Chào các bạn,
Các bạn đã nghe thấy cụm từ “rat race” bao giờ chưa?
Theo wikipedia
thì, “A rat race is an endless, self-defeating, or pointless pursuit.
It conjures up the image of the futile efforts of a lab rat trying to
escape while running around a maze or in a wheel.”
Đó là một cuộc đua vô tận, một cuộc chiến đấu với chính mình
trong đau khổ, hoặc là một cuộc theo đuổi vô nghĩa. Nó gợi lên hình ảnh
của những nỗ lực vô ích của một con chuột trong phòng thí nghiệm cố
gắng để thoát khỏi trong khi chạy trong một mê cung hoặc trong một bánh
xe. Một hình ảnh tương tự với Rat race là bức tranh Kiến bò miệng cối nổi tiếng của Thiền sư Hakuin.
“Often, people work long hard hours at
jobs they hate to earn money to buy things they don’t need, to impress
people they don’t like.” (Nigel Marsh)
Câu này hay được biết đến với phiên bản của nó là: “Chúng ta dùng
tiền mà chúng ta không có, để mua những thứ chúng ta không cần, nhằm gây
ấn tượng với những người chúng ta không thích!”
Điều đó không chỉ xảy ra trong thế giới vật chất, “rat race” còn thường xuyên xảy ra trong thế giới tinh thần (xét cho cùng thì vật chất và tâm linh chỉ là một, hình như mình nói câu này hơi nhiều lần ).
Khi còn nhỏ, chúng ta tin tưởng hoàn toàn vào bố mẹ.
Lớn lên một chút, khi đi học ta tin tưởng hoàn toàn vào thày cô.
Trong quá trình học Đại học, ta được học về Kinh tế chính trị tư tưởng, ta tin tưởng hoàn toàn vào Bác Hồ và đường lối của Đảng.
Khi ra đời đi làm và thấy đường lối của Đảng có quá nhiều vấn đề, tâm
lý nhược tiểu của ta khiến ta tin tưởng “các nước phương Tây” làm gì
cũng tốt hơn ta.
Sau đó ta nhận ra rằng các nước phương Tây cũng có những vấn đề, và
họ trông cậy vào niềm tin ở Chúa, cầu nguyện rất nhiều cho mình, cho
lãnh đạo của mình và cho thế giới.
Niềm tin ở Chúa, là điều đã được gạt bỏ một cách sâu đậm trong nền
giáo dục duy vật, con người tiến hóa dần dần từ động vật thành người
thông minh, không có đấng “Chúa” nào tạo ra con người cả. Viển vông vô
ích.
Trapped! Rat race!
Sai ở đâu? Có gì sai không hay quá trình “quá độ lên CNXH” tất yếu
phải diễn ra như vậy? Nhà nước nào chả có nhũng lạm tham nhũng, đòi có
thiên đường ngay làm sao có được?
Đặt lại vấn đề theo cách khác qua hai câu hỏi:
1. Động lực phát triển/tiến hóa của con người từ bao thế hệ nay là gì?
Nếu suy ngẫm kĩ, chắc bạn cũng đồng ý với mình rằng, trí tuệ là động
lực phát triển của loài người, bởi suy nghĩ tư duy là một dòng chảy liên
tục mà chúng ta không thể trốn tránh. Sự dừng suy nghĩ chỉ có ở người
đã chết mà thôi. Nếu trí tuệ của chúng ta không tiến triển theo đường xoắn lên thì chúng ta sẽ chạy mãi trong vòng rat race không thoát ra được.
2. Niềm tin và trí tuệ có liên quan gì đến nhau không?
Một trong những nhà yêu nước, nhà tư tưởng dân tộc có ấn tượng mạnh
nhất với mình là Phan Châu Trinh, người đã đấu tranh cả đời mình cho
phong trào bất bạo động, cho mục đích “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu
dân sinh”.
Điều thứ nhất và điều thứ ba khá là rõ ràng với chúng ta: là trí tuệ
và kinh tế, còn điều thứ hai là một khái niệm khá trừu tượng, tuy vậy,
chúng ta có thể dễ dàng nhận ra khí chất của một người qua phong cách,
dáng vẻ và một chút thời gian giao lưu. Điều quan trọng là, “khí chất”
được đặt ở giữa vì nó là cầu nối giữa trí tuệ và kinh tế, và quan trọng
hơn, nó chính là cầu nối giữa ý thức và tiềm thức của mỗi người, được
biểu hiện như là “aura”, một quầng khí hay vầng sáng bao quanh một
người, vô hình nhưng với một chút tinh tế chúng ta có thể cảm nhận dễ
dàng.
Sau khi suy nghĩ kĩ càng về nó, mình thấy rằng “khí chất”, sức mạnh
tinh thần luôn luôn đi kèm với niềm tin cao thượng vào giá trị thật, đủ
mạnh để một người luôn giữ vững nhân phẩm của mình và không bị những cám
dỗ danh lợi đánh lừa để đánh đổi giá trị thật của bản thân lấy bất cứ
điều gì thấp kém hơn. Niềm tin vào sự thật tuyệt đối này được vận hành
đúng theo nguyên lý tảng băng trôi, ảnh hưởng của nó đến đời sống chỉ có
10% được nhận ra ở tầng ý thức và 90% của nó tồn tại và gây ảnh hưởng ở
tầng tiềm thức.
Nếu bạn tin rằng bạn đã có đủ trí tuệ cần thiết, thì 90% trong tiềm
thức hoàn toàn nằm im và bạn tiếp tục trong vòng rat race của mình.
Nếu bạn khát khao hiểu biết thêm nữa, muốn biết nhiều hơn về sự thật,
đó là lúc phần tiềm thức của bạn bắt đầu hoạt động và hướng dẫn bạn đi
tìm câu trả lời cho mình. Sự phát triển trí tuệ của một người nằm trong
khả năng đưa ra câu hỏi và can đảm đi tìm câu trả lời đến cùng của người
đó, và thật may mắn là trong thời đại công nghệ vi tính này, thông tin
không còn khó khăn nữa, chỉ cần chúng ta dám tư duy và dám hỏi thôi. Mỗi
ngày một chút, niềm tin vào chân thiện mỹ sẽ giúp bạn khám phá khả năng
vô cùng của trí tuệ con người, bắt đầu từ những gì bạn đam mê nhất, hiểu biết nhất.
Và “hậu dân sinh” là hệ quả tất yếu khi có trí tuệ, có phẩm cách và
niềm tin vào sự thành công của thái độ làm việc chân chính, khi đó mỗi
chúng ta đều là những bông hoa làm đẹp cho đời, mà chẳng cần phải tỏ ra
xa hoa sang trọng. Khi có đời sống no đủ và tinh thần thanh cao, dù chưa
thoát khỏi vòng rat race hoàn toàn, chúng ta cũng tự biết đó là một bài
thể dục cần thiết và vòng xoắn lên sẽ giúp chúng ta thoát ra một ngày
nào đó mà không hụt hẫng, vì đã sống hết mình trong từng giây phút “ở
đây, lúc này”.
Chúc các bạn luôn có khí chất trong lành, tích cực.
Thân mến
Phạm Thu Hường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét