cả cha lẫn con cũng khóc lớn tiếng.
“Như thế là thiếu mất ba” Ba vị nầy đã nghe đối phương kêu gọi: “Hãy xuống đầu hàng đi thì được tha!” Họ đã bị lừa. Vừa đặt chân xuống nền đất, họ đã bị trói gô và chém đầu. Mọi người đều thương tiếc họ đã không may mắn được như tất cả dân làng. Họ là lễ vật hy sinh để toàn thể dân làng cũng như dân vùng lân cận tập họp đến đây lánh nạn trong ngôi lèn nầy, làm tăng con số người bị bạch hại và được giải cứu. Máu của 3 vị phải đổ ra như máu Abel xưa, đã kêu thấu trời để Thiên Chúa và Mẹ Maria nhìn xuống. Chúng tôi nhớ lại lời của giáo phụ Tertulien: “Máu tử đạo là hạt giống trổ sinh Kitô hữu”. phải chăng vì thế mà ngày nay vùng Yên Thành là vùng đã có tỷ lệ người công giáo cao hơn nhiều vùng trong tỉnh Nghệ An.
Đứng trên nóc Lèn, dưới chân Thánh Giá chăng thứ 12, nhìn 1 vòng 4 hướng, ta thấy phía Bắc sừng sững tháp đôi nhà thờ giáo xứ Rú Đất, vừa khánh thành ngày 06/02/2007. sang hướng tây Bắc là nhà thờ giáo xứ Lâm Xuyên, tuy không có tháp, nhưng cũng thấy rõ cao lớn và uy nghiêm. Hướng tây là nhà thờ Mỹ Khánh. Quay sang Tây Tây-Nam, cao vút chọc trời là nhà thờ giáo xứ Ngọc Long. Tiếp theo là ngọn tháp của nhà thờ giáo họ Thịnh Đức nằm ở hướng Tây- Nam và cuối cùng trong tầm mắt của chúng ta là nhà thờ họ Yên Hội, hướng Đông Nam.
Đó mới chỉ là vòng trong. Nhà thờ xa nhất theo đường chim bay mới chỉ hơn 10 km, có nhà thờ giáo xứ  Đức Lân (Hậu Thành) nhà thờ giáo họ Yên Mã (Mã Thành), nhà thờ giáo xứ Kẻ Dừa và 6 họ lẽ nằm xung quanh (Thọ Thành), nhà thờ giáo xứ Vĩnh Hoà (Hợp Thành) và nhà thờ giáo xứ Phú Vinh (Đô Thành).
Sau 2 ngày nghỉ ngơi, bồi dưỡng để hồi phục sức khoẻ, toàn dân theo cha già Thông, cha con kéo nhau vào Xã Đoài. Họ sợ rằng trong lúc chờ đợi, đối phương sẽ chuẩn bị tấn công một lần nữa, như họ đã làm nhiều nơi, và tất yếu, lần này phải kịch liệt hơn lần trước nhiều.
 Dân Bảo Nham phải tạm lánh nạn trong vòng nửa năm, cho tới khi phong trào “ Bình tây sát tả” lắng xuống. Cuối năm họ cùng cha già Thông quay về, bỏ mãnh đất đồi tràm, với tất cả nhà cửa hoang tàn vì bị đốt phá, tới phát quang xây dựng nhà cửa quanh Lèn Thánh và quanh ngọn đồi cao cha già Thông chọn để xây dựng ngôi nhà thờ Đá.
 Để nhớ ơn Đức Mẹ cứu dân Bảo Nham qua khỏi cái chết đã gần kề, cha già Thông đã đem hết tâm huyết, trong vòng 16 năm, xây dựng ngôi nhà thờ đá, dâng kính Đức Mẹ Lộ Đức, lấy danh hiệu Mẹ Vô Nhiễm Tội Truyền và nhận Đức Mẹ Lộ Đức hay Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Quan Thầy riêng. Còn chính nơi ngôi Lèn, cho mãi tới năm 1938, cha già Bùi Như Lạc mới đặt vào hang đá bán lộ thiên một tượng Đức Mẹ Ban ơn.
Ở đây chúng ta cũng cần nói đến ngôi lèn khác gọi là lèn Gụ. Lèn Gụ nằm cách xa Lèn Bảo Nham này khoảng chừng 40 mét về phía tây. diện tích ước chừng 50m x50m. Hẳn đây có những viên đá nhỏ nằm trong ngôi Thánh đường, hoặc nằm rải rác đâu đó trong các bức tường, hay trong các ngôi nhà của người Bảo Nham. Người ta phá đá ngôi lèn này để xây dựng, nung vôi cho tới năm 1962, ngôi lèn Gụ vẫn còn hàng triệu tấn đá, vì cứ lấy đá mãi từ trên xuống, ngoài vào, nên lèn chỉ còn hình tượng một chiếc gụ. Vào giữa thập niên 1970-1980, người ta mới tận hủy nó bằng việc phá đá “Quốc phòng”, nghĩa là lấy đá bích sẵn bên cầu, để khi nào địch ném bom phá hoại đường giao thông, ngăn cản việc miền Bắc chi viện cho miền Nam, lập tức sau 30 phút ta lấy đá lấp đường thông xe.
Bẵng đi một giai đoạn từ năm 1936-1947, giáo xứ thay đến 4 đời cha quản xứ: cha già Lạc (1936-1939), cha già Thung (1939-1941), cha già Thường (1941-1946),  cha già Hanh (1946-1950).
Cha già Phêrô Nguyễn Nguyên Hanh, người thuộc xứ Hoà Ninh, sinh năm 1895, linh mục năm 1928, là nguời có công đầu biến Lèn Đức Mẹ Bảo Nham thành một di tích văn hoá- tôn giáo. Ngài thay thế cha già Thường, quản xứ Bảo Nham từ năm 1946-1950, sau vụ đói lịch sử. Người nhận xứ trong khung cảnh khá hoang tàn sau năm đói do Phát xít Nhật gây ra cho dân ta. Tuy nhiên, mới về quản nhiệm giáo xứ, Người đã nghĩ đến phải làm cho dân xứ nầy một kỳ tích, bằng việc đặt 14 chặng đường Thánh Giá theo hình xoắn ốc trên ngôi lèn và tôn tạo hang đá bán lộ thiên nằm ở lưng chừng lèn Thánh một ngôi nhà nguyện có một không hai trong miền Đông Nam Á nầy.
Ngày 24/4/1947, sau khi lĩnh ý bề trên giáo phận cũng như chính quyền từ cấp trung ương, cấp khu, tỉnh đến cấp xã, Người cho mời một ban thợ đá do ông Hạ và ông Đình làm trưởng ban và ban thợ đắp tượng do cụ Nguyễn Tuân chỉ huy. Sau 4 tháng, thấy hai ban làm việc có thể hơi chậm. Người triệu tập thêm 4 thợ đá và hai thợ tượng ở Phát Diệm. Cụ Phạm Tụng và cụ Phạm Gia Phê vào làm việc cho kịp khánh thành trong năm 1950 như đã định. Hơn 20 năm tháng chống chọi với những trở lực do chiến tranh, dư luận và thiếu thốn, cha xứ và giáo dân đã thắng vượt cho tới ngày khánh thành. Để ngày khánh thành được hết sức long trọng, Người đã mở một tuần cầu nguyện từ ngày 04/06/1950 đến hết ngày 11/06/1950.
Về dự Lễ khánh thành có quý cha và giáo dân cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Về phía chính quỳên có đại diện của uỷ ban kháng chiến hành chính (UBKCHC) từ cấp khu, Tỉnh, Huyện, Xã và Ty công an. UBKCHC hai xã bạn Văn Tụ và Tiên Long cũng tới dự. Lễ khánh thành diễn ra thật long trọng trong suốt cả một tuần lễ. Người cả hai tỉnh kéo về ngùn ngụt, đông như kiến cỏ giữa mùa kháng chiến, nhưng nhờ được bố trí thật kỷ lưỡng và sát sao về tất cả mọi mặt: lương thực, y tế, phòng không, an ninh, nơi nghỉ của các đại biểu…nên lễ khánh thành diễn ra trong trật tự và hiếm  thấy.
Bẳng đi một thời gian dài trong kháng chiến. Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức-Bảo Nham trở thành một hang đá được nhiều người nhắc nhở đến. Mặc cho thời gian trôi vào quên lãng. Những nghi thức hàng năm phải nhớ đến cũng bị bỏ quên, con cái đang lo kháng chiến, thưa thớt có một vài người qua lại, nhưng không phải để kính viếng. Mấy bức tượng cùng với thời gian xuống cấp. Mỹ cũng mang bom bi đến ném vào những bức tượng không hồn, đứng yên lặng không biết ẩn lánh. Ngôi nhà làm nơi cho viên Quản lèn trú ngụ cũng trở thành ngôi trường cho đoàn học sinh nhỏ nghịch ngợm. Chỉ còn ngôi nhà nguyện Bán Lộ Thiên còn được nguyên vẹn. Đức Mẹ còn đứng đó chờ đợi ngày thong dong. Những bức tượng bị những kẻ vô lương tâm chập phá. Người ta bắt đầu phá những phiến đá lẽ nằm ở rìa Lèn để nung vôi xây dựng. Nguy cơ lèn bị xâm hại đã bắt đầu, từ năm 1965. may thay cha xứ năm (1959-1974) đó là cha Phêrô Nguyễn Văn Khôi viết đơn lên trung ương, lên tỉnh bảo vệ Lèn. Cùng trong năm ấy, tỉnh đã cho cán bộ cầm giấy về đình chỉ tất cả những hành động có tính chất phá Lèn, vì di tích văn hoá-tôn giáo.Thời cha già Lợi (1976-1995), tuy đã hết chiến tranh, nhưng vẫn còn căng thẳng. Giáo dân đã dám đi lại trên đền thánh Đức Mẹ. Những nghi thức hàng năm đã lại bắt đầu, như việc đi viếng buổi trưa, đọc kinh lần hạt dưới chân tượng, nhưng việc tu sửa phải để cho đến cha già Bảo. Tu sửa hiện thời đang dành cho nhà thờ là nơi quan trọng hơn. Đến đời cha già Giuse Nguyễn Đức Bảo. vừa nhận xứ thì việc tu sửa Lèn Đức Mẹ có lẽ là việc chiếm hàng đầu trong công tác của Người. Người cho kiếm thợ về để đi từng chặng đường thương khó một. Nhưng ông thợ nầy không được thành thạo lắm, chỉ sửa được chặng thứ I. Sau đó Người phải kiếm ông thợ khác có tài hơn. Và lần này là ông Dâng, con cháu nội của giáo họ Bảo Nham. Ông lần lượt tu sửa từng đường Thánh Giá theo yêu cầu. Cha già mở rộng thêm sân hơn gấp đôi, lát đá bóng phẳng lì, thay bộ tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong hang đá Bán lộ thiên. Người cũng cho sơn tượng của 14 chặng đường Thánh Giá. Người còn cho mở thêm sân bằng cách đặt tường bao vây, làm một sân khấu về hướng đông để đặt bàn thờ dâng lễ. Dưới chân Lèn, Người cho xây bao quanh một bờ vây tương đối vững chắc ngăn cách Lèn với đường đi bên ngoài. Người cũng đặt lan can từ dưới lên tận đỉnh Lèn, giúp những người già muốn leo xuống cho vững chân. Tất cả đó hoàn thành trong năm. Cuối cùng người cũng đặt tượng Đức Mẹ Fatima với ba em nhỏ phía bên trái đường đi lên đã có sẵn từ ngày khởi đầu.
Đến thời cha Phêrô Nguyễn Văn Duyệt (1999-2004), vừa về tới nơi, Người cho mở lối xuống vòng phía sau cho cân đối có lên có xuống, cho đem nơi thứ XIV của chặng đường Thánh Giá tách biệt hẵn khỏi 13 chặng, đặt thêm tượng Chúa Sống Lại trên đường đi xuống với một Thiên Thần báo tin Chúa Phục Sinh. Công việc khó nhọc, nhưng chỉ trong vòng vài ba tháng là xong. Cuối đường xuống sẵn có tượng Mẹ Fatima, vì thế Người cho chuyển bốn tượng này cùng với con chiên sang bên phải trên cao đường đi lên. Đường đi xuống cũng đặt lan can như đường lên, nên rất thuận lợi cho những người già cả. Cha Duyệt ở với con chiên Bảo Nham 5 năm. Sang 2004 Người thay xuống Xuân Phong. Cha Chính (Nguyễn Xuân Chính) đến với Bảo Nham giữa mùa Noel năm 2004. Người đến đầu tiên chưa làm gì cho Lèn Đức Mẹ. Cuối năm 2005 mới bắt đầu xây lại bờ bao vây Lèn cho mới đẹp hơn. Và cuối năm 2006, tháng 10, mở đường xuống khu vực sau Lèn. Ở đây Người cho xây khu vườn Giệt. Trước hết Người đấu tranh dành lại khu ao, cho xây bờ vây ngăn cách đồng ruộng, phía trong thả Sen, đặt hai tượng lớn Thánh Phêrô và tượng  Thánh Micae lên vách núi đá, bốn tượng Chúa Giêsu và ba Thánh Tông Đồ ngày xưa trong vườn Giệt cũng được chưng bày trên vách núi. Tượng Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Thánh Gioan được đặt dưới nước, lùi sâu vào trong hang. Phía ngoài có cổng lớn bằng sắt. Đi vào nửa sân ngoài, có cây trồng và có những ghế đá. Nửa sân ngoài được nối với nửa sân trong bằng một cầu vồng. Công trình hoàn thành đúng vào dịp lễ chầu lượt-tháng 10-2006. Đây là một chiếc vườn đẹp, được tô thêm cảnh quang bằng những cây lớn bé do thiên nhiên bố trí, lại có bàn tay con người trồng thêm, có những ghế ngồi đặt vào những lùm cây có bóng mát, vừa ngắm cảnh vừa suy tư về những  mầu nhiệm nước Trời. Không khí bao giờ cũng dìu dịu, vì cái nóng mặt trời đổ xuống giữa mùa hè oi ả, liền được điều hoà bởi cái mát trong hang đá toả ra. Lại có những bóng mát của lùm cây lớn, che bóng mặt trời và đem lại khí mát cho cả vùng vườn.
Nhờ ơn Đức Mẹ Lộ Đức Bảo Nham, phần xây dựng lèn cái gì cũng xuôi chảy. Các cha xứ cũng không phải nhọc công chạy lui, chạy tới nhiều. Đối với Chính Quyền mọi việc đều được thông qua nhanh chóng và được sự nhất trí cao. Chúng tôi nghĩ là phải có Đức Mẹ phù hộ che chở. Đặc biệt đối với con cái, khi dấn thân làm việc cho Đức Mẹ cũng chắc chắn được Đức Mẹ giang cánh tay nâng đỡ khỏi hiểm nguy. Tuy các cha xứ mỗi người mỗi ý, nhưng công việc vẫn được hài hoà, vẫn giữ được quang cảnh Lèn tự nhiên, nhìn vẻ bề ngoài không có gì thay đổi.
Cũng nhờ ơn Đức Mẹ mà Lộ Đức Bảo Nham được sáng danh. Hằng năm có biết bao nhiêu người đến đây xin Đức Mẹ những ơn riêng hồn xác, kẻ được con, người được lại trâu bò, nhất là được ơn bỏ đường tội lỗi, trở nên con cái Đức Mẹ. Người ta đến dâng hương, dâng hoa tỏ lòng sùng mến. Cũng có người dâng cả những chai rượu còn mới nguyên.
Hằng ngày, cứ sau trưa, mấy chục chị em Tận Hiến đến đọc kinh hát vạn kính Mẹ. Mùa hè Cha dâng Thánh Lễ, nhất là những Lễ kính Mẹ. Hằng năm, ngày thứ sáu Tuần Thánh, Cha xứ và toàn thể con chiên đến đi đường Thánh Giá trọng thể, có giải thích, vừa hát vừa ngắm nguyện.                   
Bài vè sau, phần nào tóm tắt nội dung phần lịch sử, những gì chúng tôi vừa trình bày. Nó được lưu giữ đến ngày nay do ông Nguyễn Văn Huỳnh, một giáo dân Bảo Nham  đã ghi lại.

Vè Cố Xoan
Sáng tác năm 1947
Việt Nam  dân chủ Cộng Hoà
Tháng Ba năm ấy Cha đã khởi công
Ta suy gẫm trong lòng, kể vài lời cho xiết
Đáo tuần thất nguyệt, cha khai mạc làm Thành
Cái ơn nghĩa cha Hanh, bằng vàng, bằng ngọc
Công lao khó nhọc, dạy dỗ con chiên
Lập cái Thành Bảo Nham, tiếng bay ra mấy tỉnh:
Tỉnh Thanh, Hà Tĩnh, Tỉnh Nghệ, Quảng Bình
Cha lập Thành, hoan nghênh năm bốn bảy
Ơn cha như vậy để lại lâu dài.
Trên nhà thờ Chúa Ba Ngôi, ta đọc kinh xem Lễ
Dười cái Thành Đức Mẹ, để cứu chữa mọi người.
Lúc nguyện ngắm Mân Côi, lúc dâng hoa đọc vạn.
Ơn Thành nầy ngao ngán, ta nghĩ quyết thế nào
Trên nhà thờ Đá cao, dưới cái Thành cũng tỏ.
Ngoài đường quan đại lộ, sông thuỷ chảy ngư vời
Người thiên hạ đến coi, coi bề nào cũng chộ
Mấy lời cha tuyên bố, họ cũng vui lòng
Làm Thành nầy cho xong, để cha về tô sửa.
Lúc yên hàn thì chớ, lúc giặc dã trợ thân
Trước đã có một lần, nhờ Thành nầy mới sống.
Trời cao bể rộng, chẳng biết van ai,
Cậy trông Chúa mà thôi, Ngài nhậm lời cầu nguyện
Xa xôi tới đến, người gần viếng thăm
Ai sốt rét trong lòng, đến cậy trông Đức Mẹ
Ngài ban cho mạnh khoẻ, phần xác lại phần hồn
Ai có bạc có tiền, nên cúng vào việc ấy.
Mắt ta xem thấy, thiên hạ có lòng
Kẻ cúng vạn, cúng trăm, người cúng năm bảy chục
Ơn cha coi sóc, xếp đặt công trình
(1) Hai Thầy nhiệt thành, hết lòng hăng hái
Nơi xa xôi cũng tới, nơi biển hải truông eo
Thấy những khái với beo, thấy ngàn xanh rú rậm.
Thầy kêu tên cực trọng, cho được sự bình an
Để lo bạc liệu tiền, cho thành công được việc.
(2) Bà Trùm chí quyết, cúng tiền một cái bàn
Tính tiền Ba Mươi Quan, tam nhân mẫu tử
Trong sách có chữ, PHÚC HẬU NHĨ LAI
Ta suy gẫm vài lời, mới vui lòng cúng hứa.
Mắt ta đã chộ, thợ tượng vào rồi
Đàng trong Xã Đoài, Đàng ngoài Phát Diệm
Ơn Cha thương đến, được chốn hoan nghênh
Khi cầu nguyện đọc kinh, để thêm lòng sốt sắng.
Con gà gáy sớm khuya, con chim kêu ngày tháng
Biển hồ lai láng, thợ đá xung phong,
Trông thấy ngũ nhân, khai đàng mở ngõ
Ông Đình, ông Hạ, ông Nhiệm, ông Loan
Ông Tính dở dang tham gia bất nhật.
Mìn thì năm tấc, theo lệnh của Cha
Khi nào bắn ra, đồng nhân tuyên bố
Hư nhà nát cửa, cha sẽ bồi thường
Mở đường cấy thông thương, cho tiện đường lên núi.
Gia cư thay đổi, rộng rãi quang vinh.
Cha phát ló cho ăn, để đem về tô sửa
Tô nhà tô cửa, cho đẹp cho sang.
Các họ vội vàng, xung phong gánh tượng:
Thanh niên, huynh trưởng, lòng đã hy sinh
Gánh tượng lên Thành, công lao khó nhọc,
Lên cấp xuống bực, gánh vác nặng nề
Kẻ nói người nghe, đồng tâm hiệp lực.
Mẹ hãy giúp sức, cho ta vững vàng
Tượng đặt hai hàng, nhìn xem đã tỏ.
Tứ bề đại lộ, ta sửa cho bằng:
Nơi phải đá khó khăn, ta đưa mìn bắn phá.
Mở đường ra cho tỏ, tứ diện phương viên,
Cây Thánh Giá dựng lên, ta trông vào chầu Chúa.
Ta trông  nom chầu Chúa
Mấy đời mà chộ, cuộc trọng vui vầy
Người thiên hạ đến đây, vô vàn vô số.
Trước thì viếng Chúa, sau thời đi coi,
Nói một vài lời, theo chương trình việc ấy
Hai bên đàng cấy, đường Thánh Giá ngắm suy
Vào vườn Giệt-Si-Ma-Ni, ta dừng chân đứng lại,
Kêu van trông cậy, Đức Chúa Thánh Thần
Để Ngài ban ơn, phần hồn phần xác.
Khi trăng thanh gió mát, ta chơi nhởi chẳng nên.
Ta vào Thành cầu xin, để yên hàn giặc giã.
Thành nầy phép lạ, Chúa đã tỏ ra rồi,
Bom bắn phá khắp nơi, bất can thương tích,
Thay nhà đổi vách, vững viễn như thưòng.
Có ơn Chúa thương, thay lòng đổi dạ
Thợ tượng cũng khá, thợ đá cũng tài
Thiên hạ đến coi, thật lòng tin tưởng.
Thấy hình với tượng, thảm thiết trong lòng
Các việc nầy xong, đề phòng nhà quán,
Các họ trú tạm, các ngày lễ quanh năm, để thường       
                                                                 thường hội nghị.
Cảm ơn Cha tuyên uý, xếp đặt chỉnh tề
Hai bên đàng cấy, đủ vật liệu tiêu dùng
Ta nghe tiếng thành công, chẳng quản gì xa ngái
Đàn bà con gái, ăn mặc chỉnh tề
thanh niên ngựa xe, nón Tây đồ Xooc,
Thiên hạ mong ước, trông cho khánh thành.
¯¯¯

   Chú giải:
- Cái Thành, nay gọi là Lèn Thánh Đức Mẹ Lộ Đức Bảo Nham.
- Người xin của cải về xây dựng Thành là hai thầy nhiệt thành là thầy Khai và thầy Phượng.
- Người đóng góp vào Thành là: mẹ con bà Trùm Chánh.
- Thợ tượng: đàng trong Xã Đoài là ông Tuân, đàng ngoài Phát Diệm là ông Phê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét