Chúng tôi đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ bệnh nhân MAI HÒA, tận mắt chứng kiến một cảnh tượng cảm động: Những đứa trẻ nhiễm HIV được đón nhận, được cho một mái ấm và cao hơn cả là tình yêu thương của những người mẹ nữ tử bác ái có tấm lòng nhân hậu, tận tâm tại trung tâm này.
“Chúng tôi, những người được phân nhiệm về đây chăm sóc các em có nhiều lúc cũng chán nản và muốn chuyển đi công tác nơi khác. Nhất là khi chứng kiến những cái chết thương tâm… Nhưng nhìn những gương mặt thơ ngây đã sớm phải gánh chịu nỗi đau của căn bệnh thế kỷ, chúng tôi quyết định ở lại và tiếp tục phục vụ hết mình chỉ mong xoa dịu phần nào cho các em…”. Đó dường như là tâm niệm của các xơ dòng Vinh Sơn Phao Lô phục vụ tại Trung tâm HIV Mai Hòa (TPHCM)
“Chúng tôi, những người được phân nhiệm về đây chăm sóc các em có nhiều lúc cũng chán nản và muốn chuyển đi công tác nơi khác. Nhất là khi chứng kiến những cái chết thương tâm… Nhưng nhìn những gương mặt thơ ngây đã sớm phải gánh chịu nỗi đau của căn bệnh thế kỷ, chúng tôi quyết định ở lại và tiếp tục phục vụ hết mình chỉ mong xoa dịu phần nào cho các em…”. Đó dường như là tâm niệm của các xơ dòng Vinh Sơn Phao Lô phục vụ tại Trung tâm HIV Mai Hòa (TPHCM)
Ngay khi còn nằm trong bụng mẹ hoặc vừa mới sinh ra, những đứa trẻ nhiễm HIV đã bị tuyên án “tử hình”. Những đứa trẻ vô tội phải trả giá, gánh chịu cho những sai lầm sa ngã của cha mẹ. Mồ côi khi vừa mới sinh ra, bị người đời xa lánh, kỳ thị, đó là những gì mà các em đang phải gánh chịu. Cuộc đời của các em dường như đã khép lại ngay khi mới bắt đầu.
Đã bao nhiêu năm gắn bó với các em tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ bệnh nhân Mai Hòa, các xơ nữ tử bác ái đã trải qua bao kỷ niệm với trung tâm này. Họ là những người hiểu hơn ai hết về nỗi đau mà các em phải gánh chịu.
Một xơ tâm sự với tôi: “Đa số các em đến đây từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng đều trong tình trạng da bọc xương. Có nhiều trẻ sơ sinh khi vào đây mụn mọc đầy người nhìn rất đáng thương. Những em như vậy đòi hỏi phải có sự chăm sóc đặc biệt. Cũng có nhiều em khi chuyển vào bị sốt rất cao, các xơ đã thay nhau thức cả đêm để chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh để xử lý kịp thời”.
Mỗi lần kiểm tra những em nhiễm bệnh ở vào giai đoạn cuối và biết các em sắp phải “kết thúc” cuộc sống, lòng các xơ bảo mẫu như thắt lại.
Không chỉ đau đớn về thể xác mà nỗi đau tinh thần của các em mới chính là điều mà các xơ bảo mẫu lo lắng nhất. Ngoài những em còn quá nhỏ chưa hiểu biết, những em đã hiểu được căn bệnh đang mang trong người khó tránh khỏi mặc cảm. Chỉ có những tấm lòng thương yêu, chia sẻ mới có thể xoa dịu niềm đau ấy.
Chúng tôi đã tổ chức những trò chơi và kèm theo những món quà rất bắt mắt nhưng cũng chỉ những em nhỏ tham gia một cách vô tư, hồn nhiên còn những em đã lớn thì…dù tôi đã cố gắng tiếp cận để tâm sự nhưng đều vô ích!!!
Nhắc tới căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS ai cũng cảm thấy ghê sợ. Nguy hiểm, sợ hãi là vậy nhưng ngày ngày tập thể các xơ tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ bệnh nhân Mai Hòa vẫn coi đó như một công việc “bình thường” của mình vì trong mỗi con người ấy luôn tràn đầy nhiệt huyết, sự đồng cảm và tình yêu thương.
Để phòng tránh những nguy cơ lây nhiễm cao, các xơ bảo mẫu tại trung tâm đều được qua một khoa huấn luyện và có những quy định cụ thể để hạn chế rủi ro khi tiếp xúc với các em mang bệnh. Quy định là vậy, nhưng trong nhiều trường hợp phải phá bỏ nội quy bởi nó giống như bức tường ngăn cách tình yêu thương mà các xơ dành cho các bé bất hạnh.
Xơ bề trên trung tâm tâm sự: “Nhiều lần chứng kiến các bé ra đitrước mặt mình mà không giúp được gì, những lần như vậy tôi khóc rất nhiều, tôi cảm thấy sao số phận con người quá mong manh nhất là với các em nhỏ vô tội. Tuy không phải là máu mủ ruột thịt nhưng tôi coi chúng như con, mỗi đứa mất đi là một niềm đau không thể xóa”.
Không chỉ các em nhiễm bệnh phải chịu sự kỳ thị mà chính các xơ bảo mẫu cũng chung nỗi niềm ấy. “Trước đây sự kỳ thị của mọi người với những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS còn rất nặng nề. Họ cứ nghĩ chỉ cần tiếp xúc với người bệnh là có thể lây nhiễm, nghe tôi nói làm việc ở trung tâm chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV thì dường như mọi người đều xa lánh ”_một xơ tâm sự.
Nhưng thời gian cũng khiến nhiều người thay đổi quan niệm và có cái nhìn đúng đắn hơn về những người nhiễm bệnh và cả những người làm công việc chăm sóc. Cộng đồng đã cùng chung tay xoa dịu phần nào nỗi đau mà các em nhỏ vô tội đang phải gánh chịu. Ngày càng có nhiều hội đoàn, các tổ chức trong và ngoài nước ghé thăm tới đây nhiều hơn.
Đoàn sinh viên đồng hương giáo xứ Cẩm trường chúng tôi tới đây nhân dịp sắp diễn ra đại lễ giáng sinh, cũng chỉ mong gửi tới các em và những xơ bảo mẫu những lời động viên tinh thần. Đặc biệt là giờ chầu thánh thể sốt sắng cùng các thành viên nơi đây, để cùng các em dâng lên Thiên Chúa những nỗi đau đang phải trải qua hằng ngày, và cùng các xơ phó dâng những mệt nhọc trong công tác chăm sóc bệnh nhân.
Sau giờ chầu thánh thể, chúng tôi tiếp tục tổ chức trò chơi cho các em.
“Con muốn được đi học như các anh chị, con muốn làm cô giáo mần non, con muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người... nhưng không biết có sống được tới lúc đó không?”, câu nói vô tình bật ra từ một bé làm lòng tôi như thắt lại. Tôi thấy sâu trong ánh mắt trẻ thơ kia là những nỗi niềm tủi phận. Tôi cũng chẳng nói được gì nữa trong khi đang còn diễn ra trò chơi, tôi chỉ biết lặng lặng đến ngồi kề bên em, sống mũi tôi lúc này đã cảm thấy cay cay.
Chắc bên trong tâm hồn trong sáng kia còn ấp ủ biết bao hoài bão nhưng tất cả…chỉ là những lời tâm sự được chia sẻ với tôi trong ngậm ngùi. Tôi ôm chầm lấy đầu em và để em tựa vào vai tôi. Tôi chỉ muốn nói:”ước gì anh có thể làm gì được cho em”.
tổ chức vui chơi giáng sinh cho các em…
những nụ cười ngây thơ trong sáng của các em…
Rồi giờ ăn tối cũng đã đến, nhìn những nụ cười vô tư trên bàn ăn của các em mà chúng tôi đã thấy vơi bớt phần nào những ngậm ngùi. Sau khi cho các em ăn xong thì đoàn chúng tôi phải chia tay trung tâm, lên xe bus trở về thành phố để tiếp tục công việc học tập của mình. Trong giờ chia tay, các em quấn quýt bên chúng tôi như lưu luyến không muốn rời xa, một câu nói mà giường như em nào cũng thốt lên là:”lúc nào thì anh lại ghé tới đây”. Nước mắt của tôi đã rơi tự lúc nào không biết, cho đến lúc này các em vẫn mong mỏi từ xã hội những chia sẻ, sự quan tâm, thăm hỏi, để các em không phải cô đơn chống chỏi một mình trong thế giới của căn bệnh thế kỉ.
Jos. Nguyễn Đình Hướng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét