Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

THÁNH TẨY

Giáo hội luôn xác tín rằng bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu độ; tuy nhiên Giáo hội cũng nhìn nhận ơn cứu độ của những người chưa biết Chúa Kitô, mà vẫn sống theo tiếng lương tâm của mình. Niềm xác tín này dường như có vẻ mâu thuẫn nhau. Hãy trình bày quan niệm về ơn cứu độ của Kitô giáo, trong bối cảnh của việc đối thoại liên tôn hiện nay.

 

DẪN NHẬP
Trong suốt đời sống của mình qua mọi thời, Giáo Hội luôn mang trong mình bản chất: truyền giáo. Từ công đồng Vaticant II trở về trước, các nhà
truyền giáo và thần học luôn bận tâm vấn đề ơn cứu độ cho những người ngoài Kitô giáo. Và công đồng Vatican II như một luồng gió mới, có một cái nhìn trân trọng và tích cực hơn về vai trò cứu độ nơi các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Công đồng đã diễn ra 50 năm, thế nhưng Giáo hội ngày nay có định hướng như thế nào khi mà tư tưởng “ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều người.
Ngày nay, thế giới con người ngày càng phát triển về mọi mặt và có mối tương liên nhân vị cũng như các nhóm người, các dân tộc...thì mối liên kết càng chặt chẽ hơn. Do đó, Giáo Hội cần nhìn lại thái độ của mình với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Dưới khía cạnh đó, ơn cứu độ qua cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu thực hiện nơi bí tích Thánh Tẩy cũng được đề cập như một mấu chốt tạo nên sự đối thoại đại kết cũng như đối thoại liên tôn. Giáo hội luôn xác tín rằng, bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu độ; tuy nhiên Giáo hội cũng nhìn nhận ơn cứu độ của những người chưa biết Chúa Kitô, mà vẫn sống theo tiếng lương tâm mình. Vậy đâu là khúc mắc của vấn đề, khi mà: “Thánh Tẩy là phương thế tuyệt đối cần thiết để có thể được hưởng ơn cứu độ”[1] có cần thiết nữa không?

I/ ƠN CỨU ĐỘ TRONG KITÔ GIÁO
      1/ Đức Giêsu - Đấng cứu độ duy nhất
Không chỉ những người khác nói về Đức Giê-su nhưng chính Ngài cũng xác nhận điều ấy qua những lời giảng dạy và nhất là những hành động của Người. Đức Giê-su không trực tiếp nói rằng Người là Đấng Cứu Độ trần gian. Tuy nhiên, qua lời giảng và công việc Người làm Người bộc lộ đặc tính cứu độ của mình.
Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể đã hoàn thành công trình cứu độ mà Thiên Chúa Cha đã giao cho Người thực hiện. Bằng lời nói và bằng việc làm, bằng những dấu lạ điềm thiêng, nhưng đặc biệt bằng cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Người, Người đã hoàn thành đầy đủ mạc khải:
Trong cuộc vượt qua, Đức Kitô đã đón nhận “phép Thánh Tẩy” cuối cùng, đây chính là phép Rửa trong bửu huyết và trong cái chết của Người (Lc 12,50), từ đó Người khơi nguồn bí tích Thánh Tẩy cho mọi người; mọi người đều được “dìm vào” trong biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Đó chính là ý nghĩa nguyên thủy của bí tích Thánh Tẩy. Phép rửa cứu rỗi chính là máu Đức Giêsu Kitô “đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội.” Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người chính là nguồn mạch phát sinh sự sống mới cho nhân loại.[2]
Ai ai cũng được luôn được mời gọi để nên một với Đức Kitô trong chính hữu thể Ngài, vì ơn cứu độ là chính Đức Kitô. Trong Ngài, ta được tha thứ tội lỗi, được hòa giải với Thiên Chúa, được nên dưỡng tử và được ơn Thánh Thần. Vậy điều quan trọng là ta gặp được Đức Kitô, nhưng ta không thể gặp Ngài một cách minh nhiên, có thể cảm nhận được bằng giác quan, nên chính qua các bí tích mà đặc biệt là bí tích Thánh Tẩy - bí tích đầu tiên phát sinh sự sống, ta được kết hợp mật thiết với Ngài.[3]
“Thiên Chúa đã quyết định đi vào lịch sử loài người một cách mới mẻ và dứt khoát bằng cách sai Chúa Con mặc lấy xác phàm của chúng ta (AG, số 3).” Thế nên, Đức Kitô đã nhập thể thành thân phận con người. Ngài đã khai mở một con đường cứu độ bằng con đường tự hạ, vâng phục, yêu thương, hy sinh, nhẫn nhục cho đến chết trên thập giá và tội lỗi đã bị khử trừ trên đó. Thiên Chúa đã lên án tội lỗi ở trong xác thịt nơi Ngài (Rm 8,3) và ở nơi toàn thể nhân loại. Nhưng cái chết của Ngài là một sự trao thân cho tình yêu, một hy lễ dâng lên Cha trong Thần Khí và “Sự cứu chuộc thực hiện bằng Thập giá đã trả lại cho con người phẩm giá của con người và ý nghĩa cho sự hiện diện của con người trong thế giới (RH, số 10).” Sau Phục Sinh, Đức Kitô trong thân thể vinh hiển của Ngài đã khai sinh một thế giới mới, thánh thiện và công chính. Những ai được Thánh tẩy thì thuộc thế giới đó, không còn thuộc thế gian này và không còn bị án phạt nữa. Vì thế, mầu nhiệm sinh ơn cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất trong cái chết và sống lại của Đức Giêsu Kitô và luôn được hiện tại hóa. Ngài mang ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người qua cửa ngõ bí tích Thánh tẩy, nghĩa là “được dìm vào trong biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô.”[4] Ngài là Đấng duy nhất giải thoát (Xc. Cv 4,12) con người khỏi xiềng xích tội lỗi để đem lại cuộc sống viên mãn và được hưởng sự tự do của con cái Thiên Chúa.
2/ Đức Giêsu – Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người
Truyền thống Kitô giáo luôn đề cao và xác quyết vai trò trung gian cứu độ của Đức Kitô. Và từ sau Công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo cũng công nhận giá trị tích cực của các tôn giáo khác trong nhiệm cuộc cứu độ. Đức Kitô là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, vì hai bản tính đã kết hợp chặt chẽ qua biến cố nhập thể của Ngôi Lời. Như thế, trong một mức độ nào đó Con Thiên Chúa đã kết hợp với mọi người. Ngôi Lời đã nhập thể làm người, biến cố Nhập thể nói lên một thực tại hai phương diện vừa đi xuống vừa đi lên: Thiên Chúa “đi xuống” với loài người nơi Đức Kitô, và nhờ Đức Kitô là con Đường, con người được “đi lên” với Thiên Chúa. Tâm điểm và giá trị của trung gian này là hệ tại Tình yêu tự hạ: Thiên Chúa đã hạ mình xuống chia sẻ bản tính yếu hèn và đau khổ của loài người để con người có thể tham dự đời sống thánh thiện và hạnh phúc vô biên với Thiên Chúa. Vì vậy, Ngôi Lời của Ngài đã nhập thể, đã “nhân hóa” và đi vào trong lịch sử loài người. Cũng chính nhờ Con Thiên Chúa nhập thể mà con người mới được “thần hóa”, để cùng với Đức Kitô, con người được tham dự vào trong tiến trình kì diệu là “đi vào trong Thiên Chúa.” “vai trò trung gian duy nhất của Đấng Cứu Độ không loại trừ, nhưng đúng hơn còn làm dấy lên nơi các thụ tạo nhiều hình thức hợp tác khác nhau phát xuất từ cùng một nguồn gốc duy nhất (LG, số 62).” Đó cũng là ý nghĩa nhân học của Đấng Trung Gian mà Đức Kitô là Đấng thực hiện duy nhất và chung cuộc.
Trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, Ngài muốn cứu độ tất cả mọi người không trừ một ai. Để thực hiện ý định đó, Chúa Cha đã sai con Một là Đức Giêsu Kitô xuống thế thực hiện chương trình cứu độ. Ngài chính là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với con người: “chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với con người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô” ( 1Tm 2,5). Vì vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Đức Giê-su là Đấng trung gian hoàn hảo nối kết con người với Thiên Chúa, mang lại ơn cứu rỗi và sự sống thần linh. Đó là sự trung gian duy nhất; do đó, không thể chấp nhận bất cứ nguồn gốc hay phương thức cứu độ nào khác độc lập với Đức Ki-tô.

II/ ƠN CỨU ĐỘ PHỔ QUÁT
Chỉ có một nguồn ơn cứu độ duy nhất, là Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, nhưng nguồn ấy có thể đến với mọi người qua vô số ngõ ngách khác nhau. Và cửa duy nhất tuôn trào ơn cứu độ đến các ngõ ngách đấy chính là bí tích Thánh tẩy hiểu theo nghĩa rộng.
1/ Thánh Tẩy – Sự cần thiết cho ơn cứu độ
Giáo hội luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và cứu độ mọi người. Bên cạnh đó, chính Đức Giêsu cũng đã khẳng định bí tích Thánh Tẩy cần thiết để được cứu độ. Như thế, “Bí tích Thánh Tẩy là nền tảng toàn bộ đời sống đức tin của người kitô hữu, là bí tích khai tâm, là cửa ngõ dẫn chúng ta vào trong Hội thánh”[5]. Từ nguồn khởi này, Giáo hội không ngừng rao giảng cho mọi người được tháp nhập vào Giáo hội để họ được kết hợp mật thiết và trở thành con Thiên Chúa: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28,19).” Kinh Thánh cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của đức tin và phép Thánh Tẩy để được ơn cứu độ: “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí (Ga 3,5).”
Như thế, “Hội thánh cũng xác tín rằng phép Rửa là con đường do thánh ý Chúa ấn định để con người bước đi và đạt đến ơn cứu độ”[6]. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án (Mc 16,15-16).” Vậy, thánh tẩy là con đường duy nhất đem lại ơn cứu độ và những ai ngoài Giáo hội hữu hình này cũng được gia nhập Giáo hội và được cứu độ nhờ Thánh tẩy không phải hình thức phép rửa bằng nước mà là bằng các hình thức Thánh tẩy khác.
2/ Các hình thức Thánh tẩy
Vì Giáo hội là một mầu nhiệm nên việc gắn bó minh nhiên với Giáo hội bởi Phép Rửa bằng nước còn có sự gắn bó mặc nhiên bởi Phép Rửa bằng lửa và lòng mến. Chúa Thánh Thần hoạt động một cách phổ quát, không giới hạn trong không gian và thời gian (Xc. Rm 28). Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, hạt giống Lời Chúa đã âm thâm gieo vào lòng người, thắm nhuần trong giáo thuyết của các tôn giáo, hạt giống này cứ nằm ẩn (AG, số 11), rồi được Chúa Thánh Thần cho mọc lên thành cây, kêu gọi con người tìm đến Đức Kitô (AG, số 15). Các Kitô hữu thì đương nhiên thuộc về Giáo hội, còn những người ngoài Kitô giáo có niềm tin vào Thiên Chúa theo cách hiểu của họ, cũng như những người thành tâm thiện chí, không biết giáo lý nhưng ăn ngay ở lành với lương tâm ngay thẳng, thì vẫn thuộc về Giáo hội một cách nào đó. Bởi thế, không gian của ơn cứu độ vượt ra khỏi những định chế bề ngoài của Giáo hội. Bí tích Thánh tẩy hiểu theo nghĩa rộng tuy “chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa (Ep 4,4),” “nhưng lại có ba hình thức Thánh Tẩy khác nhau: Thánh Tẩy bằng máu, bằng nước và bằng Thánh Thần hay bằng lửa, cũng còn gọi là Thánh Tẩy bằng ước muốn[7].”
Thánh Tẩy bằng máu là Thánh Tẩy mà Chúa Giêsu đã chịu. Thánh Tẩy bằng nước là Thánh Tẩy theo nghi thức của Hội thánh và Thánh Tẩy bằng ước muốn là kiên trì làm những gì mình tin là phải làm theo tiếng nói của lương tâm.
Thiên Chúa không bỏ rơi ai kể cả những kẻ không biết Ngài, bởi vì chính Ngài đã ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự, vì là Đấng Cứu Thế Ngài muốn mọi người đều được cứu độ, cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ lương tâm, cố gắng sống đời chính trực thì Chúa quan phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu. Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế Ánh sáng muôn dân đã nói về Phép Rửa theo tiếng nói lương tâm tức là bằng ước muốn như sau:
Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực thì Chúa quan phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm, và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống (LG, số 16).
3/ Ơn cứu độ nơi các tôn giáo khác
Qua hơn hai mươi thế kỷ, Đức Tin Công Giáo không thay đổi, nhưng thần học thì có nhiều thay đổi. Giáo Hội Công Giáo không chỉ bó hẹp vào những người được Rửa tội bằng nước một cách cụ thể mà còn bằng lửa, bằng Thánh Thần. Cho nên những người chưa được nghe biết Tin Mừng, nhưng họ đã giữ Lời Chúa bằng lương tâm trong sáng, đã tin vào Đấng tạo dựng vũ trụ, tin có Đấng cứu độ và cuộc sống đời sau thì Nước Thiên Chúa không đóng lại với họ. Cũng như kẻ trộm lành bị đong đinh với Chúa trên đồi Golgotha, trong giây phút sau cùng đã nhận ra và tin vào Chúa, Chúa đã ban Nước Trời cho anh. Và có lẽ những kẻ thấy những hiện tượng lạ khi Chúa trút hơi thở cuối cùng mà có lòng thống hối và tuyên xưng "Quã thực, người này là con Thiên Chúa" cũng được ơn cứu độ (Xc. Mc 15 38-39).
Máu của Chúa đã đổ ra để cứu chuộc muôn người, cứu chuộc những ai tin vào Người. Lòng tin ấy đã được Chúa xác định "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho ai không thấy mà tin (Ga 20,29).” Nhiều người chưa thấy mà tin đã, đang và sẽ được ơn Cứu Độ. Giáo hội tuy không minh nhiên nhìn nhận sự đóng góp của các tôn giáo khác trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng đã nhìn nhận Thánh Thần hiện diện nơi các tôn giáo và trong tư cách của họ, có thể thực thi một chức năng cứu độ nào đó, nghĩa là các tôn giáo có thể giúp con người đạt đến cứu cánh tối hậu của mình, mặc dù còn mập mờ thiếu sót.
Ơn cứu độ lan tỏa đến nơi các tôn giáo khác “bằng những con đường mà chỉ duy Thiên Chúa biết mà thôi, dưới tác động vô hình của Thần Khí Đức Kitô. Nói một cách cụ thể, chính khi chân thành làm điều thiện theo truyền thống tôn giáo của mình và sống đúng theo tiếng gọi của lương tâm, tín đồ của các tôn giáo này đã trả lời một cách tích cực lời mời của Thiên Chúa và lãnh nhận ơn cứu độ nơi chính Đức Giêsu Kitô, cho dù họ không nhận biết Ngài và không tuyên xưng Ngài như Đấng cứu độ của mình.”[8]
Tuyên ngôn Nostra Aetate nói đến sự hiện diện của một “tia sáng của chân lý soi dọi mọi người (NA, số 2),” nơi các truyền thống tôn giáo, đồng thời nhìn nhận sự hiện hữu của các “hạt giống Lời” và gợi lên “những kho tàng phong phú mà Thiên Chúa ban cho các dân tộc do lòng độ lượng của Ngài (AG, số 11),” trong Lumen Gentium cũng nhắc đến ơn ích “đã được gieo” không chỉ trong tâm trí con người mà cả “nơi các lễ nghi và tập tục của các dân tộc (AG, số 17).” Công đồng cho rằng các giá trị nơi các tôn giáo là sự hiện diện tích cực của chính Thiên Chúa qua Ngôi Lời của Ngài, và cũng là hành động phổ quát của Thánh Thần. Hiến chế Ad Gentes quả quyết rằng: “chắc chắn Thánh Thần đã tác động trong thế giới trước khi Đức Kitô được tôn vinh (AG, số 4).” Như thế, nội dung và các yếu tố ấy đã và luôn đóng một vai trò do sự quan phòng để thể hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa, với tư cách là công cuộc chuẩn bị cho Phúc Âm.
Giáo hội nhìn nhận những giới hạn của mình về ơn cứu độ. Giáo hội không có tham vọng đồng nhất mình với Nước Chúa (LG, số 9). Giáo hội khẳng định mình là: “bí tích cứu độ phổ quát (GS, số 9),” là “dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất với Thiên Chúa và với toàn thể nhân loại (LG, số 1).” Giáo hội cũng tin rằng “Thánh Thần ban cho tất cả mọi người khả năng tham dự vào Mầu nhiệm Phục sinh theo cách thức chỉ Thiên Chúa biết (GS, số 22).” Giáo hội cũng nhìn nhận nơi các tôn giáo khác “có sự thiện và chân lý (OT, số 16).” Đây là thái độ tích cực của Giáo hội đối với các tôn giáo khác. Chúng ta có thể nói rằng chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau trong suốt lịch sử nhân loại.
Các tôn giáo khác tuy không minh nhiên tin nhận ơn cứu độ nơi Đức Kitô – Thiên Chúa làm người, nhưng chính trong giá trị đời sống tôn giáo nơi họ cũng có những mảng sự thật, mà sự thật đó đều bắt nguồn từ Đức Giêsu Kitô.
KẾT LUẬN
Ơn cứu độ bắt nguồn từ Thiên Chúa, thông qua cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô, ta được tái sinh và làm con Chúa, thế nên không có gì mâu thuẫn giữa hai quan điểm: bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu độ và nhìn nhận ơn cứu độ của những người chưa biết Đức Kitô. Cả hai quan điểm độc lập với nhau, nhưng tạo nên một niềm xác tín duy nhất, Thiên Chúa là nguồn mạch cứu độ và Ngài muốn cứu độ hết mọi người. Ngoài ra, hoạt động của Chúa Thánh Thần thì vượt khỏi mọi biên giới và Đức Kitô, Ngôi Lời và là Đấng phục sinh không thể chỉ giới hạn trong Giáo hội Ngài đã lập mà vượt trên không gian, thời gian và chỉ một mình Thiên Chúa biết. Qua Thánh Tẩy, người Công giáo đi vào con đường duy nhất để được cứu độ; qua hình thức Thánh Tẩy khác, người không công giáo đi đường vòng để có được ơn cứu độ.
Công Đồng Vatican II khẳng định chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo hội mời gọi tín hữu cố gắng khám phá Hạt Giống Ngôi Lời mà Thần Khí gieo vãi nơi tâm hồn con người cũng như trong lễ nghi và văn hóa của các dân tộc. Có thể nói được rằng trong các tôn giáo đều tìm được mầm mống chân lý là ý hướng cùng tìm về cái tuyệt đối, sâu xa, cao vời nhất.
NVT, SVD


DANH MỤC THAM KHẢO

CĐ Vat.II. AG. Sắc Lệnh về Hoạt động truyền giáo. Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, 1972.
CĐ Vat.II. GS. Hiến chế về Mục vụ. Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, 1972.
CĐ Vat.II. LG. Hiến chế về Hội Thánh. Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, 1972.
CĐ Vat.II. NA. Tuyên ngôn về Các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, 1972.
CĐ Vat.II. OT. Sắc Lệnh về Ðào Tạo Linh Mục. Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, 1972.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch: Nhóm CGKPV. Tp. HCM: Tôn Giáo, 1997.
Gioan Phaolô II. RH. Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người.
Kinh Thánh Trọn Bộ. Bản dịch: Nhóm CGKPV. Tp.HCM: Tôn Giáo, 2012.
Mermet, Theodule  Rey. Vivre la Foi dans les Sacrements. Bản dịch: Nguyễn Đức Thông. Sống đức tin trong các bí tích. (không rõ nơi và năm xuất bản).
Nguyễn Thái Hợp. Đức Giêsu Kitô Và Các Con Đường Cứu Độ Khác. http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=98&ia=8931.
Phạm Quốc Văn. Từ Cạnh Sườn Bị Đâm Thâu. Lưu hành nội bộ, 2012.
   

[1] Phạm Quốc Văn, T Cạnh Sườn Bị Đâm Thâu – Bí Tích Học Chuyên Biệt, lưu hành nội bộ, 2012,  tr.34.
[2] Sđd., tr.39.
[3] Theodule  Rey – Mermet, Vivre la Foi dans les Sacrements, Bản dịch Nguyễn Đức Thông, Sống đức tin trong các bí tích, (không rõ nơi và năm xuất bản), tr. 55.
[4] Phạm Quốc Văn, sđd., tr.39.
[5] Sđd., tr.34.
[6] Sđd., tr.41.
[7] Sđd., tr.43.
[8] Nguyễn Thái Hợp, Đức Giêsu Kitô Và Các Con Đường Cứu Độ Khác, truy cập ngày 26/12/2012; http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=98&ia=8931.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét